TTCT - Cuộc xung đột diễn ra chỉ trong vài ngày, nhưng đã để lại nhiều bài học quan trọng về chiến tranh hiện đại. Máy bay Rafale của Ấn Độ. Ảnh: AFPCơ bản, đây là phản ứng quyết liệt từ phía Ấn Độ sau hành vi khủng bố trong lãnh thổ nước họ do một phe phái Pakistan gần gũi với tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba (LeT) ra tay. Ấn Độ đáp trả tối đa bằng tên lửa Brahmos, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái nhắm vào các cơ sở đầu não Pakistan. Tất nhiên, Pakistan chống trả. Hai bên công bố những chiến tích khác nhau, những dấu ấn của trận chiến "thời đại 4.0".Ra tayHôm 22-4, 25 du khách Ấn giáo và một hướng dẫn viên du lịch theo đạo Hồi bị bắn chết ở Pahalgam - thị trấn xinh đẹp nằm ở quận Anantnag của Kashmir (Ấn Độ). Ấn Độ nhanh chóng ra tuyên bố quả quyết thủ phạm cuộc tấn công là một nhóm khủng bố Pakistan. Phía Pakistan phủ nhận và nói Ấn Độ "chụp mũ". Nhóm "Giải phóng Kashmir", có liên hệ với LeT - vốn có tên trong danh sách các tổ chức khủng bố của Liên hợp quốc, đã lên tiếng trên mạng tự nhận thực hiện vụ này.Ngay sau sự cố bi thảm, New Delhi đã hạ cấp quan hệ với Islamabad, đình chỉ hiệp ước về nguồn nước sông Indus, chấm dứt chế độ miễn thị thực với Pakistan và đóng cửa khẩu biên giới Attari giữa hai nước. Đáp lại, Pakistan bác bỏ việc đình chỉ hiệp ước về nguồn nước, cảnh cáo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi dòng chảy sông Indus sẽ bị Pakistan coi là "hành động chiến tranh". Islamabad cũng đóng cửa không phận Pakistan với tất cả các hãng hàng không thương mại của Ấn Độ, dừng chế độ thị thực đặc biệt cho công dân Ấn Độ và đình chỉ thương mại song phương. Song song, binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đấu súng qua Đường kiểm soát thực tế (LOC), tức biên giới công nhận tạm giữa hai nước.Đến ngày 5-5, Ấn Độ bắn tiếp 15 tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos vào các căn cứ không quân Pakistan trong chiến dịch Sindoor (tên của chấm đỏ trên trán phụ nữ theo Ấn giáo, ngụ ý trả thù cho các góa phụ của vụ tấn công khủng bố), theo India Today. Không quân Ấn Độ đã sử dụng máy bay chiến đấu Su-30 MKI để phóng tên lửa, nhắm vào 11 trong 13 căn cứ không quân của Pakistan, gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống phòng không và trung tâm chỉ huy của đối phương.Căng thẳng leo thang trong bối cảnh hai bên đều đầy thôi thúc chính trị. Tới ngày 7-5, Ấn Độ đã tung ra 14 cuộc tấn công, với món vũ khí đã gây nhiều ồn ào nhất trong cuộc xung đột là máy bay Rafale, trang bị tên lửa SCALP và bom lượn AASM Hammer. Phía Ấn Độ nói không có tổn thất nào với máy bay Rafale, vốn chỉ bay trong không phận Ấn Độ, theo India Today 7-5. Tuy nhiên, Pakistan cho biết đã bắn hạ ba máy bay Rafale, một máy bay MiG-29, một máy bay SU-30MKI và một máy bay không người lái, The Guardian 7-5 loan tin.Máy bay Thành Đô J-10 của Trung Quốc. Ảnh: WikipediaMột huyền thoại tan nát, một huyền thoại lên ngôiMột quan chức tình báo cao cấp Pháp nói với CNN rằng một máy bay Rafale của Ấn Độ đã bị Pakistan bắn hạ trong cuộc không chiến đông tới 125 máy bay của hai bên, và đây là lần đầu tiên một chiếc Rafale bị mất trong chiến đấu. Ngày 8-5, một quan chức Hoa Kỳ giấu tên nói với Reuters rằng ông đánh giá với "mức độ tin cậy cao" rằng máy bay J-10 do Trung Quốc sản xuất của Pakistan đã bắn hạ ít nhất hai máy bay phản lực chiến đấu của Ấn Độ; một quan chức thứ hai đánh giá một trong những máy bay bị bắn hạ là một chiếc Dassault Rafale.Phía Pháp đã bàng hoàng trước tin này. Trang Avion de chasse (Máy bay tiêm kích) 8-5 chạy tít nhấn mạnh đến chủ sở hữu các máy bay tham chiến: "Máy bay Rafale của Ấn Độ bị bắn hạ bởi máy bay J-10C của Pakistan". Theo trang này, Ấn Độ đã huy động các máy bay chiến đấu Rafale, Su-30MKI và Mirage 2000, cùng drone giám sát Heron TP để xác định mục tiêu.Cuộc không kích diễn ra thành hai đợt, từ 3h40 đến 4h15 sáng giờ địa phương. Quân đội Ấn Độ mô tả cuộc tấn công là thành công về mặt chiến thuật và cho biết tất cả máy bay đã trở về căn cứ. Tuy nhiên, trang web của Pháp cũng trích nguồn tin của không quân Pakistan ngày 8-5 nói các máy bay chiến đấu J-10C thuộc phi đoàn 15, có căn cứ tại Kamra, đã được điều động ngay lập tức để đáp trả cuộc xâm nhập của Ấn Độ.Tổng cộng có 6 máy bay J-10C đã chặn một nhóm máy bay chiến đấu Ấn Độ trong không phận tranh chấp bên trên LOC. Tuyên bố cho biết 5 máy bay Ấn Độ đã bị bắn hạ, bao gồm một chiếc Rafale, hai chiếc Sukhoi Su-30MKI và hai chiếc MiG-29UPG. Trang Avion nêu rõ lý do không quân Pakistan thắng thế: "Máy bay chiến đấu Pakistan được cho là đã sử dụng tên lửa không đối không PL-15E, có hệ thống dẫn đường radar chủ động, với tầm bắn ước tính 200km, có khả năng nhắm mục tiêu ngay cả trước khi máy bay đối phương kịp phát hiện ra cuộc tấn công".Tờ Le Parisien cho biết: "J-10C là phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu đa năng của Trung Quốc, được không quân Trung Quốc đưa vào sử dụng từ đầu những năm 2000.Được trang bị vũ khí và hệ thống điện tử hàng không tốt nhất, J-10C được phân loại là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 - cùng hạng với Rafale - kém hơn một bậc so với máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, như J-20 của Trung Quốc hoặc F-35 của Mỹ".Cho tới nay, Ấn Độ vẫn tin tưởng tên tuổi máy bay của các cường quốc quân sự hàng đầu như Nga hay Pháp. Được đưa vào sử dụng từ năm 2020 đến năm 2023, máy bay Rafale của Ấn Độ trang bị tên lửa Meteor, nổi tiếng với tầm bắn hơn 150km và công nghệ dẫn đường tiên tiến. Các hợp đồng ký với Pháp trị giá hơn 15 tỉ euro cho 62 chiếc Rafale, gồm các mô đun tác chiến điện tử, tên lửa không đối đất SCALP và radar anten mạng pha chủ động, quét điện tử RBE2 AESA. Các máy bay Rafale này, do tập đoàn Dassault Aviation sản xuất, dự kiến sẽ thay thế lớp Mig-29K của Nga, và trang bị cho các tàu sân bay mới của hải quân Ấn Độ INS Vikrant và INS Vikramaditya. Dassault còn có kế hoạch xây dựng một trung tâm bảo trì, sửa chữa và đại tu chuyên dụng tại Ấn Độ để hỗ trợ các hệ thống máy bay khác nhau.Không quân Ấn Độ (IAF) lớn hơn không quân Pakistan (PAF) về số lượng và đa dạng hơn về chủng loại, bao gồm máy bay chiến đấu hai động cơ hạng nặng (Su-30MKI), phương Tây (Rafale, Mirage 2000, Jaguar) và máy bay phản lực nội địa (Tejas), tổng cộng khoảng 570-580 chiếc. PAF thì có 400-425 chiếc các loại, song được hiện đại hóa bằng công nghệ cao để bù đắp cho khoảng cách về số lượng.Theo Prime Rogue Inc, để đối phó với máy bay Rafale của IAF, PAF đã mua ít nhất 20 máy bay chiến đấu J-10CE từ năm 2022. Cả Rafale và J-10 đều mang tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến (Meteor của IAF và PL-15 của PAF) vượt xa tầm bắn trong các cuộc giao tranh năm 2019. PAF cũng dựa vào 75 chiếc F-16 (mẫu cũ đã nâng cấp và Block-52 mới hơn) làm nền tảng cao cấp cho không quân. Trong khi máy bay Su-30MKI chủ lực của IAF (hơn 250 chiếc) giúp Ấn Độ có lợi thế về tầm bay và tải trọng. Các máy bay này cũng đã được Ấn Độ tự nâng cấp bằng thiết bị điện tử hàng không và cảm biến hiện đại.Cả hai lực lượng không quân đều đang loại bỏ dần các thiết kế thời những năm 1960 (MiG-21 của IAF; F-7/Mirage III của PAF) để chuyển sang các nền tảng mới hơn. Việc PAF sử dụng J-10C, loại máy bay chưa từng được Pakistan sử dụng trong các tình huống chiến đấu thực tế, cũng là một thử nghiệm toàn diện với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.Biến cố J-10 bắn hạ Rafale là cơ hội để Trung Quốc quảng bá máy bay của mình tại thị trường châu Phi và Trung Đông. Theo SIPRI, Trung Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Pakistan, với hơn 60% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan từ năm 2015 là từ Trung Quốc.■ Tên lửa phòng không nội địaNgoài tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất để bảo vệ bầu trời, Ấn Độ vừa rồi đã có dịp thử sức hệ thống phòng không Akashteer bản địa trong vai trò công cụ vô hiệu hóa thành công hàng trăm drone và tên lửa Pakistan. Akashteer là hệ thống cảnh báo và kiểm soát phòng không thế hệ mới nhất của Ấn Độ, do tập đoàn vũ khí DRDO thiết kế. Hệ thống này tích hợp dữ liệu từ radar và cảm biến, cung cấp nhận thức tình huống theo thời gian thực và cho phép phản ứng nhanh với mối đe dọa trên không. Thông qua các cơ chế phát hiện và phản ứng tự động, Akashteer đã giúp vô hiệu hóa hàng trăm mối đe dọa đang đến với độ chính xác vô song, Indian Express ca ngợi.Tên lửa Akash, vũ khí của "mạng lưới chống drone tích hợp" của không quân Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn các cuộc tấn công của Pakistan vào một số thành phố Ấn Độ vào ngày 8-5. Akash đã bắn rất nhiều drone tầm thấp từ Pakistan, một số trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến và 60kg thuốc nổ, theo India Today. Ấn Độ cho biết các cuộc tấn công này có sự tham gia của 300-400 máy bay không người lái Asisguard Songar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất nhắm vào 36 địa điểm, bao gồm cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, theo India Today 9-5.Pakistan đã sử dụng tên lửa không đối đất CM-400AKG do Trung Quốc sản xuất, phóng từ máy bay chiến đấu JF-17 Thunder, để phá hủy một hệ thống phòng không S-400 Triumf của Ấn Độ. Nếu được xác nhận, cuộc tấn công này chứng tỏ hệ thống tên lửa siêu thanh của Trung Quốc có thể là mối đe dọa nghiêm trọng với ngay cả các nền tảng phòng không tiên tiến nhất hiện đang được triển khai khắp thế giới. Với Hoa Kỳ và các thành viên NATO dựa vào các cấu trúc phòng không như Patriot, Aegis, thậm chí là THAAD, việc tên lửa Trung Quốc phóng từ trên không có chi phí tương đối thấp có thể đánh bại một hệ thống phòng thủ hàng đầu của Nga là biến cố có tính cảnh tỉnh. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan Tiếp theo Tags: Xung đột Ấn Độ - PakistanẤn ĐộMáy bay chiến đấuTên lửaRafale
Ông Trần Lưu Quang: Cần cắt giảm 50% thủ tục cho mô hình liên kết nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp NGỌC HIỂN 24/05/2025 Ông Trần Lưu Quang - Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình hợp tác '3 nhà' (nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp), trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm.
Thủ tướng: Khẩn trương nghiên cứu chính sách đánh thuế bất động sản với đất, nhà ở không sử dụng NGỌC AN 24/05/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như vậy tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản vào chiều 24-5.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất lại dột trong mưa làm khách bối rối, nhà thầu nói 'không phải dột' CÔNG TRUNG 24/05/2025 Cơn mưa trưa 24-5, tại khu vực check-in làm thủ tục của Vietnam Airlines ở nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vốn đầu tư 11.000 tỉ tiếp tục bị dột, nước chảy từng dòng xuống sàn.
Lại thu hồi mỹ phẩm nhà Đoàn Di Băng, Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh DƯƠNG LIỄU 24/05/2025 Ngày 24-5, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế tiếp tục có quyết định thu hồi sản phẩm liên quan đến công ty nhà Đoàn Di Băng phân phối. Cục cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty EBC Group và Công ty VB Group.