Luật hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân

KHIẾT HƯNG THỰC HIỆN 23/10/2007 17:10 GMT+7

TTCT - Tiếp cận thông tin đã trở thành một nhu cầu và một quyền cấp thiết cần phải bảo đảm đối với mọi công dân bởi thông tin, đặc biệt là thông tin về pháp luật, chính sách và hoạt động của các cơ quan nhà nước, được coi là yếu tố cốt yếu trong mọi hoạt động khi xã hội được quản lý, vận hành theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

Phóng to

Ông PHẠM QUỐC ANH, chủ tịch Hội Luật gia VN, nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với TTCT xung quanh việc luật hóa quyền được tiếp cận thông tin của công dân. Ông Anh nói:

-Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1992 đều qui định công dân có quyền được thông tin. Nói nôm na là công dân có quyền được biết những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được thông tin những vấn đề cấp thiết, gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Quyền được thông tin của người dân phản ánh bản chất xã hội ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi việc của quốc gia phải được cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

* Thưa ông, qui định rõ ràng từ Hiến pháp 1946 đến 1992 sao đến nay vẫn chưa luật hóa được quyền này?

- Trước đây vì nhiều lý do, nhất là trải qua chiến tranh, nên việc tạo điều kiện cho công dân được thông tin còn hạn chế. Đến nay, chúng ta nhận thấy quyền tiếp cận thông tin là quyền rất cần thiết và quyền đó phải được thể hiện một cách chính thống thông qua một đạo luật.

* Chưa có luật là một trong những lý do khiến người dân bị hạn chế khi tiếp cận thông tin từ các cơ quan công quyền, nếu không muốn nói rằng người dân ở nhiều nơi còn bị bưng bít thông tin?

- Chúng ta ngày càng dân chủ hơn và các cơ quan công quyền ngày càng cởi mở hơn trong quan hệ với dân. Trong 20 năm đổi mới vừa qua, những việc trọng đại quốc gia, các hoạt động của cơ quan nhà nước hằng ngày đã dần được thông tin khá đầy đủ với người dân. Tuy nhiên, người dân muốn biết tất cả mọi thứ nhưng vì lợi ích quốc gia, vì thuần phong mỹ tục, vì những vấn đề riêng tư nên không phải thông tin nào cũng cung cấp hết cho người dân. Chính vì thế phải có Luật tiếp cận thông tin để qui định cụ thể những gì người dân được thông tin, những gì hạn chế, cấm thông tin.

Chính phủ đã cố gắng trong việc cung cấp thông tin cho người dân nhưng việc cung cấp còn hết sức hạn chế, đặc biệt cung cấp thông tin tới người dân vùng sâu, vùng xa; nhiều việc người dân không biết.

Trong thực tế, nếu đụng chạm đến quyền lợi của cán bộ thì việc cung cấp thông tin sẽ bị hạn chế và người cung cấp thông tin thường thông tin vòng vo. Điểm này rõ nhất trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương như xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Chúng ta từng phải trả giá về việc không công khai, minh bạch thông tin qua sự kiện ở Thái Bình hồi những năm 1997 - 1998.

* Ông có cho rằng bưng bít thông tin, hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân chẳng khác nào tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng phát sinh?

- Đấy cũng là một trong những lý do phải xây dựng Luật tiếp cận thông tin. Luật tiếp cận thông tin là để cho người dân giám sát bộ máy công quyền, hạn chế những tiêu cực, tham nhũng. Xây dựng Luật tiếp cận thông tin là một bước thể hiện dân chủ, tiến bộ của Nhà nước. Không thể dân chủ hóa, minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước và thành công trong việc chống tham nhũng trong tình trạng bưng bít thông tin.

* Nhiều người dự báo sẽ có những khó khăn trong việc thực thi quyền tiếp cận thông tin của người dân sau khi có luật?

- Đúng là cái khó nằm ở chỗ làm sao đưa luật vào cuộc sống được. Nhiều nơi, nhiều người không muốn cung cấp thông tin, nhất là những thông tin sát với quyền lợi của những người giữ các cương vị chủ chốt của các ngành, các cấp. Hoặc nếu đưa thông tin thì người ta tìm cách giải thích khác đi.

Cá nhân tôi trong quá trình tiếp cận thông tin phục vụ công việc cũng gặp khó khăn khi muốn biết sự thật vấn đề gắn đến tư lợi, gắn đến sai phạm của cá nhân. Lúc đó người ta thường tìm cách né tránh hoặc nói đơn giản rằng “vấn đề này anh để chúng tôi nghiên cứu sẽ trả lời sau”.

* Như vậy phải có qui định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin?

- Đương nhiên trong luật sẽ qui định người có trách nhiệm cung cấp thông tin phải cung cấp đúng sự thật, cung cấp đầy đủ thông tin... Nhưng nếu không có chế tài thì sẽ khó thực hiện được.

Thực tế luôn có sự mâu thuẫn giữa cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin và người được thông tin. Người dân thì muốn biết thông tin kịp thời nhưng cơ quan công quyền lại chưa đáp ứng được yêu cầu đó, thường đưa thông tin muộn, không kịp thời, không đầy đủ. Nguyên nhân chính là bản thân các cơ quan công quyền chưa thật sự cải tiến để thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến người dân. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu Quốc hội ban hành Luật tiếp cận thông tin thì mọi việc sẽ có tiến bộ.

Môi trường thông tin mở

Phóng to
Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, công dân có thể tham gia vào môi trường thông tin mở nhằm bảo đảm tính hiệu quả, cạnh tranh và phát triển. Các cơ quan công quyền phải có trách nhiệm công bố thông tin cũng như tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin, tiếp cận các tài liệu hành chính, công khai, minh bạch hóa hoạt động quản lý hành chính.

Việc thiếu các qui định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc công khai thông tin đã dẫn đến tình trạng lợi dụng đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện, vị trí công tác dễ dàng tiếp cận thông tin, gây nên sự bất bình đẳng, bất công bằng trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh.

Chính phủ mở

Chính phủ mở là chính phủ minh bạch, có trách nhiệm và tạo lập được niềm tin. Xu thế hiện nay là nhằm để các chính phủ cho phép công dân của mình được tiếp cận với thông tin do các cơ quan công quyền lưu giữ. Mong muốn tiếp cận thông tin là hết sức mạnh mẽ, kể cả thông tin công cộng hay tư nhân.

Nỗ lực để có chính phủ mở là xuất phát từ nhu cầu thúc đẩy tính hiệu quả, vạch trần việc lạm dụng về quyền lực công hay nạn tham nhũng. Chính phủ mở không có gì đối lập với chính phủ hiệu quả.

Để mọi người dân được tham gia chính trị

Trên cơ sở được biết thông tin người dân mới bàn, đánh giá, kiến nghị lên các cơ quan nhà nước để hoàn thiện chính sách pháp luật, sau đó tự giác thực hiện và kiểm soát việc thực hiện. Không có thông tin phản hồi từ phía người dân thì Nhà nước không đủ thông tin để có quyết định đúng, phù hợp với ý chí, lợi ích của nhân dân và khó có thể quản lý hiệu lực và hiệu quả. Mặt khác, người dân không được tiếp cận thông tin của Nhà nước thì khó tránh khỏi “đứng ngoài chính trị”, không thể tham gia thật sự vào việc quản lý đất nước, quản lý xã hội. Quyền được thông tin của người dân là phương thức hữu hiệu gắn bó Nhà nước với nhân dân, khắc phục tệ quan liêu, hách dịch, nâng cao tính minh bạch của chính sách và tính hiệu quả của quản lý nhà nước.

Không cung cấp thông tin do thiếu bản lĩnh

Vẫn còn những cá nhân có những cương vị nhất định e ngại việc cung cấp thông tin sẽ có thể ảnh hưởng đến quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích của mình, trong đó có những lợi ích cá nhân. Chính vì vậy, nghị quyết Hội nghị trung ương 3 đã đề cập thông tin như là một giải pháp chống tham nhũng, lãng phí.

Nhiều khi cán bộ của các cơ quan do không nắm vững được qui chế, họ cũng e ngại cung cấp thông tin vì không hiểu điều này có phù hợp với trách nhiệm của họ hay không... Điều đó không có nghĩa là họ khẳng định rằng cứ tiết lộ thông tin sẽ gây ra bất lợi cho cơ quan hoặc cho cá nhân họ, mà đây chỉ là do thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh mà thôi.

Tôi nghĩ còn có vấn đề về nhận thức của cán bộ và phẩm chất, dũng khí của người cán bộ khi phải cung cấp những thông tin bảo đảm tính công khai, minh bạch... Nếu người cán bộ toàn tâm, toàn ý vì lợi ích của nhân dân, chấp nhận những thách thức, công khai thông tin, chờ đợi ý kiến của người dân một cách cởi mở thì chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn. Cần lưu ý rằng quyền tự do thông tin không phải là một quyền tuyệt đối. Chúng ta nói “tự do thông tin” mà hiểu rằng quyền này cho phép cung cấp mọi thông tin, chia sẻ mọi thông tin thì đó là nhận thức sai. Hoặc qui định những hạn chế thông tin mà hiểu không đúng, hạn chế tất cả thì sẽ gây ra sự trì trệ xã hội...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận