Hành trình ý niệm của Ưu Đàm

HIỀN HÒA 01/08/2017 05:07 GMT+7

TTCT - Nổi lên như một tiếng nói riêng biệt từ nghệ thuật đương đại Việt Nam những năm gần đây, được quốc tế chào đón, nghệ sĩ Ưu Đàm (UuDam Tran Nguyen) đi từ một sinh viên điêu khắc tới một nghệ sĩ đa phương tiện và rồi định hình trong nghệ thuật ý niệm.

Robot L2D vẽ License 2 Draw tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.-Ảnh: T.L.
Robot L2D vẽ License 2 Draw tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.-Ảnh: T.L.

 License 2 Draw - tác phẩm robot ý niệm của anh - vừa được một số tổ chức nghệ thuật và bảo tàng tại Nhật, Úc, Singapore, Việt Nam… mời trưng bày.

“Nghệ thuật ngày hôm nay của tôi và trước đây đều làm vì một lý do liên quan đến ý muốn đóng góp cho xã hội. Nó được nạp nhiên liệu bằng ý niệm/ý tưởng.

Mọi hình thức nghệ thuật thích hợp đều sẽ được đưa vào khi cần để giúp tác phẩm trở nên hợp lý hơn. Tôi không muốn trói mình vào một hình thể cụ thể nào, nên ý tưởng sẽ dẫn dắt hình thể” - Ưu Đàm chia sẻ.

License 2 Draw (với con robot tên là L2D) là cách tạo dựng một con robot biết vẽ, nơi mà người xem khắp thế giới có thể cùng vẽ tác phẩm, chỉ cần tải ứng dụng lên điện thoại thông minh.

Đây có lẽ là sự kế thừa tạo hình điêu khắc và khái niệm thiết kế mà Ưu Đàm đã học 1 năm tại UCLA, Mỹ. Yêu thích các môn khoa học từ bé, anh quan tâm đến vật lý, hóa, sinh, toán song hành với các vấn đề chính trị - xã hội. Như những ý niệm từ máy bay chiến đấu không người lái.

“Người ta có thể tiến hành một cuộc chiến tranh từ xa, không người lái, vậy sao lại không thể làm nghệ thuật từ xa?” - Ưu Đàm cho biết về ý tưởng làm License 2 Draw. Nó rõ ràng là kết quả của sự thích mày mò với máy móc, mạch điện tử từ hồi trung học và thích thú với những ứng dụng mới trong kỹ thuật, nghệ thuật của anh.

Ưu Đàm trắc nghiệm robot L2D tại xưởng vẽ.-Ảnh: Hiền Hòa
Ưu Đàm trắc nghiệm robot L2D tại xưởng vẽ.-Ảnh: Hiền Hòa

 

 Nghĩ lại, hành trình sáng tạo của tôi có lẽ khá giống như là tranh thiền chăn trâu. Không biết là tôi đang ở giai đoạn nào của 10 bức tranh đó, nhưng tôi mong sẽ đi tới bức số 10

Ưu Đàm

 Điêu khắc là một cách nhìn

Ưu Đàm từng có những tác phẩm điêu khắc rất đẹp, như bức tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vậy một tác phẩm nặng về kỹ nghệ và ý niệm như License 2 Draw có liên quan gì với điêu khắc không? Chắc chắn có. Vì điêu khắc với anh là một cách nhìn.

Nếu xem những tác phẩm video của Ưu Đàm, tiêu biểu như Serpents’ Tails, sẽ thấy các hình ảnh trong đó là những sắp đặt điêu khắc, chúng được bơm khí đồ sộ. Điêu khắc của anh như chuyển hóa thành một dạng nghệ thuật có tính thời gian (time-based), trở thành điêu khắc cho camera, thành hình ảnh chuyển động, thành phim.

Trong hai triển lãm tháng 7 của Ưu Đàm tại Nhật, anh cũng dùng tư duy điêu khắc như một công cụ sáng tạo chính cho ý niệm. Tại Gallery đương đại Yamamoto Gendai (Tokyo), anh trang trọng trưng bày một License 2 Draw trên bục gỗ như một tác phẩm điêu khắc.

Con robot này sẽ không di chuyển để vẽ tranh mà được đặt đứng, nơi khách xem sẽ thấy 4 bánh xe quay trong không khí, vào lúc ai đó trên thế giới đang bấm điện thoại để điều khiển việc vẽ. Robot L2D này đã biến thành một điêu khắc động học (kinetic sculpture).

Cũng tại đây, trên tường là hai màn hình trực tuyến 24/7 từ bàn vẽ ở xưởng của nghệ sĩ tại Việt Nam và ở sàn vẽ tại Bảo tàng SAM, Singapore.

Ở giữa là màn hình tivi chiếu bản đồ thế giới, nơi robot L2D được trực tuyến để biết người đang vẽ dùng ứng dụng này ở đâu. Mỗi khi người ở nước nào tham gia, một chấm đỏ sẽ hiện lên trên nước đó, đồng thời tên của nước đó sẽ chạy ngang qua dưới màn hình.

Đó là một cảm giác rất tuyệt vời khi ta thấy được sự hiển thị người tham gia của nhiều nước, và tên của mỗi nước hiện lên trên tác phẩm của Ưu Đàm.

Với tác phẩm Time Boomerang đang trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Tokyo (NACT, Nhật), Ưu Đàm bày một bàn tay bằng đồng, năm đầu ngón tay sẽ được thả tại năm biển của 5 châu lục.

Có 6 video trên 6 màn hình treo từ trần nhà cao 10m, như một tác phẩm video, nhưng ý niệm điêu khắc mới là yếu tố chính được ghi hình tại đây. Chúng ghi dấu hành trình mà nghệ sĩ đến các châu lục thực hiện trình diễn việc thả các đầu ngón tay xuống biển.

Tranh mực do robot L2D vẽ, hiện treo tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.-Ảnh: NVCC
Tranh mực do robot L2D vẽ, hiện treo tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.-Ảnh: NVCC

 Cốt cách của nghệ sĩ đương đại

“Nghệ sĩ đương đại có lẽ là người liên tục thực hiện một chuỗi thí nghiệm nghệ thuật. Chúng có rất nhiều bước và mọi thứ đều là một sự thực nghiệm” - anh nói với tiến sĩ Trần Hòa Bình trong cuộc trò chuyện nhân triển lãm cá nhân tại Viện Goethe (Hà Nội) đầu năm 2017.

Anh dành 3 năm cho tác phẩm License 2 Draw, 6 năm cho Time Boomerang dù tác phẩm này vẫn đang tiếp diễn, 2 năm cho Serpents’ Tails, nhưng vẫn luôn thay đổi mỗi khi trưng bày.

Có những thí nghiệm không thành công, đi trật đường, rồi cố gắng đi lại, hoặc biến cái trật đó thành một phần mới lạ của tác phẩm.

“Từ khi hoàn thành năm 2014, License 2 Draw đã may mắn đến được 4 quốc gia trong 7 triển lãm. Tôi nghĩ đây là một sự đồng cảm của các giám tuyển và người xem.

Mọi người cùng nhận thức được đây là một giai đoạn có tính lịch sử, khi mọi thứ đều có thể can thiệp từ xa dễ dàng bằng điện thoại thông minh.

Do vậy, tính đương thời của License 2 Draw được một số đông người quan tâm và chào đón. Khán giả ở Tokyo rất phấn khích khi thấy họ có thể dùng điện thoại của mình để di chuyển được con robot của tôi ở Singapore và ở Việt Nam. Khi họ vui, hiển nhiên rồi, tôi có nhiều cảm hứng để đi tiếp” - Ưu Đàm nói.

Tác phẩm License 2 Draw cũng “phá vỡ” quy tắc về sưu tập, sở hữu riêng, tạo nên một giai đoạn tuyệt vời của đồng sáng tác, của sở hữu chung.

Rõ ràng 3 quốc gia là Nhật, Singapore và Việt Nam đang cùng có 3 con robot L2D, chúng đều là của Ưu Đàm, nhưng tùy mức độ tương tác của khách xem, chúng lại dường như không phải của nghệ sĩ này.

L2D Robot đang vẽ License 2 Draw tại Bảo tàng Nghệ Thuật Singapore. Ảnh: TL
L2D Robot đang vẽ License 2 Draw tại Bảo tàng Nghệ Thuật Singapore. Ảnh: TL

 Không biên giới

Cuộc đời của Ưu Đàm có thể tạm chia làm ba giai đoạn: Việt Nam - Mỹ - Việt Nam. Khi tôi hỏi: “Chắc hẳn về mặt cảm quan và xúc cảm riêng, anh sẽ bị văn hóa - chính trị, địa lý - giáo dục ở từng nơi chi phối khi làm tác phẩm?”, Ưu Đàm trả lời: “Tôi nghĩ địa lý và văn hóa sẽ luôn chi phối tác phẩm của các nghệ sĩ nói chung, nên tôi không phải là một ngoại lệ.

Nhưng tùy theo từng trường hợp sẽ ít hoặc nhiều. Khi sáng tác, tôi bị chi phối chủ yếu bởi ý tưởng, nhưng cách thể hiện sẽ có thay đổi tùy thuộc môi trường văn hóa và địa lý.

Tại châu Úc, trước khi thực hiện trình diễn thả ngón tay xuống biển cho phần hai của tác phẩm Time Boomerang, tôi đọc một đoạn văn ngắn để công nhận sự có mặt từ trước của người Úc bản xứ.

Tôi thấy đó là một truyền thống rất hay của người da trắng ở đây. Họ làm vậy với mục đích tỏ lòng biết ơn và hàn gắn vết thương họ đã gây ra cho người dân bản xứ Úc. Khi tôi đọc, tôi cảm giác rất xúc động mặc dù mình không phải là một người Úc”.

Ưu Đàm sinh năm 1971 tại Kon Tum. Cha anh là một họa sĩ - nhà văn thành danh từ trước năm 1975. Năm 23 tuổi (1994), anh rời Việt Nam sang Mỹ định cư theo gia đình, học lại cử nhân và thạc sĩ nghệ thuật.

Anh trở lại Việt Nam năm 2008, nhận thấy một sự thay đổi rất lớn, cả tốt lẫn xấu, nên quyết dành thời gian ở đây tìm kiếm ý tưởng và ý niệm mới cho tác phẩm của mình.

Với tâm cảnh bắc nhịp cầu giữa Việt Nam và Mỹ, không phân biệt, tác phẩm của anh được nhiều bảo tàng, phòng trưng bày, không gian nghệ thuật và nhà sưu tập quốc tế chào đón.

Có thể kể đến Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (Singapore Biennale lần thứ 4), Queensland Gallery of Modern Art (Brisbane), Kadist Art Foundation (San Francisco), Bảo tàng Asia Society, Sàn Art (Việt Nam), Bảo tàng RISD, Art Gallery Barnsdall (Los Angeles), Bảo tàng Jewish, Bildmuseet (Thụy Điển), Meta House (Campuchia), Jim Thompson Art Center (Bangkok), Asia Pacific Triennale lần thứ 8, Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Tokyo...

Nếu quan tâm đến nghệ thuật đương đại nói chung, chúng ta sẽ rất vui khi giai đoạn này có nhiều sự dịch chuyển giữa các nghệ sĩ trong và ngoài Việt Nam, họ cùng nhau triển lãm và học hỏi.

Ở triển lãm “Sunshower: Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á từ 1980 đến nay” đang diễn ra tại Tokyo, 7 đại diện cho phía Việt Nam là Lê Quang Đỉnh (Dinh Q. Lê), Bằng Nhất Linh, Hoàng Dương Cầm, Tuấn Andrew Nguyễn, Trần Lương, Tiffany Chung và Ưu Đàm đã cho thấy sự đa dạng được tạo nên bởi cách nhìn cá nhân và phông tri kiến của từng nghệ sĩ.

Và đây chưa phải là toàn bộ những nghệ sĩ đương đại đang có “suy nghĩ toàn cầu và hành động địa phương” rất thú vị tại Việt Nam.■

Là sinh viên điêu khắc của Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Ưu Đàm sang Mỹ học cử nhân nghệ thuật ở Đại học California tại Los Angeles (UCLA), học thạc sĩ nghệ thuật ở Trường Nghệ thuật thị giác tại New York (NYC). Khi trở về Việt Nam, anh sống tại TP.HCM, tập trung sáng tác và điều hành xưởng sáng tác.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận