Lê Thiết Cương: Kẻ sĩ Kẻ Chợ

NGUYỄN VIỆT HÀ 18/07/2025 09:58 GMT+7

TTCT - Có một kẻ sĩ Kẻ Chợ dẫu "cận trù phòng" mà vẫn "chính nhân quân tử".

Vạn thế sư biểu, vị thầy muôn đời là cụ Khổng, hơn một lần có dặn bọn nam học trò đang muốn thành kẻ sĩ rằng, quân tử bất cận trù phòng. Nôm na là, đàn ông muốn cao quý thì đừng quá gần bếp. 

Thế nhưng cứ đọc kỹ Tứ thư đi, thì thấy cụ bàn chuyện nấu nướng rất nhiều. Bởi đơn giản khi người ta uống hay ăn, đặc biệt là đám kẻ sĩ, thường hiển lộ nhân cách. 

Người đã có chữ nhỡ ở những hoàn cảnh có sang có trọng, mà không biết thịt thái không vuông thì không ăn, chiếu trải không phẳng thì không ngồi, thì xem ra vẫn còn thiêu thiếu một cái gì đấy. Hoàn toàn không phải là chuyện kỹ tính.

văn hóa, ẩm thực - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Có một dạo, Cương đi đâu loanh quanh, hoặc ra quán hoặc chơi chợ, thì hay cầm theo một chiếc máy ảnh. Chẳng biết nó nhãn hiệu gì, chỉ biết theo lời một nhiếp ảnh gia xinh giai, ở Việt Nam lúc ấy không có nổi ba cái. 

Trong một lần song ẩm ngồi xem ảnh phố ở quanh chợ của Cương vừa chụp tại một quán cũ kỹ vừa vắng người vừa vắng nắng, tôi hỏi: "Nếu Cương không vẽ thì liệu nó có thành người chụp ảnh không". Anh bạn nhăn nhó. "Tao không biết, vì ảnh của nó chẳng theo cái kiểu quái gì cả".

Vào dạo ấy, Cương gặp vài chuyện không vui, cả tranh lẫn ảnh đa phần đều buồn bã. Mà đã buồn thì đâu có thể giống được ai. 

Tôi thấy Cương chụp nhiều ảnh rất mất công, đặc biệt nếu đấy là hàng rong hay quán nhỏ. Hoặc nó liêu xiêu trên một đoạn ngõ bơ vơ, hoặc nó trầm trầm nằm ở một ngã ba nào đó, cũng chẳng nhớ nổi là Hàng Da hay Hàng Bè.

Có một ảnh Cương chụp quán phở gần nhà, tôi tò mò muốn xem vì đấy cũng là quán "ruột" của tôi. Phở bò ở đó cố tình để nước dùng thật đục, vị rất riêng nên vì thế mà bọn Michelin vừa gắn sao cho nó chăng. Và Cương bảo, "lâu lâu không ăn thì thấy nhớ, nhưng tuần ăn tới hai lần như ông thì tôi chịu. Có lẽ tôi bỏ cái ảnh đã chụp, định viết cho nó ít dòng".

Cương thỉnh thoảng lại muốn viết. Thỉnh thoảng là cái cụ Phật từ bi nói, "vô sở cầu". Là chân thành, là kỹ lưỡng chi tiết. "Phở bò phố cổ chỉ còn ở Hàng Muối là bánh phở thái tay, sợi bánh ngon và đẹp vì không đều, to hơn thái máy nên hai mép của sợi phở cong lên, nhìn thích mắt". (Ăn đẹp). 

Những người kỹ tính khi bàn về ẩm thực thường chưa chắc đã đúng, nhưng hay độc đáo. Cương không biết nấu ăn, nhưng có mẹ và cô em gái thì tuyệt khéo. Ăn uống ở phố cổ bây giờ vẫn ngon vẫn tinh tế, công lớn là nhờ các bà các mẹ. 

Cương không ăn phở để trong bát "phíp", càng không bao giờ ăn phở "bát đá" mà mấy năm vừa rồi đang là thời thượng ở mấy phố mới xây. Người ta có nên đun sôi mùa đông Hà Nội theo cái kiểu ra vẻ cầu kỳ ấy không. Nếu Cương chuyên viết văn, chắc sẽ thành đanh đá.

Cương viết về uống rượu không nhiều, chỉ dăm ba bài kể đám tửu đồ lê la ngồi quán, văn hóa phương Đông xếp "ẩm" đứng trên "thực", do lẽ đương nhiên, duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh. Có điều, bài nào Cương viết đều nhoi nhói bâng quơ đau, đều âm ẩm mặn chát giống như nước mắt của đàn ông có tuổi. 

Những khách quen của những quán rượu cũ kỹ của một thời xa vắng ấy, non nửa là thầy của Cương theo cái nghĩa trân trọng nhất. Bởi ở cái thời chữ còn được quý hơn vàng, thì bán tự (nửa chữ) đã trong trắng vi sư (thành thầy).

Hà Nội từng nhiều thời thăm thẳm nhọc nhằn, nhưng chưa bao giờ thưa vắng tinh hoa. Vì thế, cái kiêu bạc trong cách thẩm thực của Cương có gì là khó hiểu, nó vốn xuất xứ nghẹn ngào dài như nhà lòng ống phố cổ. 

"Gọi là quán nhưng chỉ là một phòng nhỏ trong ngõ, cũng là lối đi ra sân sau của mấy hộ gia đình. Khách rượu gầy gò râu ria, cứ thỉnh thoảng lại loay hoay ai cầm chén người nấy co rúm lại, nép vào nhau để nhường lối cho mọi người đi lại. Cũng đẹp nhưng tủi quá". (Tửu chung hữu chuyện, TTCT số 13, 2025). 

Xin để một lưu ý nhỏ. Chừng một phần tư, (hay còn gọi là một "góc" theo thuật ngữ "cuốc lủi") của cái đám kẻ sĩ "gầy gò râu ria" đó, đã và rồi sẽ được Hà Nội vinh dự đặt tên phố.

Nhân đây cũng bàn thêm một điều cho có vẻ học thuật. Pau William, học giả đầy uy tín có viết trong cuốn Tư tưởng Phật giáo, sự nhầm lẫn giữa đẳng cấp và giai cấp dường như là điều rất bình thường trong mọi công trình nghiên cứu về tôn giáo Ấn Độ. 

Nôm na suy diễn là, một người sinh ra trong một gia đình có truyền thống 6, 7 đời ở mạn hồ Gươm, nhưng nhiều khi vẫn không tới được cái gọi là "đẳng cấp Hà Nội". Phải chăng, Cương là thằng con giai phố cổ theo mọi nghĩa cả xấu lẫn tốt. 

Là con giai phố cổ cũng chẳng phải vinh dự ghê gớm gì, nhưng hình như nó lại là sự mong manh đảm bảo cho cái tạm gọi, "đẳng cấp kẻ chợ". Mà Kẻ Chợ vốn là địa danh chính thức dùng trong một đoạn lịch sử rất dài những khi tự hào nói về Hà Nội.

Và cái lời ăn tiếng nói hoặc phong vị ẩm thực của một kinh đô đã rêu phong hơn nghìn năm tuổi, chắc chắn phải là văn hóa.

văn hóa, ẩm thực - Ảnh 2.

Tiếng chợ (NXB Trẻ 2025) gồm các bài viết về văn hóa, ẩm thực, đời sống, "lời ăn tiếng nói" của phố, của người, được họa sĩ Lê Thiết Cương viết, đăng rải rác trên báo, tạp chí trong khoảng 20 năm (từ 2006 đến nay). 26 bài viết chia làm hai phần "Mùi bếp", "Nếp phố", có bài là ký ức, có bài là chiêm nghiệm, có bài là những lát cắt đời sống, có bài là một câu chuyện, qua đó hiện lên chân dung một con người…

Tiếng chợ có thể là thanh âm đồng đại - của một khu chợ cũ Hà Nội, một ngõ nhỏ bị thời gian bỏ quên, một căn bếp ấm thơm mùi phố; cũng có thể là âm vang lịch đại - của một vùng đất kiêu hãnh từng mang danh Thăng Long - Kẻ Chợ. Là Hà Nội hôm nay nghe thấy Hà Nội hôm qua. Là con người tân kỳ gặp lại căn cốt của mình trong nếp cũ. Là một người vẽ, đi từ màu sang chữ, nhưng chẳng mảy may rời bỏ cái khung khổ tinh thần thâm căn.

Đây không phải một cuốn sách thuần túy ẩm thực, không dạy người ta ăn, càng chẳng dạy người ta nấu. Có lẽ nó chỉ nhã nhặn mời gọi người đọc nhìn sâu vào bên trong mình - để thấy một món ăn / cách ăn / lời ăn đôi khi gọi dậy cả một nền văn hóa, để thấy được sự nhẫn nại của cái đẹp chuyên chở một mỹ học nhuần nhị Á Đông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận