TTCT - Các tác phẩm đồ sộ của Hy Lạp cổ đại đáng để chúng ta nghiên cứu và mường tượng một xã hội giàu văn hóa, nơi âm nhạc là nhịp đập của mọi sinh hoạt đời thường. Người chơi sáo aulos. Tác phẩm của Euaion Painter (khoảng 460 TCN - 450 TCN)Những thuật ngữ âm nhạc từ thời Hy Lạp cổ đại vẫn còn tồn tại trong ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta đến tận hôm nay: các âm giai như Doria và Phrygia là tên tộc người lúc bấy giờ, còn lyric (lời bài hát) bắt nguồn từ lyrikos, có nghĩa là đọc, hát theo đàn lyre.Người Hy Lạp cổ đại đã để lại cho hậu thế một di sản phong phú về âm nhạc cũng như thơ ca. Các tác phẩm đồ sộ của họ đáng để chúng ta nghiên cứu và mường tượng một xã hội giàu văn hóa, nơi âm nhạc là nhịp đập của mọi sinh hoạt đời thường.Câu chuyện âm nhạc của người Hy Lạp cổ đạiThần thoại Hy Lạp cho rằng âm nhạc là món quà thần linh ban tặng, và các nữ thần Muse chiêu đãi những vị thần trên đỉnh Olympus bằng âm nhạc, những điệu nhảy và lời ca tuyệt trần.Từ music (âm nhạc) trong tiếng Anh xuất phát từ mousike trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "nghệ thuật của các Muse". Thuật ngữ này không chỉ bao gồm âm nhạc mà còn có cả vũ đạo và trình diễn thơ ca. Hầu hết thơ ca từ khoảng năm 750 TCN đến năm 350 TCN được sáng tác và biểu diễn dưới dạng để hát, đôi khi đi kèm khiêu vũ.Người Hy Lạp cổ đại không tách rời âm nhạc và văn chương mà luôn kết hợp chúng với nhau, đồng thời thường xuyên liên kết âm nhạc với nội dung tri thức và đạo đức. Các bài thơ thường chứa những thông điệp về luân lý, cách sống và quy tắc xã hội. Âm nhạc được xem như một công cụ để "làm ngọt" lời, làm nổi bật ý nghĩa và cảm xúc trong những áng văn. Điều này tạo nên sự tương tác giữa âm thanh và từ ngữ, tạo ra những trải nghiệm thẩm mỹ phong phú.Plato cho chúng ta biết rằng những trường dạy âm nhạc đầu tiên là do người dân đảo Crete thành lập. Nhưng thời kỳ hoàng kim mà âm nhạc được dạy ở các ngôi trường là vào khoảng năm 600-400 TCN ở Athens. Tại đây, trẻ em từ 13-16 tuổi được dạy hát và chơi một số nhạc cụ như đàn lyre, kithara. Các thầy dạy của chúng chơi một loại sáo gọi là aulos để đệm theo. Học nhạc giúp những đứa trẻ rèn tính kỷ luật và tổ chức, đồng thời giúp chúng cảm thụ âm nhạc tốt hơn. Âm nhạc không chỉ dừng lại trong phạm vi lớp học, nó được sử dụng trong các hội thao và thao diễn quân sự nhằm tăng cường sự phối hợp đồng đều.Người Hy Lạp cổ đại xem giáo dục âm nhạc là một phần quan trọng của nền giáo dục toàn diện. Họ quan niệm rằng âm nhạc không chỉ nằm ở việc trình diễn mà còn liên quan chặt chẽ đến đời sống tinh thần. Việc để trẻ em ca hát, chơi nhạc cụ và tham gia các đoàn hát múa là những hoạt động thiết yếu. Phương pháp giáo dục này giúp nuôi dưỡng sự trang nhã ở trẻ em, giúp chúng phát triển tính hài hòa và khả năng giao tiếp hiệu quả. Như trong một bản nhạc, cuộc sống của chúng cũng trở nên hợp nhịp hợp tông, chúng cũng trở nên chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói. Và quả thật là toàn bộ cuộc sống con người cũng cần phải hài hòa và tuân theo một nhịp điệu cân bằng như thế.Mẩu giấy có điệp khúc Orestes. Ảnh: Wikimedia CommonsNgười Hy Lạp cổ đại còn có quan điểm độc đáo về âm nhạc. Đối với họ, âm nhạc không chỉ là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn mà còn là một công cụ có khả năng kích thích hoặc làm dịu đi những cảm xúc, khiến nó trở thành công cụ vừa có lợi vừa có hại. Đây là lý do tại sao trong quá trình giáo dục của mình, họ ưa chuộng những loại âm nhạc có tác dụng "thanh lọc" (katharsis), tránh xa những loại nhạc quá sôi động, đa cảm hoặc quá ủy mị. Họ thậm chí luôn giữ cho âm nhạc được kết nối với những ngôn từ có ý nghĩa. Mối liên kết này có chủ ý nhằm định hình trải nghiệm cảm xúc của người nghe và ngăn họ rơi vào sự mơ hồ.Về cơ bản, người Hy Lạp coi sự hòa hợp nội tâm là điều kiện tiên quyết để sống hòa hợp với thế giới bên ngoài. Âm nhạc đối với họ không chỉ là một hình thức giải trí, nó là một công cụ để chuyển hóa nội tâm. Họ tin rằng âm nhạc có thể giúp mỗi người tìm thấy sự hòa hợp bên trong mình bằng cách giải quyết những xung đột giữa đam mê và lý trí. Sự hòa hợp nội tâm này sẽ mở rộng đến những mối quan hệ của họ với những người xung quanh.Khôi phục và tái hiện di sảnNhững lý thuyết nói trên có thể dẫn đến câu hỏi: các vị có ai nghe nhạc Hy Lạp cổ đại chưa mà bàn ghê thế? Tất nhiên, hơn ai hết, giới nghiên cứu rất muốn biết âm nhạc của người Hy Lạp cổ đại thực sự nghe như thế nào. Chỉ là hành trình đi tìm thanh âm bị lịch sử chôn vùi đó không hề đơn giản.Chúng ta vốn có rất nhiều ghi chép cổ xưa về lý thuyết giai điệu và hòa âm từ Plato, Aristotle, Aristoxenus, Ptolemy và Aristides Quintilianus cùng với một số bản nhạc rời rạc có các ký hiệu âm nhạc đã được phát hiện. Kho tư liệu này, tuy vậy, không đủ để hậu thế biết âm nhạc của họ nghe như thế nào. Nguyên nhân là do các thuật ngữ và khái niệm liên quan âm nhạc trong các nguồn tư liệu cổ này nếu không mơ hồ, phức tạp thì cũng xa lạ, rối rắm.Những gì các nhà nghiên cứu có thể tái hiện trong thực tế thường nghe có vẻ khá kỳ lạ và kém hấp dẫn, vì vậy âm nhạc Hy Lạp cổ đại "bị nhiều người coi là một môn nghệ thuật đã thất truyền", theo Armand D'Angour - phó giáo sư âm nhạc cổ điển Đại học Oxford.Ảnh cắt từ video trình diễn âm nhạc Hy Lạp tái hiện lại trong dự án của Armand D'Angour.Mãi cho đến cuối thập niên 2010, bí ẩn mới dần có lời giải. Trong bài viết trên The Conversation vào tháng 7-2018, D'Angour cho biết Dự án khảo cổ âm nhạc châu Âu (European Music Archaeology Project) mà ông tham gia cách đó năm năm đã có những kết quả tích cực, cải thiện hiểu biết của chúng ta về cách người Hy Lạp cổ đại làm nhạc và chơi nhạc.Bước đột phá đầu tiên đến từ việc tái tạo ống sáo aulos, vốn là loại nhạc cụ mà các nhạc sĩ lành nghề chơi. Từ đó chúng ta nắm được phạm vi cao độ, âm sắc và âm điệu. Về tiết tấu, các nhà nghiên cứu suy ra từ nhịp thơ. Mấu chốt là dựa vào độ dài của các âm tiết trong từ ngữ. Nhóm nghiên cứu cũng lựa chọn nhịp độ nhanh hay chậm sao cho phù hợp để thể hiện âm nhạc một cách chân thực nhất có thể.Tiếp theo, giai điệu và hòa âm của các bài hát thời đó như thế nào? Các nhà nghiên cứu chỉ có thể tìm manh mối từ các mẩu tư liệu có ký hiệu âm nhạc - chép trên giấy dó hoặc khắc trên đá. Hiện có khoảng 60 mảnh tư liệu rời rạc như thế. Một trong các tài liệu quý, là bằng chứng sớm nhất về âm nhạc Hy Lạp cổ đại từng được tìm thấy, là mẩu giấy cói có chép lại một đoạn điệp khúc từ tác phẩm Orestes của Euripides (408 TCN). Tư liệu này được tìm thấy năm 1892 và các nhà nghiên cứu bối rối mãi không dịch được, chủ yếu vì có sự xuất hiện của các cung một phần tư. Âm nhạc phương Tây vốn chỉ có một cung và nửa cung, vì chỉ như thế tai con người mới có thể cảm nhận một cách dễ chịu. Các cung nhỏ hơn sẽ nghe như một nốt bị hát hoặc chơi lệch tông.Tuy nhiên, các cung một phần tư này hóa ra lại là chìa khóa để làm sáng tỏ vấn đề - chúng vốn được sử dụng làm "nốt chuyển tiếp", chỉ ra rằng lời hát của một bản nhạc gắn liền với âm sắc, xoay quanh một quãng âm nhất định. Đây là phân tích của chính D'Angour.Từ những kết quả mới thu được, năm 2016, D'Angour đã dựng lại phần điệp khúc Orestes nói trên bằng sáo aulos. Ông chọn tempo nhanh, dựa trên nội dung và nhịp của các từ trên văn bản. Tháng 7-2017, ông tiếp tục chơi bản này kèm một số bản nhạc cổ được phục dựng khác với dàn hợp xướng tại Bảo tàng Ashmolean, Oxford.Từ chỗ không rõ âm nhạc Hy Lạp cổ đại nghe thế nào, giờ thì chúng ta có quyền mơ tới ngày một vở kịch cổ hoàn chỉnh, biểu diễn theo lối bám chặt lịch sử (historically informed, dựa trên phong cách, thẩm mỹ của đúng thời kỳ tác phẩm gốc ra đời), trong một nhà hát cổ đại như Epidaurus.Xem video Rediscovering Ancient Greek Music: Sounds from the Past trên YouTube của Oxford Digital Media Giáo dục âm nhạc ở Hy Lạp cổ đại không chỉ dừng lại ở việc học cách chơi nhạc, nó còn mang chiều kích triết học và đạo đức sâu sắc. Nó đóng một vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng nhân cách và sự phát triển văn hóa của mỗi công dân trong xã hội Hy Lạp cổ đại. Các triết gia viết về giáo dục như Plato và Aristotle đã nhận ra tác động sâu sắc của âm nhạc đối với sự phát triển nhân cách. Họ nhiệt thành ủng hộ việc giáo dục âm nhạc như một phương tiện quan trọng nhằm tu dưỡng đạo đức cũng như năng lực tư duy. Tags: Âm nhạc Hy LạpHy Lạp cổ đạiNgười Hy LạpLời bài hátThần thoại Hy LạpÂm nhạcGiáo dục âm nhạcLịch sử
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê thêm 335 trang, có người ủng hộ 1 đồng THÀNH CHUNG 14/09/2024 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục đăng tải 335 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ ngày 1 đến 12-9, trong đó có tên nhiều nghệ sĩ.
Quân đội đã đưa hơn 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3 NAM TRẦN 14/09/2024 Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn YẾN TRINH 14/09/2024 Ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.