Mua rau trả tiền trước

TÔ VÂN NGA 10/03/2014 20:03 GMT+7

TTCT - Ở Mỹ chuyện mua rau sạch, không biến đổi gen không phải mới lạ gì, nhưng cái cách người ta phải trả tiền trước cho chủ trang trại rồi giao rau sau khiến tôi ngạc nhiên… Một cách thức ủng hộ nông dân để lại nhiều suy ngẫm.

Một góc chợ trang trại ở Florida, Mỹ - Ảnh: flaglerhomesandcondos.com

Trả trước 3 tháng

“Sáng chủ nhật, chúng ta sẽ ghé qua chợ nhận rau sạch trước khi đi cà phê và ăn sáng cùng nhau nhé” - Jean, một phụ nữ Mỹ khoảng 40 tuổi ở Brooklyn, thành phố New York, nói với chúng tôi về kế hoạch cuối tuần. Chúng tôi đến thăm gia đình Jean ba ngày trong thời gian du lịch ở New York gần đây.

Đúng hẹn, chúng tôi đưa chiếc xe đẩy với hai em bé và chiếc túi đựng rau lủng lẳng ở phía trước tiến thẳng đến chợ rau sạch trang trại (farmer market). Như nhiều chợ rau sạch trang trại khác trên đất Mỹ, chợ rau sạch nằm trong một hẻm nhỏ ở Brooklyn đem lại nhiều bất ngờ cho người mua sắm.

Được tổ chức nhằm đẩy mạnh mô hình trang trại tại địa phương, nơi mà thực phẩm an toàn, thực phẩm chưa bị biến đổi về gen để to hơn, đẹp hơn có thể thấy ở nhiều siêu thị, được trồng với quy mô nhỏ, chợ họp mỗi chủ nhật để tiện cho khách hàng mua sắm và dạo phố.

“Chúng tôi trả trước ba tháng, mỗi tháng 300 USD và tiền này sẽ được giao cho người nông dân tại địa phương đầu tư trồng và chăm sóc rau. Mỗi sáng chủ nhật chúng tôi sẽ đi nhận rau xanh, củ, trái cây, thời điểm trang trại thu hoạch” - Jean nói. Mỗi tuần người mua sẽ được thưởng thức những món ăn nhà nấu từ các loại rau quả khác nhau. Việc nhận rau xanh và trái cây cuối tuần là “sự kiện” mong đợi của người dân trong chợ.

Không khí trong chợ khá vui vẻ với những tình nguyện viên tại các quầy chia rau cho mỗi khách hàng. Nhìn những củ cà rốt nhỏ xinh, dài còn lấm đất, tôi nghĩ có lẽ rau, trái cây vừa mới được thu hoạch chiều qua. Tất cả mọi người tham gia mua rau trả trước đều nhận được số lượng bằng nhau về cà rốt, bí ngòi, cần tây, các loại dâu tây và nhiều rau quả khác đủ để gia đình ăn một tuần.

Không biết do chế độ ăn uống nhiều rau hay phong cách nói chung của người thành phố New York mà người trong chợ không thấy bóng dáng ai mập quá khổ như ở những tiểu bang khác trên đất Mỹ.

Phong trào ủng hộ nông nghiệp

“Ở Mỹ, gần đây phong trào CSA (Community Support Agriculture): Cộng đồng ủng hộ nông nghiệp trở nên ngày một thịnh hành. Trước đây, vào mùa đông ở các tiểu bang thuộc Bắc Mỹ như New York, Boston, rau quả thường được nhập khẩu từ những trang trại ở miền Nam hoặc Tây Mỹ như California, Florida hoặc từ nước ngoài. Vì thế các giống rau quả này phải thích hợp cho việc vận chuyển và bảo quản lâu ngày.

Dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rõ ràng khi nếm dâu tây hay cà chua được vận chuyển từ nơi rất xa so với loại mọng nước và thơm ngon được thu hoạch tại địa phương. Vì vậy với CSA, nhiều người dân đã liên kết với những chủ trang trại nhỏ để có thể mua những sản phẩm rau xanh, trái cây tươi, thơm ngon, tốt cho sức khỏe được trồng ngay tại địa phương mình sống thay vì mua sản phẩm nông nghiệp được vận chuyển đến từ những tiểu bang khác và nước ngoài” - cô Masha, một chuyên viên về phụ nữ sống tại Washington DC, cho biết.

Chợ trang trại có lẽ là một câu chuyện thú vị nhất tôi từng biết về sự kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và nông dân ở Mỹ - một đất nước có nền kinh tế bị chi phối mạnh mẽ bởi những tập đoàn kinh tế khổng lồ, trong đó rất nhiều “ông lớn” về thực phẩm, thức ăn nhanh…

Nếu như ở đâu đó trên thế giới, các công ty lớn được khuyến khích với nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn thì với nhiều người dân Mỹ như gia đình Jean, họ lại thúc đẩy một quá trình ngược, hỗ trợ những trang trại địa phương trồng các loại rau sạch với quy mô nhỏ thay vì đến làm việc trong những trang trại lớn, nơi mà lợi nhuận kinh tế có thể thúc đẩy những sản phẩm biến đổi gen và siêu năng suất.

Rõ ràng với quy mô nhỏ của doanh nghiệp trang trại thế này có thể giúp việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp tươi, tốt cho sức khỏe và theo mùa trở nên dễ dàng hơn. Hơn thế nữa, chợ trang trại cũng tạo sự giao lưu thân thiện, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa nông dân và người tiêu dùng, cũng như trong cộng đồng khu phố, điều này không phải lúc nào cũng sẵn có ở đất nước có nền “văn hóa công việc” như Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận