Adolescence: Cơn đại dịch 'incel' trong xã hội hiện đại

KINH QUỐC 17/04/2025 08:04 GMT+7

TTCT - Tâm trí non nớt của giới trẻ có thể dễ dàng bị bóp méo bởi các hệ tư tưởng độc hại trên mạng ra sao? Loạt phim 4 tập của Anh Adolescence (Netflix) đi tìm câu trả lời.

văn hóa trên mạng - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Briony Ariston (diễn viên Erin Doherty) và Jamie Miller trong một cảnh phim. Ảnh: Netflix

Adolescence (tựa Việt: Biến cố tuổi thành niên) - của bộ đôi sáng tạo Steven Graham và Jack Thorne - nhanh chóng trở thành chương trình đứng đầu bảng xếp hạng của Netflix, thu hút hơn 24 triệu lượt xem chỉ trong bốn ngày đầu tiên. 

Nhưng ý nghĩa xã hội của nó vượt xa con số khán giả đáng kinh ngạc đó, nhất là trong thời đại mà không gian kỹ thuật số đóng vai trò ngày càng to lớn trong việc định hình bản sắc thanh thiếu niên như hiện nay.

Từ manosphere đến incel

Qua lăng kính của cậu bé 13 tuổi Jamie Miller (diễn viên Owen Cooper) bị bắt vì tội sát hại bạn học Katie Leonard bằng dao, từng tập phim của Adolescence bóc tách cách mà thế giới kỹ thuật số của "manosphere" (không gian dành cho nam giới) cực đoan hóa những thanh niên tuổi dậy thì lạc lối.

Bằng cách đan xen giữa lối kể chuyện one-take đầy ngột ngạt, một hiện thực đắng cay, và sự phê phán về thói thờ ơ của xã hội cũng như bậc phụ huynh, Adolescence buộc khán giả phải đối diện với những hệ sinh thái độc hại trực tuyến đang từng ngày nuôi dưỡng cơn thịnh nộ lẫn sự u uất của nam giới và những hệ thống đã thất bại trong việc ngăn chặn điều đó.

Thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất, và cũng là thứ tư duy gián tiếp gây ra tội ác trong Adolescence là "incel," viết tắt của "involuntary celibate" (tạm dịch: độc thân không tự nguyện). 

Ban đầu, nó xuất hiện như một thuật ngữ trên không gian mạng dùng để mô tả những cá nhân - chủ yếu là nam giới trẻ - cảm thấy thất vọng vì không thể hình thành mối quan hệ tình cảm hoặc tình dục dù họ rất khao khát điều đó. Trong diễn ngôn hiện đại, thuật ngữ này đã trở thành từ đồng nghĩa với chủ nghĩa kỳ thị phụ nữ và các hệ tư tưởng cực đoan.

Sự oán giận và cay đắng nuôi dưỡng các cộng đồng incel có thể khiến họ cảm thấy bản thân có đặc quyền đứng trên nữ giới, và điều này đôi khi sẽ leo thang thành hành vi cực đoan. Một số vụ tấn công quy mô lớn trong những năm gần đây tại Mỹ và các nước châu Âu do những người tự nhận là incel thực hiện.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi một nam giới trẻ tuổi đang bị cô lập, giận dữ và bối rối lại được nạp vào đầu những lời sau của Andrew Tate - một "đầu lĩnh" của manosphere với 10,7 triệu người theo dõi trên X: "Bạn không có lỗi. Vấn đề nằm ở nữ giới. Hệ thống này đã bị thao túng. Bạn phải thức tỉnh đi"?

Thay vì giúp đàn ông chữa lành hoặc trưởng thành, những cộng đồng nam tính độc hại này lại nuôi dưỡng chính nỗi đau mà họ đang cố gắng thoát khỏi. Phải chăng tư tưởng manosphere của Andrew Tate đã đẩy một đứa trẻ 13 tuổi tới tội sát nhân? Đó là vấn đề mà Adolescence muốn giải quyết.

Thiếu niên vụn vỡ

Điều khiến Adolescence ám ảnh và đáng sợ hơn cả những bộ phim tội phạm đầy bạo lực nằm ở chính sự đời thường của những nhân vật và bối cảnh trong phim. Jamie không được khắc họa như một tên ác nhân cuồng loạn hay một đứa trẻ mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. 

Cậu mang ngoại hình và tính cách tựa như bao đứa trẻ tuổi dậy thì ngoài đời thực: tự ti, ngại ngùng, sợ kim tiêm, và dễ bị tổn thương bởi những cử chỉ lộ rõ vẻ thất vọng của bố. Jamie không được nuôi dạy trong môi trường thù ghét phụ nữ. Bố cậu chưa bao giờ đánh mẹ, và cậu có một chị gái mà cậu ngưỡng mộ. Chính sự gần gũi này là điểm sáng của loạt phim.

Nhưng người ta vẫn nói rằng cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ, và "ngôi làng" của Jamie chính là xã hội. Cậu học cách ghét phụ nữ bằng việc theo dõi những người như Andrew Tate, bằng cách bị bao quanh bởi những người đàn ông rao giảng rằng tính nam đồng nghĩa với mạnh mẽ, thống trị và vô cảm. Thế giới của cậu dạy rằng để trở thành đàn ông, cậu phải từ chối mọi thứ mềm yếu, bao gồm cả sự thấu cảm và tôn trọng phụ nữ.

Bằng cách xây dựng Jamie như một thiếu niên không có gì đặc biệt, Adolescence nhấn mạnh rằng sự cực đoan hóa không chỉ tồn tại ở những góc khuất của xã hội, mà nó sinh sôi từ sự tuyệt vọng lặng lẽ của những cậu bé bình thường.

Trong các cuộc phỏng vấn, hai nhà sáng tạo Graham và Thorne thừa nhận rằng họ nhìn thấy những mảnh ghép của chính mình thời niên thiếu trong sự mong manh của Jamie. "Nếu ngày đó có ai nói với tôi rằng sự cô đơn của mình là lỗi của phụ nữ, có lẽ tôi cũng đã tin là như vậy" - Thorne ngẫm lại. Chính lời thừa nhận này đã định hình cốt truyện của phim: hành trình từ sự vụng về đến tội ác của Jamie hiện lên đáng sợ bởi tính chân thực và dễ hiểu đến kinh hoàng.

văn hóa trên mạng - Ảnh 2.

Ảnh: Netflix

Bộ phim không tạo nên một kẻ phản diện cụ thể và rõ ràng. Nó chỉ đơn thuần giơ ra một chiếc gương phản chiếu điều mà nhiều phụ nữ đã cảm nhận từ lâu: sự bất an của nam giới khi được nuôi dưỡng trong những không gian độc hại trực tuyến sẽ dẫn đến các hành vi bạo lực ngoài đời thật.

Katie đã chế giễu Jamie và gọi cậu là một tên incel trên Instagram. Đối với người lớn, điều này trông có vẻ như một cuộc cãi vã thường thấy trên mạng xã hội giữa những đứa trẻ tuổi thành niên. 

Nhưng trong thế giới của Jamie - nơi sự trưởng thành không được định hình bởi cha mẹ hay thầy cô, mà bởi các thuật toán, các nhóm chat, và dòng chảy không ngừng của nội dung thù ghét phụ nữ và coi cảm xúc là biểu hiện của sự yếu đuối - bị gọi là "incel" không chỉ là một lời sỉ nhục, mà là sự sụp đổ hoàn toàn về danh tính. 

Nó gọi tên một nỗi sợ mà nhiều chàng trai vốn đã mang theo trong người: rằng họ không thuộc về bất kỳ đâu, rằng họ sẽ không bao giờ được người khác yêu thương, rằng họ luôn là những kẻ bị xã hội ruồng bỏ và đơn độc. Từ khoảnh khắc đó, mọi thứ trong thế giới của Jamie bắt đầu tan vỡ.

Để không có thêm Jamie

Adolescence không dựa trên một vụ án mạng cụ thể, thay vào đó là một làn sóng sát hại nữ giới gây ra bởi đối tượng nam giới trẻ. Stephen Graham đã chia sẻ trong một buổi phỏng vấn: "Tôi đọc báo thấy một vụ việc một cậu bé đã đâm chết một cô bé. Và rồi, vài tháng sau, trên bản tin lại có một vụ việc tương tự - một cậu bé khác đâm chết một cô bé. Điều đáng nói là hai sự việc này xảy ra ở hai đầu [nước Anh]. Tôi chỉ tự hỏi chúng ta đang sống trong một xã hội như thế nào mà ở đó những cậu bé lại ra tay sát hại những cô bé như vậy? Và tôi tự nghĩ, liệu tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm hay không? Hệ thống giáo dục, các bậc phụ huynh, cộng đồng, chính phủ?".

Đến cuối phim, con dao hung khí trong vụ án vẫn chưa được tìm thấy. Nhưng điều đó không quan trọng bởi vì những tư duy độc hại mới chính là một "con dao" thực thụ. Cảnh sát không thể tìm thấy nó vì nó vừa ở khắp mọi nơi lại vừa chẳng ở đâu cả: trường học, Internet, những người bạn, căn phòng ngủ riêng tư với một chiếc máy tính.

Sự xuất sắc của Adolescence nằm ở chỗ nó từ chối đưa ra những câu trả lời đơn giản. Bộ phim không chỉ đổ lỗi cho một tác nhân cụ thể như mạng xã hội, hay sự thiếu vắng của cha mẹ, hay nạn bắt nạt ở trường học. Thay vào đó, nó trình bày một mạng lưới phức tạp của nhiều yếu tố, từ đó sinh ra điều kiện dẫn đến sự cực đoan hóa và bạo lực.

Bộ phim tránh việc biến Jamie thành kẻ ác thuần túy hay hoàn toàn xóa bỏ trách nhiệm của cậu. Nó buộc người xem phải chấp nhận hai sự thật đớn đau cùng lúc: Jamie đã gây ra một hành vi bạo lực kinh hoàng mà cậu phải chịu trách nhiệm, nhưng đồng thời, cậu cũng là sản phẩm của những hệ thống đã thất bại trong việc nuôi dưỡng cậu. 

Hành động của Jamie không chỉ phản ánh một căn bệnh cá nhân mà còn là dấu hiệu của một mô thức rộng lớn hơn đang hình thành ở những người trẻ bị tác động bởi các hệ tư tưởng độc hại trên mạng trong khi thiếu vắng các hệ thống hỗ trợ về mặt cảm xúc.

văn hóa trên mạng - Ảnh 3.

Ảnh: Netflix

Cái kết của Adolescence để lại trong lòng khán giả cảm giác mơ hồ, bức bối và nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Sự lựa chọn có chủ ý này đẩy trách nhiệm trở lại cho người xem, thách thức chúng ta phản tư vai trò của mình, ở vị trí những nhà giáo dục và phụ huynh, trong việc duy trì hay phá bỏ những điều kiện tạo nên những "Jamie" khác trong xã hội.

Câu hỏi được đặt ra không còn là "Tại sao Jamie lại làm như vậy?" mà là "Tại sao ngày càng nhiều chàng trai bắt đầu suy nghĩ như Jamie?". Jamie không trút giận vì cậu vô cảm với giới nữ. Cậu bùng nổ vì quá tải cảm xúc, và cậu chưa từng được trao cho những công cụ cần thiết để xử lý những cảm xúc đó.

Adolescence gợi ý rằng việc giải quyết bạo lực nam giới không chỉ dừng lại ở can thiệp sau khi thảm kịch xảy ra, mà cần phải bắt đầu từ việc giáo dục cảm xúc, nâng cao tư duy tiếp thu nội dung trực tuyến và tái định hình khái niệm nam tính. 

Có thể nhận thấy qua bộ phim, mục tiêu cuối cùng không chỉ là bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, mà còn là cứu những cậu bé khỏi các hệ tư tưởng độc hại - những thứ tưởng chừng giải phóng họ khỏi sự bí bách và uất hận, song hóa ra lại là thứ đẩy họ sâu hơn vào hố đen của lối sống tách biệt xã hội.

Bằng cách từ chối việc giật gân hóa hay đơn giản hóa vấn đề, Adolescence mang đến một trong những cái nhìn trung thực nhất về khủng hoảng nam tính đương đại trên màn ảnh. Phim cho thấy cách những cậu bé như Jamie, khao khát sự thuộc về và sự thừa nhận, lại dễ dàng bị cực đoan hóa trừ khi chúng ta xây dựng được những con đường tốt hơn hướng tới kết nối, sự mong manh cảm xúc và hình thành bản sắc lành mạnh.

Ra mắt vào thời điểm vô cùng cấp bách, Adolescence không chỉ là một bộ phim chính kịch cuốn hút mà còn là lời bình luận xã hội cấp thiết, khiến Thủ tướng Anh Keir Starmer muốn trình chiếu bộ phim này tại nhiều trường học trên cả nước. 

Nó buộc ta phải nhìn thẳng vào những cậu bé đang gặp vấn đề, không phải để biện hộ cho hành động của họ, mà là để ngăn chặn những "Jamie" khác, và những "Katie" khác, trước khi một bi kịch nữa tiếp tục xảy ra.

Hệ tư tưởng độc hại này đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của những người nam giới trẻ. Các nghiên cứu cho thấy nhiều người tự nhận là incel gặp phải mức độ trầm cảm, lo âu và cô đơn cao. Những thách thức về sức khỏe tâm thần này thường đẩy họ sâu hơn vào những hội nhóm trực tuyến nơi các ý tưởng độc hại lan truyền một cách tự do, và cuối cùng là dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, thậm chí gây ra các hành vi bạo lực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận