Học sử không phải là khổ sai

THU HÀ THỰC HIỆN 01/04/2008 22:04 GMT+7

TTCT - Phổ điểm toàn quốc môn lịch sử khối C năm 2007 do Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT công bố cho thấy: điểm từ 0 đến 4,5/10 có 150.234 thí sinh, đặc biệt là điểm 0/10 có 5.908 thí sinh. Những con số mà theo GS Đinh Xuân Lâm - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử - là cực kỳ đáng lo ngại cho cả xã hội.

Phóng to

Các bạn sinh viên lớp quản trị kinh doanh chất lượng cao A2 Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nghiên cứu đề tài thuyết trình danh lam thắng cảnh và di tích VN tại Văn Miếu (ảnh chụp ngày 26-3)

Chính vì thế một cuộc hội thảo quốc gia về “Thực trạng việc dạy và học lịch sử trong trường phổ thông” vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 25-3-2008. TTCT Trao đổi với GS Đinh Xuân Lâm và ông Dương Trung Quốc - tổng thư ký Hội khoa học lịch sử - về thực trạng nhức nhối này.

- GS Đinh Xuân Lâm: Dư luận xã hội mấy năm gần đây đã tỏ ra rất bức xúc, có cả bất bình trước điểm môn sử trong những kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quá thấp, thấp đến mức không thể hiểu nổi. Từ đó đi tới đánh giá chung về kết quả dạy và học môn lịch sử trong các trường phổ thông là quá kém, cần được báo động trong toàn ngành, cần tìm ra nguyên nhân và các giải pháp thích hợp để khắc phục.

Cách đây vài năm Hội Liên hiệp KH-KT đã có một đề tài lớn, tập trung nhiều nhà khoa học, nhà giáo tiến hành rà soát chương trình và sách giáo khoa các môn học, trong đó có môn lịch sử của các lớp phổ thông cơ sở. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhận xét, nghiệm thu và kiến nghị, có tổng kết với sự tham dự của Bộ GD-ĐT nhưng sau đó là “sự im lặng đáng sợ”, tất cả đều rơi vào quên lãng để đến hôm nay lại trở về điểm xuất phát.

* Theo GS, nguyên nhân chính của thực trạng sợ sử, dốt sử của học sinh nằm ở đâu, trong nhà trường hay ngoài xã hội?

- Theo các khảo sát và nghiên cứu của những nhà giáo trực tiếp đứng lớp dạy sử lâu năm, có 41,19% giáo viên cho rằng môn sử chưa được các nhà quản lý giáo dục trong nhà trường chú trọng đúng với vị trí cần có. Nhiều thầy cô khẳng định quan niệm môn lịch sử là môn phụ, người dạy không được tôn trọng, người học không chú tâm, năm thi, năm không thi tốt nghiệp nên chương trình bị cắt xén một cách tùy tiện là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng học sử bi đát hiện nay.

Quan niệm không đúng về bộ môn lịch sử còn chi phối cả cha mẹ học sinh, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế thị trường các môn khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ tỏ ra đắc dụng hơn. Đó là chưa kể tới nạn chạy theo thành tích, học sinh kém vẫn cho điểm cao, vẫn cho lên lớp để đảm bảo thi đua.

Trên một quan điểm tai hại mang tính phổ quát toàn xã hội như vậy, sách giáo khoa sử và giáo viên dạy sử - như một hệ quả tất yếu - cũng có rất nhiều bất cập.

Là người trực tiếp biên soạn sách giáo khoa sử cho các lớp: 6, 7, 8, 11, 12, tuy có khá nhiều cải tiến, chúng tôi vẫn không thể theo kịp với chương trình luôn thay đổi đến chóng mặt của Bộ GD-ĐT. Chương trình không ổn định, không xác định được vị trí của môn học cho thống nhất, bền vững thì sao có sách giáo khoa tốt.

Chất lượng đào tạo và trình độ giáo viên sử cũng vậy. Việc mở tràn lan một số trường ĐH và cao đẳng - thực chất là một tập hợp các trường trung cấp chuyên ngành của các địa phương - trong khi không đủ giảng viên có trình độ cần thiết cũng là một nguyên nhân kéo thấp chất lượng đào tạo giáo viên nói chung, đặc biệt là môn sử.

* Thưa ông, một trong những nguyên nhân khiến môn sử kém hấp dẫn với học sinh là do sách giáo khoa sử. Các nhà sử học và các nhà viết sách giáo khoa có ý định kiến nghị Bộ GD-ĐT cải thiện tình trạng này?

- Ông Dương Trung Quốc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nhiều lần nói rằng thời ông dạy sử ở Trường Thăng Long, cách học sử được học sinh nhớ nhất và thích nhất là đi dã ngoại. Học về An Dương Vương không gì bằng đưa học sinh sang Cổ Loa, học về trận Bạch Đằng thì phải được ra cửa sông Bạch Đằng nơi còn nguyên bãi cọc. Muốn tìm hiểu về Nguyễn Trãi thì được dẫn lên Côn Sơn...

Bài học ngấm vào trí não trẻ thơ không qua con số và sự kiện, mà qua những câu chuyện ngụ ngôn, qua những di tích lịch sử sống động. Chỉ có như vậy học sử mới không trở thành khổ sai của trí nhớ. Các công cụ hỗ trợ như tiểu thuyết, phim ảnh cũng hết sức cần thiết. Bài học cay đắng về việc thanh thiếu niên ta thuộc sử Tàu hơn sử ta vẫn còn sờ sờ ra đó. Chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều lần với Bộ GD-ĐT, thậm chí còn mang đến những diễn đàn lớn hơn như Quốc hội, nhưng nhận thức của các cơ quan chức năng cũng như nhận thức của xã hội thì không thể biến chuyển trong ngày một ngày hai.

* Nhưng trong khi chờ đợi một sự chuyển biến cơ bản từ quan niệm xã hội, chúng ta vẫn có thể làm cho sách giáo khoa sử sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Vì rất nhiều phụ huynh và học sinh đã than phiền là sách sử của chúng ta gần với chính trị hơn?

- GS Đinh Xuân Lâm: Chúng tôi thừa nhận do những quan niệm cũ, do những định hướng từ rất lâu, sách sử của chúng ta chỉ thiên về lịch sử chiến tranh mà rất ít nói về lịch sử kinh tế, lịch sử văn hóa. Về chiến tranh thì lại chỉ nhấn mạnh đến thắng lợi của chúng ta mà quên nói về những thiệt hại. Trong tổng thể chương trình lại không có sự liên thông, cấp II học rồi, lên cấp III học lại, sử thế giới và sử VN cũng chưa làm rõ được những tác động qua lại ảnh hưởng đến nhau. Tất cả những điều đó đều góp phần làm giảm tính hấp dẫn của việc dạy và học sử. Chúng tôi đã nhận ra và nhất định sẽ có sự hiệu chỉnh, nhưng vấn đề không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi mà quan trọng là sự đồng thuận của Bộ GD-ĐT.

- Ông Dương Trung Quốc: Có hai yếu tố làm cho lịch sử trở nên hấp dẫn: đó là sự trung thực và sự công bằng. Nhưng để đảm bảo hai yếu tố đó lại đòi hỏi rất cao tư cách của người làm sử. Và nó còn phụ thuộc vào không khí chính trị của xã hội. Một việc tưởng như rất hiển nhiên là xe tăng nào vào dinh Độc Lập? Các nhà sử học và báo chí đã làm rõ sự thật lịch sử rất lâu, nhưng bên quân đội vẫn rất ngần ngại. Gần đây nhất là việc chúng tôi kêu gọi dựng bia tưởng niệm nạn nhân của nạn đói năm Ất Dậu 1945. Hai triệu người chết là một con số tàn khốc của sự đau thương. Nhưng lại có cơ quan nhắc nhở vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại. Lịch sử cần được lên tiếng đúng lúc, với đúng đối tượng của nó. Tôi chắc chắn không một học sinh nào không nhớ những sự kiện lịch sử xảy ra năm 1945 nếu được biết về việc 2 triệu đồng bào mình đã chết thảm như thế nào, và được dẫn đến thắp hương trước tấm bia tưởng niệm đó. Sự trung thực và công bằng không đợi thời tiết chính trị.

* Lịch sử chưa hấp dẫn số đông một phần vì bản thân các sự thật lịch sử cũng đang được phủ lên rất nhiều lớp sương mờ, và các nhà sử học còn chưa thống nhất được với nhau về việc công bố như thế nào? Các nhà sử học có nhận lấy trách nhiệm xã hội trong vấn đề này hay không?

- GS Đinh Xuân Lâm: Lịch sử là một môn khoa học, nó cần và bắt buộc phải được nghiên cứu theo phương pháp khoa học để tiếp cận với chân lý lịch sử. Nhưng vấn đề công bố nó thì lại tùy thuộc vào yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

- Ông Dương Trung Quốc: Giới trẻ không yêu lịch sử không phải là vấn đề riêng của VN. Một ngày chỉ có 24 giờ, dù còn trẻ thì cũng không ai sống được 25 giờ/ngày cả. Cuộc mưu sinh bắt con người ta phải lựa chọn cái gì thiết thân nhất. Rồi không khí xã hội, chính trị, thời gian đầu tư... nên mối quan tâm vào lịch sử giảm dần là đương nhiên. Một bạn trẻ rất thông minh và thành đạt nói với tôi: “Cháu học sử làm gì, vì có bao giờ đi xin việc mà người ta hỏi sử đâu, nếu có giám đốc nào hỏi sử, cháu sẽ học ngay ngày mai(!)”.

Nhưng quan trọng hơn là người lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan công quyền thể hiện thái độ như thế nào với lịch sử. Ở các thành phố châu Âu có lịch sử lâu đời, tôi lưu ý một điểm rất thú vị: phó thị trưởng thường là một giáo viên sử - địa. Nội điều đó đã nói lên rất nhiều rồi. Ở VN, chúng ta không thể trách giới trẻ khi họ quay lưng lại với lịch sử, khi mà người lớn phá di tích lịch sử, lấn đất chùa, ăn cắp tượng Phật... Ông Mitterrand, cựu tổng thống Pháp, đã nói rất chính xác: “Thái độ của giới trẻ với lịch sử là thước đo sự tín nhiệm chính trị với chế độ”. Là người làm sử, chúng tôi thấm thía điều đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận