Đột quỵ - căn bệnh của thời đại

TTCT - Đột quỵ được ví như “sát thủ giấu mặt”, là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch, nhưng đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật. Nếu trước đây đột quỵ thường gặp ở người lớn tuổi thì nay bệnh nhân của căn bệnh này dần dần trẻ hóa.

Ảnh: New Atlas

Di chứng của căn bệnh này đang trở thành một vấn đề lớn cho cả gia đình lẫn xã hội. Nhiều người đang là trụ cột của gia đình, bỗng thành người tàn phế, sống hoàn toàn phụ thuộc vào người thân.

Gãy trụ cột gia đình

Chị nằm gần như bất động, đầu cạo trọc, lỗ mũi gắn đủ thứ dây nhợ, chỉ còn đôi mắt thỉnh thoảng chớp chớp như muốn nói điều gì. Chỉ mới đây thôi người phụ nữ này vẫn khỏe mạnh, một tay chèo chống nuôi hai đứa con cùng mẹ già suốt bao năm qua.

Thực tại đầy éo le này là của chị Huỳnh Thị Nguyệt, 44 tuổi, quê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Đang sống bình an với việc bán phở mỗi ngày ở quê, thu nhập chừng 200 ngàn/ngày, chị bất ngờ gặp tai họa vào rạng sáng 17-12.

“Khoảng 1h sáng bà ấy thức dậy đi chợ mua đồ về nấu phở, đột nhiên té nhào đập đầu xuống nền gạch. Bà ấy cố hết sức lết vào nhà đập cửa kêu cứu hai đứa con rồi nhờ người đưa đi cấp cứu trong tình trạng méo miệng, ú ớ, tay và chân liệt một bên”, anh Nguyễn Văn Lý (43 tuổi), người thân của bệnh nhân, kể.

Gia đình tức tốc chuyển chị lên bệnh viện huyện và chỉ ít phút kiểm tra, bác sĩ quyết định chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhân dân 115 ngay trong đêm với hi vọng kịp thời gian vàng. Chị nhanh chóng được chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật lấy huyết khối thông tắc mạch máu trong não.

Được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng di chứng để lại cho chị khá nặng nề. Hôm chúng tôi gặp (5 ngày sau phẫu thuật), chị nằm gần như bất động, chưa nói được gì dù đôi môi mấp máy.

“Bây giờ mọi sinh hoạt, ăn uống tôi đều phải phụ giúp chị” - anh Lý nói - “Từ ngày bà ấy nhập viện, mọi việc trong gia đình bị đảo lộn hết”. Phía sau chị Nguyệt, hai đứa con và người mẹ già yếu chưa biết trông cậy vào đâu. `

Cuộc đời của ông Mai Văn Sang (53 tuổi, ngụ huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) thay đổi hoàn toàn sau một giấc ngủ. Chỉ sau một cơn “ú ớ” giữa đêm khuya, giờ đây ông Sang phải nằm trên giường bệnh, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào người vợ, vốn là người sống phụ thuộc lâu nay.

Với một mẫu khoai mì bình thường chỉ đủ trang trải chi tiêu hằng ngày và lo cho con gái út học đại học, từ khi ông Sang nhập viện, gia đình rơi vào cảnh bí bách, các con gom góp chút đỉnh, cộng với tiền vay mượn để trang trải viện phí.

 “Tui bị tiểu đường lâu. Ở nhà ổng là vai chính, đến chén dĩa tui còn không rửa được. Giờ ổng đổ bệnh, tui cũng yếu lắm, có đỡ nổi ổng đâu” - bà Nguyễn Thị Hồng Diệu (vợ ông Sang) than thở. 

Người phụ nữ này chỉ biết nhắc đi nhắc lại lời bác sĩ dặn dò, rằng “Sau ca mổ, di chứng của ổng nặng nề lắm, có thể sẽ nằm liệt một chỗ, gia đình từ nay cố gắng chăm sóc”.

 Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Long ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có đến 5 người thân bị đột quỵ, trong đó có 3 người qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Ảnh: HOÀNG LỘC

Ám ảnh “gia đình đột quỵ”

Hiếm gia đình nào lại mang nỗi ám ảnh về đột quỵ như gia đình chị Nguyễn Thị Kim Long ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Có đến 5 người thân của chị bị đột quỵ, trong đó 3 người đã qua đời.

Gác lại công việc dạy học để vào bệnh viện chăm sóc anh trai đột quỵ, chị Long nói: “Nếu anh tôi không thể phục hồi, tôi là người duy nhất có thể gánh vác công việc gia đình. Nhưng tôi còn chồng con và phải lo cho cha mẹ già nữa”. Chị cố gắng gạt đi những ý nghĩa về ngày mù mịt có thể sẽ xảy ra đó.

Người anh trai này của chị Long (anh Nguyễn Minh Trãi, 40 tuổi) là người thứ 5 trong gia đình chị bị đột quỵ. Hôn nhân không trọn vẹn, anh Trãi sống với cha mẹ già và là trụ cột của gia đình ba người. 

Trước đây, anh chạy xe ôm, sau đó chạy taxi. Một năm nay dịch bệnh bùng phát, taxi ế ẩm, anh chuyển qua chạy thời vụ cho các nhà xe du lịch đi khắp Tây Nguyên, miền Tây. Ngày 22-12 vừa qua trở thành ngày định mệnh khi đột nhiên anh gây tai nạn do va quẹt một chiếc xe gắn máy lúc đang cầm lái trên đường.

“Tai nạn không nghiêm trọng. Nhưng người đi đường thấy anh trong trạng thái lơ mơ nên tìm cách liên lạc đưa về nhà. Từng chứng kiến nhiều người trong gia đình đột quỵ, tôi đoán được triệu chứng và chuyển ngay vào bệnh viện cấp cứu”, chị Long kể.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bệnh nhân được tiêm hai mũi thuốc tiêu sợi huyết nhưng không có tác dụng. Anh được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu.

Sau khi được can thiệp làm tan cục huyết khối, anh thoát khỏi nguy cơ tử vong nhưng nửa người bên phải yếu, và chưa thể nói chuyện. Chuyện phục hồi của anh, như bác sĩ nói, còn “tùy vào khả năng, cơ địa của mỗi người”.

Chị Long nói rằng chị bị ám ảnh, không biết lúc nào sẽ đến lượt mình. “Ngoài anh trai đang bị đột quỵ, cách đây một năm người chị cả của tôi cũng bị đột quỵ qua đời tại bệnh viện. 

Trước đó cha tôi chỉ trong vòng 6 năm đã từng trải qua 3 lần bị đột quỵ và may mắn đều qua khỏi, đó là chưa kể em trai của mẹ và em gái của ba đều qua đời do đột quỵ ở tuổi đời còn rất trẻ”, chị Long kể trong lúc thay tã cho người anh đang nằm bất động trên giường bệnh.

 
Người bệnh ngày càng trẻ

Trong 1 tháng đầu tiên thành lập (tính từ ngày 9-11-2020), Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 1.000 bệnh nhân cấp cứu, 10% trong số này dưới 44 tuổi - lứa tuổi được cho là trẻ với bệnh đột quỵ.

Bác sĩ Mai Duy Tôn, giám đốc trung tâm, cho biết xu hướng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ: “Chúng tôi đã gặp bệnh nhân đột quỵ mới 14 tuổi. Giữa tháng 12-2020 có gần 10 bệnh nhân trẻ điều trị tại trung tâm”.

Khoảng đầu tháng 12-2020, Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một thiếu niên 14 tuổi. Em tới bệnh viện với biểu hiện đau đầu nhiều. 

Kết quả chụp cắt lớp cho thấy có dị dạng mạch não, nhưng rất may là chưa có rối loạn về vận động. Bệnh nhân còn trẻ nên các bác sĩ đã tìm cách can thiệp bằng phẫu thuật để điều trị triệt căn.

Theo bác sĩ Tôn, hầu hết bệnh nhân đột quỵ ở lứa tuổi trẻ có liên quan đến các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ít vận động thể lực... 

Ngoài ra, có một tỉ lệ nhất định có liên quan đến bất thường bẩm sinh, các dị dạng mạch máu từ khi còn nhỏ và khi bất thường này đủ lớn, mạch máu sẽ vỡ, hoặc một số người có yếu tố tăng đông (khuynh hướng dễ sinh huyết khối), dễ làm tắc nghẽn mạch máu.

Phần lớn bệnh nhân đột quỵ sẽ gặp các di chứng như liệt vận động, ảnh hưởng vùng chức năng về nhận thức, ngôn ngữ, như hôn mê kéo dài, nói ngọng... 

Nhưng có một số bệnh nhân tử vong trong thời gian ngắn ngay sau khi có tình trạng bệnh, như ca bệnh của diễn viên Chí Tài gần đây.

Từng có một số ca tử vong do dị dạng mạch máu, bệnh nhân mới dưới 40 tuổi, mạch máu vỡ gây chảy máu ồ ạt, chèn ép các chức năng về hô hấp, tuần hoàn, lụt não, bệnh diễn biến cấp tính với lượng máu chảy rất nhiều trong một thời gian ngắn dẫn đến tử vong, bệnh nhân hoàn toàn không có dấu hiệu để dự báo bệnh trước đó.■

 Hút thuốc lá là một trong những yếu tố rủi ro gây ra đột quỵ. Ảnh: REUTERS

Đột quỵ và thuốc lá - cặp đôi tai họa

Hôm 15-12, Trung tâm đột quỵ Bệnh viện trung ương quân đội 108 tiếp nhận hai ca bệnh nhồi máu não cấp. Cả hai bệnh nhân, 44 và 48 tuổi, đều có tiền sử nghiện thuốc lá lâu năm.

Bệnh nhân 44 tuổi nghiện thuốc lá lâu năm, vào viện do đột ngột liệt nửa người bên phải, tình trạng nặng tăng dần, từ nói khó khăn tới không thể nói được, ý thức lơ mơ. 

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân liệt nửa người do nhồi máu não bán cầu trái, tắc động mạch não bên trái, tiến hành can thiệp lấy huyết khối và đặt stent ở dốc động mạch cảnh.

Bệnh nhân 48 tuổi nghiện thuốc lá trên 20 năm, mỗi ngày trung bình hút 1,5 gói thuốc. Bệnh nhân đang làm việc thì đột nhiên tê yếu nửa người bên trái, không nhấc được chân tay lên. Tại Bệnh viện 108, bệnh nhân này cũng được chẩn đoán liệt nửa người trái do nhồi máu não cấp.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện 108, ngoài những yếu tố về sắc tộc, giới tính, gene không thể thay đổi được, có những căn nguyên dẫn đến đột quỵ có thể thay đổi, đặc biệt là dự phòng các yếu tố nguy cơ.

“Đột quỵ đặc biệt cao ở những người có từ 2-3 yếu tố nguy cơ trở lên. Hai bệnh nhân trên tuổi còn trẻ, tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, không bị tăng huyết áp, không bị tiểu đường, xét nghiệm mỡ máu bình thường, không có yếu tố nguy cơ nào khác ngoài hút thuốc lá lâu năm” - ông cho biết.

Sức khỏe hai bệnh nhân này đều đang tiến triển tốt do đến bệnh viện trong thời gian vàng (giờ thứ 3 - thời gian đưa vào bệnh viện và giờ thứ 6 - thời gian cấp cứu, từ khi khởi phát bệnh) và được can thiệp kịp thời.

Tuy nhiên nhiều bệnh nhân khác không được may mắn như vậy. Theo bác sĩ Tôn, nhiều ca bệnh đột quỵ để lại di chứng suốt đời như liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ, ảnh hưởng về nhận thức... Người bệnh cũng dễ bị đột quỵ trở lại nếu không giữ gìn...

Cả nước mới có 12 trung tâm đột quỵ

Bộ Y tế hướng dẫn mỗi tỉnh thành nên có một trung tâm/khoa đột quỵ để có thể tiếp nhận bệnh nhân sớm, điều trị kịp thời trong giờ vàng, nhưng đến nay, cả nước mới có 12 trung tâm đột quỵ. 

Mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ phải phủ sóng các trung tâm này trên toàn quốc để nâng cao chất lượng dự phòng sớm và điều trị cho người dân được tốt hơn.

Tại TP.HCM, Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Nhân dân 115 có quy mô lớn nhất, đầy đủ kỹ thuật điều trị đột quỵ và cũng là bệnh viện đầu tiên của châu Á nhận “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng” của Hội Đột quỵ thế giới.

Chi phí điều trị cho bệnh nhân đột quỵ

Theo ông Mai Duy Tôn, giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, các chi phí điều trị tùy thuộc vào chỉ định can thiệp cụ thể, thời điểm bệnh nhân vào viện sớm hay muộn, có biến chứng kéo dài hay không.

“Nếu bệnh nhân được đưa vào bệnh viện sớm (tốt nhất là trong vòng 4 giờ 30 phút kể từ khi khởi bệnh, không có chỉ định can thiệp), chi phí điều trị sẽ trong khoảng 20 triệu đồng. 

Nếu bệnh nhân có chỉ định can thiệp, chi phí khoảng 60 - 200 triệu đồng. Trường hợp bệnh nhân bị biến chứng, liệt, cần nhiều người hỗ trợ, chăm sóc thì chi phí là không thể tính toán hết”.

Bé trai 3 tuổi bị đột quỵ

Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) vừa cứu sống bé trai 3 tuổi (tỉnh Vĩnh Long) bị đột quỵ xuất huyết não. Trước đó, bé đang chơi với bạn thì bất ngờ té xuống sàn, co giật và bất tỉnh. 

Gia đình tức tốc đưa bé đến bệnh viện. Các bác sĩ cho biết nguyên nhân khiến bé bị xuất huyết não là túi phình mạch máu não. Các bác sĩ đã đặt stent chuyển dòng để tránh tình trạng xuất huyết não thêm mà không cần phẫu thuật.

Theo TS Trần Viết Lực, giảng viên khoa thần kinh Trường ĐH Y dược Hà Nội, tỉ lệ tái phát đột quỵ là 15 - 40% trong số bệnh nhân còn sống sót.

Để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ cần phải xác định và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ mà hàng đầu là tăng huyết áp - dẫn đến đột quỵ ở cả hai thể gồm nhồi máu não và chảy máu não.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận