TTCT - Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Đề án phát triển bể than đồng bằng sông Hồng”. Theo kết quả thăm dò ban đầu của TKV, trên diện tích 3.500km2 thuộc các tỉnh thành Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, dưới lòng đất của đồng bằng sông Hồng có chứa khoảng 210 tỉ tấn tài nguyên than năng lượng (gấp 20 lần bể than Quảng Ninh). Phóng to Tập đoàn TKV triển khai khoan thăm dò trữ lượng than tại khu vực Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) Cũng theo định hướng của TKV, thời gian tới sẽ phát triển bể than sông Hồng một cách hiện đại, hài hòa và bền vững với công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới; hình thành tại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) một trung tâm năng lượng sạch lớn nhất VN trong thế kỷ 21! TKV sẽ khai thác than tại đồng bằng sông Hồng như thế nào? Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn - giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng (Tập đoàn TKV) - cho biết TKV sẽ không áp dụng công nghệ khai thác than lộ thiên như ở Quảng Ninh hiện nay mặc dù đây là công nghệ có hiệu quả nhất với chủ đầu tư. Tại bể than ĐBSH, các vỉa than có thể khai thác chủ yếu nằm ở độ sâu -450m đến -1.700m. Vì vậy, hai công nghệ chính dự kiến được lựa chọn áp dụng cho việc phát triển bể than ĐBSH là khai thác hầm lò và khí hóa than. Phó vụ trưởng Vụ Hoạt động xây lắp (Bộ Xây dựng) Hoàng Thọ Vinh: Không được tác động đến đất trồng lúa “Đề án phát triển bể than ĐBSH” còn đang trong giai đoạn sơ khai, chưa khẳng định chắc chắn trữ lượng là bao nhiêu vì con số 210 tỉ tấn cũng là số liệu ước tính thăm dò. Chúng tôi cho rằng đề án phát triển bể than ĐBSH là đề án có giá trị kinh tế rất cao, nhưng cũng là đề án có mức độ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và liên quan chặt chẽ tới an ninh lương thực, do bể than ĐBSH nằm trên địa bàn vùng vựa lúa lớn thứ hai của cả nước là Thái Bình, Hưng Yên. Chính vì vậy, công tác thẩm định cần phải được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, vùng ĐBSH rất nhạy cảm, gắn với nhiều dự án về quy hoạch xanh các đô thị trọng điểm, đây là vùng đất phù sa màu mỡ, nơi dự trữ tiềm năng an toàn lương thực quốc gia nên đặt vấn đề khai thác than phải không ảnh hưởng đến đất trồng lúa, không làm biến đổi khí hậu, sinh thái vùng. Trong điều kiện các thông tin về địa chất mỏ còn rất hạn chế, để tránh rủi ro, việc triển khai các dự án thử nghiệm là hết sức cần thiết nhằm mục tiêu lựa chọn được những công nghệ phù hợp và có hiệu quả nhất, tận thu tối đa nguồn tài nguyên có hạn của đất nước, bảo đảm mọi điều kiện để người dân trong vùng tài nguyên ổn định, phát triển. Theo ông Sơn, việc khai thác than tại đây sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ triển khai thử nghiệm công nghệ tại khu vực có mật độ các công trình khảo sát địa chất lớn nhất, đồng thời tổ chức thăm dò các khu vực còn lại để đưa vào khai thác trên quy mô lớn. Trong giai đoạn 1, công tác thử nghiệm các công nghệ được triển khai trên địa bàn Hưng Yên (ba mỏ) và một mỏ tại Thái Bình. Giai đoạn 2 sẽ tập trung phát triển các mỏ với các công nghệ đã được thử nghiệm thành công với quy mô, số lượng phù hợp điều kiện tự nhiên và nhu cầu than của nền kinh tế. Ông Sơn cũng cho hay dự kiến từ nay đến 2015 sẽ tiến hành thử nghiệm bốn loại hình công nghệ gồm: khai thác hầm lò phần nông (mức -450/-600m), khai thác hầm lò phần dưới sâu (-600/-1.200m) và khí hóa than vỉa mỏng, vừa nằm nông (mức -300/-450m), vừa nằm sâu (-450/-900m). Để phát triển bể than ĐBSH, TKV dự kiến tổng mức đầu tư trước mắt vào 11 dự án quan trọng khoảng 4,491 tỉ USD, trong đó các dự án thử nghiệm công nghệ chiếm 16,13%, các dự án địa chất chiếm 61,57%, số còn lại tập trung vào các dự án khai thác và xây dựng hạ tầng. Trong số 11 dự án trên, dự án địa chất thăm dò vùng Phủ Cừ - Tiền Hải có tổng mức đầu tư chiếm tới 61,57%, thời gian dự kiến kéo dài ít nhất 10 năm, bắt đầu từ 2010. TKV cũng cho rằng nếu việc triển khai đề án phát triển bể than ĐBSH thành công thì giai đoạn 1 (đến trước 2018) sẽ đóng góp cho nền kinh tế 1.745 triệu thùng diesel/năm hoặc 2,3 tỉ kWh/năm. Ngoài ra, đề án sẽ góp phần cung cấp điện ổn định cho thủ đô Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và các tỉnh liền kề chưa có nhà máy điện như Hà Nam, Nam Định, vùng Hà Tây và có thể cung cấp than cho cụm các dự án điện 1.800MW ở Thái Bình. Tập quán canh tác của 180.000 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng “Kinh nghiệm của VN trong khai thác hầm lò tại vùng Quảng Ninh chỉ có thể áp dụng hạn chế cho vùng than ĐBSH”- giám đốc Nguyễn Thành Sơn nói. Ông cũng khẳng định nếu bể than ĐBSH được đưa vào khai thác sẽ chủ yếu áp dụng công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất. Nếu công nghệ này được thử nghiệm thành công ở mỏ Tiên Dung (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thì TKV có thể đưa vào cân đối 30 tỉ tấn trữ lượng than (tăng 5-6 lần so với trữ lượng hiện có). Theo đánh giá chủ quan của TKV, công nghệ khí hóa than ngầm là công nghệ năng lượng sạch tiềm năng, được nhiều quốc gia đánh giá cao hơn so với điện nguyên tử, là một “kho chứa cacbon khổng lồ” của thế giới. Than của ĐBSH sau khi được khai thác sẽ đáp ứng đủ nhu cầu về phát điện, sản xuất ximăng, luyện kim đen và màu, dùng làm chất đốt sinh hoạt... của VN. Tuy nhiên, theo ông Sơn, lo ngại lớn nhất cho việc khai thác than tại bể than ĐBSH là sự ảnh hưởng đến hệ thống nước ngầm và sự lún sụt đất của vùng châu thổ sông Hồng. Các dự án phát triển bể than này rất nhạy cảm về mặt môi trường, liên quan đến quy hoạch tổng thể trên các địa bàn quan trọng như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Việc khai thác bể than ĐBSH chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định (cả tích cực lẫn tiêu cực) đến tập quán canh tác của 180.000 hộ dân trong vùng và quy hoạch của thủ đô Hà Nội trong giới hạn của vành đai 4 và 5. Trước mắt, trên địa bàn huyện Khoái Châu dự kiến sử dụng khoảng 150ha để triển khai các dự án, gồm phát triển các mỏ Bình Minh và Tây Sa, xây dựng các nhà máy điện và các công trình khác. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình dự kiến sử dụng 150ha cho các dự án thử nghiệm. Hiện tại TKV vẫn chưa có báo cáo đánh giá về tác động môi trường của bể than ĐBSH. Lý giải điều này một quan chức của TKV cho biết trên cơ sở số liệu thu được sau khi triển khai thăm dò vùng than Khoái Châu, TKV sẽ tổ chức soạn thảo báo cáo đánh giá tác động môi trường với nội dung đề cập đầy đủ các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường đất, nước ngầm, nước mặt, không khí và hệ động thực vật. Cần đúng luật 1. Đề án phát triển bể than đồng bằng sông Hồng cần được triển khai theo đúng các luật: khoáng sản, môi trường, đất đai, tài nguyên nước và các văn bản pháp lý liên quan. 2. Liên quan đến khu vực của đề án: Trước đây và hiện nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang khảo sát, thăm dò và khai thác dầu khí và khí than (tập trung ở Thái Bình và đang triển khai ở các tỉnh xung quanh), vì vậy nếu được Chính phủ cho phép triển khai đề án, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) cần phối hợp, kết hợp chặt chẽ với PVN để thăm dò, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước. 3. Các số liệu về trữ lượng than trong đề án phát triển bể than đồng bằng sông Hồng chưa có căn cứ tin cậy. Trước khi đưa vào khai thác thử nghiệm như đề nghị của TKV, cần thiết phải tiến hành theo lộ trình: điều tra, khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng; quy hoạch phát triển; kế hoạch khai thác thử nghiệm; kế hoạch cho các dự án khai thác chính thức. 4. Khi tiến hành khai thác thử nghiệm cần xác định vị trí hầm lò ở cách xa các khu dân cư để đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống, môi trường của người dân. Để tiến hành khai thác chính thức sau này (nếu được phép), cần phải chọn giải pháp kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo không xảy ra sụt lún bề mặt làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân; an toàn của các công trình thủy lợi (đê điều, kênh mương...), giao thông; không ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, nước ngầm và sản xuất nông nghiệp... Bể than sông Hồng được phát hiện từ năm 1970 Bể than sông Hồng được phát hiện từ năm 1970, sau đó Tổng cục Địa chất cũng có tổ chức nhiều cuộc thăm dò tại ba tỉnh Hưng Yên, Nam Định và Thái Bình, dự báo có trữ lượng khoảng 210 tỉ tấn nhưng thực tế khai thác được bao nhiêu thì hiện nay TKV chưa tính toán được. Sau khi đề án được Thủ tướng phê duyệt, TKV sẽ tiến hành khai thác thử nghiệm tại Hưng Yên và Thái Bình. Từ nay đến 2015 là giai đoạn thăm dò và thử nghiệm công nghệ, nếu kết quả thử nghiệm tốt thì sau 2015 sẽ phát triển ra nhiều mỏ. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TKV Đoàn Văn Kiển cho biết TKV đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nhằm đẩy mạnh hợp tác. Theo đó, hai bên sẽ trao đổi và hợp tác xử lý thông tin về địa chất của các vỉa than đã thu được trong quá trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại ĐBSH. Hai bên cũng cam kết trước mắt sẽ cùng hợp tác đầu tư thăm dò và khai thác thử nghiệm một mỏ than trên địa bàn tỉnh Thái Bình. ______________ Phóng to Ông Nguyễn Văn Thuấn Theo ông Nguyễn Văn Thuấn - cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản VN (Bộ Tài nguyên - môi trường): Các kết quả điều tra địa chất, tìm kiếm thăm dò sơ bộ, các lỗ khoan dầu khí và các kết quả đo địa chấn đã khẳng định tại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có mỏ than quy mô lớn. Vì vậy, việc điều tra, khảo sát là cần thiết. Tuy nhiên, đề án do Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) soạn còn nhiều điểm chưa rõ, chưa chuẩn về mặt chuyên môn cũng như pháp lý. TKV chỉ là một doanh nghiệp, việc điều tra khảo sát phải là của các cơ quan chức năng, của Nhà nước chứ không phải của TKV. Sau khi xác định được số lượng, chất lượng than, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiến nghị các công nghệ phù hợp để khai thác. Khi đó có thể Nhà nước sẽ giao cho TKV khai thác nhưng cũng có thể đấu thầu, cho doanh nghiệp khác vào. * Thưa ông, các chuyên gia ở Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN cho rằng tại ĐBSH không chỉ có mỏ than mà còn nhiều khoáng sản khác. Nếu vì muốn có tài nguyên mà khai thác không cẩn thận có thể gây sụt lún, biến toàn vùng thành hồ nước nhiễm mặn? - Tất cả kết luận chỉ có thể đưa ra khi có khảo sát, đánh giá một cách khoa học từ thực tiễn. Nếu chỉ ngồi nghĩ, căn cứ vào những khả năng thì có thể nghĩ ra rất nhiều nguy cơ. Trong góp ý gửi Bộ Công thương, chúng tôi cho rằng điều kiện khai thác than ở ĐBSH là rất phức tạp. Than phân bố dưới sâu, nếu khai thác có thể phải khoan đến 2.000m. Khi than ở sâu, nó có khả năng ảnh hưởng đến nước ngầm. Ngoài ra, do tầng đá khu vực này không bền vững, dễ sụt lún, lại nằm dưới khu vực đông dân cư nên các dự án khai thác phải đi từng bước thận trọng, theo đúng trình tự: điều tra, thăm dò, khai thác thử nghiệm và khai thác nhằm đảm bảo không rủi ro, có lợi ích kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường sống. Vấn đề quan trọng nhất là công nghệ. Hiện khai thác than ở độ sâu như ở ĐBSH thế giới cũng đã có công nghệ. Vấn đề là khảo sát, đánh giá thế nào và ta sẽ sử dụng công nghệ nào để khai thác. * Và cả chuyện hiệu quả kinh tế sẽ ra sao, có đáng để đầu tư khai thác hay không? - Đúng. Khai thác ở độ sâu cả ngàn mét thì chắc chắn sẽ tốn kém hơn khai thác than như hiện tại của TKV ở Quảng Ninh. Hiện Cục Địa chất và khoáng sản đang làm đề án về việc khảo sát, thăm dò cơ bản than ở ĐBSH. Phí khoan thăm dò rất lớn, đặc biệt với yêu cầu khoan sâu như ở bể than ĐBSH. Qua tính toán sơ bộ, chi phí khảo sát này chia làm hai giai đoạn, từ 2010-2015 sẽ tốn khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng quá trình khảo sát đến 2020 ước cũng phải mất tới 6.000 tỉ đồng. Đó mới là chi phí để xác định trữ lượng than cụ thể là bao nhiêu, phân bố thế nào... để trả lời câu hỏi có nên đầu tư cho khai thác không, còn chi phí cho công nghệ, khai thác lại khác. Qua nhận định ban đầu, chúng tôi cho rằng than ở khu vực bể ĐBSH có thể có cả ở trong khu đồng bằng này và kéo cả ra vùng thềm lục địa, trữ lượng hàng trăm tỉ tấn. Đó mới là kết quả khảo sát từ những lỗ khoan cách nhau hàng trăm kilômet. Muốn đánh giá cụ thể phải có nhiều lỗ khoan dày hơn. Phóng to Một mỏ than đang được khai thác lộ thiên tại khu vực phường Hà Phong (thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) - Ảnh: Đỗ Hữu Lực* Thưa ông, trong quá trình khai thác than nếu không kiểm soát tốt công nghệ để doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, không hoàn thổ, khả năng nguy hiểm cho toàn vùng ĐBSH là rất lớn? - Hiện thế giới đã có nhiều công nghệ, có thể là khoan, rồi đốt cục bộ than bên dưới, khí hóa tài nguyên than hoặc khoan sâu xuống làm lò rồi lấy than... Công nghệ nào cũng yêu cầu hoàn thổ, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Công nghệ hiện nay đã đảm bảo sau khi khai thác than, người ta có thể bơm trở lại bên dưới vật liệu khác thay thế, chống sụt lún. Nếu cho khai thác thì công tác quản lý, kiểm soát phải rất chặt chẽ, không thể để doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, không hoàn thổ, gây nguy hiểm cho toàn vùng. Tuy nhiên, để khai thác được than ở ĐBSH sẽ còn là câu chuyện dài. Quá trình điều tra khảo sát sẽ mất thời gian. Muốn khai thác ít nhất chúng ta phải đợi 10 năm nữa. * Theo ông, có nên để dành bể than sông Hồng lại cho con cháu mai sau khai thác không? - Bây giờ chúng tôi chưa nói đến chuyện khai thác. Hiện chúng tôi mới đề nghị điều tra khảo sát cơ bản nắm rõ trữ lượng để có chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Còn chuyện khai thác có thể là 10-20 năm nữa hoặc có thể cả trăm năm sau. Nếu chúng ta thật sự có trữ lượng than lớn ở ĐBSH thì chúng ta sẽ là nước có trữ lượng than đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Hiện theo tôi được biết, Mỹ cũng chưa đẩy mạnh khai thác để bán tài nguyên than của mình mà để dành cho mai sau. Đề án sơ sài, chưa đạt yêu cầu Ngày 25-5-2009, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN và Tổng hội Địa chất VN đã thành lập ban phản biện “Đề án phát triển bể than đồng bằng sông Hồng” gồm 11 thành viên do GS.TS Trần Văn Trị làm trưởng ban. Ban phản biện đã có ý kiến chung trong một văn bản dài năm trang khổ A4 gửi cho hội đồng thẩm định của Bộ Công thương. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trích đăng phần kết luận và kiến nghị như sau: 1. Đề án phát triển bể than ĐBSH được Tập đoàn TKV xây dựng dựa theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 76/TB-VPCP, nhưng theo mục III điểm 5 thì Thủ tướng Chính phủ “giao Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ đạo Cục Địa chất và khoáng sản VN lập đề án điều tra đánh giá tổng thể tài nguyên bể than ĐBSH và vùng phụ cận”. Cho nên phần này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của đề án này. 2. Đề án này không có các văn bản xét duyệt của Tập đoàn TKV mà đã đưa trình duyệt cấp trên là trái với các quy định hiện hành của Nhà nước. 3. Than nằm dưới vùng đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc, có truyền thống văn hóa lâu đời, vì vậy phát triển bể than ĐBSH phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. 4. Bể than ĐBSH có tài nguyên dự báo khoảng 210 tỉ tấn than nâu chất lượng cao. Điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình rất phức tạp, gây khó khăn trở ngại lớn cho công tác khai thác. 5. Khi khai thác phải đặc biệt chú ý vấn đề sụt lún, sụt lún tức thời, sụt lún lâu dài, sụt lún tại chỗ và sụt lún lan tỏa có thể biến đồng bằng phì nhiêu này thành hồ chứa nước nhiễm mặn. Khi tháo khô mỏ phải đặc biệt chú ý sự nhiễm mặn, sự xâm lấn của nước biển, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự sống của con người, động thực vật vùng ĐBSH. 6. Khi khai thác than ở ĐBSH có thể làm thiệt hại đến tài nguyên khoáng sản khác (tài nguyên nước, nước khoáng, dầu khí, địa nhiệt...). 7. Cần thiết phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược có sự tham gia của các bộ, ngành hữu quan và được trình duyệt ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 8. Các đề án/dự án đã nêu ở trang 28 quyển A chỉ có một dự án thử nghiệm công nghệ khí hóa than và một dự án thử nghiệm công nghệ hầm lò là cần thiết. Nhưng các dự án này phải được lập thành dự án đầu tư và trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét phê duyệt và cấp giấy phép. Sau khi dự án thử nghiệm công nghệ khí hóa than và thử nghiệm công nghệ khai thác hầm lò thành công, có hiệu quả kinh tế, trình Chính phủ xem xét quyết định các bước đi tiếp theo. 9. Qua nội dung nêu “đề án phát triển bể than ĐBSH” còn nhiều chỗ sơ sài, trùng lặp, thiếu cơ sở, chưa đạt yêu cầu của đề án theo các quy định hiện hành.
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Người dân vỡ òa, vẫy cờ chào mừng các đoàn diễu binh NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ 30/04/2025 Sáng 30-4, không khí tại khu trung tâm TP.HCM nóng hừng hực, rực màu cờ đỏ với hàng vạn người dân đón chào các đoàn diễu binh, diễu hành.
Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 30/04/2025 Cuộc chia ly 21 năm của cả đất nước đã khép lại vào ngày 30-4-1975. Lúc này, lời ước nguyện “rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngừng” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh trong bài hát nổi tiếng mà lận đận Gửi người em gái miền Nam đã thành hiện thực,
Xem clip và hình ảnh camera hành trình tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt DUYÊN PHAN 30/04/2025 Gopro Tuổi Trẻ Online gắn trên khoang lái của tiêm kích Su-30MK2 do phi công Đặng Đình Kiên lái sáng 30-4 ghi lại những hình ảnh ấn tượng, ngoạn mục.
Chi 30 triệu đồng đặt phòng tổng thống để... xem diễu binh ở TP.HCM NG. THANH THÚY 30/04/2025 Mong muốn có không gian riêng tư để xem diễu binh, gia đình Trà My đã 'bao trọn' căn phòng tổng thống, giá 30 triệu đồng/đêm tại một khách sạn 5 sao (quận 1, TP.HCM). Theo My, đây là trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.