H1N1 làm "cúm" đà hồi phục kinh tế

LÊ TẤN (THEO REUTERS, LE MONDE) 06/09/2009 23:09 GMT+7

TTCT - Trong lúc ngày càng nhiều thị trường chứng khoán tin vào khả năng hồi phục kinh tế thông qua những dấu hiệu tích cực, thì dịch cúm A/H1N1 có thể gây thiệt hại 384-2.633 tỉ USD cho nền kinh tế thế giới.

Phóng to

Một thổ dân Amazon mang khẩu trang ngừa cúm A/H1N1 khi tiếp khách tại một hội chợ hàng thủ công tổ chức ngày 26-8 ở Manaus, thủ phủ bang Amazonas, Brazil. Bộ trưởng y tế Brazil khẳng định nước này có 557 người chết vì virus H1N1 - Ảnh: Reuters

Từ lúc xuất hiện vào cuối tháng 3 năm nay, cúm A/H1N1 đã lấy đi tính mạng hơn 2.185 người trên toàn cầu, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Người ta lo ngại cơn dịch sẽ bùng phát mạnh vào mùa thu ở Bắc bán cầu, cộng với tình trạng nguồn văcxin cung cấp đang rất hạn chế.

Thiệt hại có thể chiếm đến 4,8% GDP toàn cầu

Do chưa thể đánh giá hết tốc độ gây bệnh và lan truyền của virus, các chuyên gia kinh tế khó dự báo tác động của dịch cúm đến sự hồi phục kinh tế thế giới, dù gần đây Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke cho rằng hoạt động kinh tế có vẻ đang ổn định và dấu hiệu triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn đang quay trở lại.

Ngành y học truyền thống sử dụng dược thảo luôn có vai trò quan trọng tại một số vùng bị virus cúm A/H1N1 hoành hành, nhất là ở châu Á. Tại Ấn Độ, những nguyên tắc của y học truyền thống luôn được công chúng hưởng ứng và không khó tìm thấy những lời khuyên dạng này trên báo chí nghiêm túc nhất. Một bài viết trên tờ Times of India đề nghị một danh sách gồm mười biện pháp lấy từ y học truyền thống có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi virus cúm A/H1N1. Đứng hàng thứ mười là lau sạch tay - động tác ngăn ngừa cơ bản nhất, xếp sau cả những loại nước nấu từ nghệ và nha đam.

Theo đánh giá của bà Simonetta Nardin - phát ngôn viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nguy cơ lớn nhất là tỉ lệ nhân viên công ty vắng mặt cao có thể gây rối loạn hoạt động trong các hệ thống tài chính quan trọng.

Việc đóng cửa trường học để ngăn ngừa cúm lây lan cũng có thể làm tăng tỉ lệ vắng mặt, qua đó giảm năng suất tại nơi làm việc.

Tại New York, học sinh tiểu học được phát văcxin ngừa cúm miễn phí theo kế hoạch được thị trưởng Michael Bloomberg công bố vào đầu tháng 9. Thành phố này ước tính 750.000-1 triệu dân, chiếm 10% dân số, bị ảnh hưởng bởi dịch cúm.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ hi vọng có thể chuyển đến New York 1,2 triệu liều văcxin vào giữa tháng 10 và bổ sung 500.000 liều mỗi tuần, nếu như các hãng dược phẩm chạy đua sản xuất văcxin kịp thời gian.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), phí tổn kinh tế của cúm A/H1N1 có thể chiếm 0,7-4,8% GDP toàn cầu, tùy theo cấp độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Nếu căn cứ vào ước tính GDP toàn cầu năm 2009 theo IMF vào khoảng 55.000 tỉ USD, cúm A/H1N1 có thể làm tiêu tốn 384-2.633 tỉ USD.

­Trong một báo cáo tài chính công bố vào tháng 6, các chuyên gia phân tích của WB cho rằng trong trường hợp dịch bệnh tăng nặng, những nỗ lực nhằm tránh lây lan bệnh và tỉ lệ vắng mặt ở công ty có thể chiếm đến 70% phí tổn kinh tế. Các quốc gia đang phát triển tất nhiên bị ảnh hưởng nặng nhất do mật độ dân số cao, hệ thống y tế yếu kém và tình trạng nghèo nàn. Tại Pháp, Bộ trưởng y tế Roselyne Bachelot cho biết tính đến đầu tháng 9, chính phủ đã chi 1,5 tỉ euro cho cuộc chiến chống lại dịch cúm A/H1N1, trong đó 1,1 tỉ để mua thuốc, khẩu trang... và gần 450 triệu euro cho các chiến dịch tuyên truyền thông tin, trả lương bác sĩ và nhân viên.

Một quan chức giấu tên của IMF cho rằng cúm A/H1N1 làm tăng trưởng GDP của Mexico giảm 0,5-1% trong năm 2009. Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước này bị thiệt hại nặng, trong đó có du lịch vốn chiếm nguồn thu đứng hàng thứ ba.

Nhộn nhịp thị trường sản phẩm ngăn ngừa cúm

Trong cuộc chạy đua đối phó cúm A/H1N1, Tamiflu là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Loại thuốc ngừa cúm này đã được tiếp thị ồ ạt trên Internet với giá 130 USD/hộp 10 viên. Nếu biết một hộp Tamiflu ở Pháp có giá bán trung bình 25 euro (khoảng 36 USD), rất có thể lợi nhuận của loại thuốc này trên các cửa hàng thuốc trực tuyến sẽ vượt xa Viagra. Ngoài chuyện giá đắt, người mua có nguy cơ mua nhầm hàng giả.

Một báo cáo chuyên ngành của châu Âu công bố vào tháng 6-2008 cho biết trong số mười loại thuốc bán trên Internet có đến sáu loại là giả hoặc nhái. Và Tamiflu nằm trong số những loại thuốc bị làm giả hàng đầu trên thế giới.

Nhưng không chỉ có Tamiflu mới thu hút người mua. Các bộ dụng cụ ngừa lây bệnh gồm găng tay, khẩu trang, khăn tẩy và dung dịch nước pha cồn cũng đang hút hàng. Với máy lọc không khí cần phải cẩn thận vì đa số loại máy này bán trên các mạng chuyên về sản phẩm sinh thái và tự nhiên không có tác động nào đến sự hiện diện của virus trong không khí. Hiệu quả của việc loại trừ virus trong không khí vẫn còn đang chờ những đánh giá khoa học.

Điều gây lo ngại hơn cả là sự xuất hiện quá nhiều công thức thuộc dạng gia truyền được quảng bá là trị cúm A/H1N1 như nước pha từ thảo mộc, dầu thoa...

Trong nhiều trường hợp, đây chỉ là những công thức giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và qua đó tránh các loại virus, trong đó cúm A/H1N1 chỉ là một. Nhưng quảng cáo đi kèm lại thường mập mờ, thậm chí có quảng cáo dùng hồi để diệt virus, vì trong thành phần điều chế Tamiflu có loại gia vị này. Lợi dụng điều đó, người bán muốn công chúng tin rằng nước nấu từ hồi có thể thay thế thuốc diệt virus. Tháng 5 vừa qua, các nhà sản xuất thực phẩm bổ sung tại Mỹ đã phải công bố thông báo nhắc lại các chất này không được xem là thuốc trị cúm A/H1N1.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận