TTCT - Bỏ qua những bất tiện của đất nước thời nội chiến là một Myanmar yên bình với nền văn hóa Phật giáo thấm đẫm trong từng hơi thở. "Đi Myanmar phải thận trọng nhé!" - Từ anh chàng đam mê đua xe tốc độ cao người Úc, cô gái người Bỉ sắp qua Nepal leo núi đến cặp đôi Tây Ban Nha đi bụi bằng đường bộ vòng quanh Đông Nam Á đều lặp lại lời dặn này khi biết tôi sắp đến Myanmar du lịch.Một người bán tranh tại một điểm du lịch vắng vẻ ở Bagan. Ảnh: TÚ NGUYỄNNợ duyên với đất nước hình ngọn lửaNhững người bạn của tôi lo ngại cũng không sai. Mấy năm qua, trong mắt thế giới, hình ảnh Myanmar là một đất nước sôi sục trong nội chiến. Không mấy ai muốn đánh cược kỳ nghỉ quý giá của mình vào một chuyến du lịch tới một đất nước đang bất ổn.Tôi đến Myanmar lần đầu cách đây gần 15 năm, khi đất nước này vừa mở cửa hội nhập thế giới sau nhiều năm cô lập. Tôi đã rung động bằng cả trái tim bởi vẻ đẹp nguyên sơ của trời đất, của nền văn hóa Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến từng nhành cây cọng cỏ và sự thiện lương của con người nơi đây. Từ đó đến nay, tôi đã đến đất nước hình ngọn lửa vài lần nữa, chứng kiến một Myanmar chuyển mình với tốc độ nhanh đến sững sờ. Những tập đoàn lớn lục tục kéo đến khai thác mảnh đất hoang sơ nhưng rất màu mỡ này, Internet phủ sóng khắp hang cùng ngõ hẻm.Du khách khắp nơi đổ xô khám phá đất nước huyền bí đến nỗi tôi (với một chút ích kỷ) từng lo ngại Myanmar sẽ đánh mất bản sắc, không giữ nổi được sự thanh bình hiền hòa cổ kính ngày nào trước làn sóng phát triển. Nhưng trước những chính biến không ai lường được, một lần nữa Myanmar trở lại với hình dáng cũ: đắm mình trong nội chiến, cô lập với thế giới."Đất nước hình ngọn lửa", tên gọi mà ai đó đặt cho Myanmar, không chỉ vì bản đồ địa lý mang hình thù ngọn lửa mà còn bởi số phận truân chuyên của xứ sở này. Điều đó lại thôi thúc tôi trở lại Myanmar vào tháng 3 vừa qua để chứng kiến những thăng trầm qua thời gian, để biết đất nước mà tôi yêu đến khắc cốt ghi tâm ngày nay ra sao.Đến Myanmar: ngán giá vé cao, thủ tục phiền hàNỗi buồn đầu tiên cho những ai muốn đến Myanmar thời điểm này là giá vé máy bay cao hơn nhiều so với trước. Từ TP.HCM một tuần có hai chuyến bay thẳng tới Yangon của Hãng hàng không quốc gia Myanmar, thời gian bay tầm hai giờ. Những ngày còn lại muốn đi Myanmar thì phải quá cảnh ở Bangkok hay Kuala Lumpur, chi phí khoảng 250-300 USD cho chặng khứ hồi TP.HCM - Yangon, gấp đôi so với đến các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia.Vé máy bay mắc đã đành, điều khiến du khách không vui nhất là quy định mua bảo hiểm Covid của Chính phủ Myanmar. Tôi đã có hợp đồng bảo hiểm rủi ro bệnh tật ở nước ngoài, bao gồm cả chi phí điều trị Covid nếu cần, với một công ty bảo hiểm lớn của Mỹ. Nhưng nhân viên làm thủ tục check-in cho hay bất kể tôi có bảo hiểm nào thì vẫn phải mua bảo hiểm Covid của Chính phủ Myanmar với chi phí cao gấp đôi bảo hiểm tôi đã mua.Sân bay quốc tế Yangon đã được sửa sang lại rộng lớn và tiện nghi hơn nhưng nay lâm vào cảnh vắng vẻ tiêu điều. Nhân viên y tế kiểm tra phiếu tiêm ngừa Covid của tôi rồi cho đi. Vẫy một chiếc taxi đời cũ không cửa sổ không máy lạnh quen thuộc ở sân bay, tôi về khách sạn tại trung tâm Yangon trong tâm trạng khó tả, vừa lạ lẫm vừa thân quen.So với lần đầu tôi đến, hiện nay Myanmar có rất nhiều loại hình khách sạn từ cao cấp đến bình dân, minh chứng cho một giai đoạn mở cửa và hội nhập mạnh mẽ. Nhưng dấu ấn ấy đang dần mờ phai. Từ hostel ở Yangon đến khách sạn ở Bagan hay hồ Inle mà tôi lưu trú, không một bóng dáng du khách nước ngoài, họa hoằn lắm mới có đoàn khách nội địa.Ngôi chùa dát vàng Shwedagon nổi tiếng nhất của Myanmar ngày nào nườm nượp khách xếp hàng mua vé, nay lưa thưa bóng dáng người dân bản địa. Khách nước ngoài đến chùa (được ghi trong danh sách) gần nhất là vào mấy tuần trước, và là vài người Malaysia. Ngôi chợ chuyên bán đá quý Bogyoke Aung San ở Yangon vốn tấp nập người mua kẻ bán, nay tiêu điều vì vô số gian hàng đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.Cúp điện vô tội vạ là "đặc sản" mới nổi ở Myanmar, dù ở thành phố lớn như Yangon hay các vùng thôn quê. Bạn lễ tân khách sạn ở hồ Inle vừa xin lỗi vừa buồn bã đưa tôi cây đèn pin để lên phòng và đi ra ngoài bởi trời đã tối mà cả khu vực đều không có điện. Lúc lưu trú tại khách sạn ở Bagan, tôi phải ra ngoài ngồi giữa trưa oi bức vì không có điện. Nhiều vùng ở Myanmar không thể truy cập Facebook.Nhiều trẻ em Myanmar đến sống ở chùa, đến khi nào chán thì về. Ảnh: TÚ NGUYỄNỞ Myanmar hôm nay, chốt kiểm soát của quân đội và cảnh sát dày đặc trên đường đi từ Yangon hay Bagan, Inle. Họ buộc các xe khách phải dừng lại để kiểm tra giấy tờ tùy thân và rà soát hành lý. Mọi người cũng nhắc nhở tôi một số nơi chiến sự đang nhạy cảm, tuyệt đối không đặt chân đến.Một bạn lễ tân khách sạn ở hồ Inle nói quê nhà của cô ấy đang có chiến sự rất ác liệt nên nhiều tháng nay cô không thể về nhà. Cô bé nấu bếp ở một thiền viện cho tôi hay cô phải từ bỏ nghề giáo viên và rời quê hương đến đây cũng bởi chiến tranh.Bình yên nào cho Myanmar?Một cách may mắn, những danh lam thắng cảnh ở Myanmar không bị ảnh hưởng bởi sự xung đột của con người. Ngôi chùa vàng Shwedagon vẫn lung linh huyền ảo trang nghiêm như bao đời nay. Hàng nghìn ngôi chùa tháp cổ kính ở Bagan vẫn trầm mặc trong những cánh rừng già. Hồ Inle vẫn thơ mộng với hình ảnh những ngư dân quẫy một chân tung lưới trong chiều tà tịch mịch. Bỏ qua những phiền toái, Myanmar vẫn là miền đất ngàn lần xứng đáng cho những du khách yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm văn hóa đến khám phá.Một người dân tung lưới đánh cá trên hồ Inle. Ảnh: TÚ NGUYỄNMay mắn hơn nữa cho Myanmar và cho những người đến Myanmar là nền văn hóa Phật giáo vẫn thấm đẫm trong từng hơi thở, từng nhịp sống ở Myanmar. Các ngôi chùa vẫn lung linh những ngọn nến người dân mang đến thắp mỗi ngày. Nơi góc sân chùa Shwedagon, vị sư già cúi lạy tượng Đức Phật với tất cả lòng thành kính. Dưới chân tượng Phật, một vị sư thiền định trong tĩnh lặng, vững chãi như một ngọn núi không gì lay động nổi.Sáng tinh mơ trên đường phố, những hàng dài nhà sư ôm bình bát chân trần đi khất thực thảnh thơi trong sự thành kính cúng dường của người dân. Càng về miền nông thôn, Phật giáo càng được giữ gìn vẹn nguyên. Khu vực hồ Inle nơi tôi ở một tuần, chừng hai ba chục nóc nhà là có một ngôi chùa. Chùa ở Myanmar không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn là nơi mà người ta đến sống, học hành và tu dưỡng dưới sự chỉ bảo của những nhà sư.Những ngày ở hồ, tôi đạp xe loanh quanh rồi dừng chân ở ngôi chùa cuối làng, nằm ven sông. Nơi đó, những vị sư nuôi nấng, dạy chữ, dạy pháp cho những đứa trẻ ở xa xôi không có trường học. Khi nào muốn về thì chúng về, nếu học lên cao nữa thì chùa sẽ gửi chúng đến những nơi phù hợp. Cơm gạo, thức ăn do dân làng mang đến, sách vở cho lũ trẻ thì chùa mua cho. "Hôm nào không có ai mang cơm đến thì tôi gọi vợ tôi nấu mang đến", nhà sư lớn nhất chùa trả lời khi tôi hỏi ông nuôi lũ trẻ bằng gì. Vị sư ấy mới xuất gia bảy năm nay theo lời kêu gọi của người con trai duy nhất cũng là một nhà sư.Các chú điệu khất thực trong nắng sớm. Ảnh: TÚ NGUYỄNTinh thần trí tuệ và từ bi hỉ xả của Phật giáo là luồng gió làm dịu đi cái oi ả của thời tiết giao mùa cũng như những ngột ngạt trong tâm trí con người. Bất kể khó khăn vây bủa, thay vì ủ ê bất mãn hay phẫn nộ giận dữ, người chủ khách sạn tôi ở hồ Inle vẫn thiền định mỗi ngày. Không chỉ tập rèn luyện cho riêng mình, ông còn mời các nhà sư đến dạy thiền định cho nhân viên và dân làng học cách tĩnh tâm, quan sát kiểm soát cảm xúc của mình.Trong tĩnh lặng, trí tuệ sẽ được sinh trưởng, khi có trí tuệ thì sẽ nhìn rõ bản chất và quy luật của vạn sự trên đời. Khi ấy, người ta sẽ có được tự do và bình an trong tâm, thứ tự do tự tại cao quý nhất mà không một ai, không một thế lực nào có thể hủy hoại hay tước đi. ■ Tags: MyanmarNội chiếnPhật giáoThiền địnhChùa vàng ShwedagonHồ Inle
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị chỉ đạo khắc phục bão số 3 THÀNH CHUNG 09/09/2024 Chiều 9-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị để cho ý kiến và chỉ đạo những việc cấp bách cần làm ngay nhằm khắc phục hậu quả của bão số 3.
Những hình ảnh đầu tiên từ tâm bão Cát Bà: Đổ nát, hoang tàn đến đau lòng NAM TRẦN 09/09/2024 Nhà tốc mái, cây đổ ngổn ngang, bàn ghế, tủ lạnh bay tứ tung ra đường… khung cảnh không khác gì một 'trận bom' vừa giội xuống thị trấn Cát Bà, Hải Phòng.
Nước lũ kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp chính cầu Phong Châu TUẤN PHÙNG 09/09/2024 Theo Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp chính của cầu.
Hà Nội mưa trắng trời, ngập khắp nơi, cảnh báo còn mưa tiếp PHẠM TUẤN 09/09/2024 Tối 9-9, thành phố Hà Nội bị ngập tứ phía do mưa lớn, nhiều người dân ngã sõng soài khi đi qua điểm ngập, xe chết máy hàng loạt.