Gián quan thời hiện đại

DANH ĐỨC 02/04/2017 17:04 GMT+7

TTCT- Việc hai dự luật của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp bị ách lại hay việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị “soi” vì một dự án xây trường học... là những thí dụ sinh động của cơ chế “kiểm tra và cân bằng” (checks and balances).

Ông Paul Ryan (phải) và Tổng thống Trump đã phải từ bỏ dự luật AHCA, ít ra là lúc này -salon.com
Ông Paul Ryan (phải) và Tổng thống Trump đã phải từ bỏ dự luật AHCA, ít ra là lúc này -salon.com


Hai lần liên tiếp, sắc lệnh hành pháp về di trú và nhập cư “có hiệu lực ngay lập tức” của ông Trump đều đã bị tòa án - cũng ngay lập tức - tuyên bố đình chỉ tạm thời.

Về phần mình, Hạ viện Mỹ, dù do Đảng Cộng hòa kiểm soát (cả Thượng viện nữa), cũng đã không thông qua dự luật “Chăm sóc y tế cho người Mỹ” (AHCA) của ông Trump, qua đó giữ nguyên đạo luật “Chăm sóc (y tế) giá cả phải chăng” (Affordable Care Act), tức Obamacare của người tiền nhiệm mà ông Trump ghét cay ghét đắng và từng thề sẽ xóa sạch mọi “di sản”.

Ai ngăn tổng thống Mỹ?

Tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan không thông qua AHCA vì thiếu sự ủng hộ của chính phe Cộng hòa là minh họa sống động cho sự hoạt động sòng phẳng và minh bạch của cơ chế kiểm tra và cân bằng.

Định nghĩa giản lược nhất của cơ chế “checks and balances” là “hệ thống được xây dựng để không bộ phận nào của chính quyền có thể trở nên quá quyền lực”.

Tỉ như tổng thống có thể phủ quyết một đạo luật đã được Quốc hội thông qua, song Quốc hội có thể vượt qua sự phủ quyết này nếu hội đủ 2/3 số phiếu trong một cuộc biểu quyết ở lưỡng viện.

Rồi Tối cao pháp viện lại có thể “kiểm tra và cân bằng” với quyền lực của Quốc hội bằng cách tuyên một đạo luật của Quốc hội là vi hiến. Yếu tố kiểm tra để cân bằng quyền lực tỏ rõ qua việc các thành viên Tối cao pháp viện do tổng thống bổ nhiệm, song việc bổ nhiệm phải được Quốc hội phê chuẩn.

Thật ra, việc Hạ viện Mỹ chặn lại dự thảo luật AHCA mà ông Trump đã quyết tâm vận động đến giờ chót là điều đã có thể tiên đoán từ cách đây bốn tháng, ngay sau khi có kết quả bầu cử tổng thống.

Với một tân tổng thống ăn nói bạt mạng và nhiều cảm tính như ông Trump, nhiều chuyên gia đã cảnh báo các cơ chế “kiểm tra và cân bằng” sẽ sớm bị thách thức. Chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử, tờ Newsweek đăng bài “Đừng hoảng hốt về Tổng thống Trump - Quyền lực thực sự trên chính trường Mỹ ở chỗ khác” của Stacy Hilliard.

Cây bút xã luận này tự nhận mình luôn là người ủng hộ phe Cộng hòa, “song không bỏ phiếu cho ông Trump và càng không thể bỏ phiếu cho bà (Hillary) Clinton” thẳng thắn viết: “Sau một chiến dịch tranh cử “chẳng giống ai”, khá chắc là chúng ta sẽ thấy một phong cách cầm quyền mới.

Thật dễ nhìn vào lập trường của ông Trump về các vấn đề chính sách quan trọng và lo lắng. Nhưng cần đặt câu hỏi: Làm thế nào ông ấy sẽ đạt được những thay đổi như đã hứa?...

Quốc hội, cơ quan lập pháp, mới là quyền lực trong chính trị Mỹ. Đó mới là nơi các chính sách được thông qua và ngân sách (dành cho thực thi các chính sách đó) được xác lập.

Quốc hội chính là tiếng nói của người dân và suốt trong lịch sử, Quốc hội không thích bị Nhà Trắng chỉ đạo!”. Nôm na mà nói, Quốc hội - vốn biểu quyết ngân sách tài khóa hằng năm - là quyền lực đủ sức kiểm tra và cân bằng các chính sách của tổng thống, một khi tổng thống, dù có là ai, tỏ ra “quá trớn”!

Về tương quan lực lượng, phe Dân chủ đang là thiểu số ở Hạ viện với 193 ghế, so với 237 ghế của phe Cộng hòa. Tuy nhiên, trong khi chỉ cần 215/237 nghị sĩ “phe ta” bỏ phiếu thuận thì dự luật của ông Trump sẽ được thông qua, có tới 29 nghị sĩ Cộng hòa đã phản đối AHCA.

Những nghị sĩ “phản đảng” này thuộc một “hội kín” gọi là Freedom Caucus (tạm dịch là “Khối tự do”). Họ cũng chẳng ưa gì đạo luật Obamacare, song không cảm thấy “hài lòng” với Tổng thống Trump, cùng Đảng Cộng hòa của họ, nên đã cho Chủ tịch Hạ viện Ryan, thủ lĩnh Đảng Cộng hòa ở Hạ viện, biết trước ý định bỏ phiếu của mình.

Có thể gọi đó là một cuộc nổi loạn - hay sự phản kháng, hay “kiểm tra và cân bằng” - không chỉ trong cả hệ thống chính quyền, mà thậm chí chỉ trong nội bộ một đảng! Số nghị sĩ “thiểu số” đó của phe Cộng hòa, cộng với phe Dân chủ đối lập, đủ để trở thành đa số trong Hạ viện, ở vấn đề cụ thể này, khiến ông chủ tịch Hạ viện phải “tung khăn trắng” rút lại dự thảo luật!

Hạ viện Mỹ, qua đó, chứng tỏ họ đích thực là “tiếng nói của người dân”, hay ít nhất là của 24 triệu người thuộc nhóm thu nhập thấp nhất ở Mỹ đang bị đe dọa cắt Obamacare!

Ai cản thủ tướng Nhật?

Vụ xìcăngđan liên quan đến phu nhân Thủ tướng Nhật Bản Abe trước đó, rồi nay đến bản thân ông, đang thu hút sự quan tâm của thế giới, do lẽ vụ này có thể đe dọa hi vọng ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba của ông Abe, vào lúc mà nước Nhật đang đứng trước những thách đố an ninh và chủ quyền lãnh thổ.

Thủ tướng Abe đã bị trúng “miểng văng” từ việc phu nhân Akie Abe liên quan đến dự án xây dựng một trường tiểu học bị cho là đã được ưu ái mua lại 8.770m2 đất của nhà nước với giá chỉ bằng 10% giá thị trường, và phu nhân Abe được phong làm “hiệu trưởng danh dự”.

Thực ra, đây không phải là một trường học vì lợi nhuận, nên sự liên quan của bà Abe không mang tính tư túi. Trái lại, bà còn hiến cho quỹ xây dựng trường 1 triệu yen (hơn 9.000 USD) vào năm 2015! Thủ tướng Abe đã thề thốt sẽ từ chức nếu quả ông hay vợ có sai trái gì trong vụ bán đất giá mềm này.

Giở hồ sơ vụ mua bán, theo tờ Japan Times, có thể thấy mọi việc bắt đầu bằng một bố cáo nhận hồ sơ mua đất công thổ của Sở Tài chính tỉnh Osaka ngày 3-6-2013. Ba tháng sau, một chủ đầu tư tên Moritomo Gakuen nộp hồ sơ xin mua.

Tám tháng sau nữa, chính quyền và Công ty Moritomo ký thỏa thuận mua bán có thời hiệu 10 năm dành quyền mua miếng đất cho chủ đầu tư Morimoto vì họ chưa huy động đủ vốn. Tháng 3-2015, Morimoto khiếu nại, nói miếng đất bị nhiễm chất thải công nghiệp đổ đống ở đó.

Chính quyền kiểm tra và ba tháng sau bán đất với giá 134 triệu yen, thay vì 956 triệu yen như đã rao. Chính quyền giải thích việc bớt đến hơn 800 triệu yen là để chi cho việc tẩy rửa chất thải công nghiệp. 80% người Nhật được hỏi nói họ thấy kiểu giải thích này không thuyết phục.

Có thể thấy trong vụ việc, những bên “kiểm tra và cân bằng” ông Abe là báo chí và các đảng đối lập. Theo đó, việc tỉnh Osaka “nhanh nhảu” bán miếng đất với “giá bèo” là bởi chính quyền tỉnh này đang trong tay Đảng Phục hưng Nhật Bản, một đảng dân túy cánh hữu có quan hệ liên minh chặt chẽ với ông Abe, còn trường học kia là một ngôi trường có định hướng dân tộc chủ nghĩa.

Báo chí Nhật đã chứng minh điều đó bằng cách phát đi những đoạn video quay cảnh học sinh trường tiểu học này đồng ca các khúc quân hành khi viếng đền Shinto, hoặc hát bài “Bảo vệ các đảo Senkaku (đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Takeshima (đảo tranh chấp mà Hàn Quốc gọi là Dokdo) cùng các lãnh thổ phía bắc (tranh chấp với Nga)”.

Vấn đề càng thêm rắc rối khi dư luận vỡ lẽ người đứng đầu tập đoàn giáo dục đầu tư vào trường này, Yasunori Kagoike, là thành viên cao cấp của chi bộ tỉnh Osaka thuộc tổ chức “Hội nghị Nhật Bản”, tổ chức cực hữu lớn nhất nước, có quan hệ chặt chẽ với nội các Abe.

Truyền thông đã làm dư luận lay chuyển: tỉ lệ tín nhiệm ông Abe giảm mạnh từ 66% xuống còn 56%, thấp nhất kể từ khi ông trở lại giữ chức thủ tướng vào năm 2012, theo một cuộc thăm dò ngày 11 và 12-3.

Vụ này cũng trở thành “tên bay đạn lạc” trúng nữ Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada khi bà này bị lật lại một vụ diễn ra từ tận năm 2004. Báo chí phanh phui hồi đó, khi còn hành nghề luật sư, bà từng biện hộ cho thân chủ tập đoàn giáo dục Moritomo Gakuen!

Làm sai ở Hong Kong cũng không dễ

Những vụ “kiểm tra và cân bằng” ồn ào ở Mỹ và Nhật Bản gợi nhớ đến cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hong Kong hôm chủ nhật vừa qua, 26-3.

Trong cuộc bỏ phiếu của 1.200 cử tri đặc biệt thay mặt 7,3 triệu dân Hong Kong, mà để thắng cử cần số phiếu quá bán, rõ ràng bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) với 777/1.163 phiếu được bỏ, đã thắng áp đảo các đối thủ John Tsang (Tăng Tuấn Hoa, 365 phiếu) và Woo Kwok-hing (Hồ Quốc Hưng, chỉ 21 phiếu).

Chiến thắng của bà Lam đã được dự đoán từ trước, cùng những rầm rì rằng bà là ứng viên dường như được Bắc Kinh ủng hộ. Bà Lam sẽ kế nhiệm đặc khu trưởng Leung Chun-ying (Lương Chấn Anh) vào ngày 1-7 tới, đúng kỷ niệm 20 năm Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, một ngày trước cuộc bầu cử, khoảng 1.000 người đã xuống đường tuần hành kêu gọi có tiếng nói lớn hơn trong việc quyết định ai sẽ lãnh đạo Hong Kong, tức phản đối thể thức bầu cử kiểu “hiệp thương”, và đòi phổ thông đầu phiếu.

Vào năm 1997, Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc và được hưởng quy chế “một nhà nước, hai chế độ”, theo đó Anh và Trung Quốc đã thỏa thuận rằng hệ thống chính trị kiểu Trung Quốc sẽ chưa áp dụng ngay lập tức ở Hong Kong, và mô hình tự quản của vùng lãnh thổ này sẽ không thay đổi trong thời gian 50 năm.

Cuộc bầu cử hôm chủ nhật (26-3) vừa qua diễn ra chỉ hơn một tháng sau vụ xét xử và tuyên án 20 tháng tù giam với cựu trưởng đặc khu Hong Kong Donald Tsang do những sai phạm về quản lý trong thời gian ông nắm quyền 2005 - 2012.

Cụ thể, ông Tsang đã không thông báo về xung đột lợi ích khi phê duyệt hồ sơ xin cấp phép hoạt động phát thanh của Công ty Wave Media.

Bản án 20 tháng tù, so với mức án kêu ban đầu là 30 tháng, là nhờ tòa xét đến nhân thân cũng như sự cống hiến lâu dài của ông này suốt hàng chục năm. Ngoài ra, ông Tsang còn phải đối mặt với hai tội danh “hành vi sai trái” và “nhận hối lộ” mà bồi thẩm đoàn chưa kịp đưa ra phán quyết.

Tòa dự kiến sẽ tiếp tục xét xử ông này vào tháng 9 tới. Với bản án ngày 22-2, ông Tsang đã trở thành quan chức cấp cao nhất của đặc khu hành chính Hong Kong bị đưa ra xét xử và tống giam từ trước đến nay. Dẫu sao, cũng là một cách can ngăn!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận