Giáo sư Dương Nghiệp Chí: Đường dài không mỏi bước

VŨ CÔNG LẬP 18/07/2020 16:07 GMT+7

TTCT - Tôi không thể tưởng tượng nổi một ngày nào đó không còn được nói chuyện với giáo sư Dương Nghiệp Chí trong căn phòng làm việc của ông. Bây giờ, ông trở về cát bụi. Cát bụi quý báu, kết tinh lại để làm nên chính cuộc sống.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí là người làm việc không ngừng nghỉ, theo nghĩa chân chính nhất của từ này.

Từ ngày về hưu, Viện Khoa học thể dục thể thao (TDTT) vẫn dành cho ông căn phòng ông từng ngồi khi còn làm viện trưởng, vẫn mời ông làm cố vấn một cách thực chất cho mọi hoạt động của viện. Ông vẫn đi xe ôm đến viện hằng ngày, từ chối đề nghị đưa đón, để vạch ra những dự án, chuẩn bị và triển khai những đề tài, hướng dẫn luận văn, dìu dắt học trò, viết sách và giảng bài, gặp gỡ, trao đổi và hội họp.

Ông rời cương vị lãnh đạo, nhưng thực ra vẫn là linh hồn của viện. Ông cứ mải miết làm việc như vậy cho đến khi bị ốm. Lần đầu tiên đến viện không gặp ông, nghe tin ông mệt, tôi cứ nghĩ là bệnh xoàng. Nhưng rồi đến thăm ông ở nhà, tôi mới biết là ông ốm nặng lắm rồi, ốm không dậy được. Bệnh nan y. Rồi ông ra đi. Từ cái bàn làm việc quen thuộc của ông.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí sinh ngày 23-11-1941 tại TP.HCM. Ông từ trần lúc 23 giờ ngày 10-7-2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi. Nhà báo Vũ Công Lập là người đồng nghiệp tâm đắc trong lĩnh vực khoa học thể thao và người bạn đã hơn nửa thế kỷ của giáo sư Dương Nghiệp Chí.

Con người và sứ mạng

Trong con đường rất dài phục vụ ngành TDTT, giáo sư Dương Nghiệp Chí từng làm hiệu trưởng ĐH TDTT TP.HCM, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, viện trưởng Viện Khoa học TDTT, nghĩa là ông đã trải qua, đã đứng đầu ở hầu hết những lĩnh vực quan trọng nhất ngành.

Ông đã đi một con đường không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng bao giờ cũng được thừa nhận, với tinh thần lạc quan, lòng vị tha, và trí tuệ của một nhà khoa học hiếm có. Không phải bằng học hàm học vị, mà trước hết là bằng lối sống, cách nghĩ, sự hiểu biết và phương pháp làm việc của mình, mà ông là một nhà khoa học chân chính.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí cũng thường được giao những sứ mạng đặc biệt, như khi ông dẫn đầu đoàn thể thao Việt Nam dự Á vận hội 1990 ở Bắc Kinh. Đấy là đại hội mà ngành thể thao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, sau cuộc chiến biên giới phía Bắc.

Nhiều người đã biết chuyện ông lên nhận nhiệm vụ được ông Lê Đức Thọ trực tiếp giao phó. Trước ngày lên đường, ông đã gặp đại tướng Lê Đức Anh, người ra lệnh gỡ bỏ bãi mìn ở biên giới để mở đường cho đoàn thể thao Việt Nam xuất quân. Trong quá trình dự đại hội ở Bắc Kinh, ông không chỉ một lần lên báo cáo tình hình với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã xuất sắc chỉ huy chuyến đi của cả đoàn trên con tàu liên vận đặc biệt xuyên Trung Quốc trong những ngày đáng nhớ ấy.

Đồng thời, ông cũng là con người của hành động, như khi trực tiếp lên gặp Thủ tướng Phan Văn Khải xin kinh phí và cấp tiền mặt để mua đạn tập bắn ở nước ngoài, giải quyết khó khăn nhiều năm chưa khắc phục được cho một ngành thể thao mũi nhọn. Những chuyện như vậy rất nhiều.

Không chỉ lăn lộn với ngành trong các cương vị quản lý, giáo sư Dương Nghiệp Chí còn là nhà khoa học thường xuyên có những tư duy đột phá. Bây giờ chúng ta nói nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe cho VĐV, nhưng ít người biết rằng Trung tâm Y học thể thao đã ra đời tại Viện Khoa học TDTT khi ông về làm viện trưởng.

Rồi từ trung tâm này, ông đã góp phần quan trọng để Bệnh viện Thể thao Việt Nam ra đời, đúng vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị SEA Games 22 năm 2003.

Giáo sư Dương Nghiệp Chí là người đặt nền móng cho thể thao điện tử ở Việt Nam. Ảnh: Phong Nguyên Lê
Giáo sư Dương Nghiệp Chí là người đặt nền móng cho thể thao điện tử ở Việt Nam. Ảnh: Phong Nguyên Lê

Người tiên phong

Những năm cuối thập niên 1990, giáo sư Dương Nghiệp Chí đi công tác CHLB Đức. Trong chuyến đi, ông chú ý đặc biệt hai lĩnh vực y sinh và công nghệ thể thao, trong đó có công nghệ video.

Nhưng thật bất ngờ, khi đến làm việc tại Đại học TDTT Cologne, ông hỏi rất nhiều về kinh tế thể thao, rồi yêu cầu ra hiệu sách của trường, tìm mua tất cả các cuốn về kinh tế thể thao. Ông chia sẻ: “Đây chính là chuyện hóc búa nhất hiện nay”. Sách cơ bản mua về đều là tiếng Đức, nhưng ông cười vui vẻ: “Về mình thuê dịch được ngay ấy mà”.

Một lần đến thăm ông, ông đem khoe một cuốn sách mới mua và bàn luận về một số chủ đề rất sôi nổi. Đó là một cuốn sách dịch, Đại từ điển kinh tế thị trường, sách khổ lớn, cỡ 20x27cm, dày những 2.023 trang!

Thế rồi vài năm sau, năm 2003, được ông đề tặng một cuốn sách mới - Kinh tế học thể dục thể thao do Nhà xuất bản TDTT ấn hành. Sách có 3 phần, 14 chương, Lương Kim Chung viết 7 chương, Dương Nghiệp Chí viết 6 chương, chương còn lại thuộc về Tạ Xuân Lai. Đấy cũng là một cách làm việc khá điển hình của giáo sư Dương Nghiệp Chí khi viết sách: ông viết cùng nhiều người, để tạo điều kiện làm việc chung.

Trở lại chuyện kinh tế thể thao. Ông Phạm Văn Tuấn, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục TDTT, kể lại rằng ông đã được nghe bài giảng của giáo sư Dương Nghiệp Chí về kinh tế TDTT từ những năm 1983-1985 ở Thủ Đức, nghĩa là trước khi có đường lối đổi mới được Đại hội Đảng thông qua năm 1986. Ông Tuấn nói hồi đó nghe giảng thấy lạ lẫm và mới mẻ lắm. Nhưng rồi sau này, những kiến thức ấy đã giúp ông rất nhiều trong việc xây dựng ngành TDTT ở Gia Lai, và cũng có ý nghĩa không nhỏ khi hình thành CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.

Chính giáo sư Dương Nghiệp Chí cũng là người phát hiện rất sớm vai trò của thể thao điện tử. Ông tổ chức cho môn này tham gia những cuộc thi đấu lớn, vận động thành lập và trực tiếp làm chủ tịch của hội. Bây giờ thể thao điện tử đã trở thành một nhánh mạnh của thể thao Việt Nam.

Ông cũng viết một cuốc sách có tên khá lạ lẫm - Thể dục thể thao giải trí (viết cùng Lương Kim Chung và Lê Tấn Đạt ) - năm 2008. Năm 2014 là cuốn Văn hóa học thể dục thể thao, cũng đề cập một vấn đề rất mới. Giáo sư Dương Nghiệp Chí còn là chủ nhiệm đề tài “Phát triển bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam”, và tác giả của dự án nhiều năm và đầy trăn trở xây dựng ngành cá cược bóng đá ở Việt Nam.

Nhưng dự án quan trọng nhất của ông có lẽ là “Nâng cao tầm vóc và thể trạng của người Việt Nam”, phối hợp với ngành y tế và giáo dục. Ông đã rất nỗ lực bền bỉ nhiều năm để có được những kết quả bước đầu. Đến nay ông ra đi, có thể nói là đường đã mở, người đã đi, cho dù chưa đến được đích như mong muốn.

***

Hình như linh cảm về sức khỏe của mình, có lần giáo sư Dương Nghiệp Chí tâm sự với tôi: “Tớ viết cả thảy được 20 cuốn sách rồi, giáo khoa và chuyên khảo” (xuất bản từ năm 1976 đến 2016). “Thế là nhiều, rất nhiều rồi đấy chứ?”, tôi nói. “Ừ, kể thì cũng nhiều, mà cũng hết rồi, mình đã kịp viết tất cả những gì có thể viết”.

Trong đó ông có 3 cuốn sách về cuộc đời mình, những cuốn không liên quan gì tới thể thao: truyện Người ở lại (2010), tiểu thuyết Điệp vụ Hoa lan trắng (2011) và cuốn cuối cùng của ông - Tản mạn mảnh đời thể thao.

Những cuốn sách đấy cho ta biết ông không chỉ nhạy bén khi nhìn về phía trước, mà còn rất biết ngoảnh lại phía sau, rành mạch, công bằng, tình nghĩa. Ông nói ông đã sống một cuộc đời “nghiệt ngã” và “có ích”.■

 

Giáo sư Dương Nghiệp Chí là một người vừa trở thành “muôn năm cũ”. Nhà báo, nhà khoa học Vũ Công Lập cảm thán: Không biết đến bao giờ lĩnh vực khoa học thể thao mới có được một người như thế?

Không chỉ lĩnh vực khoa học thể thao, một loạt cán bộ lãnh đạo ngành thể thao thời kỳ đầu mở cửa cũng đã bước qua tuổi cổ lai hi…, trong khi hiện tại, tin mới nhất tôi nghe được thì đương kim tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chỉ còn hai tháng nữa là đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không tìm được ứng viên sáng giá nào đủ sức thuyết phục mọi người để ngồi vào ghế số một ngành thể thao.

Ông Vũ Công Lập chia sẻ nỗi suy tư này, và nói: “Ngày xưa, lãnh đạo thể thao cấp tỉnh thành cũng rất nhiều người độc đáo, như ông Giang ở Hà Nội, ông Lộc ở Khánh Hòa, ông Phán ở Quảng Nam, ông Thì ở Bình Định… Ở trung ương thì từng trưởng bộ môn, từng vụ trưởng cũng đều là người độc đáo, có năng lực”.

Thậm chí, trưởng phòng thể thao một quận ở TP.HCM như ông Tư Ngữ cũng có vô vàn chuyện để đời, với bóng đá nữ, xe đạp nữ, aerobic… ngày nay đều rất phát triển nhờ đóng góp không nhỏ của ông. Rồi ở Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang đặt nền móng cho một loạt môn võ, nhảy cầu, bắn cung… Ông Hồng Minh thì đặt nền tảng cho thể dục dụng cụ, thể hình, cử tạ…

Ông Phạm Văn Tuấn, người vừa rời ghế tổng cục phó Tổng cục TDTT, cũng cảm thán: “Buồn lắm. Một sự khủng hoảng thật sự về đội ngũ cán bộ quản lý thể thao, từ địa phương đến trung ương!”.

Tại sao vậy? Người tài trong lĩnh vực quản lý thể thao ở đâu? Ông Vũ Công Lập suy tư một lúc rồi mới trả lời: “Chúng ta đã không tạo ra được một cơ chế minh bạch cho việc tuyển chọn, đào tạo người có năng lực. Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này, khi có quá nhiều nơi xảy ra tình trạng sóng lớp sau không đè được lớp trước. Vì vậy, tôi cho rằng nó là câu chuyện của thể chế vậy!”. (HUY THỌ)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận