TTCN - Kho sách của anh có những cuốn Thư viện quốc gia và Thư viện tỉnh Hải Dương rất muốn sở hữu mà không kiếm nổi. Nó nhiều hơn sự tưởng tượng của bất cứ độc giả nào về những tủ sách cá nhân. Kho sách độ sộ tới mức không có đủ chỗ để chứa Và điều kỳ diệu ở chỗ cái kho sách vô giá ấy không phải do tổ tiên anh để lại mà do chính anh miệt mài săn lùng, sưu tập suốt 30 năm bằng những đồng tiền nghèo khó của mình.Kho sách vàng!Trong những tủ gỗ cũ kỹ dựng giữa nhà cơ man là sách. Kho sách của anh không giống nhiều tủ sách cổ được truyền lại từ tiền bối (chủ yếu là sách chữ Nôm, chữ Hán) mà ta vẫn thấy, ngoài sách tiếng Việt còn có nhiều sách nước ngoài được in bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Trung Quốc... trong đó nhiều cuốn đã có tuổi trên dưới 100 năm, đến tay anh từ bên ngoài biên giới bằng nhiều cơ duyên, kỷ niệm và bây giờ có ra nước ngoài tìm kiếm cũng không còn thấy.Nhiều người sửng sốt khi biết một nông dân chính hiệu lại có đủ bộ tạp chí Nam Phong (60 tập) và những tác phẩm văn học in chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ 20. Không chỉ những cuốn tiểu thuyết, lý luận văn học, ngôn ngữ, mà “thư viện” này còn chứa “thập cẩm” sách. Trong đó có những mảng sách gồm hàng ngàn cuốn.Anh bảo: “Riêng sách mỹ thuật tôi có rất nhiều, đều là loại sách hiếm người có, giới mỹ thuật đến chơi nhìn thấy là không muốn về”. Đó là trên 1.000 cuốn giới thiệu tác phẩm của các danh họa trong và ngoài nước từ Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch, Van Gogh, Leonardo da Vinci đến Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái...Ngoài ra còn có những cuốn Kiến văn tiểu lục của học giả Lê Quý Đôn (in năm 1916), Vân Đài loại ngữ (in năm 1920). Nhưng chiếm số lượng nhiều nhất là tuyển tập từ điển các loại in bằng nhiều tiếng: Việt, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Romania... (khoảng 2.000 cuốn), trong đó có những cuốn xếp hạng “độc” như Từ điển bách khoa toàn thư Xô viết (bằng tiếng Nga, nhiều giảng viên ở Hà Nội tìm về mua nhưng anh không bán), Từ điển bách khoa toàn thư hội họa Tây Ban Nha (bằng tiếng Tây Ban Nha, dày 2.000 trang, nặng 50kg, chữ mặt bìa mạ hai chỉ vàng, có người trả gần 100 triệu đồng nhưng bị anh từ chối).Tuy nhiên, những cuốn anh tâm đắc nhất lại là Từ điển bách khoa Trung Quốc (trọn bộ 120 tập), trong đó hiện anh đang sở hữu 70 tập. Đây là bộ sách quí hiếm của Trung Quốc, ngay cả Thư viện quốc gia (VN) cũng thèm được sở hữu nhiều hơn nữa khi thư viện này hiện mới chỉ có 40 tập! Nhiều năm qua anh đã trực tiếp lặn lội tới nhiều nơi, từ TP.HCM, Vũng Tàu đến Biên Hòa, Đà Lạt... rồi “bắn tin” cho bạn bè khắp nơi để “chạy đua” giành quyền sở hữu những tập còn lại, nhưng vẫn chưa “mò” thấy. Cuốn thứ hai khiến anh đặt cả số phận vào đó là Từ điển từ nguyên Trung Quốc (bốn tập sách giấy dó in chữ Hán, biên soạn năm 499 và tái bản năm 1914 tại Trung Quốc, gồm trên 2 triệu từ (chữ) Hán gốc, tối cổ.Một mảng sách khác khiến anh trở nên “vô địch” trong giới sưu tầm là sách tôn giáo, từ cuốn Kinh Thánh đầu tiên có ở VN đến hàng ngàn sách hội họa tôn giáo, biểu tượng tôn giáo. Anh có cả những cuốn lịch sử các đạo Tin Lành, Cao Đài. Trong đó phải kể cuốn Những biểu tượng Kitô giáo in bằng tiếng Ý do Thư viện Vatican gửi tặng, tuyển tập 4.000 bức họa mô tả lịch sử phát triển Phật giáo Trung Quốc in bằng chữ Nho.Nhiều học giả của Viện Nghiên cứu tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã khai thác tư liệu từ kho sách độc đáo này và đánh giá về sách tôn giáo thì đây là kho tư liệu đồ sộ nhất VN.Hơn 20.000 cuốn sách, chỉ cần nhặt đếm cũng đủ mệt vậy nhưng anh thuộc làu tên từng cuốn một. Khi một số khách nước ngoài hỏi trong 2 vạn sách đó những cuốn nào anh thích nhất, anh trả lời: “Tất cả những cuốn mà tôi mua về tôi đều thích”.Ngay ở Hà Nội cũng như Hải Dương có không ít người buôn, chơi sách cổ (như người ta chơi gốm cổ) nhưng mục đích của anh hoàn toàn khác ngay từ khi gom tiền sưu tầm: để nạp tri thức. Suốt 30 năm mua sách để thỏa cơn khát tri thức chứ không để buôn hay muốn trở thành người lỗi lạc, và nay muốn truyền lại những tinh hoa ẩn chứa trong trang sách cho người khác.Kho sách và đời ngườiTên anh là Phạm Chí Thiện, 52 tuổi, ở thôn Hạ, xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang (Hải Dương) - một ngôi làng nhỏ vô cùng yên ả bên quốc lộ 5. Ngay từ hồi học phổ thông anh đã nhen nhóm khát vọng được sở hữu nhiều đầu sách. Nhưng tới những năm theo học khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1974-1978) khát vọng đó mới được thực hiện. Hồi đầu anh chỉ săn tìm những sách nghiên cứu văn học, mài nhẵn đầu trên thư viện nhưng chưa đủ chữ nên anh lang thang khắp phố phường Hà Nội tìm thêm. Khi lê la các hiệu sách, anh nhận ra kiến thức mỹ thuật, ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật... cũng có giá trị nên mở rộng phạm vi sưu tầm. Ngày ngày, chàng sinh viên nhảy tàu điện từ ký túc xá lên tận Bờ Hồ, Ô Chợ Dừa... để coi sách.Năm 1978, nhìn thấy cuốn Bách khoa thư tiếng Anh, anh đổi ngay một đồng hồ Eska, một cassette Nhật để sở hữu nó. Đến năm 1979, khi vừa tốt nghiệp về quê làm anh giáo viên huyện lỵ thì ý tưởng sưu tầm sách càng khắc đậm. Càng đọc anh giáo nghèo càng thấy đói sách, càng thấy chết mê tinh hoa tri thức nhân loại nên bắt tàu trở lại thủ đô tiếp tục lang thang gõ cửa tất cả hiệu sách tìm những cuốn quí (hiếm) nhất.Gõ cửa các “lão làng” buôn sách cổ nức tiếng đất Hà thành như ông Hùng phố Ngô Thì Nhậm, ông Cảnh phố Bát Đàn, ông Dư phố Bà Triệu... không thỏa, anh lang thang ra các quầy sách vỉa hè ở Cầu Giấy, Mai Dịch, Láng... Mỗi khi nhìn thấy một cuốn sách quí mà mình ấp ủ, anh có cảm giác như tìm được đứa con thất lạc. Nhiều khi anh lật tung cả tủ sách của các chủ hiệu khiến họ bực mình. Và để săn được chân tướng một cuốn sách trong mớ giấy hỗn tạp ấy, anh phải bỏ tiền cho chủ hiệu để mua đứt quyền được lật tung đống sách.Săn lùng khắp Hà thành chưa đủ, anh lặn lội đi nhiều tỉnh. Hễ nghe đâu mách có sách quí là anh khăn áo đến tận nơi. Tại TP.HCM và Huế, anh đã xáo tung hàng trăm hiệu sách cũ. Còn mấy tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định thì anh đi đã mòn đế dép. Thấy cái cảnh tháng ngày lang thang bến tàu bến xe, bờ tre rặng chuối để mò mẫm tìm địa chỉ những cuốn sách quí, nhiều người ái ngại cho gã trí thức làng gầy gò, nghèo đói lại đi làm cái việc rất “hâm”.Đối với anh, mỗi cuốn sách quí dù về hình thức chỉ là một “tập giấy” nhưng cũng có “số phận” như con người và được sở hữu chúng là niềm khao khát cháy trong tim. Năm 1980, nghe bạn bè mách, anh ngược lên tận Hòa Bình gạ mua bằng được bộ Vĩnh Lạc đại điển (70 tập, bộ sách lớn nhất Trung Quốc) với số tiền 6 triệu đồng, bằng cả gia tài một nhà giàu lúc ấy và giờ đây nó trị giá tới 280 triệu đồng.Tận bây giờ anh còn nhớ rõ vẻ mặt đau buồn và những hàng lệ của chủ nhân khi trao cho anh bộ sách như trao gửi một đứa con.Theo thời gian kho sách cũ cứ đầy lên trong khi anh vẫn như con kiến không ngừng tha mồi về tổ. Hiện số sách nhân lên quá mức mà căn nhà ẩm tối, tuềnh toàng đã quá chật chội chỉ chứa nổi 2.400 cuốn. Số còn lại anh phải xếp vào 14 tủ gỗ, 16 hòm tôn rồi gửi nhờ ông bà nội ngoại, bạn bè. Năm 1988 vì sức khỏe yếu và cũng để tiện lang thang săn tìm sách, anh xin nghỉ dạy, ra khỏi biên chế. Bây giờ suốt ngày anh chỉ cắm cúi soạn lại kho sách. Để duy trì đời sống gia đình, nhất là khi những đứa con khôn lớn cần tiền học tập thì nguy cơ kho sách quí bị “hóa giá” rất nghiêm trọng, nhưng anh không muốn mất sách.Và để nuôi kho sách quí, vợ chồng anh nghĩ ra cách nhận làm mấy sào ruộng khoán và mở một quầy bán thịt heo ngoài thị trấn.Trong khi anh đang khao khát ý tưởng mở một thư viện sách tại thị trấn để phục vụ bà con nông dân và anh em trí thức gần xa thì nhiều người lại thương tình khuyên anh nên... bán bớt kho sách mà sinh nhai. Vợ anh cũng từng tính vậy, và chị chỉ nghĩ theo cách một người nông dân: “Nếu bán kho sách chắc chắn mua được con xe “zem” (Dream)”. Nhưng anh lại nghĩ: kho sách là kho tri thức vô giá, mình bỏ bao nhiêu tiền của, mồ hôi mới có được nó, bây giờ chỉ bán rẻ thế ư? Tháng trước, một tai họa khủng khiếp đã ập xuống gia đình: đứa con gái thứ hai đi học bị bạn ném quả tạ vào đầu, phải mất tới vài chục triệu đồng chữa chạy. Nguy cơ thanh lý kho sách đã đến tận cổ nhưng nhờ long đong vay mượn anh vẫn giữ được nó nguyên vẹn.Nhìn Thiện, không ai cho rằng anh là một con mọt sách và nhìn ngôi làng của anh không ai ngờ chốn này lại có nhân vật “kỳ dị” đến vậy. Cái tin anh bán thịt heo sở hữu cả kho sách 2 vạn cuốn làm nhiều người sửng sốt. Người ta kéo đến xin mua lại sách. Đòi mua thì Thiện lắc đầu nhưng ai mượn thì anh cho ngay. Thiện biết tất cả những người đến đây mượn sách đều là người mộ tri thức. Anh bảo: “Sách mà không sử dụng cũng chỉ là đống giấy vô tri giác”.Mỗi tháng có hàng trăm người từ tận Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Bình và đông nhất là Hà Nội (nhà sử học, giáo sư, họa sĩ, chức sắc tôn giáo...) tìm về mượn sách. Cả các quan chức trong tỉnh cũng về mượn sách cho con em họ. Hàng trăm giáo viên văn, toán trong tỉnh cũng không bỏ qua cơ hội. Họ chỉ nói cần quyển nào, loại nào là Thiện đưa cho, hẹn đúng ngày trả chứ không bao giờ lấy một xu lệ phí. Có cuốn sách bị đánh mất, ruột đau như cắt nhưng cũng không dám bắt đền. Giàu sang với Thiện bây giờ không quan trọng nữa.Anh chỉ có một khát vọng chân thành: làm sao có được một thư viện nho nhỏ giữa làng để anh đem sách ra đó trưng bày cho bà con trong và ngoài làng tìm đến đọc. Thửa đất rộng 60m2 anh đã có, song tiền để xây một chái nhà, sắm sanh bàn ghế, giá sách... (ít nhất cũng 50 triệu đồng) thì anh không xoay xở được.Ông Đặng Việt Cường, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Hải Dương, đã về thăm và đưa ra ba phương án để anh chọn: một, anh phải tự đi bằng nội lực; hai, tỉnh sẽ dành riêng cho anh một gian tại bảo tàng tỉnh để trưng bày những cuốn sách theo yêu cầu, anh có thể lên hoặc không cần lên trông sách, mỗi tháng tỉnh sẽ trả cho anh khoản thù lao nhất định; và ba là chờ sở... “suy nghĩ” đã. “Phương án hai chắc không đời nào tôi chịu, còn phương án một thì không biết đến bao giờ tôi mới làm nổi”- anh Thiện than.Dịp tết vừa qua, Thứ trưởng Bộ VH-TT Lê Tiến Thọ đã về thăm và tặng anh hai hòm sách trị giá 4 triệu đồng để khi mở được thư viện có thêm nhiều sách cho nông dân đọc. Từ đầu năm đến nay một đại sứ quán cũng đến thăm, hứa sẽ tài trợ cho anh một thư viện để anh thực thi ý tưởng cao đẹp nhưng hiện anh mọt sách này vẫn chỉ biết chờ mòn mắt. Tags: Sách cổSưu tầm sáchPhạm Chí Thiện
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.