Hào quang của Thế vận hội

K.HỒNG - M.LOAN - M.HẰNG 17/08/2008 20:08 GMT+7

TTCT - Nhìn lại lịch sử Thế vận hội hiện Đại sẽ thấy rõ sự phân bố địa lý các nước chủ nhà: trong 29 lần tổ chức, hầu hết tập trung ở châu Âu và Bắc Mỹ, chỉ hai lần tại châu Á là Nhật Bản (Tokyo) năm 1964 và Hàn Quốc (Seoul) năm 1988, và lần này là tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Phóng to
Khu làng Olympic
TTCT - Nhìn lại lịch sử Thế vận hội hiện Đại sẽ thấy rõ sự phân bố địa lý các nước chủ nhà: trong 29 lần tổ chức, hầu hết tập trung ở châu Âu và Bắc Mỹ, chỉ hai lần tại châu Á là Nhật Bản (Tokyo) năm 1964 và Hàn Quốc (Seoul) năm 1988, và lần này là tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Để giành được quyền tổ chức Thế vận hội phải hội đủ điều kiện cơ sở vật chất không chỉ là sân bãi thi đấu, làng thế vận hội và khách sạn, mà còn là cả hệ thống hạ tầng cơ sở hiện đại, tức phải là một nền kinh tế hùng mạnh ở trình độ công nghiệp hóa và kinh tế tự do, một xã hội hài hòa với bản thân và với bên ngoài.

Năm 1964, người Nhật khai mạc Thế vận hội Tokyo, cũng là năm nước Nhật gia nhập OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), một câu lạc bộ của các quốc gia công nghiệp. Tất nhiên, để tổ chức Thế vận hội không cần phải là thành viên OECD, cũng như không phải quốc gia thành viên OECD nào cũng là nước chủ nhà Thế vận hội. Song, nếu nhớ rằng sau gần 48 năm thành lập (14-12-1960) với chỉ 20 thành viên ban đầu, OECD đến nay mới chỉ kết nạp thêm 10 thành viên mới trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể hiểu việc người Nhật ngay từ năm 1964 vừa gia nhập OECD vừa tổ chức Thế vận hội là hiển hách như thế nào.

Năm ấy, người Nhật khánh thành tuyến xe lửa siêu tốc Tokaido Shikansen từ Tokyo đi Osaka ngay vào dịp diễn ra Thế vận hội. Điều mà đến năm 1965 người Đức mới làm được với chiếc ICE đầu tiên, và năm 1967 đến lượt người Pháp với chiếc TGV 001. Hàn Quốc, khi tổ chức Thế vận hội Seoul 1988 đang ở giai đoạn mà lương trung bình là 381 USD/tháng (năm 1986), cán cân xuất nhập khẩu thặng dư 11,4 tỉ USD (năm 1988).

Phải gần chục năm sau Thế vận hội Hàn Quốc mới được gia nhập “câu lạc bộ nhà giàu” OECD, song Hàn Quốc đã được xem là một trong những con hổ của châu Á. Năm nay, ngày 1-8 vừa qua Trung Quốc đã khánh thành tàu siêu tốc Bắc Kinh - Thiên Tân, gia nhập câu lạc bộ bốn nước trên thế giới chế tạo và sản xuất được xe lửa siêu tốc. Trung Quốc còn gia nhập câu lạc bộ ba nước duy nhất đưa được con người lên quỹ đạo sau Nga và Mỹ.

Phóng to
"Không phải những tấm huy chương trên cổ các vận động viên nước nhà mà chính nền văn hóa và sự thịnh vượng mới mang lại niềm tự hào thật sự cho Trung Quốc”

Nhà bình luận Wu Yue San Ren viết trên báo Beijing News.

Trung Quốc tuy mới ngấp nghé ngưỡng cửa OECD, còn xếp hàng sau Nga, song lại là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Nhật nhờ nguồn nhân lực, vật lực đông đảo nhất thế giới của mình.

Trong một bài viết của mình, Jaime của Trường đại học George Washington đã viết về ý nghĩa của Thế vận hội Seoul năm ấy như sau: “Theo chân người Nhật đã biến Thế vận hội Tokyo 1964 thành một nghi lễ đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế Nhật Bản sang giai đoạn hậu chiến, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã muốn biến Thế vận hội thành một “đại tiệc ra mắt” nền kinh tế vừa mới công nghiệp hóa của mình, đồng thời muốn “chính đáng hóa” đất nước này trên trường thế giới”.

Có thể thấy với trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc, Thế vận hội là một sự thừa nhận đã qua rồi cái gọi là đế quốc “mặt trời mọc” đầy máu lửa, từ xâm lược quân phiệt, từ độc tài sang dân chủ, tự do, ổn định để phát triển.

Với Trung Quốc, Thế vận hội là sự thừa nhận đã qua rồi những thập niên hỗn loạn, từ ổn định đến cải cách thành công và nay vững vàng tiếp bước trên hành trình đến hiện đại... Đó chính là hào quang đích thực của Thế vận hội lần này.

* Theo Tân Hoa xã, trên cả nước hơn 6,4 triệu việc làm mới đã đến tay người dân trong nửa đầu năm nay, giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp còn 4%, tức giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Hơn 400 triệu người đã thoát nghèo trong 1/4 thế kỷ vừa qua.

* Trong khi 10% dân số những người giàu nhất Trung Quốc nắm trong tay 40% của cải cả nước thì 10% dân số những người nghèo nhất Trung Quốc chỉ nắm vỏn vẹn 2% của cải cả nước.

* Năm 2007, có 19 trường đại học Trung Quốc lọt vào tốp 100 trường đại học hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương.

(Theo báo cáo “Những khía cạnh lịch sử và thách thức đương đại: Nghiên cứu các trường đại học Trung Quốc” của giáo sư Vệ Phương Minh)

* Các trường đại học không chỉ cung cấp kiến thức cho thế hệ trẻ, mà còn cần quan tâm đến sự phát triển về mặt thể chất, thẩm mỹ và đạo đức của họ. Các sinh viên ra trường không đơn thuần chỉ là những sản phẩm, mà phải là những thành viên được giáo dục đầy đủ của thế hệ tương lai.

(Báo cáo của giáo sư Vệ Phương Minh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận