Động đất ở Nepal: Nhà ở mới là vấn đề 

ANH NGUYỄN 05/05/2015 01:05 GMT+7

Khoảng một tuần trước trận động đất kinh hoàng ngày 25-4-2015, 50 chuyên gia về động đất và xã hội học trên khắp thế giới đã tề tựu về Kathmandu để tính toán làm cách nào cho vùng đất vừa nghèo, vừa đông dân này có thể chống chọi tốt hơn với một trận động đất lớn kiểu năm 1934.

Những ngôi nhà siêu mỏng ở Kathmandu làm tăng nguy cơ thương vong sau động đất. Ảnh:Cosmo Magazine

Năm đó, trận động đất 8,4 độ Richter đã làm khoảng 17.000 người thiệt mạng ở cả Ấn Độ và Nepal. Tất cả đều biết họ đang chạy đua với thời gian.

“Đó là cơn ác mộng mà ai cũng biết là sẽ xảy đến - nhà địa chấn học James Jackson, trưởng khoa về khoa học trái đất của ĐH Cambridge, nói với AP - Về mặt vật chất và địa lý, những gì xảy ra diễn ra đúng như những gì chúng tôi nghĩ”. Chỉ có điều giới khoa học không nghĩ rằng trận động đất lớn sẽ xảy ra sớm như vậy, vào hôm 25-4.

75 năm một lần

“Một mảng kiến tạo lớn của Trái đất, với chiều dài khoảng 120km, rộng 60km, lao về phía nam khoảng 3m trong vòng 30 giây. Nằm trên đỉnh của mảng kiến tạo này chính là thủ đô của Nepal, Kathmandu và hàng triệu người dân ở đó”.

Đó là cách miêu tả trận động đất hôm 25-4 ở Nepal theo giáo sư Roger Bilham, nhà địa chấn học hàng đầu thế giới về động đất ở Himalaya từ ĐH Colorado. Trận động đất đến giờ đã làm gần 5.000 người thiệt mạng và con số này có khả năng còn tăng cao nữa (thủ tướng Nepal nói có thể lên đến 10.000 người thiệt mạng).

Hàng loạt di sản văn hóa và di sản thế giới hàng trăm năm tuổi của Nepal bị phá hủy trong chớp mắt. Thành phố Kathmandu đã bị di chuyển đến vài mét sau trận động đất. Ít nhất đã có khoảng 100 đợt dư chấn được ghi nhận sau trận động đất 7,8 độ Richter này.

Hơn 25 triệu năm trước, Ấn Độ vốn từng là một lục địa riêng trên một lớp vỏ trượt rất nhanh của Trái đất đã đâm rất mạnh vào lục địa châu Á. Hai khối đất lớn này đến giờ vẫn đẩy nhau qua lại khoảng 4cm/năm. Các lực đẩy này khiến dãy Himalaya mỗi năm tiếp tục cao thêm và đồng thời tạo ra một loạt trận động đất khủng khiếp.

GeoHazards International, tổ chức NGO chuyên về động đất, đã tính toán là các trận động đất lớn ở đây sẽ diễn ra cứ mỗi 75 năm. Brian Tucker, chủ tịch và là người sáng lập GeoHazards, nói ngay từ những năm 1990, tổ chức của ông đã dự đoán là trận động đất khủng khiếp năm 1934 sẽ lặp lại lần nữa và sẽ có khoảng 40.000 người thiệt mạng vì tình trạng dân cư đông đúc và các tòa nhà kém chất lượng ở đây.

Mọi người đã lo ngại về động đất ở Kathmandu từ lâu. Không chỉ vì nơi đây nằm ngay trên một trong những đứt gãy lớn nhất của Trái đất mà vì các yếu tố con người, xã hội ở đây càng khiến thương vong lớn có thể xảy ra nếu có động đất.

Giới chuyên gia tính toán cùng một rung lắc quy mô như vậy thì tác động sẽ khác nhau đối với từng vùng trên Trái đất và phụ thuộc rất nhiều vào các công trình xây dựng và dân số ở đó. Nhà địa chấn học David Wald của Cơ quan nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) tính toán cùng cơn địa chấn như ở Kathmandu sẽ làm 10-30 người thiệt mạng trên 1 triệu dân ở California, hơn 1.000 người ở Nepal và lên tới 10.000 người tại các vùng như Pakistan, Ấn Độ, Iran và Trung Quốc.

Thương vong từ các tòa nhà

Trong khi nguyên nhân gây ra thảm họa là tự nhiên - động đất - nhưng “hậu quả chính xuất phát từ con người” - ông Jackson nói.

“Chính các tòa nhà là nguyên nhân giết người chứ không phải là động đất... Vấn đề chính của châu Á là cách mọi người sống tụ tập rất đông ở các khu nguy hiểm” - ông Jackson nhấn mạnh. Các biện pháp đơn giản như gia cố tường, tránh treo các vật dụng trên tường hoặc gia cố chắc các thứ treo ở tường có thể giảm thiểu đáng kể các thương vong.

“Họ biết là có vấn đề nhưng thành phố quá lớn, quá đông dân nên họ chẳng biết bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào” - Hari Ghi, điều phối khu vực Đông Nam Á của GeoHazards International, tổ chức chuyên về các nguy cơ động đất toàn cầu, nói.

Các chuyên gia Ghi, Jackson và Wald nói Nepal đã có những tiến bộ nhất định trong việc giảm thiểu tác động của động đất nhưng tốc độ họ làm không đủ nhanh và chưa đủ rộng.

“Với tốc độ tăng dân số trung bình 6,5%/năm và là một trong những khu đô thị với mật độ đông nhất thế giới, 1,5 triệu dân sống ở thung lũng Kathmandu đang đối mặt với nguy cơ động đất rất nghiêm trọng - báo cáo của nhóm Ghi nói - Mọi thứ rất rõ là trận động đất lớn tiếp theo ở gần khu thung lũng sẽ gây ra tổn thất rất lớn về người, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, khó khăn kinh tế hơn rất nhiều các trận động đất trước kia”.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trời, Nepal không hề có các quy định về xây dựng và có quá nhiều công trình xây dựng mới hoàn toàn không quan tâm gì tới động đất. Gần đây, Nepal đã có quy định mới về xây dựng nhưng điều này không giúp gì cho các ngôi nhà cũ và không được coi là đủ mạnh.

Trên góc độ nào đó, quy định ở địa phương lại càng làm vấn đề thêm phức tạp. Luật thừa kế ở đây yêu cầu tài sản được chia đều giữa các con trai, đồng nghĩa là những tòa nhà được chia ra thành các lô, phòng rất nhỏ.

Sau mỗi lần phân chia tài sản sẽ xuất hiện hàng loạt nhà ống siêu mỏng với các gác, tầng tạm bợ, điều này càng đẩy nguy cơ rủi ro lên cao. Theo một tính toán thì có đến 80% tòa nhà mới ở Nepal được xây lên mà không nhờ các kỹ sư xây dựng.

Santosh Gyawali trong một bài viết năm 2013 cho Cơ quan viện trợ Mỹ USAID, kêu gọi áp dụng các quy định xây dựng chặt chẽ hơn, từng dự đoán: “Với dân số ước tính khoảng 3 triệu người sống ở Kathmandu, các chuyên gia tính toán rằng các trận động đất lớn sẽ khiến ít nhất 100.000 người thiệt mạng, 300.000 người bị thương và khoảng 1,6 triệu người mất nhà cửa”.

Khi đo chỉ số an toàn với động đất năm 2001, giới chuyên gia đã so sánh khoảng 21 thành phố có nguy cơ trên thế giới và đánh giá Kathmandu sẽ có tỉ lệ tử vong cao nhất từ động đất.

Tuy nhiên, Jackson cũng thừa nhận: “Nếu bạn sống ở thung lũng Kathmandu, bạn sẽ có những ưu tiên, những mối lo hằng ngày và nhiều thứ đáng ngại khác về không khí, chất lượng nước, ô nhiễm, giao thông và đơn giản là cái nghèo. Nhưng những lo lắng đó không có nghĩa là khiến động đất biến mất”.

Chưa phải trận động đất lớn?

Đáng lo ngại hơn, một số chuyên gia cho rằng thảm họa ngày 25-4 vẫn chưa phải là trận động đất lớn mà khu vực này phải đối phó. Tạp chí Down To Earth trích lời giáo sư Roger Bilham cho rằng “với cường độ 7,8 độ Richter, trận động đất hôm 25-4 đã phá hủy rất lớn, nhưng đây không phải là “trận động đất Himalaya lớn” mà mọi người lo chờ, mà phải là cường độ 8 độ Richter trở lên”.

Có hai trận động đất lớn đã xảy ra ở khu vực này trong 81 năm qua. Ngoài trận động đất 8,3 độ Richter hồi năm 1934, một trận động đất lớn 8,6 độ Richter đã làm rung chuyển khu vực Assam và Tây Tạng hồi năm 1950.

Giáo sư Sankar Kumar Nath của IIT Kharagpur, người nghiên cứu các hoạt động địa chấn vùng Himalaya, thậm chí còn bi quan hơn. “Trận động đất này chỉ được phân loại ở mức trung bình. Dải khu vực dài 2.500km từ vùng Hindukush tới cuối Arunachal Pradesh có khả năng tạo ra trận động đất lớn hơn rất nhiều, thậm chí ở mức 9 độ Richter” - ông nói.

“Nếu nhìn khác đi, có thể nói rằng chúng ta đã rất may mắn khi trận động đất chỉ là 7,8 độ Richter. Tôi sẽ vui nếu có vài trận động đất 7,8 độ Richter thay vì một trận 9 độ Richter, điều sẽ là thảm họa thật sự. Vấn đề là trên góc độ giải phóng năng lượng sẽ phải cần tới 40-50 trận động đất 7,8 độ Richter thì mới tránh được một trận động đất 9 độ Richter” - ông nói với Indian Express.

Kathmandu và khu vực thung lũng xung quanh nằm trên khu vực lòng hồ cổ đã khô cạn, điều này càng khiến trận động đất thêm nghiêm trọng. “Khu vực đất rất mềm càng làm khuếch đại các chuyển động dư chấn” - ông Tucker nói.

Kathmandu không phải là nơi duy nhất có nguy cơ động đất cao. Theo ông Tucker, Tehran (Iran), Haiti, Lima (Peru) và Padang (Indonesia) là những vùng có nguy cơ cao tương tự. Ở những khu vực này, các đứt gãy kiến tạo đang chịu nhiều áp lực trong khi các quy chuẩn về xây dựng và đối phó với thiên tai rất yếu.

Không phải mọi thành phố đều chủ quan đối với động đất. Trong 76 năm vừa rồi, rất nhiều trận động đất đã xảy ra dọc đứt gãy ở phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu từ phần phía đông và dịch chuyển dần sang phía tây, hướng về Istanbul.

Một trận động đất hồi năm 1999 đã làm hơn 17.000 người thiệt mạng và phần lớn ở thành phố Izmit, phía đông Istanbul. Có dự đoán tâm chấn  của trận động đất lớn tiếp theo sẽ nằm ngay sát Istanbul. “Istanbul là nơi rất quyết liệt trong việc áp dụng các quy định xây dựng mới - ông Tucker nói - Tôi nghĩ Istanbul đang chuẩn bị tốt”.        

Kathmandu là nơi từng xảy ra nhiều trận động đất. Trong vòng 205 năm qua, đây đã là trận động đất lớn thứ năm mà thành phố này gánh chịu (trong đó có cả trận động đất kinh hoàng năm 1934). Trận động đất xảy ra hôm 25-4 diễn ra ở khu vực khá nông, cách mặt đất khoảng 11km. Với mức độ 7,8 độ Richter, thực tế trận động đất này tạo ra sức phá hủy nhỏ hơn so với trận động đất năm 1934. Roger Bilham, giáo sư về địa chất của ĐH Colorado, người nghiên cứu về lịch sử của các trận động đất trong vùng, nói động đất diễn ra trong khoảng hai phút và đứt gãy trượt thêm khoảng 3m dọc theo khu vực đứt gãy dài chừng 120km ở ngay dưới Kathmandu.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận