Mua thuốc bảo vệ thực vật phải “kê đơn”?

MAI VINH 29/08/2018 05:08 GMT+7

TTCT - Để kiểm soát nạn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất, cần hạn chế quyền mua của nông dân, tương tự chuyện bệnh nhân muốn mua thuốc uống phải được bác sĩ kê đơn. Gợi ý gây sốc này không phải không có lý.

Nông trại Phong Thúy (Đức Trọng, Lâm Đồng) dùng keo sinh học mật độ cao để bắt côn trùng, thay vì dùng thuốc hóa học. Ảnh: M.VINH
Nông trại Phong Thúy (Đức Trọng, Lâm Đồng) dùng keo sinh học mật độ cao để bắt côn trùng, thay vì dùng thuốc hóa học. Ảnh: M.VINH

 

Nông dân thoải mái sử dụng những hoạt chất có độc lực cao mà thiếu đi sự kiểm soát về tần suất, liều lượng, thời điểm, mục đích... đã gây ra những tổn hại lớn về chất lượng, thương hiệu nông sản, tổn hại lâu dài cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn. Nhưng sự cả tin vào những lời tiếp thị có cánh phần nào cho thấy sự mất kiểm soát đối với hệ thống phân phối, bán lẻ.

Từ chuyện ngành chè bị cấm cửa...

Năm 2015, ngành chè Lâm Đồng đối diện cú sốc vì những thị trường lớn như Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu... đóng sập cửa. Đó là hậu quả khi Đài Loan trả lại gần 4.000 tấn chè có xuất xứ từ Lâm Đồng bị nhiễm nhiều chất cấm, sử dụng Fipronil có trong thuốc diệt nhện đỏ, bọ xít... Hàng chục doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu chè điêu đứng vì không chỉ thiệt hại tiền mà còn mất uy tín với đối tác, thậm chí có nguy cơ thị trường đóng cửa.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, các lô hàng bị trả về hoặc bị lưu cảng dài hạn đều có Fipronil gấp 2-3 lần mức cho phép của thị trường Đài Loan và Nhật Bản. Tại Việt Nam, Fipronil được khuyến cáo chỉ dùng trừ sâu trên các loại cây lấy hạt như lúa, cà phê, hạn không dùng cho các loại nông sản thu hoạch lá và tuyệt đối cấm dùng trong sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn. Fipronil thuộc nhóm độc cao, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng ghi nhận có đến 55% nông dân sử dụng thuốc cấm bơm vào lá chè để trừ sâu bọ ngay trên cây chè. Và cơ quan chức năng tìm ra một điểm chung: các lô chè bị dư lượng Fipronil vượt ngưỡng đều của những DN mua chè của nông dân để chế biến và xuất bán.

Trong khi đó, không có bất cứ vấn đề nào xảy ra với những DN có quy mô nhỏ hơn nhưng sản xuất khép kín. Rà soát lại nhiều khâu, cơ quan chức năng xác định rõ những nông dân có liên kết với các cơ sở sản xuất trà đã lén sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục dùng cho chè hòng diệt côn trùng nhanh hơn.

Khi tìm ra được nguyên nhân, ông Huỳnh Văn Duẩn, giám đốc Công ty trà Trân Nam Việt (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), nơi cũng bị ảnh hưởng nặng trong vụ việc, ngán ngẩm: “Chúng tôi từng mua chế phẩm sinh học cho nông dân dùng, nhưng sau một hồi đi kiểm tra thì phát hiện họ mang thuốc đó đi bán, đổi thuốc cấm về dùng vì vừa rẻ vừa mau chết sâu bọ”.

Các loại thuốc cấm dùng cho chè có thể mua rất dễ dàng tại các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật địa phương. Có tới 117 thương hiệu thuốc đang bán trên địa bàn Lâm Đồng có chứa những hoạt chất không có trong danh mục thuốc dùng cho chè và 96% các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật có bán. Nhiều cửa hàng còn hướng dẫn nông dân phối trộn để sử dụng. “Một chút ích kỷ, một chút thiếu thật thà của nông dân cộng với sự dễ dãi của cơ quan chức năng đã đẩy ngành chè vào thế thiệt đủ đường” - ông Duẩn nói.

... Đến chuyện quản lý theo chuỗi liên kết

Ông Lê Công Thôn (nông dân ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đang tham gia chuỗi liên kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Từng là người trồng rau, bán tự do ra chợ và cả thu mua, ông Thôn nhìn nhận bà nội trợ ra chợ mua mớ rau dễ thế nào thì nông dân dễ dàng mua thuốc hóa học thế đó. Muốn mua thuốc trong danh mục hay “thuốc cấm” đều dễ dàng như nhau.

“Mua thuốc gì lệ thuộc vào suy nghĩ của nông dân” - ông Thôn nói. 30 năm gắn với nghề nông đủ để ông đúc kết rằng chẳng nông dân nào không bị hấp dẫn bởi công hiệu tức thời từ những lọ thuốc hóa học cấm.

Thêm một rào cản quản lý, việc sản xuất của nông dân sẽ thêm khó khăn, nhưng phải có quy định để quản lý việc mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học của nông dân. “Giống như bị bệnh, muốn mua thuốc phải có toa chỉ định của bác sĩ. Còn cứ tùy nông dân hiểu sao làm vậy thì không được. Bỏ qua chuyện đạo đức, nông dân sản xuất nhỏ lẻ hay tùy tiện, dẫn tới lạm dụng phân thuốc hóa học và hậu quả khó lường” - ông Thôn nói.

Khi nông dân được liên kết trong chuỗi hoặc được tổ chức sản xuất trong mô hình khép kín như công ty, hợp tác xã thì việc kiểm soát tình trạng lạm dụng phân thuốc hóa học là có thể và thực tế đã được chứng minh hiệu quả ở một số nơi.

Tại trang trại Phong Thúy (huyện Đức Trọng) - nơi đang cung ứng nông sản VietGAP với số lượng lớn cho hầu hết siêu thị tại Việt Nam, mỗi năm trang trại cập nhật danh mục các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành và dùng cho sản xuất nông sản VietGAP. Danh mục rất cụ thể với loại thuốc cho từng loại cây, cách sử dụng tương ứng...

Nông dân liên kết có thể mua thuốc bên ngoài hoặc tạm ứng từ kho của nông trại, nhưng phải đúng với kế hoạch canh tác mà bộ phận quản lý trang trại giao. “Chúng tôi mang đến cho nông dân kế hoạch sản xuất ổn định và chịu trách nhiệm quản lý đầu ra, chịu trách nhiệm pháp lý trước cơ quan chức năng nếu vi phạm dư lượng. Nông dân cũng chung phần trách nhiệm” - ông Nguyễn Hồng Phong, chủ trang trại Phong Thúy, nói.

“Trong chuỗi liên kết, việc sử dụng chủng loại thuốc bảo vệ thực vật được giao cho bộ phận kỹ thuật của trang trại hoặc cấp cao hơn. Bộ phận này chịu trách nhiệm và chỉ cho phép áp dụng vào sản xuất của cả chuỗi liên kết sau khi đã khảo nghiệm. Nông dân không có quyền lựa chọn” - ông Phong kể. Ông khẳng định phát triển được chuỗi liên kết là một trong những việc quan trọng để ngừng lạm dụng phân và thuốc hóa học.

Tại trang trại của ông Phong có một phân khu rộng khoảng 1.000m2 ứng dụng keo sinh học để bắt côn trùng - một vườn thử nghiệm để triển khai cho nông dân trong thời gian tới. “Khi giăng keo sinh học với mật độ cao, tôi không bơm thuốc nữa. Tiền đầu tư mua keo không bằng tiền công thuê người bơm thuốc cho cả mùa.

Thay thế dần phân thuốc hóa học bằng các chế phẩm sinh học, hữu cơ là xu hướng, nhưng nếu chỉ kỳ vọng vào nông dân thì e rằng xu hướng này không thành. Các trang trại lớn phải khởi động và hướng dẫn lại cho nông dân liên kết” - ông Phong phân tích.

Theo ông Mai Văn Khẩn - chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Tiến (TP Đà Lạt), việc xây dựng chuỗi liên kết nông dân để sản xuất nông sản càng lớn mạnh thì công tác quản lý sử dụng phân thuốc hóa học càng hiệu quả. Bởi mọi thứ được quy về một mối là người quản lý chuỗi liên kết. Cơ quan chức năng chỉ cần quan tâm đến đầu mối này. “Quy định trong chuỗi liên kết buộc nông dân phải có nhật ký nông trại, chúng tôi dùng sổ đối chiếu với thực tế để họ không dùng phân thuốc bừa bãi” - ông Khẩn nói.

Khi không giao quyền dùng thuốc cho nông dân, nhiều trang trại lớn tại Lâm Đồng có tổ chức hệ thống liên kết lên đến vài ngàn nông hộ đều bước qua hàng rào kiểm soát dư lượng để xuất khẩu và bán cho các hệ thống siêu thị dễ dàng.■

Kỹ sư Shugo Hama, nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại ĐH nông nghiệp - công nghệ Tokyo, có 17 năm gắn bó với nông nghiệp Việt Nam và tham gia các dự án ứng dụng công nghệ vi sinh trong nông nghiệp hữu cơ, nhận xét: “Tôi đã đến những đại lý phân bón và thấy rất rõ người bán muốn bán gì thì bán, nông dân muốn dùng sao thì dùng. Người bán chỉ cần lời nhiều, nông dân chỉ cần sâu mau chết, cây mau hết bệnh. Nhật quản lý rất chặt đại lý phân thuốc và nông dân thông qua nhật ký bán hàng và nhật ký đồng ruộng. Nếu không có hệ thống giám sát tốt thì không những không phát triển nông nghiệp hữu cơ theo xu thế chung, mà cũng chẳng chấm dứt được nạn lạm dụng phân thuốc hóa học”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận