TTCT - Tục thả hoa đăng thịnh hành gần đây coi bộ không liên quan gì mấy tới những nghi thức tâm linh theo đúng kinh điển nhà Phật. Hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc sau ba ngày thả. Hầu hết được làm từ vật liệu nhựa và xốp rất khó phân hủy. Ảnh: H.T."Hoa đèn" trong Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương tiệt không dính dáng gì với tục thả "hoa đăng", chỉ tình cờ trùng hợp ngộ ngộ giữa đèn nôm đăng hán trong chữ nghĩa vậy thôi. Tục thả hoa đăng thịnh hành gần đây coi bộ cũng không liên quan gì mấy tới những nghi thức tâm linh theo đúng kinh điển nhà Phật.Nói "tối đèn sáng rác" cũng là hơi châm chước rồi, bởi chỉ sau chừng 120 phút hành lễ thả trôi thì "hoa đăng" đã trở thành rác. Tục thả trôi đèn này được một số nhà chùa bày ra khoảng chục năm nay như một biến tướng của vàng mã, mà lại nguy hại hơn vàng mã bởi mức độ ô nhiễm dai dẳng của nó.Nguồn gốc chưa tỏDùng lửa thắp sáng (đốt củi, đuốc, đèn) vốn là một dạng thức thể hiện niềm tin tâm linh đã xuất hiện từ buổi sơ khai của loài người, việc thần hóa ngọn lửa gắn với những truyền thuyết của nhiều bộ lạc, nhiều tôn giáo và tín ngưỡng dân gian khác nhau.Ở Việt Nam hiện nay, hình thức thả đèn trang trí trôi sông lại chồng lấn giữa lễ hội dân gian qua dịp Tết Nguyên tiêu (ảnh hưởng phong tục Trung Quốc) với lễ Phật Đản, lễ Vu lan trong một số chùa, thường kèm các slogan kiểu như "ánh sáng trí tuệ, chữa lành công hiệu". Gần đây tập tục này có cơ lan tỏa mạnh trong dân chúng qua các buổi cúng cầu an cầu siêu đang được bày vẽ ra ngày một nhiều chuyện, ngày một rối rắm. Hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc sau ba ngày thả. Hầu hết được làm từ vật liệu nhựa và xốp rất khó phân hủy. Ảnh: H.T.Một diễn giải đương đại điển hình về tập tục này là bài viết nói về nguồn gốc lễ hội hoa đăng do tỳ kheo Thích Quảng Phước viết hồi năm 2020: "Phật giáo Gia Lai: Tìm hiểu về lễ hội hoa đăng trong Phật giáo" (phatgiaogialai.vn). Không thấy bài viết đưa ra sử liệu Phật giáo nào nói đến việc này một cách cụ thể, tức không trích dẫn trong Tam tạng kinh điển và kể cả truyện cổ Phật giáo nào đề cập việc "kết đèn hình hoa sen, bên trong thắp sáng, thả xuống nước" để thể hiện nghi lễ nào có liên quan.Bài viết phối kể rối ren câu chuyện về bà lão ăn xin dùng hết số tiền được cho trong ngày cộng với tiền bán tóc mình để mua đèn cúng Phật với câu chuyện bông sen Ca Diếp. Và để giải thích nguồn gốc thả đèn hoa, bài viết đã ráp câu chuyện ngọn đèn tâm thành đặt bên bụi trúc (đăng) + niêm hoa vi tiếu (sen) = Hoa đăng. Tuy nhiên, cuối cùng tác giả bài viết cũng thành thật kết luận: "Không ai biết chính xác lễ hội hoa đăng trong Phật giáo có tự thuở nào".Thắp đèn dầu, đèn cầy (nến) các loạiNếu nói riêng về đăng/đèn thì có rất nhiều nguồn để nêu, tiêu biểu có thể kể về đèn Dược Sư. Phật Dược Sư (Bhaisajyaguru), thường được tụng với danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Một đoạn kinh Dược Sư: "Ðại đức! Nếu có người bệnh muốn khỏi bệnh khổ, nên vì người ấy, bảy ngày bảy đêm thọ trì tám phần trai giới. Nên đem thức ăn uống với vật dụng khác, tùy theo sức mà bày biện, cúng dường Tỳ-kheo Tăng, ngày đêm sáu thời lễ bái cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ấy, đọc tụng kinh này 49 biến, thắp 49 ngọn đèn, làm bảy pho hình tượng của Đức Như Lai ấy, trước mỗi một tượng đều để bảy ngọn đèn, mỗi một ngọn đèn lớn như bánh xe, cho đến 49 ngày, ánh sáng chẳng dứt, làm cành phan lụa ngũ sắc dài 49 gang tay, nên thả đủ loại chúng sinh đến 49 loài thì có thể được vượt qua nạn nguy ách, chẳng bị các tai nạn, quỷ ác bắt giữ". (Thích Hạnh Định, Tín ngưỡng Dược Sư và ý nghĩa thời đại, Giác Ngộ online, 19-2-2024).Hoa đăng sau khi được thả chưa được thu gom kịp thời, trôi nổi trên vịnh Lan Hạ vào ngày 11-8-2019. Ảnh: Tuổi TrẻHay gần gũi hơn với ánh sáng mầu nhiệm có lẽ là Nhiên Đăng Cổ Phật (Dipanikara), còn được gọi với danh hiệu Đĩnh Quang Như Lai, gọi Cổ Phật vì đây là một trong nhiều đấng chứng quả trước Thích Ca rất lâu, có nhiều sự tích trong kinh sách nói về Phật Nhiên Đăng, riêng thấy Từ điển Phật học Việt Nam dẫn một câu chuyện dâng hoa cúng Phật rất tình sử màu sắc, rằng: "Đức Phật Thích Ca có một tiền kiếp là tu sĩ Sumedha (Thiện Tuệ, hoặc Thiện Huệ). Thiện Tuệ từng gặp và cúng hoa cho Đức Phật Nhiên Đăng. Thiện Tuệ mua hoa ấy từ một cô gái bán hoa với giá rất đắt. Cô gái hỏi vì sao Thiện Tuệ lại mua với giá đắt như vậy? Thiện Tuệ trả lời là mua hoa để cúng Phật Nhiên Đăng". "Cô gái liền tặng không bó hoa với lời nguyện là cô với Thiện Tuệ sẽ kết duyên vợ chồng trong các kiếp sau, còn Thiện Tuệ nguyện rằng sẽ tu thành Phật trong tương lai. Phật Nhiên Đăng thọ ký cho cả hai người. Sa môn Thiện Tuệ là tiền thân của Phật Thích Ca, cô gái bán hoa là tiền thân của Công chúa Gia Du Đà La (người vợ của Phật Thích Ca trước khi ngài xuất gia đi tu)".Chuyện Dược Sư liên quan tục thắp đèn; chuyện Nhiên Đăng tự danh nói lên ánh sáng, và những mẩu chuyện nói về vật tượng trưng ngọn lửa từ bi hay ánh sáng trí tuệ thì rất nhiều trong kinh sách nhà Phật. Tuy thế, ngay trong kinh Dược Sư, việc thực hiện nghi thức cúng đèn không đề cập gì tới chuyện thả ra sông ngòi ao hồ cả.Hoa đăng biến tượng được làm từ xốp và có đế kim loại bị thả xuống sông Hương năm 2018. Ảnh: H.LanLửa trong lòng hoa senTiếp đến, "Bách Phật đỉnh đăng" là một hình thức diễn xướng đặc sản của thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Lễ hội này tương truyền bắt nguồn từ thời Đông Hán, về sau trở thành phong tục cộng đồng. Nghi thức được thực hiện bởi 100 vị sư, đều mặc cà sa, để đầu trần, đầu đội dĩa thắp nến, hai tay chắp, chân bước bộ mai hoa, ngọn nến được giữ bình ổn suốt buổi lễ cúng Phật. Nghi thức đội đèn cúng Phật này có thể đã được truyền sang Huế và trở thành môn diễn xướng Lục cúng hoa đăng trong nhã nhạc cung đình. So sánh thấy, về đèn: Lục cúng ở Huế thì ngọn đèn được bọc lớp vỏ hoa sen (trong Bách Phật đỉnh đăng dĩa đèn trơn), về diễn: vũ công đóng vai nhà sư, đầu đội mũ tỳ lô, hai tay bưng hai đèn hoa sen.Mẫu đèn hoa sen trong điệu Lục cúng ở Huế có hình thức tương tự mẫu đèn thả trôi ở các lễ hội hoa đăng ở một số chùa hiện nay.Những điều sơ lược thiên về sắc tướng nói trên không phải để tìm hiểu hay tranh luận về hiện tượng thả hoa đăng trong các kỳ lễ lớn của Phật giáo. Bởi cho dù tục đốt đèn hoa thả xuống sông, hồ, biển này có nguồn gốc rõ ràng chăng nữa thì cũng nên suy nghĩ lại. Có nhiều hình thức nghi lễ để cầu cho thế giới hòa bình, cho nước mạnh dân yên, nên chọn cách sạch sẽ hơn. Năm 2018, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải "phát đi công văn gửi các cơ quan liên quan chấn chỉnh hoạt động này, yêu cầu tuyên truyền vận động chủ thuyền, du khách, người dân sử dụng các loại hoa đăng truyền thống khi có nhu cầu thả đèn trên sông Hương, không được thả các loại đèn hoa đăng, vàng mã có nhựa, xốp, cao su và kim loại" (Tuổi Trẻ 31-1-2018). Năm 2019, 30.000 hoa đăng thả trên vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng) để lại 30.000 mẩu nến cháy dở, cơ man giấy, mảng xốp, nhựa nổi lình bình sau lễ, ban tổ chức cam kết thu gom sau lễ nhưng không rõ có đảm bảo mọi hoa đăng được thu hồi sau khi thả xuống vùng biển rộng này hay không (Tuổi Trẻ 25-8-2019). Năm 2025, theo hòa thượng Thích Thọ Lạc, trưởng Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại hồ Láng Le (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có tới 35.000 hoa đăng, "trong đó có 20.000 hoa đăng bằng giấy đốt nến, 10.000 hoa đăng chạy bằng oin, và 5.000 hoa đăng để quanh khu vực phía trên bờ hồ trong công viên Láng Le có chất liệu bằng nhựa" (Tuổi Trẻ 6-5-2025) và vị sư này cũng khẳng định sẽ "vớt tất cả hoa đăng đã thả xuống hồ sau đó". Mới đây hơn là lễ thả 6.000 chiếc hoa đăng ở chùa Pháp Hoa (TP.HCM) xuống kênh Nhiêu Lộc. Trận mưa lớn đầu mùa tối 9-5-2025 cũng không đưa được hết 6.000 món đèn này, phần lớn được làm với đĩa nhựa, đèn cầy trong chân đế kim loại và cánh hoa bằng vải xốp nhựa... đi đâu đó trong đêm, để giúp nhiều người tránh được tiếng xả rác kênh Nhiêu Lộc - dòng kênh vốn đã mất bao nhiêu công sức tiền của giờ mới sạch sẽ được phần nào. Ba ngày sau, rất nhiều hoa đăng nhựa vẫn trôi nổi trên mặt kênh.Tục vốn có phong và hủ, tục thanh tao không di hại cộng đồng thì nên duy trì, tục phô trương phiền tạp lại ảnh hưởng đến môi trường thì khó viện lý do để tồn tại. Tục thả hoa đăng, vì lẽ đó, rất cần được những người hữu trách suy tính lại, hoặc nghiêm túc suy nghĩ đến những hình thức không gây tổn hại đến môi trường, oan mạng cho các loại thủy sinh. ■ Bạn đang đọc trong chuyên đề "Đại lễ VESAK Tiếp theo Tags: Hội hoa đăngLễ hộiKênh Nhiêu LộcNghi thức Xả rác
Tổng Bí thư: Có tỉnh phát triển nhờ xin ngân sách Trung ương, không thể phụ thuộc thế được THÀNH CHUNG 18/05/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Có cán bộ nói với tôi, con đường phát triển của tỉnh chủ yếu dựa vào xin ngân sách Trung ương, xin kế hoạch".
Sắp diễn ra lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV UYÊN PHƯƠNG 18/05/2025 15h chiều nay 18-5 (giờ Việt Nam), thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo hoàng Leo XIV chính thức diễn ra tại quảng trường Thánh Peter, Vatican.
Những điều đặc biệt trong thánh lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV DUY LINH 18/05/2025 Một chiếc nhẫn bằng vàng, được gọi là nhẫn Ngư phủ, sẽ được trao cho Giáo hoàng Leo XIV, đánh dấu bắt đầu một triều đại Giáo hoàng mới.
Làm thủ tục ở sân bay tiếc gì nụ cười, lời chào thân thiện? NHẤT NGUYÊN 18/05/2025 Một nụ cười, một lời chào, một sự thân thiện đâu có quá khó. Hà cớ gì phải 'tiết kiệm' với khách?