TTCT - Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đang có xu hướng trở thành cuộc chiến dài hơi, mà hai bên đều sẽ muốn chơi đúng các lá bài của mình. Ảnh: China US FocusNăm 2021, một cuốn sách mới xuất bản có tên Trò chơi dài hơi: Đại chiến lược của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự của Mỹ (The Long Game: China's Grand Strategy to Displace American Order) đã được nhiều giải thưởng sách hay trong năm. Tác giả Rush Doshi, có bằng tiến sĩ Đại học Harvard và hiện là giám đốc chương trình Sáng kiến chiến lược Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), cho rằng Bắc Kinh đang có một kế hoạch dài hơi cho "trật tự thế giới mới". Một trong những ý chính là Trung Quốc đủ kiên nhẫn và sức chịu đựng để "nằm gai nếm mật", trong khi các tổng thống Mỹ thường chỉ có bốn năm, cao lắm là tám năm để thực hiện chính sách.Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đang có xu hướng trở thành cuộc chiến dài hơi như diễn giải của Doshi. Trung Quốc của năm 2025 có nhiều dấu hiệu đang phản ứng với cuộc chơi do ông Trump khởi xướng theo cách mà họ muốn, thay vì bị cuốn vào vòng xoáy của thuế quan. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại, nhưng cảnh báo rằng nếu cần thiết, họ sẽ "chiến đấu đến cùng".Không ai muốn tỏ ra yếu thếCuộc chiến thương mại Trung - Mỹ cũng được truyền thông khắc họa ở cấp độ cá nhân lãnh đạo như cuộc so kè của ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khoảng một tháng qua, cả ông Trump lẫn ông Tập đều không có dấu hiệu muốn lùi bước. Trong quan hệ quốc tế, các nhà phân tích gọi đây là "trò chơi con gà" (chicken game), tức đẩy căng thẳng lên cao nhất để xem ai phải chớp mắt trước. Người thua là con gà, trong tiếng Anh tượng trưng cho sự nhát cáy.Nhưng đến cuối tháng 4, có vẻ như ông Trump đã chớp mắt trước khi úp mở về khả năng đảo ngược thuế quan. Cụ thể, ông nói mức thuế mà ông đã áp với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ "giảm đáng kể, nhưng sẽ không bằng 0".Ngay sau đó, mạng xã hội Trung Quốc được dịp hò reo. "Ông Trump hèn nhát" là một trong những chủ đề tìm kiếm thịnh hành nhất trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo. "Trung Quốc không cần phải nói chuyện với Mỹ" - Yuyuantantian, một tài khoản Weibo có liên kết với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), nói trong bài đăng hôm thứ năm 1-5. "Theo quan điểm của các cuộc đàm phán, Mỹ phải là bên lo lắng hơn vào thời điểm hiện tại".Phản ứng từ Bắc Kinh thì có vẻ lấp lửng, khi cho biết họ đang "đánh giá" lời đề nghị từ Washington về việc tổ chức đàm phán về thuế quan của ông Trump, theo Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ sáu 2-5. Tuy nhiên, bộ này cũng nói lập trường của Bắc Kinh vẫn nhất quán: Chỉ tham gia đàm phán nếu Washington hủy bỏ thuế quan với hàng Trung Quốc trước. Đồng nghĩa Trung Quốc không muốn Mỹ đẩy căng thẳng lên cao, rồi hạ xuống vài nấc để tỏ "thiện chí"; họ muốn xóa hết bài để đánh lại từ đầu. Ông Tập cũng sẽ không muốn bị coi là yếu thế khi nhượng bộ. "Nếu Mỹ không sửa chữa các biện pháp thuế quan đơn phương sai trái của mình, điều đó có nghĩa là Mỹ hoàn toàn không chân thành và sẽ làm tổn hại thêm lòng tin lẫn nhau giữa hai bên", thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc viết.Chính phủ nước này cũng thẳng thừng bác bỏ những tin tức về tiết lộ của ông Trump rằng Bắc Kinh đã gọi điện cho Nhà Trắng. "Trung Quốc và Mỹ chưa tổ chức tham vấn hoặc đàm phán về vấn đề thuế quan - Quách Gia Côn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tiếp tục nhắc lại trong cuộc họp báo ngày 2-5 - Mỹ không nên gây nhầm lẫn cho công chúng".Ảnh: Global Finance MagazineTrung Quốc muốn gì? Vẫn còn sớm để đưa ra suy đoán là Trung Quốc sẽ đặt cái gì lên bàn đàm phán. Chiến lược của họ vẫn là kiên nhẫn và thận trọng. Các tương tác gần đây cho thấy Trung Quốc sẵn sàng để ông Trump đi trước một nước, rồi họ mới phản hồi sau khi đã tính toán kỹ lưỡng. Khác với mạng xã hội đang ngập tràn chủ nghĩa dân tộc, truyền thông nhà nước Trung Quốc có giọng điệu chừng mực nhất quán để phản ứng với sự khó lường của Trump. Thông điệp của Bắc Kinh khá rõ: Dù Mỹ có lợi thế trong nhiều lĩnh vực, nhưng thời gian lại ủng hộ Trung Quốc. Sức ép từ thị trường chứng khoán, từ doanh nghiệp Mỹ và áp lực lạm phát lên ông Trump luôn lớn hơn nhiều so với ông Tập.Do đó, Bắc Kinh không vội vã ngồi vào bàn đàm phán - Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí ví việc nhượng bộ trước thuế quan của Trump giống như "uống thuốc độc để giải khát" trong một clip đăng trên mạng.Michael Pillsbury, cố vấn cấp cao về Trung Quốc của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, nói với tờ New York Times rằng cuộc thương chiến đã trở thành trọng điểm trong niềm tự hào quốc gia của Trung Quốc. Bắc Kinh tin rằng các yêu cầu của ông Trump sẽ dịu đi khi thị trường Mỹ biến động và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần. Theo Pillsbury, "kéo dài sẽ có lợi cho ông Tập, và một thỏa thuận nhanh chóng rất có lợi cho Trump". Ông cũng nhận định rằng Bắc Kinh rất có thể đang chờ xem các thỏa thuận mà chính quyền Trump đạt được với các quốc gia khác như Ấn Độ và Nhật Bản sẽ ra sao. Nếu dàn xếp với các đồng minh và đối tác trước với Trung Quốc, Mỹ ít nhiều sẽ "lộ bài" trên bàn đàm phán.Trong khi đó, giới chức Mỹ dưới quyền ông Trump vẫn tin rằng Trung Quốc đã "thấm đòn" thuế quan, và đàm phán Trung - Mỹ sẽ là chuyện diễn ra trong tương lai gần. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói với các nhà đầu tư tại hội nghị của Tập đoàn JPMorgan gần đây rằng lượng đặt chỗ container đường biển từ Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 64%. Ông nhận định áp lực đang đè nặng lên Trung Quốc vì nước này phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu sang Mỹ so với chiều ngược lại. "Họ bán cho chúng ta nhiều hơn khoảng 5 lần so với chúng ta bán cho họ. Vì vậy, các nhà máy của họ đang đóng cửa khi chúng ta đang nói chuyện đây". Tập đoàn dịch vụ tài chính và đầu tư toàn cầu Nomura Securities ước đoán khoảng 16 triệu người Trung Quốc có thể mất việc làm khi những tác động dài hạn của việc giảm 50% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lan tỏa khắp nền kinh tế.Hôm 1-5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết mức thuế quan đã gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, và Bắc Kinh rất muốn đàm phán. "Người Trung Quốc đang tiếp cận, họ muốn gặp gỡ, muốn đàm phán", ông nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News. Tương tự, trả lời phỏng vấn Fox Business Network cũng ngày 1-5, Bộ trưởng Bessent cho rằng thuế quan của Mỹ hiện là "không bền vững với Trung Quốc" và một "thỏa thuận lớn" có thể đạt được giữa hai nền kinh tế.Ảnh: Morning StarMỹ có những lá bài nào?Cho đến nay, ông Trump vẫn chưa chính thức bổ nhiệm hoặc ủy quyền cho một quan chức Mỹ thay mặt ông đàm phán với Trung Quốc, khiến Trung Quốc vẫn tin rằng chính quyền Trump chưa sẵn sàng hoặc chưa nghiêm túc về các cuộc đàm phán thương mại.Nổi tiếng với phong cách thích gặp mặt thượng đỉnh, ông Trump đã có những gợi ý rằng ông Tập nên gọi điện cho ông để bắt đầu đàm phán trực tiếp. Nhưng đó không phải cách Trung Quốc thường xử lý các vấn đề kinh tế quan trọng. Họ ưa chuộng hơn giải quyết những khác biệt qua một cuộc đối thoại có cấu trúc với các cuộc họp chính thức và nhóm làm việc do một quan chức kinh tế cấp cao của mỗi quốc gia dẫn đầu. Họ muốn có một thỏa thuận chi tiết trước khi các nhà lãnh đạo cao nhất gặp nhau.Hơn nữa, dù quả thực đang gặp nhiều khó khăn, giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ vẫn đang đặt cược rằng Bắc Kinh sẽ chịu đựng được các thách thức kinh tế lâu hơn Washington trong cuộc chiến thuế quan, vì họ đã chuẩn bị cho một trò chơi dài hơi. ■ "Cách tiếp cận rất cá nhân này của Tổng thống Trump, người muốn đàm phán trực tiếp với Chủ tịch Tập, hoàn toàn không phù hợp với hệ thống của Trung Quốc" - Craig Allen, thành viên Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Hội Châu Á (Mỹ), nói với tờ New York Times. Dan Wang, trưởng nhóm về Trung Quốc tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, bình luận với Reuters rằng thách thức lớn nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt trước khi tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào là sự bất định của ông Trump: "Cuộc đàm phán rất khó bắt đầu vì ông Trump hay thay đổi. Trung Quốc sẽ không mạo hiểm mất quyền kiểm soát tình hình chỉ vì mục đích đàm phán". Bạn đang đọc trong chuyên đề "Mỹ áp thuế các nước Tiếp theo Tags: Thuế quanChính quyền trumpThuế quan Trung - MỹBàn đàm phánTrung quốc
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Sân bay Belarus rực rỡ quốc kỳ chào đón Tổng Bí thư Tô Lâm DUY LINH 11/05/2025 Chiều 11-5, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao rời Nga, hướng tới Belarus cho chuyến thăm cấp nhà nước.
Một học sinh lớp 12 nhận điện thoại lừa ra khỏi nhà, yêu cầu gia đình chuyển 250 triệu TIẾN NGUYỄN 11/05/2025 Công an Quảng Ninh đã ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo gia đình học sinh lớp 12 số tiền 250 triệu đồng.
Dông mạnh đang kéo đến, cảnh báo mưa đá tại Củ Chi, Thủ Đức và nhiều quận huyện TP.HCM CHÂU TUẤN 11/05/2025 Tối 11-5, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên phát thông báo cảnh báo dông, lốc, sét, mưa đá và mưa lớn cục bộ tại TP.HCM.
PGS.TS Trần Khánh Thành đột ngột qua đời THIÊN ĐIỂU 12/05/2025 Sau sự ra đi đột ngột của PGS Phạm Văn Tình, giới văn chương và khoa học ở Hà Nội lại đón thêm tin buồn bất ngờ: PGS.TS Trần Khánh Thành - phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương - qua đời tối 11-5.