Đừng lạc lối trong chính ánh sáng của mình

HỒNG PHÚC 17/03/2014 23:03 GMT+7

TTCT - “Nữ hoàng đày đọa” là cách chủ nô da trắng gọi Patsey (nữ diễn viên da màu Lupita Nyong’o nhập vai) - cô nô lệ da đen chưa kịp lớn của mình và cũng là người bị đày đọa trên cánh đồng bông từ khi còn là đứa trẻ cho tới khi biết yêu.

Nữ diễn viên da màu Lupita Nyong’o trong phim Mười hai năm nô lệ - Ảnh: hardinthecity.com

Chuyện của “nữ hoàng đày đọa”

Trong phim Mười hai năm nô lệ, cô bị ông chủ hãm hiếp, bà chủ ghen tuông giày xéo, bị đánh đập cho “máu và da thịt hòa quyện”, tổn thương chất chứa đến mức cầu xin anh nô lệ Platt (nhân vật Solomon Northup, Chiwetel Ejiofor thủ vai) dìm mình xuống sông để được kết thúc: “Xin anh, hãy giúp em vì em không đủ sức để làm điều đó. Em không thấy niềm vui trong đời này”.

Vì cô bé ấy có chút nhan sắc, có tuổi trẻ, vì mỗi ngày cô tóe máu ngón tay để hái được số bông gấp đôi người khác, vì cô còn chưa hết là một đứa trẻ thèm chơi búp bê, vì cô trốn đi xin mụn xà phòng về để tắm cho khỏi hôi thối mà không được thừa nhận là người. Bởi cô cũng giống như các nô lệ khác, là nigger - tên gọi miệt thị chỉ đám nô lệ.

Nigger không phải là người. Họ dặn nhau: “Một khi là nigger thì chỉ có một kết cục. Nếu anh biết đọc viết phải vờ không biết, nếu có trót khôn thì phải vờ ngu”.

Một tuyên ngôn mạnh mẽ trong bộ phim vừa “ăn” tượng vàng Oscar, ngoài việc nhắc lại vết sẹo lịch sử mang tên nhân quyền và nhân tính là tiếng nói về thân phận người phụ nữ. Một bà mẹ có hai con nhỏ bị bứt con khỏi cánh tay bán cho ba ông chủ khác nhau vì đối với kẻ buôn nô lệ, “tình cảm chỉ tăng theo giá tiền”.

Những nô lệ nữ bị kéo ra hãm hiếp bất cứ khi nào và nếu có sinh con cho ông chủ, được họ tự coi là may mắn. Và tuyệt nhiên không được và không dám bày tỏ tình yêu...

Môtip cũ không thừa

Cô gái nhỏ Lupita Nyong’o đã thể hiện các khát vọng này cháy bỏng và đó là lý do “ngôi sao đen” mới bước vào điện ảnh có giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Những giọt nước mắt của cô, những đêm không ngủ, những đắng cay vằn đỏ trong khóe mắt, tấm lưng rách nát vì đòn roi của Patsey trong phim nhắc rằng con người chúng ta đã và vẫn đang không biết đủ.

Chúng ta gây đau khổ và cầm tù nhau vì vướng kẹt trong các quan điểm, sự tham lam và cả sự hèn nhát không dám chống lại quan điểm của những người thuộc nhóm của mình.

Bộ phim cũng khiến báo chí thế giới đánh giá đạo diễn da màu Steve McQueen như một nhà hoạt động xã hội bởi các thông điệp về thân phận, giá trị sống và tuyên ngôn nhân quyền ông đeo đuổi. Chủ đề này không mới: nô lệ, tự do và bình đẳng. Nhưng không có ý kiến tranh cãi khi phim nhận giải bởi hành trình con người tìm kiếm tự do chưa khi nào kết thúc.

Tuyên ngôn “Tôi không muốn tồn tại, tôi muốn sống”, “Lưng tôi đầy vết sẹo vì cố đeo đuổi tự do. Tôi cố lạc hoan chờ đến cơ hội tự do” của Platt được lặp lại trong phim không phải điều mới mẻ, thậm chí được coi là môtip cũ trong điện ảnh và văn học. Nhưng nó vẫn không thừa bởi những người chấm điểm tác phẩm hiểu rằng sự tàn nhẫn của lịch sử thậm chí còn hơn rất nhiều những gì được thể hiện trong các cảnh quay.

Cái giá của bình đẳng, dân chủ và tự do đắt đến nỗi cho đến tận hôm nay, loài người chưa khi nào trả hết. Cả triệu nô lệ ngã xuống những mảnh đất ngày nay ta gọi là văn minh, những số phận có cơ may một ngày nhìn thấy ánh mặt trời trên gương mặt người thân như Platt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Phim cũng như một lời nhắc nhở nước Mỹ hiện đại, đừng khi nào lạc lối trong chính ánh sáng của mình.

Nó còn là thông điệp đánh thức những người đang tưởng chừng tự do mà làm nô lệ của chính mình. Như lời đạo diễn Steve McQueen: “Mọi người không chỉ có quyền tồn tại mà còn có quyền sống”. Bởi rất nhiều người đang sống nhưng không hề chạm vào phép lạ của sự được sống (Thích Nhất Hạnh).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận