Ho, Bo và... Nollywood

VIỆT LINH 29/02/2004 17:02 GMT+7

TTCN - Hoàn toàn không khôi hài: hí danh Nollywood vừa chính thức xuất hiện ở Liên hoan phim Berlin năm nay, khi ban tổ chức dành hẳn một chương trình đặc biệt cho điện ảnh Nigeria...

Phóng to
Phim Sự im lặng của rừng (Cameroon)
TTCN - Hoàn toàn không khôi hài: hí danh Nollywood vừa chính thức xuất hiện ở Liên hoan phim Berlin năm nay, khi ban tổ chức dành hẳn một chương trình đặc biệt cho điện ảnh Nigeria...

Xứ của 1000 phim

Người ta thường biết đến Nigeria như một đất nước châu Phi đông dân, giàu dầu hỏa nhưng cũng lắm nội loạn tôn giáo lẫn hủ tục, trong đó nổi bật nhất là chuyện một phụ nữ suýt bị tòa án Hồi giáo xử tử ném đá nếu như thế giới không lên tiếng can thiệp. Thế nhưng nơi đây lại là xứ sở điện ảnh với số lượng hơn... 1.000 phim mỗi năm!

Một đạo diễn Nigeria trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Liên hoan phim (LHP) Berlin mới đây đã “tỉnh bơ” cho biết mỗi năm ông làm... 40 phim!

Cũng phải nói ngay rằng hầu hết những con số trên là phim video theo kiểu “mì ăn liền”, nhưng dù “ăn nhanh”, “ăn chậm” gì đi nữa cũng là một tốc độ đáng kinh ngạc. Kinh ngạc ngay trên số kịch bản.

Khác với Hollywood hay Bollywood, “Nollywood” hoàn toàn không có cơ sở công nghệ điện ảnh: chỉ cần một ít vốn, một ít thiết bị, kiến thức, ai ai cũng có thể làm phim! Cũng không cần quan tâm lắm tiêu chuẩn nghệ thuật, tư tưởng, ngôi sao... rắc rối, các nhà sản xuất, đạo diễn Nollywood chỉ cần câu chuyện “ăn khách” xoay quanh các thể tài quen thuộc: cuộc sống xa hoa, phép thuật, bạo lực, tôn giáo, tàn sát...

Nếu cuộc sống xa hoa mơn trớn những ước mơ khó lòng vươn tới, phép thuật thỏa mãn óc giải trí thì ba đề tài còn lại là sự quan tâm cuộc sống thường ngày. Khuynh hướng nội dung của Nollywood dễ nhìn thấy qua các tựa phim như: Tiền và máu, Mẹ tôi là phù thủy, Vòng tròn tội lỗi...

Không được ngưỡng mộ nhưng với số lượng sản phẩm khổng lồ như thế, Nollywood quả là hiện tượng khiến thế giới phải quan tâm: trước cuộc giới thiệu qui mô và ngoạn mục của LHP Berlin, điện ảnh Nigeria đã từng được nói đến qua nhiều trang sách, trang web một cách khá trang trọng. Có cầu mới có cung: công chúng Nigeria rất mê điện ảnh, đến mức như lời kể của một đạo diễn: “Người ta sẵn sàng tạm ngưng cuộc hỗn chiến để xem phim mới!”.

Màn ảnh đen

Phóng to
Apphich một LHP Châu Phi
Tiểu tựa này tạm dịch từ tên chính thức (Ecran noir) của một LHP châu Phi nổi tiếng. Nếu như phần giới thiệu bên trên cho cảm giác một điện ảnh Nigeria hời hợt, thì điện ảnh toàn châu Phi là một gương mặt chuyên nghiệp đáng dè chừng.

Báo chí, màn ảnh VN dường như chưa bao giờ giới thiệu điện ảnh châu Phi, nhưng điện ảnh châu Phi đã và đang luôn có mặt ở những LHP lớn, không ít tên tuổi điện ảnh châu Phi được thế giới trọng vọng như Djibril Diop Mambety (Senegal), Abderrahmane Sissako (Mali)..., trong đó Sissiko đã từng đoạt giải ở Cannes, được ban tổ chức Cannes mời làm chủ tịch giám khảo chương trình “Un certain regard” năm 2003.

Không chạy theo, hoặc không đủ sức chạy theo các “chuẩn mực” qui mô, phức tạp của phim trường quốc tế, điện ảnh châu Phi cứ ung dung bản sắc riêng biệt. Giống như tấm apphich quảng cáo LHP châu Phi trong bài này, điện ảnh châu Phi là một “cơ thể” trùi trụi nhưng vạm vỡ, căng tràn nhựa sống...

Xem phim châu Phi có cảm giác như ta đang bắt gặp gã lực điền hiên ngang phố thị, ngây ngô nhưng thành thật, lạc lõng nhưng tự tin. Cái hấp dẫn của điện ảnh châu Phi là ở chỗ nó mang đúng gương mặt của chính mình: lam lũ mà phóng khoáng, lạc hậu mà lạc quan trước mọi trớ trêu. Điện ảnh châu Phi có lẽ do vậy luôn phảng phất nét hài hước ngay cả khi không thuộc thể loại hài.

Tóm lại, trừ các tác phẩm huyền thoại đôi chút hư cấu, phim ảnh châu Phi là tấm gương phản chiếu trung thực cuộc sống. Người ta cho đó là thế mạnh của nền điện ảnh non trẻ. Dùng chữ non trẻ không quá đáng, bởi giống như VN, châu Phi không hề có điện ảnh trước giai đoạn độc lập (tất cả phim ảnh thời thuộc địa đều là tư liệu thực dân).

Trong nửa thế kỷ độc lập ngắn ngủi cùng với sự đói nghèo, lạc hậu, châu Phi hầu như không có truyền thống lẫn cơ sở kỹ nghệ điện ảnh, nhưng họ đã nhanh chóng làm nên diện mạo.

Có vẻ như các nhà điện ảnh châu Phi sáng tác rất hồn nhiên: trừ một vài phim mang triết lý, thông điệp sâu sắc như Cô bé bán mặt trời của Djibril Diop Mambety (Senegal), Sự im lặng của rừng của Didier Quénangaré (Cameroon)... hầu hết các phim châu Phi đều đơn giản, đơn giản đến mức đôi khi chỉ lấy tên nhân vật làm tựa phim!

Xem phim châu Phi có cảm giác như ta đang đứng trước các tượng gỗ nhà mồ của người dân tộc: thô kệch nhưng mạnh mẽ, giản dị nhưng huyền bí. Sự giản dị này hiện rõ qua câu nói nổi tiếng của nhà thơ, đạo diễn Djibril Diop Mambety: "Khi bọn trẻ hỏi tôi làm sao để có bộ phim, tôi trả lời: rất dễ. Hãy đưa tay bịt mắt để thấy màu đen. Bịt chặt nữa các con sẽ thấy những ngôi sao, con người, chim chóc, hoa cỏ... Trộn tất cả vào nhau và đặt cho nó cái tên. Mở mắt ra các con sẽ thấy bộ phim".

Năng động trong sáng tác, các nhà điện ảnh châu Phi còn rất năng động trong việc tự giới thiệu. Bassek Ba Kobhio - đạo diễn, giám đốc LHP Ecran noir, từng có hai phim tham dự ở Cannes - thổ lộ: “Không được ưu tiên truyền thông, kinh phí thấp, diễn viên không nổi tiếng nhưng chúng tôi cứ gửi phim đến các LHP thế giới. Việc này giống như ta ném cái chai xuống biển và chờ đợi. Khi chưa có câu trả lời "Không" thì ta có quyền hi vọng. Sự tồn tại của chúng tôi đã làm nên thế giới”.

Đúng vậy, sự có mặt của điện ảnh châu Phi đã khiến điện ảnh thế giới có thêm màu sắc - một đường nét mỏng manh nhưng dấu ấn rõ ràng...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận