Một cánh cửa khác mở ra

HẢI MINH 15/02/2017 00:02 GMT+7

TTCT - Chính sách siết chặt nhập cư của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến Canada trở thành một cánh cửa mới mở ra với những người đi tìm một chốn nương thân bình an.

Thủ tướng Trudeau chào mừng một bé gái người Syria tới Canada với tuyên bố: “Cháu đã về nhà rồi đấy” -Vice News
Thủ tướng Trudeau chào mừng một bé gái người Syria tới Canada với tuyên bố: “Cháu đã về nhà rồi đấy” -Vice News

Các văn phòng luật chuyên về nhập cư ở Canada vài tuần qua bận túi bụi với đủ kiểu khách hàng mới sinh ra từ sắc lệnh và những tin nhắn Twitter của ông Trump.

Luật sư Liz Wozniak ở Halifax, Nova Scotia, giải thích với Global News Canada rằng bà đã nhận tư vấn cho các thân chủ làm việc ở cả hai bên biên giới và lo ngại việc NAFTA bị hủy khiến thị thực lao động của họ không còn hiệu lực, những người đồng tính sợ sẽ bị phân biệt đối xử, những tín đồ các tôn giáo thiểu số, và tất nhiên, những công dân các nước vừa bị cấm nhập cảnh Mỹ.

Không có khái niệm “người nhập cư”

Wozniak nói bà thấy thật “trớ trêu” khi sắc lệnh tổng thống tại Mỹ ngừng cấp thị thực cho các nước Syria, Iraq và Somalia, trong khi ở Canada, vì lý do khủng hoảng nhân đạo, chính quyền lại cấm đưa người trở lại những quốc gia đó!

Một số công dân các nước này vì thế sang Canada xin tị nạn dù tới Bắc Mỹ bằng thị thực Mỹ, theo lời Janet Dench - giám đốc điều hành Hội đồng người tị nạn Canada.

Bà Dench ước tính có khoảng 11 triệu người sống mà không có quy chế công dân ở Mỹ, và những chính sách mới của ông Trump sẽ khiến nhiều người trong số đó chuyển hướng sang Canada, cũng như cả những người đang tính toán nhập tịch Mỹ.

Chính sách nhập cư cởi mở đóng vai trò tối quan trọng trong thành công của nền kinh tế Canada. Nước này đã mở rộng cho người nhập cư tới mức hiện giờ 1/5 dân số là người sinh ở nước ngoài.

Canada cũng không phải vật lộn và bị giằng xé bởi chủ nghĩa bảo thủ bài ngoại và tinh thần dân tộc như ở Mỹ hay châu Âu. Tại Toronto chẳng hạn, liếc qua danh mục các doanh nghiệp có thể thấy thành phố đa văn hóa ra sao: Hiệp hội các kỹ sư Bulgaria, Mạng lưới kiến trúc sư người Iran ở Canada, Hiệp hội kế toán viên người Philippines ở Canada.

Nếu hỏi tôi là người nước nào, tôi sẽ nói tôi là người Canada. Còn nếu hỏi gốc gác, tôi sẽ nói tôi là người Jamaica” - Michael Thomas, 53 tuổi, chủ cửa hàng tạp hóa Caribbean Corner, nói với NPR. Ông tới Canada từ 30 năm trước.

Chính quyền Canada biết rõ họ cần gì: những người lao động lành nghề và các doanh nhân tháo vát như Thomas. Họ có một chính sách tính điểm cho những người mới tới dựa trên kỹ năng nghề nghiệp, trình độ giáo dục và khả năng ngôn ngữ.

Họ thậm chí không gọi những người đó là “người nhập cư”. “Ở Canada, chúng tôi gọi người nhập cư là “người Canada mới” - Margaret Eaton, giám đốc điều hành Hội đồng việc làm cho người nhập cư vùng Toronto, nói - Vì chúng tôi luôn nghĩ họ sẽ tới đây và ở lại. Và đất nước này, không như những nơi khác, thực sự mở ra con đường để họ nhập tịch”.

Vào buổi tối mà ông Trump đắc cử, trang web nhập cư của Canada đã sập vì lượng truy cập quá lớn. Ngày hôm sau, Rene Berrospi, một luật sư di dân sinh ở Peru hiện sống tại Toronto, bắt đầu ngập trong các cuộc gọi, thư điện tử và tin nhắn Facebook từ Mỹ.

Có người liên lạc với tôi, chồng cô ấy là người da đen và Hồi giáo nên họ muốn di cư sang đây - Berrospi kể - Tôi biết ở đó có giấc mơ Mỹ, nhưng giờ mọi người đang nghĩ về giấc mơ Canada”.

Tất nhiên, chính sách nhập cư của Canada không chỉ dựa trên lòng hiếu khách thuận thảo. Quốc gia rộng lớn gần Bắc Cực này có diện tích lớn thứ hai thế giới, lại chỉ có 36 triệu dân. Tỉ lệ sinh thấp đã khiến thu hút người nhập cư trở thành quốc sách của Canada.

Trong khi đó ở Mỹ, trước thời ông Trump vốn là nước nhận nhiều người nhập cư bất hợp pháp nhất thế giới, đang mắc kẹt trong nạn quan liêu.

Suốt 27 năm qua, nước này không cập nhật chương trình nhập cư của họ, khiến nhiều người đi theo diện đoàn tụ gia đình phải đợi hơn một thập niên mới có thẻ xanh. Hệ thống xổ số cho thị thực lao động thì quá tải.

Sự đối lập lớn nhất giữa Mỹ và Canada - Chris Alexander, cựu bộ trưởng nhập cư, tị nạn và quốc tịch Canada giai đoạn 2013-2015, nói - là chúng tôi đã cải cách hệ thống nhập cư liên tục, quyết liệt trong suốt một thập niên qua trong khi ở Mỹ tình trạng hoàn toàn bế tắc. 

Ở Canada, mọi người đồng thuận rằng nhập cư là một phần tương lai của nền kinh tế và đó là bản sắc dân tộc của chúng tôi, và bản sắc đó chưa bao giờ mạnh mẽ hơn”.

Khoảng 300.000 người định cư lâu dài tới Canada mỗi năm, tương đương 1% dân số, tỉ lệ cao nhất thế giới.

Ashot Verdanyan và vợ - Lora Yekhstyan, là kiểu người nhập cư mà Canada rất coi trọng. Họ sống trong một căn hộ ấm cúng ở khu ngoại ô Toronto cực kỳ đa văn hóa. Họ là người Armenia, anh chồng dạy tiếng Anh, còn chị vợ là kỹ sư công nghiệp.

Chúng tôi thấy hệ thống nhập cư của Mỹ thiếu sự linh hoạt - Ashot nói, trước khi sang Canada, họ từng sống ở Iowa 9 năm để học lấy đủ bằng cấp - Hệ thống của Canada linh hoạt hơn nhiều, tổ chức tốt. Chúng tôi muốn ở Mỹ, nhưng không thể”.

Khi tới Canada 6 năm trước, Yekhstyan nói chính quyền đã có sẵn một hệ thống hỗ trợ họ chuyển đổi vào cuộc sống mới.

Bạn không có gia đình hay bè bạn, chẳng có gì ở Canada - cô nói - (Nhưng) bạn có thể tới thẳng những trung tâm chào mừng người mới đến, và họ sẽ hỗ trợ bạn”. Tất nhiên, không phải mọi chuyện đều là màu hồng ở những đô thị lớn.

Không khó tìm thấy các tiến sĩ hay kỹ sư lái taxi ở Canada. Sự phân biệt cũng là không tránh khỏi. Eaton nói bà từng nghe những khiếu nại về việc họ bị từ chối việc làm vì “thiếu kinh nghiệm ở Canada”. “Cụm từ đó trở thành một kiểu mật khẩu của câu: Tôi không thích giọng nói của anh”.

Địa lý và văn hóa

Một lý do khiến căng thẳng xã hội liên quan tới người nhập cư không quá lớn ở Canada là vì nước này không phải vật lộn với tình trạng nhập cư bất hợp pháp như ở Mỹ hay châu Âu.

Canada hiện có không tới 150.000 người nhập cư trái phép, so với 11 triệu ở Mỹ và không biết bao nhiêu ở châu Âu. Địa lý, trong trường hợp này, quyết định tất cả. “Chúng tôi may mắn vì có nước Mỹ. Ngoài họ, chúng tôi không còn biên giới trên bộ với ai - Alexander phân tích - Chúng tôi có người Nga ở phía bắc, và người Đan Mạch, nhưng họ cũng chẳng đi thuyền sang đây từ Greenland làm gì”.

Vị thế đó phần nào giúp Thủ tướng Justin Trudeau và chính quyền của ông có thể cao giọng hơn về lệnh cấm nhập cư của ông Trump. Phản ứng đầu tiên của vị thủ tướng đẹp trai là tuyên bố Canada sẽ chào đón những người bị Mỹ từ chối.

Ông cũng nói sẽ trao đổi với ông Trump về “thành công của chính sách tị nạn và nhập cư” của Canada. Kèm bức hình ông chào đón một em bé người Syria ở phi trường Toronto, ông Trudeau viết trên Twitter:

Với những ai chạy trốn khỏi cường quyền, khủng bố và chiến tranh, Canada luôn chào đón các bạn, dù đức tin của các bạn là gì. Sự đa dạng là sức mạnh của chúng tôi, #WelcomeToCanada (Chào mừng tới Canada)” - ông viết.

Ông Trudeau tất nhiên cũng không chỉ hành động dựa trên lòng vị tha. Ủng hộ người nhập cư một thời gian dài đã là vấn đề ghi điểm chính trị quan trọng với các chính khách Canada. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ 1/3 người Canada tin rằng người nhập cư là vấn đề thay vì là cơ hội, ít hơn nhiều so với các nước giàu khác.

Làm người nhập cư cũng không phải rào cản gì nghiêm trọng ở Canada trong gần như mọi khía cạnh đời sống. Trong các cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng dân biểu hồi năm 2011 chẳng hạn, 11% những người trúng cử là dân nhập cư.

Jeffrey Reitz, nhà xã hội học ở Đại học Toronto, dẫn ra hai lý do lớn giải thích cho sự khác biệt trong tâm lý về người nhập cư giữa Canada và Mỹ.

Thứ nhất là người Canada tin vào những lợi ích kinh tế tích cực của chính sách nhập cư cởi mở, họ tin rằng người nhập cư sẽ tạo ra công ăn việc làm và ngay những người Canada thất nghiệp cũng không nghĩ người nhập cư lấy mất công việc của họ.

Tâm lý này nảy sinh bởi Canada có hệ thống ghi điểm rõ ràng đánh giá những người mới dựa trên học vấn và triển vọng nghề nghiệp: hơn một nửa người nhập cư vào Canada có tối thiểu bằng cử nhân.

Điểm thứ hai, theo Reitz, là Canada coi sự đa văn hóa là một thành tố quan trọng của bản sắc dân tộc. Trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây, khi người dân Canada được hỏi điều gì là quan trọng hơn trong bản sắc dân tộc, thì sự đa văn hóa còn xếp trên cả lá quốc kỳ với chiếc lá cây thích, cảnh binh hoàng gia, và môn khúc côn cầu trên băng, tất cả đều là những thứ quốc hồn quốc túy của Canada.

Irene Bloemraad, nhà xã hội học ở Đại học California, Berkeley, thì nhìn vấn đề từ góc độ lịch sử. Cho tới rất gần đây, Canada vẫn chỉ coi mình là một phần của Khối Thịnh vượng chung và mãi tới năm 1947, khái niệm “quốc tịch Canada” cùng hộ chiếu Canada mới trở thành hiện thực sau Đạo luật về quyền công dân Canada.

Sự hình thành bản sắc cũng chưa bao giờ xoay quanh một chủng tộc duy nhất, với thiểu số người nói tiếng Pháp không hề nhỏ (và rất lớn tiếng), cũng như nhóm người bản địa Eskimo và da đỏ cực kỳ đặc sắc. Yêu cầu phải nói nhiều ngôn ngữ trong xã hội đã dẫn tới sự gắn bó chung rộng lớn hơn với chủ nghĩa đa văn hóa, tồn tại tới tận ngày nay.

Với Bloemraad, ở Mỹ, nơi cũng luôn cổ xúy chủ nghĩa đa nguyên, sự đa văn hóa từ nhập cư chỉ là hệ quả của việc thực thi quyền cơ bản của con người: được tự do mưu cầu hạnh phúc (tức theo đuổi giấc mơ Mỹ). Còn ở Canada, sự đa văn hóa trở thành một phần của giá trị sống và bản sắc dân tộc. Những động thái của tân Tổng thống Trump đang khắc sâu hơn nữa sự khác biệt đó.■

Những hỗn loạn bắt đầu từ một chữ ký

27-1: Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh “Bảo vệ quốc gia không để khủng bố nước ngoài xâm nhập vào Mỹ”, cấm công dân các nước Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Yemen và Somalia vào Mỹ trong 90 ngày. Sắc lệnh cũng đình chỉ chương trình tị nạn của Mỹ 120 ngày và cấm vô thời hạn người tị nạn Syria vào Mỹ. Tối hôm đó, nhiều công dân các nước nói trên từng ra vào Mỹ tự do một thời gian dài bị cơ quan biên phòng Mỹ chặn lại ở các sân bay quốc tế.

28-1: Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại sắc lệnh. Biểu tình nổ ra nhiều nơi, bao gồm tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York. Một số thẩm phán ở các tòa khu vực, thể theo đơn của ACLU, bắt đầu ra các phán quyết hạn chế sự thực thi sắc lệnh tổng thống ở nhiều mức độ.

29-1: Biểu tình nổ ra trên cả nước, tập trung tại các sân bay ở Chicago, Dallas, Denver, Fairfax, Los Angeles, Newark, New York, San Diego, San Francisco, Seattle… và ở Viện Công nghệ Massachusetts. Tổng thống Trump, trong khi đó, nói với 23 triệu người theo dõi ông trên Twitter: “Đất nước chúng ta cần đường biên giới vững mạnh và sự kiểm soát cực đoan, NGAY BÂY GIỜ. Hãy nhìn những gì xảy ra với châu Âu và cả thế giới - một đống hỗn loạn tồi tệ!”.

30-1: Quyền tổng chưởng lý Mỹ Sally Yates ra lệnh cho Bộ Tư pháp dưới quyền bà không thực thi sắc lệnh của tổng thống. Ông Trump sa thải bà Yates. Biểu tình và những tuyên bố phản đối lan rộng ở các đại học và trong giới chính trị gia Boston, cái nôi của cách mạng Mỹ.

1-2: Bất chấp các phán quyết của tòa cấp liên bang đình chỉ sắc lệnh tổng thống, nhiều công dân 7 nước bị cấm vào Mỹ không được lên máy bay vì Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy thị thực của họ theo sắc lệnh trước đó, tình hình tại các tòa án nóng lên từng giờ.

2-2: Hàng nghìn cửa hàng tạp hóa ở New York thuộc sở hữu của những người Mỹ có gốc gác từ 7 quốc gia bị cấm nhập cảnh đóng cửa từ trưa tới 8 giờ tối để phản đối sắc lệnh của ông Trump. Hàng loạt công ty công nghệ, bao gồm Comcast và Google, tổ chức cho nhân viên tuần hành phản đối trong giờ làm việc.

3-2: Thẩm phán James Robart của tòa liên bang khu vực ở Seattle tuyên đình chỉ lệnh cấm của tổng thống, cho phép công dân 7 nước được vào Mỹ bình thường.

4-2: Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kháng án để áp đặt lại lệnh cấm. Tòa thượng thẩm tại San Francisco bác bỏ yêu cầu của bộ đòi áp đặt lại lệnh cấm ngay lập tức. New York Times nhận định cuộc chiến pháp lý có thể “kéo dài nhiều năm”.

5-2: Tổng thống Trump nhắn tin trên Twitter: “Thẩm phán mở cửa đất nước chúng ta cho những tay khủng bố tiềm tàng và những kẻ khác không nghĩ gì tới lợi ích tối cao của chúng ta. Bọn người xấu đang rất vui!”. T.T.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận