Làm sếp từ xa

TRÚC ANH 01/10/2021 21:05 GMT+7

TTCT - Sau hơn một năm làm việc tại nhà vì đại dịch, nhiều nhân viên “cổ cồn trắng” dễ thích nghi với hoàn cảnh mới đã không còn muốn quay lại văn phòng, trong khi cấp trên của họ gặp nhiều khó khăn hơn với thử thách “làm sếp từ xa” và đang đếm từng ngày để mọi thứ quay về lối cũ.

 
 Ảnh: Digiday

Mặc dù nhiều thăm dò có quy mô toàn cầu cho thấy làm việc từ xa mang đến trải nghiệm tích cực cho một tỉ lệ lớn các nhân viên và nhiều người muốn cứ thế này mãi ngay cả khi tình hình cho phép quay lại công sở, rất nhiều người ở vị trí quản lý không đồng tình với điều đó. Tại Mỹ, có đến 72% nhân sự cấp quản lý cho biết họ thích cấp dưới quay lại văn phòng hơn, theo nghiên cứu công bố hồi tháng 7 của Hiệp hội Quản trị nhân sự Hoa Kỳ (SHRM). Hãng tư vấn Winningtemp (Thụy Điển) với mạng lưới khách hàng ở 25 quốc gia cho biết có dấu hiệu của làn sóng doanh nghiệp giục giã người lao động trở lại văn phòng, nhất là ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao.

“Quản lý một đội ngũ làm việc từ xa khó hơn (khi ở văn phòng). Nó đòi hỏi nhiều bộ kỹ năng mới. Và nhiều người bị ném vào chuyện này mà không có sự chuẩn bị. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi thấy những người không thích ứng tốt ở góc độ quản lý đang muốn mọi người quay trở lại văn phòng” - Maya Middlemiss, tác giả sách về làm việc từ xa, nói với trang BBC Worklife.

Theo Pierre Lindmark, CEO của Winningtemp, nhiều người giữ vị trí quản lý muốn nhân viên trở lại văn phòng để họ giành lại được cảm giác “kiểm soát tình hình”, vốn mất đi khi phải nhìn nhau qua camera. James Rogers, giám đốc truyền thông số của một hãng quảng cáo có trụ sở ở London, cho rằng điều đó đúng nhưng chưa đủ. Vị quản lý mới 26 tuổi này cho biết giới quản lý muốn tất cả cùng đến văn phòng không phải chỉ để có thể “để mắt” đến nhân viên mà còn biết được khi nào họ cần hỗ trợ. “Ta sẽ biết một thành viên đang gặp khó nếu họ ngồi ngay trước mặt thay vì cách xa hàng chục dặm” - anh nói.

Trong bài viết trên tạp chí The Atlantic, cây bút chuyên viết về kinh doanh Ed Zitron cho rằng lối quản lý giám sát tại chỗ, chỉ tập trung đảm bảo nhân viên của mình có làm việc thay vì quản trị con người, sẽ không còn phù hợp trong tương lai, khi làm việc từ xa có thể là mô hình chủ đạo. Trong tình hình mới, nhân sự quản lý cần phải được đánh giá dựa vào khả năng cung cấp cho nhân viên công cụ cần thiết để hoàn thành công việc, thay vì khiến họ sợ hãi mà làm cho xong. Theo Zitron, những thay đổi này là tất yếu, và kỳ vọng vào tương lai khi “vị trí quản lý vượt qua vai trò là giám sát và kiểm soát, thay vào đó là định hướng, hướng dẫn, nhìn ra và giúp nuôi dưỡng sự lớn lao ở người khác”.

Trong khi mong đợi sự thay đổi, có một xu hướng đáng chú ý: trong làn sóng chủ động nghỉ việc vì đại dịch có nhiều người đang giữ vị trí quản lý. Theo bài viết trên SHRM ngày 8-9, đại dịch đã buộc nhiều người ở vị trí quản lý phải đánh giá lại công việc và khả năng lãnh đạo của mình; có người vẫn đủ khả năng tiếp nhận các trách nhiệm mới khi “làm sếp từ xa”, có người không chịu nổi và phải tìm một thứ mới mẻ hơn.

Báo cáo Làn sóng nghỉ việc của hãng phân tích Visier cho biết từ tháng 8-2019 đến tháng 8-2020, tất cả các nhóm tuổi đều ghi nhận tỉ lệ nghỉ việc tăng, trừ nhóm 20 - 25 tuổi. Lẽ thường, người trẻ chưa có gì để mất, còn cả tuổi trẻ để bay nhảy mới thường dễ nghỉ việc, “nhưng đại dịch đã thay đổi điều đó. Những người lớn tuổi hơn, thường đang giữ vị trí quản lý, mới góp phần vào làn sóng “đại nghỉ việc” này” - Ian Cook, phó chủ tịch Visier, cho biết.

Theo Cook, nhân sự cấp quản lý nghỉ việc vì tin rằng họ có thể dễ dàng tìm được công việc khác với kinh nghiệm và các mối quan hệ đã có, hoặc đủ khả năng tài chính để nghỉ mà không phải tăn lăn gì. Nhiều người nhân dịp này để tạm nghỉ, đánh giá lại cân bằng giữa công việc và đời sống. Một lý do khác: nhiều người trong số đó đã gần đến tuổi nghỉ hưu, và trước hàng loạt thay đổi phải có về cách làm việc, tiếp thu công nghệ mới, thôi thì về hưu sớm cho xong. Số người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em (trẻ nhất cũng đã 57 tuổi) ở Mỹ nghỉ việc trong đại dịch đạt mức kỷ lục 3,2 triệu, theo hãng phân tích thị trường lao động Emsi Burning Glass.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận