Gần 100.000 người sẽ được sàng lọc ung thư sớm

LAN ANH THỰC HIỆN 06/05/2016 01:05 GMT+7

TTCT - Tám năm qua, chương trình tầm soát ung thư, phát hiện sớm mới chỉ triển khai thí điểm, khoảng 530.000 người được sàng lọc. Phó giám đốc Bệnh viện K, viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Trần Văn Thuấn cho rằng phải phối hợp đa ngành mới có thể phòng chống ung thư.

Người dân chờ đợi một chương trình tầm soát diện rộng và hiệu quả. Ảnh Thuận Thắng


“Tôi nghĩ rằng phòng chống ung thư phải huy động nguồn lực toàn xã hội, đa ngành, đa lĩnh vực, với sự hỗ trợ của các quỹ trong và ngoài nước. Kinh phí của chương trình phòng chống ung thư từ ngân sách đang giảm hằng năm, năm nay chỉ còn 10 tỉ đồng, triển khai tại 39 tỉnh thành.

Với khoản kinh phí như thế sẽ rất khó triển khai khám sàng lọc, phát hiện sớm rộng rãi” - ông Thuấn nói với TTCT.

Nếu vậy, hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm sẽ được thực hiện thế nào?

- Chúng tôi đang xây dựng một đề án tổng thể về phát hiện sớm, dự phòng ung thư, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc giảm nhẹ. Đề án đang được hoàn tất, sớm trình Bộ Y tế. Khi đề án được thông qua mới có thể đánh giá sẽ có bao nhiêu người được tuyên truyền phòng bệnh, sàng lọc phát hiện bệnh sớm vì còn tùy thuộc vào nhân lực và vật lực, đặc biệt với sàng lọc sớm chỉ có thể mở rộng khi bảo hiểm y tế chi trả chi phí.

* Với điều kiện hiện nay, các bệnh viện địa phương có thể triển khai sàng lọc bệnh sớm được không?

- Các bệnh viện tuyến tỉnh hoàn toàn đủ sức triển khai sàng lọc phát hiện sớm. Nhờ sàng lọc, phát hiện sớm và tuyên truyền mạnh về nguy cơ ung thư, qua tiếp xúc và khám bệnh trực tiếp, tôi nhận thấy số người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn muộn đang giảm đi, số đến bệnh viện sớm tăng lên.

Từ năm 2016-2020, kế hoạch đặt ra là tăng 5-10% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực như Singapore hay Thái Lan, số bệnh nhân ở Việt Nam được phát hiện bệnh sớm thấp hơn nhiều lần, tỉ lệ được phát hiện sớm ở Việt Nam mới chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar.

Ông đánh giá vai trò của phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm thế nào trong tổng thể hoạt động khám chữa bệnh?

- Bốn chương trình chính của phòng chống ung thư gồm sàng lọc, phát hiện sớm, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, chăm sóc giảm nhẹ đặc biệt cho bệnh nhân giai đoạn cuối, theo tôi việc gì cũng quan trọng. Với sàng lọc và phát hiện bệnh sớm, tám năm qua mới là thí điểm vì kinh phí chưa nhiều.

Năm 2016 kinh phí cũng chỉ cho phép dưới 100.000 người được tham gia sàng lọc bệnh sớm, kể cả phần hỗ trợ từ các quỹ. Tuy nhiên tác động rất quan trọng của chương trình này là tuyên truyền rộng rãi hiệu quả của việc được phát hiện bệnh sớm.

Với ung thư vú chẳng hạn, gần đây có tới 50% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn sớm. Nam giới dường như ý thức chăm sóc sức khỏe kém hơn, mắc nhiều ung thư thuộc nhóm khó phát hiện như ung thư phổi, ung thư gan, tới 80% bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn muộn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận