TTCT - Ai cũng biết sử thi (tiếng M'Nông gọi là Ot' Nrông) vốn lưu lại trong trí nhớ của số ít người già uyên thâm ở buôn làng M'Nông, nghĩa là truyền miệng, không thành văn. Phóng to Ông Điểu Kâu Sau khi người ta ghi âm được khối sử thi M'Nông đó, tất cả được mang về giao cho một người M'Nông có tên là Điểu Kâu - sống ở buôn M'răng, xã Dak N'drung, huyện Dak Song, tỉnh Đắc Nông. Nếu không giao cho Điểu Kâu thì chẳng có ai ở VN này đủ chất sống, vốn ngôn ngữ bản địa, đủ tri thức về nền văn minh M'Nông để mà “hiểu” sử thi dân tộc này cho trọn. Người ta thường bảo để nghiên cứu sử thi phải hóa thân về với... “thời đại của sử thi”, sống cùng không gian sử thi, nhân vật trong sử thi... Điểu Kâu đã đạt đến tầm “thượng thừa” ấy với sử thi M’Nông. Những người quan tâm đến sử thi M’Nông nhận định rằng nếu không có Điểu Kâu, chắc chắn nguồn sử thi ấy sẽ không có người diễn đạt, nó sẽ đóng băng, thậm chí “chết đi” như sự mong manh của vài ba cụ già 80-90 tuổi hiếm hoi cuối cùng còn nhớ, còn thuộc những nguồn sử thi của một dân tộc có bề dày văn hóa lớn nhất nam Tây nguyên này. Gánh nặng chữ nghĩa buôn làng Tôi hỏi ông đã “dịch” được bao nhiêu trang từ tiếng M’Nông trong băng ghi âm ra văn bản tiếng Việt? - “20.000 trang, của chừng 20 bộ sử thi - người ta ghi âm được từ năm 2001 đến nay!”, Điểu Kâu tính nhẩm khối công việc làm được gần nhất. Ông bảo rằng nếu gom cả những câu chuyện văn vần, truyện cổ, dân ca, ca dao, tục ngữ, luật tục, gia phả, từ điển, giáo trình dạy tiếng M’Nông... trong suốt hơn 45 năm ông đã làm cho người M’Nông thì số lượng có lẽ lên tới 35.000 trang. Tôi nhớ lại những cuốn sách về sử thi Tây nguyên có ghi nho nhỏ cái tên như: Con cháu mẹ Chép, Cây nêu thần”, Đánh cá hồ Nglau Lăch, Thần N’Tôch bị đánh, Nàng Ji Dết L’Nghê, Mùa rẫy Bon Teng, Con khỉ ăn gian, Yang bán vợ, Leng bị bắt cóc, Kranăng cướp vợ, Yang đánh em, đến Luật tục M’Nông, Truyện cổ M’Nông, Lời nói vần của người M’Nông... Có nhiều cuốn sử thi khi xuất bản ông không hay, vì không phải bao giờ người ta cũng nhớ gửi tặng ông, bởi ông chỉ có nghĩa vụ duy nhất là “nộp bản dịch” cho người đưa băng ghi âm đến. Ông nói còn ít nhất 160 sử thi M'Nông nữa, do đơn vị này, viện nghiên cứu kia, cá nhân nọ... đi sưu tầm được (ghi âm) đang chờ ông. Mà không chỉ “làm” sử thi, ông còn đứng ra soạn lấy từ điển M’Nông - Việt, giáo trình tiếng M’Nông để dạy “xóa mù” tiếng M’Nông cho cán bộ người Kinh ở địa phương... Cứ thế, người ta đi sưu tầm về, giao cái băng “thô” cho ông. Có sử thi mà độ dài của nó dài đến 15 cái băng 90 phút. Và cứ thế ông đánh vật với nó, lắng nghe rồi nhào nặn từng lời để biến thành văn bản. Dân M'Nông không có bộ chữ viết hoàn chỉnh, ông phải huy động cả vốn chữ của người Kinh (Việt ngữ), của Ê Đê, Khơme, X’Tiêng, rồi cả chữ Pháp (tiếng Pháp) để ghi âm. Trời cho ông một khả năng tự học nên không cần đến trường lớp ông vẫn xài nhuyễn tiếng Việt, Khơme, X’Tiêng, Ê Đê. Điểu Kâu đúng nghĩa là một người “nặn” chữ ra mà sống. Cứ mỗi cái băng cassette 90 phút ghi âm lời người kể sử thi (Ot Nrông) người ta (tổ chức hay cá nhân) trả ông 900.000 đồng. Thường ông mất một tháng để hoàn thành văn bản hóa (song ngữ tiếng M’Nông và tiếng Việt) một cái băng như thế, nghĩa là mỗi ngày ông kiếm được 30.000 đồng - bằng tiền công của một người đi hái cà phê thuê. Tây nguyên đất núi bao la, lại màu mỡ, vậy mà Điểu Kâu cả đời chỉ bám “chữ” mà sống, không hề nghĩ đến sở hữu rẫy vườn. Nếu một người không có tâm hồn bay bổng, không “yêu thế giới sử thi” thật lòng thì không thể say đắm nó như thế suốt gần nửa thế kỷ. Ông lầm lũi trong căn phòng ở nhà mình để “lạc trong sử thi”, thường xuyên quên ăn uống, có bữa “cày” từ 7 giờ sáng đến 3 giờ ngày hôm sau. Buồn ngủ thì gục xuống mà ngủ, tỉnh dậy lại “lang thang” cùng sử thi. Ông đúng là một kẻ bị “chữ” đày. Chỗ nào “đụng” đến văn hóa, văn nghệ, ngôn ngữ M’Nông thì y như rằng phải “cầu cứu” đến Điểu Kâu. Bây giờ, hằng ngày ông vẫn đi “đánh” thuê cho mọi nơi, từ trung tâm giáo dục thường xuyên, đến các viện nghiên cứu, các sở Văn hóa Đắc Nông, Đắc Lắc... Ngay cả đài phát thanh quốc gia (VOV) khi lập chương trình phát thanh tiếng M’Nông (đặt ở Buôn Ma Thuột) cũng phải nhắm đến ông, dù ông đã ở tuổi 72, với hợp đồng từng ba tháng một. Vậy là Điểu Kâu lại khăn gói rời buôn M’Răng lên Buôn Ma Thuột để làm cái công việc “đánh đu cùng chữ nghĩa” cũ rích: hằng ngày lo khâu chỉnh lý câu chữ, kiến thức, văn hóa cho bản thảo tin, bài bộ phận phát thanh tiếng M'Nông. Lo người kế tục Bên quán cà phê sáng ở Buôn Ma Thuột, Điểu Kâu nói với tôi “mình nhớ nhà quá!”. Ông nói lý do để ông cộng tác chăm chỉ với VOV vì muốn “giúp bà con M’Nông mình hằng ngày được nghe đài như người Kinh, người Ê Đê, người Jơrai, Xê Đăng..., để biết tin tức, chuyện chỗ này chỗ kia, cũng ý nghĩa lắm!”. Thấy tôi quan tâm đến ánh mắt xa xăm của ông, Điểu Kâu liền nói ông đang sợ hai cụ già M'Nông 90 tuổi ở vùng Dak R'lấp đột ngột “ra đi” thì ông “mất đứt” mấy cái luật tục M'Nông - ghi âm không kịp, khi mà chỉ còn hai cụ này còn nhớ được. “Sử thi có nhiều người làm rồi, họ đổ xô đi sưu tầm vì nó dễ. Còn luật tục, gia phả các dòng họ người M’Nông... nếu mình không làm, không biết mai này có ai làm không?” - ông nói. Văn hóa phi vật thể được lưu trữ trong trí nhớ con người, người chết nó “chết” theo. Mà gia phả họ tộc, hay luật tục là thứ tích tụ qua nhiều thế hệ, “nó mất là mất luôn, không bao giờ quay lại”. Rồi Điểu Kâu giật mình vì thấy mình cũng đã già, cũng có thể “tiêu” bất thần như mấy cụ già kia, bèn đứng ra mở lớp dạy sử thi tại làng cho lũ trẻ, mà như ông nói “để mình có mất thì vẫn còn có kẻ kế tục”. Nhưng mà làng buôn bây giờ tivi mở suốt ngày; rồi nhạc pop, nhạc rock... cũng đã mò tới, đứa trẻ nào lại đi nghe sử thi! Sau ba tháng mở lớp dạy trai làng “yêu” sử thi, thì lớp chỉ còn lại mỗi đứa con gái của ông. Khi con gái lấy chồng, ông buộc rể lẫn con về nhà ông ở, và thay vì đi rẫy, lội ruộng thì... đi sưu tầm sử thi. Thương cha mắc lầy trong “sử thi”, cô gái này ban đầu “yêu” sử thi lấy lệ; nhưng mãi sau đấy cô “dính” luôn vào nó. Vì vậy, ở làng M’Răng, giờ đây người ta thấy có một cô gái vừa bế con vừa biên dịch sử thi M’Nông. Rõ là “sơn lão” Điểu Kâu đã nỗ lực hết sức cho sử thi, khát khao “cứu” sử thi, khôi phục sinh hoạt sử thi trong các làng buôn M’Nông. Nhưng Yàng ạ, có lẽ lũ trẻ nay đã tưng tưng với nhạc điệu của chị Siu Black, anh Thiên Trường Địa Hải, Nhật Tinh Anh..., thì rõ là đáng lo cho cái sự nghiệp của Điểu Kâu sau này!
Văn hóa giao thông: Không thể chỉ dựa vào phạt nặng CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 11/01/2025 1483 từ
Đánh giá công chức: Bởi không rõ ràng nên thất bại cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 09/01/2025 1547 từ
Vì sao nghị định 168 có hiệu lực sau 6 ngày ban hành? HỒNG QUANG 12/01/2025 Theo Cục Cảnh sát giao thông, nghị định 168 có hiệu lực phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chợ phiên cho người nghèo sắm Tết không mất tiền VŨ TUẤN 12/01/2025 Một phiên chợ đặc biệt dành cho người nghèo ở vùng biên giới Nậm Pồ (Điện Biên) có đủ mặt hàng thiết yếu cho bà con sắm Tết không mất tiền.
HLV Patrick Kluivert: Tôi sẽ cống hiến hết mình, giúp Indonesia dự World Cup 2026 QUỐC THẮNG 12/01/2025 Trong buổi họp báo chiều 12-1, HLV Patrick Kluivert đã hứa sẽ cống hiến hết mình và dẫn dắt tuyển Indonesia giành quyền tham dự World Cup 2026.
Đợi cả tiếng chưa bắt được Grab dù giá tăng cao, vì sao? THU DUNG 12/01/2025 Nhiều người cho biết việc bắt xe Grab tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn những ngày qua, nhiều thời điểm không thể đặt xe.