TTCT - Tầng lớp vô sản mới, những người lao động phải làm công việc bấp bênh và nhiều rủi ro, đã manh nha hình thành cùng nền kinh tế công nghệ một thập kỷ qua, nay lại càng đông đảo và sống trong một tình trạng còn bấp bênh hơn nữa bởi cú sốc kinh tế từ COVID-19. Ảnh: WEF ForumTừ năm 2011, Guy Standing - giáo sư người Anh về nghiên cứu phát triển ở Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Đại học London - đã xuất bản cuốn sách nhiều tiếng vang đặt tiền đề cho một khái niệm mới. Cuốn sách tựa đề The Precariat: The New Dangerous Class (tạm dịch: Giai cấp vô sản bấp bênh: giai cấp nguy hiểm mới) là một trong những công trình có tính hệ thống đầu tiên nghiên cứu “precariat”, một từ tiếng Anh hỗn thành giữa “precarious”, tính từ chỉ sự bấp bênh của công việc, và “proletariat”: “giai cấp vô sản”.Giữa ổn định và bấp bênhTựa đề cuốn sách rõ ràng gợi lại Karl Marx, với khái niệm giai cấp vô sản và nỗi sợ của giai cấp tư bản về sự nổi dậy của giới lao động. Họ bị bóc lột, bị đối xử như hàng hóa trên thị trường tự do và bị tước đoạt thông qua độc quyền sở hữu tư liệu sản xuất.Những ý tưởng của Marx đã được Standing gợi lại với sự đối chiếu - so sánh ở thời đại mới. Nhưng giai cấp vô sản bấp bênh có một đặc điểm khác: họ không còn sự ổn định của những người tiền bối công nhân nhà máy hay nhân viên văn phòng nữa.Sự bất ổn trong công việc là đặc điểm cố hữu của giai cấp mới này. Họ không thể biết khi nào sẽ bị mất việc, thu nhập của họ không có gì bảo đảm, điều khiến họ không thể hoạch định tương lai và các quyết định tài chính của họ chỉ là ngắn hạn.Những người sử dụng lao động, trong khi đó, đã vận động hành lang nhiều năm ở các nước phát triển để có quyền sa thải lao động ngày càng dễ dàng, tất cả đều diễn ra dưới bức bình phong “sự linh hoạt trong công việc”.Standing nhìn nhận giai cấp vô sản mới này đang mở rộng nhanh chóng, ở mọi tầng lớp xã hội: những phụ nữ muốn làm thêm qua mạng xã hội, các sinh viên rơi vào các công việc bấp bênh vì nợ học phí, người già cần việc bán thời gian vì lương hưu không đủ sống…Hình ảnh những tài xế công nghệ làm việc cho Grab hay Uber là minh họa dễ thấy cho sự tan vỡ của lực lượng lao động ăn lương cố định và sự gia tăng của tình trạng công việc bấp bênh.Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động nguy hại của kiểu công việc đó với đời sống con người. Họ không chỉ gặp khó khăn trong đời sống thường nhật - sẽ có rất nhiều giai đoạn họ không có việc làm, mà dịch COVID-19 là một ví dụ rõ ràng.Họ còn không thể chuẩn bị cho tương lai, không có chỗ ở ổn định, không thể theo đuổi một nền tảng giáo dục hay học một nghề. Tính chất công việc của họ làm suy giảm sức mạnh của tổ chức lao động: công đoàn sẽ không thể tổ chức, và nếu có tổ chức thì không thể hoạt động hiệu quả để bảo vệ người lao động.Thật ra, tình trạng bấp bênh của lao động không mới. Ở Pháp ít ra tới những năm 1890 vẫn chưa có hợp đồng lao động “dài hạn”. Giới chủ bởi thế có quyền sa thải nhân viên mà không cần bồi thường. Chỉ mãi sau này, vào thế kỷ 20, các hợp đồng lao động mới có thêm những điều khoản mang tính chất bảo vệ người lao động.Một mặt, giới chủ thấy việc quản trị lao động ổn định giúp giảm chi phí. Mặt khác, những cuộc đấu tranh của phong trào lao động toàn thế giới trở nên mạnh mẽ hơn. Ở Pháp, thường được coi là trái tim của phong trào lao động và nhà nước phúc lợi, những biện pháp bảo vệ người lao động khỏi bị sa thải hàng loạt chỉ bắt đầu được đưa ra từ những năm 1960.Ý tưởng về công việc ổn định, lâu dài, bởi thế, là tương đối mới, nếu nhìn lại cả lịch sử chủ nghĩa tư bản. Những công việc ổn định chỉ trở nên khả thi nhờ sức mạnh của phong trào lao động và tăng trưởng kinh tế nhanh những năm hậu chiến.Khi những điều kiện đó không còn, công việc cũng dần trở nên bấp bênh. Còn ngày nay, các hợp đồng lao động ngày càng ít, bao gồm những điều khoản bảo vệ người lao động trước áp lực thị trường.Trích đoạn tranh tường Detroit Industry của Diego Rivera. Ảnh: jacobinmag.comChuyển đổi ở quy mô toàn cầuĐó là bối cảnh cho cuộc dịch chuyển về lao động ở quy mô chưa từng thấy đang diễn ra, và có lẽ sẽ được đẩy nhanh thêm đáng kể với dịch COVID-19. Đó là sự tái cấu trúc đau đớn cả nền kinh tế, đi kèm là những mối đe dọa mới với người lao động.Thay đổi chính sách bắt đầu từ những năm 1980, nhấn mạnh vào thị trường tự do, của kinh tế kiểu Thatcher ở Anh và Reagan ở Mỹ, càng mạnh mẽ hơn sau khi Liên Xô sụp đổ, sự kết liễu của thành trì ý thức hệ kinh tế khác biệt cuối cùng.Nhưng điều ít được để ý hơn cuộc tự do hóa ồ ạt ở các nền kinh tế lớn là sự tiêu diệt những định chế bảo vệ người lao động: chúng bị coi là cản trở thị trường tự do. Thêm vào đó, việc Trung Quốc và nhiều nền kinh tế mới nổi khác gia nhập hệ thống kinh tế toàn cầu đã làm tăng nguồn cung lao động trên thị trường thế giới lên khoảng 2 tỉ người, phần lớn có mức lương bằng 1/5 so với những người cùng giai cấp ở các nước phát triển.Ở quy mô rộng lớn, điều đó chắc chắn gây ra áp lực giảm lương. Động lực cuối cùng đẩy nhanh tính chất bấp bênh của lao động là chính sách dễ dãi hơn với chủ lao động và cuộc cách mạng công nghệ cho phép tái tạo cấp tập nhiều lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và cả tiêu dùng với mục tiêu giảm chi phí xuống thấp nhất.Trong dòng chảy đó, Standing nhấn mạnh điều quan trọng là giai cấp vô sản mới “không có một bản sắc nghề nghiệp để định vị mình trong xã hội”. Tất cả tạo ra sự bất an mang tính sinh tồn và “một tình trạng lần đầu tiên thấy trong lịch sử khi nhiều người có giáo dục cao hơn so với mức độ công việc mà họ có thể trông đợi nhận được”, nôm na là xuất hiện nguy cơ sẽ ngày càng nhiều những cử nhân, thạc sĩ phải đi chạy xe công nghệ!Một đặc điểm mới của quan hệ lao động kiểu này là giai cấp vô sản bấp bênh bị bóc lột không chỉ ở nơi làm việc và trong giờ làm việc, mà cả ngoài giờ làm việc của họ nữa. Ba mối quan hệ kinh tế - tiền lương minh họa cho điều đó.Trong quá khứ, các kinh tế gia nói chung tin rằng khi năng suất tăng lên thì tiền lương tăng lên. Điều đó không còn đúng, nhất là trong những lĩnh vực mà năng suất tăng do máy móc và các thuật toán. Thứ hai, lợi nhuận tăng thì tiền lương tăng, nhưng khi lợi nhuận chỉ tập trung ở một số ít các tập đoàn lớn, nhất là các tập đoàn công nghệ và một số quá ít người, điều này cũng không còn đúng.Và thứ ba, khi có nhiều việc làm hơn, lương trung bình sẽ tăng lên, nhưng thực tế lương trung bình đã giảm vì những công ăn việc làm mới có thu nhập thực ra thấp hơn, bởi chúng bất ổn hơn và có ít phúc lợi xã hội hơn.Một ví dụ nhãn tiền là tình trạng ở Mỹ hiện giờ. Chỉ trong không đầy một tháng đối phó với dịch bệnh, hơn một nửa lực lượng lao động nước này đã đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, điều cho thấy số lượng công ăn việc làm bấp bênh ở Mỹ lớn ra sao.Nền kinh tế công nghệ đi đầu thế giới cũng đồng thời tạo ra thế hệ đầu tiên ở Mỹ trong một thế kỷ qua sẽ nghèo hơn thế hệ của cha mẹ họ. Người tài xế taxi mười năm trước phải có kỹ năng đưa được người từ A tới B, là một người thuộc tầng lớp trung lưu thấp, nhưng vẫn đủ sức mua nhà trả góp hay cho con học đại học.Người tài xế xe công nghệ ngày nay thì không có kỹ năng gì hết và chỉ đơn giản tuân theo một ứng dụng, của một công ty trả lương rẻ mạt tới mức họ phải làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày chỉ để có cái ăn và một nơi tá túc.Standing không chỉ nêu ra vấn đề, ông cũng đề xuất cách giải quyết trong cuốn sách thứ hai của ông, A Precariat Charter (tạm dịch: Hiến chương giai cấp vô sản bấp bênh, 2014). Trong đó, đề xuất nhiều thách thức nhất có lẽ là lời hối thúc tất cả quốc gia - nhà nước đảm bảo cho mỗi công dân một mức thu nhập cơ bản tối thiểu (UBI), không kèm bất kỳ điều kiện gì.Ý tưởng này nay đã sống dậy mạnh mẽ và có thể trở thành một “thực tế lâu dài” sau COVID-19, theo Euronews ngày 17-4. Giáo hoàng Francis, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Luis Guindos đều đồng ý đã tới lúc tính tới UBI khi vực thẳm kinh tế hậu đại dịch đang ngày càng sâu.Ở Mỹ, Andrew Yang, ứng viên sơ cử tổng thống phe Dân chủ, tranh cử với tuyên ngôn đảm bảo mức UBI 1.000 đôla mỗi tháng cho mọi người Mỹ, giờ lại đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, dù ông đã tuyên bố rút lui. Nhưng tất nhiên, đó sẽ còn là một chặng đường rất dài.■Ở Tây Ban Nha, Bộ trưởng An sinh xã hội José Luis Escrivá thông báo một mức thu nhập tối thiểu đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ tháng 5 cho 100.000 hộ gia đình cha mẹ đơn thân dễ tổn thương. Quan trọng hơn, đó không phải là khoản hỗ trợ một lần. “Giải pháp lần này có tính cấu trúc và lâu dài” - Escrivá nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Tây Ban Nha El País.Ở Ý, phong trào Năm Sao cầm quyền đã giới thiệu luật thu nhập tối thiểu từ năm 2019 cho các gia đình dễ tổn thương theo những tiêu chí nhất định. Bộ trưởng Lao động Nunzia Catalfo cho biết sau dịch COVID-19, thêm khoảng 3 triệu công dân Ý sẽ đủ điều kiện hưởng khoản này. Ở Đức, một đề xuất tương tự đã được trình cho Quốc hội (Bundestag) vào giữa tháng 3 sau khi nhận được hơn 450.000 chữ ký ủng hộ từ cử tri.Người lao động hiện thời phải đối mặt với một lựa chọn không thể dung hòa giữa công việc, gia đình và sức khỏe của họ. Với một mức thu nhập cơ bản phổ quát, họ sẽ biết rằng có một mạng lưới an sinh giúp họ giảm bớt sự xung đột đó.Anthony Painter (giám đốc Trung tâm RSA, châu Âu) Tags: Người lao độngCOVID-19Giai cấpVô sản mới
Cận cảnh điện Thái Hòa dát 300 lạng vàng sau 3 năm đại trùng tu, mở cửa đón khách NHẬT LINH 23/11/2024 Điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế - đã mở cửa trở lại đón khách sau 3 năm đại trùng tu.
Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm, vùng núi cao dưới 10 độ C CHÍ TUỆ 23/11/2024 Dự báo từ đêm 26-11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi rét đậm với nhiệt độ phổ biến 16-18 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Cứu 7 người kẹt trong căn nhà bốc cháy, cảnh sát nhường mặt nạ dưỡng khí cho cô gái mang bầu HỒNG QUANG 23/11/2024 Căn nhà bốc cháy trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Cảnh sát đã đưa 7 người mắc kẹt trên tầng cao ra ngoài.