Khi Sở Giáo dục thiếu tự tin nơi học sinh

TRẦN KHUÊ (MBA - HOA KỲ) 19/07/2011 20:07 GMT+7

TTCT - Những cuộc thi cử vừa qua đã cho các kết quả khả quan, nhưng bản thân kết quả tự nó không diễn tả trọn vẹn chất lượng giáo dục. Khi lồng vào bối cảnh một số hội đồng chấm thi các tỉnh miền Tây thông đồng chấm nhẹ tay bị tiết lộ, liệu những kết quả “khả quan” ấy có còn là đáng mừng?

Phóng to
Thống đốc bang Georgia Nathan Deaf cho rằng bản điều tra dày 800 trang về vụ sửa điểm thi là bê bối lớn nhất của ngành giáo dục Mỹ - Ảnh: AP

Là một cách đánh giá “đầu ra”, cho nên kết quả (điểm số) chỉ thật sự phản ánh chính xác chất lượng giáo dục nếu (và chỉ nếu) mọi quá trình “đầu vào” diễn ra trong một môi trường tương đối lý tưởng, được tiến hành một cách tự nhiên, trung thực và không bị tác động bóp méo thực chất. Nói chung là khi tất cả mọi thứ đều minh bạch, không có gì khuất tất thì có thể dùng điểm số để đánh giá chất lượng giáo dục.

Nhưng thực tế rất khó đạt được môi trường “tương đối lý tưởng” bởi vì đời sống giáo viên và học sinh còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn hạn chế, đầu tư cho giáo dục chưa cân xứng. Trong bối cảnh đó, sự lệ thuộc vào thành tích đương nhiên sẽ khiến các nhà quản lý giáo dục địa phương cố gắng “đạt thành tích” bằng quyết tâm cao độ. Và nếu đã cố gắng hết mức mà vẫn chưa đủ thì sẽ vận dụng đến những biện pháp tác động phi sư phạm, thậm chí là tội phạm như trong một vụ gần đây ở Mỹ.

Tuy là nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, nhưng Mỹ thỉnh thoảng cũng có những hạt sạn về giáo dục. Theo báo Mỹ tuần vừa qua, vì áp lực phải đạt điểm tốt nghiệp cao để được tiếp tục nhận tài trợ của chính phủ và các hội khuyến học mà tập thể giáo viên lẫn ban giám hiệu của một trường trung học thành phố Atlanta đã câu kết, lén bôi sửa bài thi của thí sinh trước khi gửi đi chấm. Đã có những giáo viên can đảm đứng lên tố cáo sự việc, và họ đã bị trù dập, bị kỷ luật để bịt miệng. Tại sao có chuyện này?

Không như ở Việt Nam, những trường công lập ở Mỹ phải chịu áp lực lẫn hậu quả vô cùng lớn về chất lượng học sinh. Đạo luật giáo dục công do tổng thống Bush ban hành năm 2002 (*) đã quy định trường công lập nếu điểm thi không tốt thì trường phải nộp bản kế hoạch khắc phục, chi phí sẽ do quỹ liên bang tài trợ. Nếu không có kế hoạch sẽ bị cắt ngân sách, giáo viên không được tiền thưởng và nếu tình trạng kéo dài không cải thiện thì sẽ chịu hàng loạt hình thức kỷ luật, trong đó nghiêm trọng nhất là sa thải toàn bộ ban giám hiệu, giáo viên và đóng cửa trường.

Lương giáo viên Mỹ trung bình 50.000 USD/năm. Nếu bị mang tiếng dạy trường kém chuẩn và còn bị sa thải sẽ khiến đời sống giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong thời buổi kinh tế hiện nay. Dưới áp lực khủng khiếp như thế, lẽ ra dư luận Mỹ sẽ cảm thông cho sự gian lận của ban giám hiệu và giáo viên? Không phải vậy. Khi sự việc vỡ ra, hội phụ huynh và các hội khuyến học, trong đó có hội của Bill Gates, đã cực lực lên án hành vi gian lận trên và hiện nay cơ quan công tố đang mở rộng phạm vi điều tra có thể lên đến 200 người.

Sự việc nghiêm trọng là do có sự bao che từ cơ quan sở cấp trên. Khi tiếp nhận tố cáo từ các giáo viên, sở đã chỉ đạo ban giám hiệu giới hạn cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Một mặt từ chối khéo đề nghị làm việc với cơ quan điều tra, mặt khác sở đã bịt miệng các giáo viên lên tiếng tố cáo bằng các hình thức kiểm điểm, liệt họ vào các phần tử chống đối và đạo đức kém để có biện pháp kỷ luật.

Một số chuyên gia cho rằng đạo luật 2002 đã gây nhiều áp lực không cần thiết lên giáo viên và ban giám hiệu, lo ngại đạo luật này đã khiến một số giáo viên chỉ lo dạy tủ để có được kết quả tốt, ảnh hưởng đến quá trình giáo dục toàn diện cho học sinh thì còn nguy hại hơn. Ở đầu ngược lại, đa số giáo viên vẫn đồng tình với sự khắt khe cần thiết của đạo luật 2002 nhằm nâng cao không ngừng chất lượng giáo dục Mỹ.

Những năm qua, ngân sách Mỹ đã phân bổ hơn 20 tỉ USD cho các trường chưa đạt chuẩn nhằm giúp nâng chất lượng đào tạo. Do đó, sự kiện trường ở Atlanta bị phát hiện gian lận điểm thi đã gây ra nhiều ngạc nhiên trong ngành giáo dục. Trong điều kiện được đầu tư, bồi dưỡng như thế mà vẫn phải gian lận là vì sao?

Viết về vấn đề này, tờ Christian Science Monitor số ra ngày 5-7-2011 kết luận ngắn gọn: “Điều đáng sợ nhất là những sở giáo dục này đã tuyệt vọng không còn tin tưởng học sinh của mình sẽ có được kết quả thi tốt đẹp. Khi giáo viên đã mất niềm tin vào học sinh thì học sinh ấy không cần đi thi cũng đã rớt”.

__________

(*): http://www2.ed.gov/nclb/landing.jhtml

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận