Hãy biết những gì con đang nghĩ

HẢI ĐĂNG 30/10/2010 12:10 GMT+7

TTCT - Sau câu chuyện “Làm mẹ đơn thân” của bạn Hoabanglang...@... được giới thiệu trên TTCT số ra ngày 17-10, chúng tôi đã nhận được nhiều chia sẻ. Không chỉ ý kiến của những người trong cuộc, những người làm mẹ đơn thân vì vô vàn lý do, của những ”người cha cho con” hay của những đứa - con - đơn - thân, mà cả những người “đã chờ đợi chủ đề này khá lâu để chia sẻ câu chuyện... không phải của mình” - như câu chuyện của bạn ptkoanh@... mà chúng tôi trích đăng dưới đây.

Phóng to
Ảnh: Gia Tiến

Đối với bất kỳ người phụ nữ nào, có được một đứa con là điều ấm áp và thiêng liêng nhất. Đứa trẻ trong hình hài của người mình yêu thương càng là nguồn an ủi vô cùng. Tôi, bạn bè tôi, những người có thể gọi là trẻ - vì chúng tôi đều chưa đến tuổi 30, nhưng trong chuyện tình yêu, hôn nhân đều có những vết thương (có thể gọi như vậy) nên ít ai còn đủ lòng tin để nghĩ về một mái ấm gia đình với một người chồng và một, hai đứa con. Và khá trùng hợp, bạn bè tôi đều nhen nhóm cho mình ý nghĩ: sẽ làm những bà mẹ đơn thân.

Từ nuôi con một mình vì bắt buộc...

Chị tôi qua vài lần yêu đương không thành đã đến với anh. Một thứ tình yêu không mong đợi, không hi vọng. Cuối cùng chị cũng toại nguyện vì có con với anh, và thằng bé “giống bố như đúc”. Mặc dù sống chung với nhau nhưng chị tôi lúc nào cũng lo sợ vì có quá nhiều người phụ nữ khác có thể hấp dẫn người đàn ông bay bướm này. Anh cứ ra đi rồi trở lại. Cả hai mẹ con lúc nào cũng mang cảm giác bất an. Rồi việc gì đến cũng đã đến. Anh ra đi thật sau lần sinh nhật thứ tư của nhóc.

Rất nhiều những khoảnh khắc thổn thức trong đời mà đứa - trẻ - không - cha là tôi phải tự cúi đầu giấu nước mắt, để rồi lại phải nắm lấy chính bàn tay của mình dỗ dành cho những mất mát xa vắng mà biết có đi suốt cuộc đời tôi cũng không thể nào tìm được.

Gia đình tôi vẫn là chỗ dựa cho mẹ con chị, nhưng dường như chưa đủ. Không biết có phải do khá nhạy cảm mà lúc nào tôi cũng có cảm giác nhóc có tâm sự gì đó. Hằng ngày mẹ đi làm, nhóc được gửi nhà trẻ gần nhà. Cô giáo dạy bài hát Cả nhà thương nhau, chiều nào về tôi cũng nghe nhóc hát câu Ba thương con vì con giống mẹ..., và chị tôi có lẽ không kìm được sự hờn oán người chồng, người cha này nên thường gieo vào đầu nhóc những lời lẽ không hay. Có hôm chị tôi chở nhóc đi học, có hỏi nhóc: “Con có nhớ ba không?”, nhóc bảo: “Con không nhớ, nhưng mẹ đừng nói ba bỏ đi nha, các bạn biết được cười con đó”. Chị tôi giật mình. Nhóc chỉ mới 4 tuổi mà lại có những ý nghĩ như vậy.

Sau mỗi ngày học về, nhóc thường ngồi cặm cụi vẽ. Có hôm nhóc vẽ một gia đình có bốn người, hỏi là ai nhóc chỉ: “Ba nè, mẹ nè, anh Hai nè, con nè” (vì anh Hai tôi có hai người con một trai một gái cùng ở chung nhà, nhóc gọi con trai của anh Hai tôi là anh Hai). Không biết những người khác lúc đó cảm giác như thế nào, nhưng tôi thấy thương nhóc vô cùng. Nhóc là anh Hai rồi còn gì, nhưng trong tâm trí trẻ nhỏ lúc nào cũng mơ ước về một gia đình có ba, có mẹ, có anh em đầy đủ, vui vầy... Cũng có khi tôi thấy nhóc cầm tờ báo có hình ảnh lên đọc lầm thầm: “Con nhớ ba quá! Con nhớ Ba quá!”... Tôi lại giật mình, thủ thỉ: “Con nhớ ba hả? Để dì chở con đi tìm ba nha!”, nhóc lại bảo: “Con đâu có nhớ ba, ba con theo “yêu quái” rồi” (Và tôi biết đây là những điều nhóc được rỉ tai vào mỗi buổi tối, khi cả mẹ và con đều nghĩ về một người...).

...đến nuôi con một mình vì tự nguyện

Trở lại câu chuyện của TTCT. Tôi nghĩ trong xã hội hiện đại, việc tự nguyện có con với người mình yêu thương, hoặc giả là một người nào đó (như trường hợp của hoabanglang... trên TTCT số 41-2010) đều có thể chấp nhận được. Tôi có người yêu, tôi muốn giữa chúng tôi có một “kỷ niệm” nào đó chẳng thể xóa nhòa mà không muốn có ràng buộc giữa hai người, tôi có quyền sinh con với anh ta. Tôi có quyền xin tinh trùng của một ai đó để tôi có một đứa bé an ủi những tháng ngày trong trường hợp tôi không có mối quan hệ đôi lứa nào... Và tôi có muôn vàn điều kiện để có thể có một đứa con, nếu tôi ổn định kinh tế, mặc kệ sự soi mói của thiên hạ.

Đứng về góc độ một người phụ nữ, một người mẹ sau này, tôi hoàn toàn có quyền được - như - vậy. Nhưng, hãy đặt mình vào vị trí của những đứa con thì sẽ như thế nào?

Đối với trẻ nhỏ, chúng có muôn vàn thắc mắc đặt ra cho người lớn, từ chuyện con kiến đến con voi, vậy tại sao chuyện quan trọng và bình thường nhất - là một người cha - chúng lại không đặt dấu hỏi lớn? Những người mẹ có thể sẽ có nhiều cách giải thích, nhưng những đứa trẻ với nhau thì chúng sẽ giải thích như thế nào? Chúng không phải chỉ sống riêng với mẹ, mà còn có bạn bè, sống với những câu hỏi và những lời dị nghị của hàng xóm. Đặt trường hợp cả thiên hạ này có cái nhìn rộng lượng hơn thì liệu chúng có thôi hoài nghi khi chúng được dạy dỗ từ nhỏ rằng một gia đình phải có đầy đủ ông bà, cha mẹ, anh em? Cái khái niệm “làm mẹ đơn thân” dù được thừa nhận trong xã hội hiện đại nhưng vẫn chưa đủ sức để kéo những “đứa con đơn thân” (cho phép tôi dùng cụm từ này) ra khỏi mặc cảm của chính mình. Bạn bảo: mình chỉ sinh chúng ra, rồi chúng có quyền tự do quyết định cuộc đời. Thì có ai bảo chúng không được quyết định đâu, nhưng chúng ta tạo dựng một hình hài và bắt buộc phải có trách nhiệm với hình hài đó, làm sao để chúng không tổn thương, không thiếu hụt, không mất mát...

Thật sự, tôi không hề/không dám lên án chuyện làm mẹ đơn thân. Tôi không khẳng định điều này nên hay không nên, đúng hay sai. Chỉ có điều, người lớn chúng ta trước khi chấp nhận và ủng hộ làm mẹ đơn thân thì hãy có những khái niệm khác, có thể là thoáng hơn về gia đình, để cho cả người lớn, trẻ nhỏ đều hiểu và chúng sẽ không có những mặc cảm, tự ti về điều đó. Nhưng, nếu có thể, hãy chọn cho mình một đối tượng thích hợp để xây dựng gia đình, hoặc chỉ nên làm một người độc thân, dù như vậy có nghiệt ngã với bản thân một chút nhưng có lẽ sẽ không có những trằn trọc, suy tư về những tháng ngày phải học cách giãi bày và đối diện với những đứa - trẻ - không - cha.

Tôi như đứa trẻ hoang mang giữa phố

Tôi đọc bài viết “Làm mẹ đơn thân” và đã phải lặng đi một lúc lâu trước chia sẻ của người làm mẹ. Vì có thể đó cũng là chia sẻ của mẹ tôi - một người mẹ đơn thân. Nhưng tôi viết những dòng này không phải để kể chuyện mẹ tôi, mà với tư cách một đứa trẻ không cha.

Làm mẹ đơn thân bây giờ là sự lựa chọn của nhiều phụ nữ bản lĩnh, nhưng nếu có thể được lên tiếng với tư cách là một đứa con khao khát một người cha, tôi mong mỗi phụ nữ trước khi quyết định sinh con một mình, hãy nghĩ về tương lai của con. Rằng khi lớn lên liệu đứa trẻ có được hạnh phúc trọn vẹn hay tâm hồn sẽ bị khiếm khuyết mà không gì có thể bù đắp được. Cho dù người mẹ có dành tất cả yêu thương cũng không thể nào cho con tình cảm đúng nghĩa của một người cha.

Không có cha, tôi cứ khao khát được một lần gọi cha suốt tuổi thơ dài. Nước mắt cứ chảy mỗi khi thấy bạn bè có cha đưa đón đi học, còn tôi phải lủi thủi đi về một mình giữa nắng giữa mưa vì mẹ còn phải lo kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Nhìn mẹ phải làm cả những phần việc lẽ ra là của cha, tôi nghe tim mình thắt lại.

Mỗi lúc ra đường, nói chuyện với những người đáng tuổi cha, bắt gặp những nụ cười hoặc ánh mắt hiền lành nào đó của người xa lạ, tôi lại ước giá như có ai đó trong số họ là cha. Ngày đi thi đại học, tôi đã bật khóc nức nở trước cổng trường sau buổi thi khi thấy một người bạn hớn hở chạy về phía cha cô ấy, tíu tít khoe: “Ba ơi, con làm bài tốt lắm”. Khóc rồi lại lặng lẽ đi mua cơm hộp, cắm cúi ăn để còn thi tiếp buổi chiều.

Khi đọc những nhận định của chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Hoa kèm theo bài viết, tôi đã khóc. Tất cả đều rất đúng với tôi. Đứa trẻ không cha rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, hay tủi thân, thường mặc cảm, luôn cảm thấy thiếu thốn tình thương, sống cô lập, khép kín, dễ bị trầm cảm... Một đứa trẻ lớn lên với đời sống tinh thần như vậy thì làm sao có đủ sự mạnh mẽ để đối diện với những sóng gió trong đời?

Tôi chưa từng muốn mình sống như vậy, nhưng hơn ai hết, tôi hiểu mình đã và đang trải qua cuộc sống đó. Tôi đã cố gắng hết sức mình trong học tập và làm việc. Một đứa trẻ không cha vẫn có thể trưởng thành và sống tốt. Nhưng có cố gắng đến mấy tôi cũng không thể quên được khoảng vỡ mất mát trong lòng mình.

Tôi từng trách mẹ rằng tại sao để tôi là một đứa trẻ không cha. Nhưng bây giờ, bên cạnh tôi cũng không còn mẹ. Tôi như một đứa trẻ sống hoang mang giữa phố. Tôi tự lo cho mình được và cũng đủ sức để có thể nuôi một đứa con. Nhưng cho dù cuộc sống có cô độc như thế nào tôi cũng không bao giờ cho phép mình làm mẹ đơn thân. Tôi không muốn con tôi sẽ lại đi qua hành trình khát khao thiếu vắng yêu thương như mẹ nó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận