Ukraine: UAV đã thay đổi chiến tranh như thế nào?

TRÍ PHAN 11/05/2025 10:05 GMT+7

TTCT - Sự xuất hiện của các máy bay không người lái ở quy mô lớn trong một cuộc chiến tranh quy ước đã làm thay đổi nhiều hình thái chiến thuật và yêu cầu tác chiến.

U - Ảnh 1.

Ảnh: CEPA

Siêu cường quân sự Nga vốn quen thuộc với những trận đánh quy mô vĩ đại, trong khi Ukraine có thể nói là kẹt trong "lời nguyền của địa lý", dù được hỗ trợ bởi một liên minh hùng hậu phía sau. Cuộc chiến kéo dài hơn ba năm qua giữa hai nước đang định nghĩa lại các hình thái chiến tranh hiện đại.

Không còn những cuộc hành quân với quy mô hàng trăm ngàn quân hay những sư đoàn xe tăng thần tốc như ở Kursk, Stalingrad. Không có những cuộc đổ bộ được kiểm soát bởi hàng chục phi đội cường kích kèm bom hạng nặng có thể xóa sổ hàng chục cây số vuông trong tích tắc như chiến dịch Bão táp sa mạc của Mỹ tấn công Iraq đầu thập niên 1990.

Giới hạn là trí tưởng tượng

Thay vào đó, cuộc chiến ở Ukraine là những cuộc giằng co chậm chạp - từng ngôi làng, từng mái nhà, thậm chí từng khúc chiến hào… suốt ba năm qua đã được hai bên giành qua giật lại. Hình thái chiến tranh phải thay đổi bởi một phương tiện chiến tranh mới, nhìn thấy tất cả và kiểm soát tất cả - những con nhện UAV có vẻ bề ngoài như một thứ đồ chơi, bay khắp nơi, mọi lúc.

Sự đa dạng của UAV trong chiến tranh ngày nay phải nói là chỉ giới hạn ở trí tưởng tượng của người chuyên gia kỹ thuật. 

Nó có thể là một chiếc máy bay tí hon với đầy đủ những tính năng của phiên bản bình thường, hay là một máy chụp ảnh không thám để có thể chụp được tận khuôn mặt của vị tướng chỉ huy nào trót dại lộ diện. Nó có thể thả bom và phối hợp tác chiến như một bầy đàn thực thụ.

Trong quá khứ, một chiến binh dày dạn kinh nghiệm mất ít nhất 5 năm đào tạo và cũng chừng đó năm thực địa để là vốn quý của quốc gia, mà quy ra thành tiền phải là cả triệu đô la. 

Nhưng người lính đó, như cuộc chiến ở miền đông Ukraine cho thấy hầu như không có kinh nghiệm gì để đối phó với những con nhện UAV bay vo ve trên đầu - vốn có khi đang được điều khiển bởi một binh nhì 19 tuổi mà kinh nghiệm đáng giá nhất là game thủ suốt 3 năm trung học.

Có khi vừa kịp nghe được tiếng vo ve thì người lính chiến đã lập tức mất mạng vì đạn pháo Kalibr hay HIMARS của đối phương từ khoảng cách có khi cả trăm km, hay cả những dàn pháo 20-30km. Mọi chuyển động hành quân đủ lớn ngang vài chiếc xe tăng cùng chạy, dù là ban đêm, vẫn sẽ là mục tiêu theo dõi dễ dàng của UAV.

Chiến tranh hiện đại ở Ukraine, ít ra là trên bộ, giờ đã trở thành trò chơi cá sấu lên bờ của trẻ nít: Ai di chuyển ít nhất, chậm chạp nhất, ít để bị phát hiện nhất - sẽ có cơ hội chiến thắng. 

Đó là cách người Nga đang cố gắng để làm: một nhóm nhỏ không quá bốn người tiến lên trong vòng 100m kiểm soát khu vực. Ngày hôm sau lại một nhóm ba bốn người khác tiến lên 100m khác. Đó cũng là lý do khiến bước tiến của họ chậm rãi, nhưng cho đến nay vẫn là chủ động và chắc chắn trên chiến trường. Trong khi Ukraine buộc phải bị động đối phó.

Những game thủ ở West Point

Tuy nhiên, nếu như Ukraine thất thế trước Nga trên nhiều phương diện, bao gồm cả nguồn lực con người, tài chính lẫn vũ khí khí tài thì drone lại là lĩnh vực có thể gây tranh cãi. Đằng sau thực tế này nổi lên một cái tên mới mà cũ, cường quốc drone toàn cầu: Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thật ra ngay từ trước cuộc chiến ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất drone, và cũng là nước triển khai sử dụng trên thực địa nhiều nhất.

Drone Bayraktar TB2 và Anka của Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ phiến quân tấn công quân Chính phủ Syria từ năm 2016. Cũng những phiên bản này sau đó tiếp tục thể hiện sự hữu dụng trong cuộc chiến Armenia - Azerbaizan ở Nagorno-Karabakh. Drone Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ cho Azerbaijan năm 2018 đã làm tan nát hệ thống phòng không vốn được trang bị bởi nền tảng kỹ thuật Liên Xô cũ của Armenia.

Với hiệu năng của những thiết bị có kích thước nhỏ và chi phí chế tạo giảm dần rất nhanh, drone đã "dân chủ hóa" chiến tranh một cách mau chóng, trở thành loại vũ khí có giá trị nhất cho kiểu chiến tranh bất đối xứng, khi bên yếu hơn vẫn có thể cầm cự và tiếp tục cuộc chiến trước một địch thủ mạnh áp đảo.

Khởi điểm là máy quay phim trên không, drone góc nhìn thứ nhất (FPV) hiện đang được Ukraine sản xuất với số lượng đến hàng trăm nghìn chiếc, với nhiệm vụ trinh sát, định vị mục tiêu bất cứ địa hình nào, miễn là có đủ khoảng không gian và tấn công cảm tử không cần lời ai điếu trước khi xuất phát.

Chiến tranh drone ắt dẫn tới chiến tranh chống drone. Để chống lại UAV, đối phương cần một hệ thống gây nhiễu để để drone không nhận được tín hiệu điều khiển cách nó 2-5 km, hoặc có thể dùng chùm tia laser cường độ cao để phá hủy các bộ phận chủ yếu như pin hay cánh quạt.

Không khó để tưởng tượng ra một cuộc chiến như trong xinê, khi hai game thủ điều khiển drone cầm hai bộ điều khiển ở hai bên chiến tuyến, mắt chăm chăm nhìn vào màn hình.

Trận đánh có thể diễn ra và kết thúc mà không kèm theo bất cứ tiếng nổ, vụ cháy hay âm thanh gào thét kinh hoàng nào, mà thỉnh thoảng chỉ có vài con nhện rơi xuống. 

Cũng có thể hình dung ra cảnh tượng tương lai, khi mà những chuyện hư cấu kiểu kiếm hiệp Trung Hoa không còn là chuyện giả tưởng trong chiến tranh hiện đại: chỉ một di chuyển trên màn hình, đối phương sẽ đầu hàng, vì biết rõ, hoặc drone đã đặt tất cả các mục tiêu vào tầm ngắm, hoặc tất cả drone của phe ta đã bị vô hiệu hóa.

Cuộc chiến Ukraine, dù có kết thúc thế nào thì chiến tranh cũng sẽ không còn như trước nữa. Người anh hùng của chiến tranh, vì vậy, cũng có thể phải định nghĩa lại. Một game thủ tài giỏi ngày nay hoàn toàn có thể nhận huân chương huân công trước một thiếu sinh quân vừa tốt nghiệp Học viện West Point!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận