​Người ngoan

ĐỖ PHẤN 25/01/2015 04:01 GMT+7

Chẳng hiểu vì sao khái niệm “ngoan” thường chỉ được dùng cho trẻ em và phụ nữ. Rất ít đàn ông được khen là ngoan dù có lễ phép, thật thà đến mấy.

Tranh LÊ THIẾT CƯƠNG

“... Đêm í a nằm là nằm song tôi tưởng đến/ Mà này cũng rằng í ngoan/ Người ngoan í a tôi tìm...” (Giã bạn - quan họ Bắc Ninh).

Chẳng hiểu vì sao khái niệm “ngoan” thường chỉ được dùng cho trẻ em và phụ nữ. Rất ít đàn ông được khen là ngoan dù có lễ phép, thật thà đến mấy. Khen một người đàn ông ngoan hình như đồng nghĩa với việc bảo tay ấy là người chậm chạp, “kém tắm”.

Trẻ con phần lớn ngoan ngoãn. Đơn giản vì chúng chưa đủ lớn để hư. Thế nhưng đám trẻ gái khi lớn lên lại chia thành “gái ngoan” và “gái hư”. Đàn ông chỉ có thể hư hỏng mà thôi. Số còn lại thỉnh thoảng được phân định là thành đạt hay không, mà thành đạt cũng không hẳn là ngoan. Trong số ấy lại có rất nhiều người bằng thủ đoạn hèn hạ, bần tiện để trở nên thành đạt.

Gái ngoan cũng không hẳn chỉ là ngoan ngoãn. Trong con người “gái ngoan” hình như cái phần khôn ngoan bao giờ cũng nổi trội hơn. Ít nhất cũng phải đủ khôn để làm cho người khác thấy rằng mình ngoan. Quan họ Bắc Ninh quan niệm như thế. Và sẽ rất hiếm nữ nhân vật trong showbiz đạt được danh hiệu này theo quan niệm ấy. Thường thì họ chỉ đạt được danh hiệu “gái ngoan” trong vai họ đóng của vở diễn hoặc phim ảnh.

Nhưng cuộc đời vẫn vô vàn gái đẹp. Nhà thơ Pờ Sảo Mìn người dân tộc Pa Dí từng thốt lên “Cuộc đời toàn những rượu ngon và gái đẹp/ Rượu uống say mềm gái đẹp ngắm chơi”.

Hình như ở xứ Mường Khương của ông, người ta cũng không quan tâm lắm đến chuyện ngoan, hư chứ không chỉ showbiz. Ngoan, hư của showbiz không thuộc phạm trù đạo đức. Thi hoa hậu mặc áo tắm trình diễn trước hàng nghìn cặp mắt thiên hạ chẳng ai đánh giá là con người lẳng lơ. Người xưa đã có câu bao dung, rằng “Chính chuyên thì cũng ra ma/ Lẳng lơ chết cũng khiêng ra ngoài đồng”.

Nếu chỉ nhìn vào trang phục bên ngoài rất khó để nhận ra người ngoan. Ngày trước các thiếu nữ đoan trang, đài các Hà Nội từng có nhiều năm khoác trên mình bộ áo dài quần trắng. Kèm theo đó là đi đứng, nói năng, ứng xử nhẹ nhàng, thanh lịch. Dĩ nhiên không phải tất cả bọn họ đều ngoan.

Chẳng qua chỉ là quan niệm lúc bấy giờ con nhà gia giáo phải như vậy. Giờ ra đường đố biết ai là con nhà nào. Nhiều con cái nhà thượng lưu ăn mặc nhố nhăng, nói năng bừa bãi, hành xử giang hồ. Lại cũng vô khối cave về nhà điềm đạm ăn mặc, dịu dàng cư xử trông cứ như cô nuôi dạy trẻ mẫu mực.

Cũng không thể căn cứ vào lời ăn tiếng nói hay thái độ cư xử để khẳng định một gái ngoan. Bọn mẹ mìn buôn người trà trộn vào hạng này không phải ít. Bọn lừa đảo dĩ nhiên cũng có thể tập tành ngón nghề này một cách điêu luyện.

Chỉ có cách hữu hiệu nhất để biết một cô gái thế nào là ngoan. Đó là cưới cô ta về làm vợ. Tuy nhiên cũng đầy mong manh bất trắc. Đến đại gia tài giỏi quần quật cả đời cưới thử năm, sáu lần vẫn chưa tìm ra.

Liền anh quan họ Bắc Ninh đã gần năm thế kỷ nay vẫn hát câu giã bạn “... người ngoan í a tôi tìm...”. Giai điệu buồn bã nhưng chưa đến mức tuyệt vọng. Giờ thì quan họ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Luật tục quan họ từ cổ xưa đã nghiêm cấm liền anh liền chị không được lấy nhau. Đành phải vĩnh viễn “... tìm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận