TTCT - Nhiều người biết đến Hồ Kiểng như một kỷ lục gia “người đóng vai phụ trong phim nhiều nhất VN”, nhưng ít ai biết ông là một nghệ sĩ - chiến sĩ từ năm 1945-1959, từng diễn kịch trong bom đạn. Ở tuổi 86, ông vẫn minh mẫn và hài hước như thuở đôi mươi, khi là một “chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”. Phóng to Nghệ sĩ Hồ Kiểng - Ảnh: Hồng Hạnh Nhớ về đơn vị của mình trong giai đoạn tháng 8-1945 đến tháng 12-1959 - tiểu đoàn 209, nghệ sĩ Hồ Kiểng kể: “Đó là thời gian mà tui nhớ mãi trong ký ức của mình. Khi đó tụi tui vừa là bộ đội chiến đấu vừa là nghệ sĩ biểu diễn văn nghệ. Đoàn cải lương Long Châu của bộ đội nổi danh khắp miền Nam. Tụi tui diễn các tuồng Tết Thăng Long, Cánh tay Dương Tá, Tôi yêu cuộc sống, Cung Rồng đẫm máu...”. Diễn kịch trong bom đạn Tôi trân trọng nhất ở nghệ sĩ Hồ Kiểng chính là tâm huyết: sự hết lòng hết dạ vì nghề diễn. Ông đã chứng minh với giới nghệ sĩ rằng vai phụ không phải là vai lót đường. Sân khấu dã chiến dựng giữa trời, bộ đội làm sân khấu, bộ đội biểu diễn, bộ đội và dân cùng xem những vở diễn ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần tự hào và kháng chiến chống ngoại xâm… Đoàn cải lương Long Châu ra cả ngoài Bắc biểu diễn. Kỷ niệm làm anh bộ đội - nghệ sĩ Hồ Kiểng nhớ nhất là lần ông cùng đồng đội - đồng nghiệp ra Quảng Bình diễn vở kịch Cái ghế. Một rạp kịch dã chiến dựng bằng bạt, trên mái bạt phủ những tàu lá chuối xanh ngụy trang để máy bay địch bay trên trời tưởng là vườn chuối. Diễn kịch phải diễn vào ban ngày vì lúc đó Quảng Bình không có điện, chỉ thắp đèn. Vở đang diễn ngon lành thì… Bùm! Bom nổ ở phà Long Đại gần đó. Khán giả tán loạn. Hồ Kiểng bị dư chấn bom ép tức thở. Anh được đồng đội cứu chữa. Hôm sau, vở kịch được tái diễn. Những tàu lá chuối xanh lại phủ lên rạp và vở kịch tiếp tục. Như không hề có đạn bom và như không hề được diễn trong bom đạn, các nghệ sĩ - chiến sĩ đã tiếp tục cất cao tiếng hát của mình. Cứ thế 13 năm ròng rã, chàng bộ đội - nghệ sĩ trẻ cống hiến sức trẻ cùng đồng đội khắp các mặt trận. Đa tài và chịu khó học hỏi nên từ diễn kịch, hát bội, hát cải lương, làm ảo thuật… Hồ Kiểng đều làm được và làm tốt. Ông bồi hồi: “Đi qua hai cuộc chiến thấy mình còn sống đã là có phước rồi. Tui luôn nhớ đồng đội đã ngã xuống… Nhớ những lúc mình ao ước có lần được hát trong không khí tự do, trong một cái rạp đàng hoàng thật sự…”. Nhiều diễn viên trẻ bây giờ không biết “ông già hay đóng vai phụ” ấy đã trải nghiệm như thế nào giữa đôi bờ sinh tử để khi sống với cánh màn nhung và những phù phiếm hư ảo của nghề diễn, ông luôn biết mình, biết người và tử tế với đời. Phóng to Ảnh: Hồng Hạnh “Tụi nó nói tui phá giá” Ngồi hầu chuyện với ông ở quán cóc vỉa hè trước rạp Công Nhân (đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) trong buổi sáng ngày giỗ tổ ngành sân khấu, nhiều lần tôi bật cười hay rưng rưng xúc động theo những mẩu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ nhặt, không đầu không đuôi của ông. Hỏi ông về chuyện thù lao, ông cười xòa: “Tui không có nói giá, đạo diễn trả nhiêu trả à… Hồi tui đi học Trường Điện ảnh Hà Nội, ông thầy người Nga dạy rằng: Là diễn viên không được nói giá, nói giá là mua bán. Mình làm diễn viên, nghề của mình là đem tài năng phục vụ xã hội, chứ không phải mua bán. Nói giá là vi phạm đạo đức”. Bài học năm ông 29 tuổi, đi tập kết ra Bắc, xin đơn vị cho đi học dự thính tại trường đã được ông khắc ghi tận sâu thẳm trong lòng mình và hành xử đúng như lời thầy đã dạy. Từ năm 1959 đến nay, từ bộ phim Lửa trung tuyến của hai đạo diễn Phạm Văn Khoa và Lê Minh Hiền - bộ phim đầu tiên Hồ Kiểng chạm ngõ phim ảnh đến nay, người nghệ sĩ này luôn thực hành và thuộc lòng bài học thầy đã dạy: “Giữ lấy đạo đức nghề nghiệp. Giao vai nhỏ mà từ chối cũng là không đạo đức, giao vai lớn thấy khó quá không nhận cũng là vô đạo đức, nhận vai mà đòi thù lao và đòi hỏi đoàn phim cung phụng mình cũng là không đạo đức”. Ông kể hồi đó ông học bốn năm thì hết hai năm học đạo đức diễn viên. Nên những đồng môn của ông như Trà Giang, Lâm Tới… cũng hành xử như vậy: Nghệ sĩ là người phụng sự xã hội. Thế nên ai mời ông đóng gì ông cũng đóng, trả bao nhiêu ông cũng nhận: “Có đạo diễn trả ít, có người trả nhiều, có người trả đúng… Tui không bao giờ hỏi mấy cô mấy cậu trả tui bao nhiêu tiền. Đóng xong đưa nhiêu tui lấy nhiêu. Tui chỉ ráng đóng sao cho tốt nhất để khán giả nhớ, đạo diễn bằng lòng là được”. Vậy là “Có những nghệ sĩ chửi tui là đồ phá giá. Họ nói phải nói giá chứ... Chứ làm vậy thì chủ nhiệm với đạo diễn ăn hết còn gì…”. Ông già lập dị và ước mơ giản dị Bảy năm qua, ông sống với cái máy trợ tim thứ nhất do Hội Chữ thập đỏ quốc tế trao tặng. Có một giai thoại đặc biệt về sự tử tế và tính lương thiện của người nghệ sĩ nhân dân này liên quan đến chiếc máy trợ tim. Những người quen của ông kể rằng khi Tổ chức Hội Chữ thập đỏ quốc tế tài trợ cho ông cái máy trợ tim, người ta hỏi ông chọn cái máy nào, đắt tiền hay rẻ tiền, ông nói cứ lắp cho ông cái máy rẻ tiền vì ông già rồi, còn cái đắt tiền để dành cho người trẻ hơn, cho họ sống lâu hơn… Đem câu chuyện này hỏi ông, ông chỉ cười cười… Cái cười nhẹ nhõm. Rồi ông lảng sang chuyện chiếc mắt kiếng không có tròng của mình: “Cô có biết vì sao tui đeo kiếng không tròng không? Vì mình diễn thì diễn bằng mắt, mà bây giờ đóng phim truyền hình không phải ai cũng biết đặt sáng để thấy được mắt mình diễn xuất ra sao mà chỉ thấy cái tròng kiếng sáng chói. Phim ảnh đâu phải là nói oang oang lên cảm xúc của mình…”. Vậy là ông đã đeo kiếng không tròng mặc cho những người không hiểu chế giễu ông là lập dị. Chẳng những vậy, ông còn có thơ rằng: “Hồ Kiểng đeo kiếng hổng tròng/Nhưng anh vẫn thấy ngoài trong cuộc đời/Dù rằng bè bạn trêu cười/Kiếng còn nhìn thấu dạ người trắng đen”. Ông cười hóm hỉnh và làm đủ điệu bộ diễn xuất bằng đôi mắt cho tôi chụp ảnh (các ảnh nhỏ kèm theo). Hồ Kiểng cũng “rước” thêm cái tiếng lập dị nữa khi có đến bốn người vợ mà ly dị cả bốn. Thế nhưng hiện giờ ông vẫn sống chung nhà với người vợ đã ly dị. Hỏi ông: “Bốn lần lấy vợ, bốn lần ly dị, lỗi do ông đào hoa hay do các bà?”. Ông nói khẳng khái: “Lỗi do tui hết. Tại tui mê diễn, theo đoàn phim đi lang thang hàng tháng trời… Có bà nào mà chịu nổi”. Nói về người vợ đã ly dị vẫn sống cùng nhà, ông nhẹ nhàng: “Nhà của Nhà nước cấp cho tui, nhưng tui làm sao mà không cho bả ở chung, không ở đó thì bả ở đâu, mà con gái tui sẽ buồn tui và coi tui ra gì nếu như tui đuổi má nó ra khỏi nhà…”. Chẳng những để bà ở cùng nhà, thỉnh thoảng ông còn chia sẻ với bà việc con cái. Họ sống như hai người bạn già. Lại thêm một sự lập dị nữa khi ông cương quyết từ chối việc “làm đơn xin phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân”. Ông nói: “Tui không bao giờ làm đơn xin xỏ danh hiệu gì. Tui đi kháng chiến, không nghĩ đến chết sống mà chỉ phục vụ nhân dân. Đến nay tui đã có 60 năm làm diễn viên, đủ loại huân chương kháng chiến, diễn hàng trăm vai… Nếu họ thấy tui xứng đáng thì phong tặng cho tui, tui cảm ơn chứ còn làm đơn xin xỏ thì tui thấy hèn mạt lắm. Các cấp lãnh đạo ngành không phong tặng thì đã có người dân yêu thích tui được rồi”. Ngày 12-9, ông nhập viện để được thay mới chiếc máy trợ tim đang nằm trong lồng ngực mình. Chi phí chiếc máy mới này do các cá nhân, đơn vị hảo tâm giúp đỡ ông: gia đình Lý Huỳnh, Công ty Tôn Phương Nam, anh em nghệ sĩ của Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh… Ông cũng chưa biết giá của chiếc máy trợ tim là bao nhiêu, nhưng ông được lời hứa của mọi người là sẽ giúp đỡ ông hết sức. Con gái Kiều Loan của ông cũng cố gắng chắt chiu để giúp ba mình sống thêm một quãng nữa… Hỏi về ước nguyện tuổi già, ông chỉ cười, vẫn là cái cười nhẹ nhõm: “Năm nay tui 86 tuổi, nếu trời thương cho sống nữa thì mình sống, còn đi diễn được, đạo diễn còn mời thì mình đi… Sống có ích cho đời ngày nào hay ngày đó”. “Bác chóng mặt rồi đó nghe" Tôi nhớ khi làm với bác phim U6, U7, lúc đó bác đã đeo máy trợ tim rồi. Mỗi khi leo cầu thang bác thở dồn dập rất tội, nhưng khi leo đến nơi bác lại nhiệt tình hướng dẫn diễn xuất cho các cô, các bác bên cải lương chưa bao giờ đóng phim. Ngày nào cũng vậy, bác yếu và mệt nhưng hễ đến trường quay là bác khỏe ngay lập tức, diễn xuất nhiệt tình như thể bệnh giả bộ vậy. Khi đi Bình Châu đóng phim, bác còn hứng chí leo lên cây để tôi đặt máy quay bên dưới hất lên. Quay được một lúc, bác kêu to: “Nhanh nhanh con, bác chóng mặt rồi đó nghe”... Điểm đặc biệt nhất mà tôi rất cảm kích và kính trọng bác là không bao giờ hỏi: “Mày trả tao bao nhiêu?”, mà khi đóng xong đưa bác bao nhiêu bác lấy bấy nhiêu, không dòm ngó xung quanh, không hỏi thù lao người này người kia rồi so đo này nọ. Tags: Kỷ lụcDiễn kịchTử tếLập dịNghệ sĩ Hồ Kiểng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;