TTCT - Cuối tuần vừa rồi, 16 và 17-7, dù không phải là dịp lễ tết gì đặc biệt nhưng nhiều cửa ngõ của TP.HCM đã diễn ra tình trạng tắc nghẽn giao thông kinh khủng - một cảnh tượng quen thuộc ở thành phố đầu tàu kinh tế cả nước. Một nền công vụ hiệu năng đòi hỏi sự minh bạch và tư duy dám nghĩ dám làm. Ảnh: Empirical PathTrước đó nữa, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải thừa nhận điều đã kéo dài ít ra suốt 10 năm qua: tất cả cửa ngõ TP.HCM đều đang tắc nghẽn. Người đứng đầu Chính phủ thì phát biểu: TP.HCM, ngoài năng lượng để phát triển, là một đô thị đang dư thừa những vướng mắc.Một ví dụ được nhắc đi nhắc lại hơn 20 năm nay về sự tắc nghẽn hiển hiện hằng ngày là đoạn đường từ cuối thành phố Thủ Đức đến cầu Đồng Nai. Có chừng 3-4km thắt cổ chai trên mỗi làn đường chỉ đủ cho khoảng 1,5 làn xe tải, hai bên là cỏ dại và bãi đỗ cần cẩu, xe xây dựng chuyên dụng.Cơ chế và quy trìnhĐoạn đường này thuộc đến 3 tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. So với 20 năm trước, lưu lượng xe cộ đi qua huyết mạch quan trọng nhất khu vực kinh tế năng động nhất cả nước đã tăng ít ra 20 lần. Mỗi tỉnh, thành phố cũng đã qua ít nhất 3 đời lãnh đạo. Nhưng đoạn đường vẫn yên vị như thế, không mở rộng ra được một milimet nào và gần như mọi ngày đều là điểm nóng kẹt xe.Cứ mỗi lần đi qua chỗ này, người viết ước gì đây là con đường mà lãnh đạo 3 tỉnh thành đi làm mỗi ngày. Nó thực sự là một nỗi xấu hổ, không nói xa xôi là với người từ nước ngoài đến mà cả là người từ địa phương khác đến, khi phải đi cùng người thân, bạn bè, đối tác qua ngã ba khốn khổ kia. Một sự bất hợp lý rõ ràng như thế, và gây thiệt hại khôn kể cho hoạt động logistics của vùng kinh tế trọng điểm quốc gia suốt 20 năm, nhưng không được giải quyết, dù ai cũng thấy cũng biết.Đó là một sự tắc nghẽn khá điển hình với nền kinh tế, diễn ra ở nhiều nơi, trong bối cảnh hiện tại, khi tâm lý bao trùm của nền công vụ là không làm gì để khỏi bị sai. Hơn cả sai sót, đấy còn là nỗi hổ thẹn, như lời bí thư thành ủy TP.HCM nhận lỗi về việc nhân viên ngành y tế chưa nhận được khoản tiền động viên chống dịch 19 tỉ đồng cho những người hằng ngày được tôn vinh là người hùng.Hệ quả là hàng ngàn nhân lực y tế công đã chạy khỏi các cơ sở công vụ. Bây giờ cho dù khoản tiền đấy có được chi thì không chắc những người được nhận có còn thấy vinh dự hay xúc động. Và nói dại, nếu lỡ một đại nạn tương tự năm ngoái xảy ra, chúng ta có thể hy vọng gì để họ lại đóng vai người hùng?Chưa hết, theo báo cáo mới nhất của ngành lao động xã hội, số tiền hỗ trợ nhà trọ cho công nhân và người thu nhập thấp của gói hỗ trợ COVID-19, giải ngân đến tháng 6 ước đạt… 1%. Lý do: quy trình và thủ tục chồng chéo! Có ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ ngoài logic thông thường này? Cho đến giờ là không, ngoài cái tên muôn thuở: quy trình.Nếu nói cần có chính sách, cơ chế để phát triển thì hiện tại chính sách và cơ chế không thiếu. Điểm nghẽn nằm ở chất lượng và động lực của hệ thống vận hành cấp trung gian và trực tiếp.Một báo cáo gần đây của nhóm nghiên cứu chính sách thuộc Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM cho thấy nghị quyết 54 của Quốc hội năm 2017 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã nới trần nợ công cho thành phố, nhưng khi cơ chế này chưa kịp đi vào thực thi thì đã chuẩn bị… hết hạn vào cuối năm 2022, trong khi một chính sách thay thế tương đương có lẽ khó được chấp thuận trong bối cảnh chính sách tài khóa chung của quốc gia hiện tại.Một nền công vụ thạo việcNăng lực cạnh tranh quốc gia là mỹ từ chỉ khả năng làm việc của người làm công ăn lương nhà nước, gọi là công chức. Nền công vụ nước ta vốn không được đánh giá cao từ khoảng nửa thế kỷ nay. Vì những lý do lịch sử, cho đến tận bây giờ, biên chế nhà nước vẫn là giấc mơ của rất nhiều phụ huynh khi con cái tốt nghiệp đại học.Việc một công dân có đủ năng lực và bằng cấp nhưng không có mối quan hệ hay khả năng tài chính mong muốn hay được trở thành công chức vẫn là điều hiếm hoi ở nhiều tỉnh thành. Hệ thống công vụ dường như vẫn là một tổ chức khép kín. Và khi trở thành mắt xích của hệ thống đấy rồi, động lực phục vụ cộng đồng của các công chức sớm mai một theo năm tháng.Thu nhập từ lương công chức khó lòng bù đắp chi phí họ đã bỏ ra, nên việc nhũng nhiễu để kiếm thêm tiền dưới gầm bàn là điều khó tránh khỏi - đấy là lý thuyết đúng với hầu hết các quốc gia đang phát triển. Công thức để công chức không tham nhũng là thu nhập từ lương của họ phải không thấp hơn vị trí tương đương nếu họ làm ở các tổ chức tư nhân.Điều đấy áp dụng ở Việt Nam thực sự là một nan đề, khi câu "sống nhờ lương" bao giờ cũng mang ý nghĩa hài hước nhiều hơn là tự hào. Khi thu nhập của công chức đến từ các nguồn không chính thức, việc họ khó toàn tâm toàn ý phục vụ dân chúng, những người nộp thuế để trả lương cho họ, không phải là câu hỏi của bản thân họ. Mỗi người đã có một lượng khách hàng nhất định để phục vụ, tuy ít hơn rất nhiều đối tượng mà đáng lẽ họ phải phục vụ theo mục đích của nền công vụ, nhưng lại bảo đảm cho họ về thu nhập.Với cách tiếp cận công việc như thế, những người đáng được nền công vụ phục vụ nhất - những người yếu thế - thường lại ít được ưu tiên nhất. Quan trọng hơn, bản thân nền công vụ còn thiếu nhu cầu cải tiến tự thân, nên khi cần để triển khai một chính sách khẩn cấp thì hệ thống không thể chạy trơn tru, và người ta tìm ra đủ thứ lý do để giải thích vì sao không làm được thay vì đề xuất những điều kiện để làm được.Trong ước vọng về chính phủ kiến tạo, một mô hình tránh được các xu hướng dân túy và thả nổi thị trường quá mức, người tâm đắc và có nhiều đóng góp học thuật, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng từng lý giải về một nền công vụ liêm chính, thạo việc và có tư cách được trau dồi bởi truyền thống khoa bảng trọng danh dự nhờ nền tảng đạo đức Nho giáo.Theo ông, xã hội tương tự chúng ta, Trung Quốc, cũng phải đối mặt vấn nạn tham nhũng, nhưng nền công vụ của họ đã được cải cách và cải thiện rất nhiều qua đặc tính thạo việc. Những công chức có chuyên môn cao tận tâm với việc phục vụ dân chúng và coi họ là khách hàng. Làm sao nền công vụ chúng ta được xây dựng và hướng được đến được mục tiêu như thế thì may ra chúng ta mới không còn đổ lỗi cho những "con ngoáo ộp" không có thật nữa.■ Tags: Kẹt xeGiao thông TP.HCMÙn tắc giao thôngTắc nghẽn giao thôngNền công vụCông vụ
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
Hai cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục va li, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để kiểm tra va li, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng khiến nhiều người bức xúc.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Bắt nghi phạm trộm cướp 2 ô tô, đánh chết cụ ông ở Hà Nội DANH TRỌNG 23/11/2024 Nghi phạm Ma Vũ Duy bị công an bắt giữ với cáo buộc sử dụng ma túy rồi trộm cướp 2 ô tô, tông vào người đuổi theo ngăn chặn và dùng xẻng đánh chết cụ ông 69 tuổi ở Hà Nội.