Kiên Giang: Núi đang biến mất

PHƯƠNG NGUYÊN 27/06/2007 21:06 GMT+7

TTCT - Nhiều ngọn núi ở Kiên Giang hiện đang hạ dần độ cao. Không bao lâu nữa các ngọn núi này sẽ biến mất, thậm chí nơi mà trước đây là đồi núi sẽ thay vào đó là... vực sâu! Cảnh quan sẽ không còn, tài nguyên sẽ cạn kiệt, nước ngọt không giữ được, ô nhiễm ngày càng gia tăng...

Phóng to
TTCT - Nhiều ngọn núi ở Kiên Giang hiện đang hạ dần độ cao. Không bao lâu nữa các ngọn núi này sẽ biến mất, thậm chí nơi mà trước đây là đồi núi sẽ thay vào đó là... vực sâu! Cảnh quan sẽ không còn, tài nguyên sẽ cạn kiệt, nước ngọt không giữ được, ô nhiễm ngày càng gia tăng...

Kiên Giang là địa phương được thiên nhiên ban cho tài nguyên núi phong phú nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cùng với tỉnh An Giang. Nhưng giờ đây núi non ở đó đang nham nhở dần. Cảnh phá núi diễn ra rầm rập suốt đêm ngày. Các nhà máy thi nhau mọc lên nhằm khai thác nguồn tài nguyên sẵn có này của... thiên nhiên.

Tài nguyên... nham nhở

Phóng to
Khai thác đá vôi làm ximăng ở Kiên Lương

Ở Hòn Đất, núi Hòn Sóc đang được nhiều đơn vị “xẻ thịt”. Một người dân sống nơi đây cho biết có thể nửa núi đã bị “làm thịt” rồi, phần còn lại chắc cũng sẽ không tồn tại được lâu. Còn tại huyện Kiên Lương, tình hình khai thác núi có thể nói là dữ dội nhất trong tỉnh.

Trên đường từ trung tâm huyện Kiên Lương xuống khu vực hòn Phụ Tử (tỉnh lộ 80) có thể nhìn thấy hai bên đường là cảnh phá núi. Cứ chiều về là tiếng nổ vang lên đinh tai, từng vạt núi to tướng sụm xuống, bụi tung mịt mù. Nhà máy mọc dày hai bên tuyến đường này.

Bên trái tỉnh lộ 80, có thể dễ dàng nhìn thấy dãy núi Moso nổi tiếng một thời khi cán bộ trú ẩn, chỉ đạo kháng chiến trong các hang sâu. Giặc tàn phá, giội bom nhưng dãy núi này vẫn sừng sững cho tới ngày kháng chiến thành công. Nhưng bây giờ dãy núi này không còn sừng sững nữa. Nó được giao cho Nhà máy ximăng Holcim toàn quyền khai thác trong 50 năm. Đến nay nhà máy này khai thác được trên 10 năm. Hai ngọn núi Bãi Voi, Cây Xoài cao vút ngày nào giờ thấp lè tè, bằng ngọn.

Trước đây, khi cấp phép cho Holcim hoạt động, toàn dãy núi Moso đã được bàn giao, kể cả khu di tích hang Moso. Nhiều người phản ứng nên cuối cùng phải giữ lại khu vực núi có hang Moso. Nhưng bù lại phải trả cho Holcim một núi khác. Thế là núi Khoe Lá - nằm mép phải quốc lộ 80 - được chọn. Đứng từ ngoài đường nhìn vào, Khoe Lá đã tan hoang. Cây cối không còn, một nửa núi đã bị bạt. Xe cuốc lên “cày” từ trên đỉnh xuống. Mép bên kia của núi Khoe Lá (phía biển) cũng có một đơn vị khác đang khai thác. Khoe Lá sẽ chẳng còn trong nay mai.

Tiến dài vào phía hòn Phụ Tử, nhiều núi cặp lộ cũng nham nhở, trơ ra màu trắng của núi đá vôi hoặc màu đỏ của đồi núi đất đỏ. Hiện tại có khoảng năm đơn vị chia nhau phá núi làm ximăng, clinker. Ngoài Holcim đang khai thác hai núi còn có Công ty cổ phần Ximăng Kiên Giang đang khai thác Khoe Lá, Công ty Ximăng Hà Tiên - Kiên Giang đang khai thác núi Hang Cây Ớt, Công ty cổ phần Ximăng Hà Tiên khai thác núi Túc Khối ở xã Dương Hòa, Công ty Ximăng Hà Tiên 2 đang khai thác hai núi Còm và Trầu.

Ngoài núi đá vôi bị “tàn sát”, các núi đất đỏ, sỏi đỏ cũng bị “phanh thây” lỗ chỗ để lấy nguyên vật liệu làm đường, nền hạ khu dân cư mới. Một số núi ở khu vực Bình An (Kiên Lương) đã bị moi, trơ ra ruột núi đỏ au như một cơ thể khỏe mạnh bị trúng đạn lỗ chỗ. Trên quốc lộ 80, khu vực núi Hòn Heo (Kiên Lương) cũng bị khai thác thành trơ trọi.

Cách đó không xa về phía Hà Tiên, một vạt núi Tô Châu đã bị “bào mòn”. Lẽ dĩ nhiên màu xanh của cây rừng đã không còn tồn tại, thay vào đó là màu đỏ ối của cơ thể núi đồi đang rùng mình hứng chịu sự khai thác vô tội vạ của con người. Chú Tám Thanh, một người dân cố cựu sống ở Kiên Lương, nói trong cảm xúc: “Tôi đã quá quen với dãy núi, rừng cây nơi đây, nó gắn bó với tôi biết bao kỷ niệm. Nhưng mai này các ngọn núi sẽ không còn, con cháu tôi sẽ không còn biết núi Khoe Lá, Bãi Voi, Hang Cây Ớt là gì...”.

Nhổ núi: nhổ tận gốc

Phóng to
Dãy núi Moso đã bị khai thác gần bằng phẳng

Gặp chúng tôi, anh Hồ Văn Tấn, trưởng phòng tài nguyên - môi trường (TN-MT) huyện Kiên Lương, cũng không biết nói gì về chuyện khai thác núi:

Núi nằm trên địa bàn Kiên Lương nhưng chúng tôi chẳng quyết được gì cả. Chuyện khai thác đều do trên quyết định. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ phối hợp cùng các ban, ngành tỉnh đi kiểm tra khi có kế hoạch”.

Còn anh Nguyễn Hòa Hiệp, phó bí thư thường trực huyện Kiên Lương, cũng chia sẻ:

“Rõ ràng khi khai thác núi thì cảnh quan bị mất, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường du lịch... Nhưng phê duyệt, cấp phép khai thác núi nào, bao nhiêu... do trung ương và tỉnh phối hợp, quyết. Huyện thì khó quản và quá tầm.

Theo tôi, phải làm thế nào phối hợp được giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên nhưng giữ được cảnh quan du lịch. Phải có qui hoạch tổng thể chung về khai thác tài nguyên khoáng sản, chỗ nào cho khai thác và chỗ vào cần giữ lại. Hiện tại, hằng đêm Nhà máy ximăng Holcim thải khói ra đen kịt, ô nhiễm không chịu nổi”.

Tình trạng ô nhiễm do khói, bụi từ các nhà máy ximăng nơi đây thải ra khiến người dân rất lo lắng cho sức khỏe. Ông Lâm Hồng Phú, ở xã Bình An, huyện Kiên Lương, nói: nhà máy ximăng nằm cặp nhà chạy máy ì ầm suốt khiến người già, trẻ con không ăn ngủ được, còn bụi bay mịt mù, bám đầy nhà cửa. Hệ thống xử lý ô nhiễm hoạt động không triệt để khiến người dân nơi đây luôn “sống trong phẫn nộ”.

Anh Tấn cho biết thêm: Công ty Holcim chẳng những khai thác trong 50 năm mà họ còn có ý định khai thác thêm. Mới đây phía công ty cho triển khai thiết bị để khoan thăm dò bên dưới lòng núi.

Nghe nói họ chuẩn bị dây chuyền khai thác âm cả trăm mét dưới lòng đất. Khi còn chưa có ý kiến cho phép khoan thăm dò mà họ đã thực hiện nên các cơ quan chức năng đã lập biên bản về hành vi này.

Anh Trương Minh Chưởng, trưởng phòng tài nguyên khoáng sản, Sở TN-MT Kiên Giang, thừa nhận Holcim đã khoan thăm dò tài nguyên đá vôi bên dưới các núi họ đang khai thác và cũng đã có hồ sơ xin phép Chính phủ cho thực hiện dây chuyền thứ hai.

Theo anh Chưởng, việc khai thác tài nguyên khoáng sản đá vôi thì trung ương phê duyệt cho phép khai thác bao nhiêu, ở núi nào, trong thời gian bao lâu... Còn tỉnh chỉ được phép phê duyệt khai thác núi đá xây dựng, núi sỏi đỏ...

Với các núi đang khai thác hiện nay thì giấy phép cho khai thác ngang bằng mặt đất, có nghĩa là núi sẽ bị nhổ tận gốc. Vậy mà chưa chịu dừng lại, nhiều công ty đã xin phép thăm dò và khai thác âm xuống lòng đất. Hiện tại,

Nhà máy ximăng Hà tiên 2 được cho phép khai thác âm vào lòng đất 30m, còn Công ty Holcim được khai thác sâu xuống 80-100m. Với cách khai thác này, không chỉ không còn núi mà khi khai thác xong nơi đây sẽ biến thành những cái... vực sâu. “Tôi không biết được khi khai thác sâu xuống như vậy thì rồi đây nó sẽ ra sao?”, anh Chưởng nói thật lòng.

Việc khai thác khoáng sản tự nhiên dường như là một món lợi rất lớn, xin phép không cần phải thông qua tỉnh nên các công ty rất quan tâm đến chuyện... phá núi. Khi thấy nguy cơ có thể phá vỡ cảnh quan nên tỉnh Kiên Giang đã lập qui họach các núi khai thác và những núi phải bảo tồn, gìn giữ để trình các ngành trung ương nghiên cứu mà từ đó hạn chế cấp phép... tràn lan.

Nhưng trước áp lực của bài toán kinh tế và nhu cầu xây dựng, tình trạng khai thác núi cứ tiếp diễn công khai hoặc lén lút. Hiện tại có thể xác định nhiều chỗ khai thác núi ở Kiên Giang, kéo dài từ Kiên Lương đến Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc.

Khi thấy núi non ở Kiên Giang bị khai thác quá nhiều, GS Lê Huy Bá, Viện Khoa học môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), đã cảnh báo: “Người ta đang hủy hoại tài nguyên để đổi lấy kinh tế. Tài nguyên núi đá vôi có trữ lượng nhất định, khai thác 10-15 năm nữa thì các núi này sẽ không còn tồn tại.

Không còn núi đá vôi thì cảnh quan vốn có ở đây sẽ không còn là... cảnh quan. Cảnh quan và tài nguyên mất thì không thể trả lại được. Khai thác một cách ào ạt và không có qui hoạch lâu dài thì rất nguy hiểm và là một nguy cơ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận