TTCT - Mấy ngày qua, hàng loạt cận thần của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất loạt được mời lên truyền hình trả lời về chính sách thuế mới của chủ nhân Nhà Trắng. Ông Peter Navarro. Ảnh: The Daily BeastCác nhà báo hàng đầu đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn, từ Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tới Cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất Peter Navarro, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Kevin Hassett, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer...Chất vấnTrong chương trình This Week (Tuần này) của truyền hình ABC News sáng 14-4, Bộ trưởng Lutnick đã phải giải thích về cuộc thương chiến đang diễn ra. Người dẫn chương trình Jonathan Karl xoáy vào việc ông Trump đột ngột thay đổi quyết định, mới nhất là miễn thuế quan cho hàng điện tử tiêu dùng. Nhà báo Karl hỏi tới tấp: "Liệu có phải ông Trump nay linh hoạt hơn không? Liệu đây có phải là chiến lược đàm phán đa chiều? Hay chỉ là thêm hỗn loạn? Những miễn trừ này sẽ kéo dài trong bao lâu?".Trước mặt ông Lutnik, Karl "đóng đinh" ông Trump: "Khi công bố mức thuế quan tuần trước, Tổng thống Trump đã gọi đó là Ngày giải phóng. Thị trường không nhìn nhận theo cách đó". Cùng lúc trên màn hình tivi, ABC News chiếu cảnh Phố Wall kèm chú thích: "Mất gần 4.000 điểm trong hai ngày".Giải thích của Bộ trưởng Lutnick là lời thú nhận về hiện tình sản xuất của nước Mỹ: "Chất bán dẫn và dược phẩm sẽ có khung thuế quan khuyến khích chuyển sản xuất trở lại Mỹ. Chúng ta cần thuốc men, cần chất bán dẫn và thiết bị điện tử sản xuất tại Mỹ. Chúng ta không thể cứ chịu trận và phụ thuộc nước ngoài về những thứ cơ bản mà chúng ta cần". Vòng vo một chút, rồi ông cũng tập trung vô đối thủ sống còn: "Chúng ta không thể phụ thuộc vào Trung Quốc... và đây là điều mà ông Donald Trump đang chủ xướng".Thiệt ra, chủ trương đưa sản xuất chip hay dược phẩm về lại Mỹ không phải là sáng kiến mới tinh của chính quyền hiện tại. Chẳng hạn ngày 9-8-2022, tổng thống Mỹ lúc đó Joe Biden đã ký đạo luật CHIPS và khoa học, theo đó Mỹ sẽ đầu tư gần 53 tỉ đô la vào một quỹ đưa chuỗi cung ứng chất bán dẫn trở lại Mỹ, với mục tiêu "tạo việc làm, hỗ trợ đổi mới và bảo vệ an ninh quốc gia".Mục tiêu là Hoa Kỳ sẽ trở thành nơi đặt trụ sở của cả năm nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, trong khi hiện không nền kinh tế nào trên thế giới có nhiều hơn hai nhà sản xuất. Từ khoản đầu tư mồi, "nước Mỹ dự kiến sẽ sản xuất gần 30% số chip hàng đầu thế giới vào năm 2032 - tăng từ mức 0% khi Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris nhậm chức", Bộ Thương mại trào Biden loan tin.Nhưng thực tế, lúc ông Biden ký đạo luật CHIPS tháng 8-2022, nước Mỹ đã bị Trung Quốc qua mặt rồi. Theo Stephen Ezell của Trung tâm Sách lược công nghiệp Hamilton, giai đoạn 2021-2022, 55% đơn xin cấp bằng sáng chế chất bán dẫn trên toàn cầu là từ Trung Quốc, gấp đôi so với Mỹ; kết quả là Trung Quốc vượt qua Mỹ và Nhật Bản về số lượng bằng sáng chế chất bán dẫn được cấp vào năm 2022. Ezell viết trong báo cáo "Trung Quốc đã sáng tạo như thế nào trong lĩnh vực bán dẫn?": "Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) nhận xét rằng Hoa Kỳ xuất sắc trong thiết kế và phát triển chip tiên tiến nhất và dẫn đầu trong nghiên cứu các lĩnh vực điện toán hiệu suất cao và thiết kế và chế tạo mạch tích hợp tiên tiến". "Tuy nhiên, Hoa Kỳ không mặn mà sản xuất chất bán dẫn. Trên thực tế, giai đoạn 1990-2021, thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của Hoa Kỳ đã giảm từ 37% xuống 12%. Ngược lại trong thời gian đó, thị phần của Trung Quốc tăng từ 0% lên 12%". Bộ trưởng Thương mại Mỹ LutnickMấy năm qua là thời kỳ Trung Quốc nhanh chóng rượt đuổi và qua mặt Mỹ trong lĩnh vực này. Tâm lý báo động ở Washington, do đó, là dễ hiểu.Các con chip là "nền tảng" của mọi thứ, từ điện thoại thông minh, xe hơi đời mới, thiết bị y tế, tới công nghệ sẽ định hình tương lai, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng sạch hay quốc phòng, nên ông Trump nay tìm cách "gỡ gạc" bằng thuế quan. Bộ trưởng Lutnick cảnh báo trong chương trình This Week: "Nếu chúng ta cứ mãi thâm hụt thương mại khổng lồ và bán linh hồn cho phần còn lại của thế giới, cuối cùng chúng ta sẽ trở thành công nhân cho phần còn lại của thế giới"."Ông cố vấn" NavarroChủ nhật 13-4 vừa rồi, trong chương trình Meet The Press (gặp gỡ báo chí) của đài NBC News, người dẫn Kristen Welker nêu vấn đề nóng bỏng nhất: "Tổng thống Trump hoãn một số kế hoạch áp thuế cao nhất trong 90 ngày, sau nhiều ngày bất ổn gia tăng và thị trường sụp đổ". Khách mời hôm đó nổi bật có Cố vấn cấp cao Thương mại và sản xuất Peter Navarro.Cần nói kỹ hơn về ông này để hiểu các quyết sách của Trump hiện tại. Ông Navarro sinh 1949, nguyên là giáo sư công huân về kinh tế và chính sách công tại Trường Kinh doanh Paul Merage, Đại học California, Irvine. Ông từng phục vụ trong chính quyền Trump 1.0, làm giám đốc Hội đồng Thương mại quốc gia, rồi qua thời 2.0 giám đốc Văn phòng Chính sách thương mại và sản xuất mới thành lập. Thiệt ra, tấm "danh thiếp" trên không cho biết cụ thể về ông Navarro bằng tựa rất ngắn "Navarro sẽ lãnh đạo thương mại Hoa Kỳ tới chủ nghĩa bảo hộ hơn nữa" của nghiên cứu đăng trên Oxford Analytica năm 2016, tức trước khi ông này tham gia chính quyền Trump.Giáo sư Navarro thực sự là người lập thuyết về chiến tranh với Trung Quốc, ngay từ năm 2006, qua cuốn Những cuộc chiến tranh sắp tới với Trung Quốc: Chúng sẽ diễn ra ở đâu và sẽ thắng chúng như thế nào? Từ đó, có thể nghĩ rằng ông đã được triệu vào nội các Trump 1.0 vì là bậc thầy về bảo hộ chủ nghĩa chống Trung Quốc, từ khi ông Trump còn chưa là giám đốc công ty hoa hậu hoàn vũ, chứ đừng nói là tổng thống.Với kinh nghiệm đã qua, ông Navarro đóng vai trò định hướng chính sách thương mại trong cả hai chính quyền Trump. Trên một bình diện nào đó, nếu như "ông cố vấn" Henry Kissinger được tôn là bậc thầy về chính sách ngoại giao với Trung Quốc những năm 1970 thì ông Navarro cũng đóng vai trò như vậy với chính quyền Mỹ trong thế kỷ 21 này. Trong chương 1 biên khảo trên, Navarro nhấn mạnh hai đặc điểm của nền sản xuất Trung Quốc: (1) Nhờ sử dụng các bản sao không phép, không bản quyền, sản xuất Trung Quốc giảm được chi phí đáng kể so với các nước thi hành luật bản quyền; (2) Nhà nước Trung Quốc có chính sách âm thầm hỗ trợ việc này. Đó là cơ sở để 14 năm sau, ông đưa chủ nghĩa bảo hộ chống Trung Quốc thành trọng tâm chính sách của chính quyền Trump. ■ Hôm 6-4, cố vấn Navarro đã phát biểu để bảo vệ chính sách thuế của ông Trump: "Tất cả những điều mà các nước ngoài này làm đều được thiết kế rõ ràng để lừa dối chúng ta và có thể bị WTO trừng phạt. Vì vậy, Tổng thống Hoa Kỳ không nói thêm nữa... Chúng ta đang hướng tới một nước Mỹ hùng mạnh có thể tạo ra mọi thứ một lần nữa". Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Chính quyền Trump 2.0 Tiếp theo Tags: Tổng thống Mỹ Donald TrumpChính sáchNhà TrắngQuyết sáchPeter Navarro
Giáo hoàng Francis qua đời KHÁNH QUỲNH 21/04/2025 Vatican loan báo trong video Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi, sau khi chịu đựng nhiều căn bệnh trong suốt 12 năm trị vì.
Tổng duyệt đại lễ 30-4, TP.HCM cấm xe hàng chục đường trung tâm từ ngày 22-4 THU DUNG 21/04/2025 Từ ngày 22 đến 30-4, TP.HCM diễn ra hàng loạt sự kiện quan trọng phục vụ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Lắng nghe ý dân, Quảng Nam điều chỉnh tên xã, phường không còn số LÊ TRUNG 21/04/2025 Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam đã thảo luận và thống nhất không đặt tên xã phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự.
Bà Trương Mỹ Lan được giảm án về tội lừa đảo ĐAN THUẦN 21/04/2025 Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá bà Trương Mỹ Lan có thiện chí khắc phục hậu quả vụ án, thể hiện thái độ mong muốn khắc phục hậu quả nên chấp nhận giảm nhẹ hình phạt tù chung thân xuống tù có thời hạn.