Những hạt lúa chỉ cho màu xanh

NGÔ LIÊM KHOAN 29/03/2012 03:03 GMT+7

TTCT - Thỉnh thoảng bắt gặp những khay sành sứ chưng những mảng mạ xanh mướt đặt nơi bệ cửa, góc gian phòng hay giữa bàn nơi quán cà phê, nhà hàng... thấy lạ mắt, dù màu xanh ấy gắn bó với mình suốt những năm tháng tuổi thơ.

Lúa thì gieo hạt tạo mùa màng, lúa thì tách trấu cho hạt cơm dẻo thơm. Nhưng những hạt lúa ấy chỉ cho màu xanh.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Có phải người ta đã quá quen mắt với những loại cây xanh trang trí hay vì ngẫu hứng muốn làm khác.

Giữa những ồn ào, ngột ngạt của phố xá, màu xanh bao giờ cũng cần, rất cần. Nhưng vì sao người ta phải nhờ đến màu xanh của lúa... Hay màu xanh ấy nhắc nhở thực khách về một quê hương, về một đồng bằng sông Hồng đỏ hạt phù sa, về những cánh đồng Cửu Long ngút ngàn, về những thửa ruộng miền Trung nhỏ hẹp, về những nương lúa rẫy Tây nguyên lộng gió, về những ruộng lúa thang mây Tây Bắc, hay chỉ là những khóm lúa rẫy nhỏ nhoi trên những vạt đá tai mèo…

Nhìn những hạt lúa ken dày nảy mầm xanh bỗng nhớ đến những năm đói kém. Những năm phải ăn cơm độn khoai, độn mì, độn bắp; bưng bát cơm mà chẳng tìm ra hạt gạo. Lúc ấy anh theo bà mót lúa, những gié lúa còn vương vãi sau khi người ta đã gặt, bó rồi gánh về sân kho hợp tác. Những gié lúa ấy giúp bát cơm thêm màu trắng của hạt gạo. Trong bữa ăn, một hạt cơm rơi xuống nền đất bà nhắc phải nhặt để vào mâm vì sợ lỡ giẫm lên nó, mang tội.

Điều kiêng kỵ nông thôn đó giờ đây, trước màu xanh của khay mạ trên bàn, lại khiến anh cảm thấy băn khoăn: mang tội, mà mang tội với ai, mình là nông dân, hạt gạo là do mình làm ra mà; người nào ăn hạt gạo, không làm ra hạt gạo, lại giẫm lên nó mới phải kiêng sợ chứ… Nhưng người nông dân bao đời nay có lẽ không nghĩ vậy; họ phải trải qua nhiều cơn đói kém, dù hạt gạo do chính họ làm ra, chắc rằng họ sợ là sợ mang tội với chính mồ hôi, nước mắt của mình…

Thời ấy, tất nhiên là ít hàng quán, toàn những cửa hàng mậu dịch, chỉ có bàn ghế chén đĩa, làm gì có cây xanh trang trí, nhưng giả dụ nếu có thì chủ cửa hàng dù giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không nghĩ ra việc dùng hạt lúa để làm cây kiểng. Đúng là tồn tại bao giờ cũng quyết định tư duy.

Nhìn nhúm hạt mầm kết rễ, anh bỗng nghĩ đã bao lâu rồi mình chưa thấy hạt lúa? Chắc cũng đã vài năm. Khi trước văn phòng nơi anh làm việc cạnh một khu phố chợ trời ở trung tâm thành phố. Nhiều khi phải khép cửa, he hé một cánh để tránh tiếng ồn ào náo nhiệt từ những gánh bún riêu, bến xe buýt, chợ hàng xôn… Hỗn tạp như vậy nhưng lúc nào trên mái phố, tàn cây, vỉa hè cũng ríu rít tiếng chim sẻ.

Khi mới chuyển tới làm việc anh thấy lạ, đất có lành đâu mà chim đậu. Hôm đi làm sớm, anh thấy bác bán đồng hồ cũ ở vỉa hè đang rải lúa cho chim sẻ. Những hạt lúa được lấy ra từ một túi vải đặt ở góc khay đồng hồ mà hằng ngày anh thường thấy. Bác nói sáng nào cũng vậy, trước khi lên xe buýt tới đây bác đều mang theo một túi lúa. Còn lúa thì bác tìm mua, trữ sẵn ở nhà. Vậy là mỗi khi đang làm việc, nghe tiếng chim ríu rít, anh dừng tay, bước ra xem lũ chim mổ thóc bên vỉa hè…

Buổi trưa rì rì máy lạnh. Cày đồng đang buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Cũng đã qua rồi thời kéo cày thay trâu, cũng không ai bừa thay trâu cày nữa. Nông thôn giờ vắng người. Nông nhàn nhiều hơn trước. Ruộng lúa nhiều nơi bị mất dần nhường đất cho nhà máy, cụm công nghiệp, sân golf. Lo, nhưng vẫn tin rằng nước mình còn xuất khẩu gạo. Trong buổi trưa oi nồng này, hạt lúa, mày đâu chỉ cho ta màu xanh.

Nhưng ta vẫn cảm ơn mày. Và cảm ơn những hạt lúa đã cho ta đĩa cơm văn phòng nuốt vội; cảm ơn hạt lúa đã cho ta tiếng chim sẻ giữa lòng thành phố. Nhúm mạ kia sẽ không trổ đòng, không kết hạt, không tạo mùa màng, chỉ là màu xanh trên bàn dùng để trang trí như những chậu cây xanh khác. Nó không đi hết vòng đời của một cây lúa. Cũng như ta sẽ không bao giờ trở về với thời đập lúa dưới trăng, không bao giờ được nghe lại tiếng chày giã gạo...

Chợt bật lên vài câu thơ trong trí nhớ: Nhìn từ xa núi như em nằm ngủ/ Lỡ chân gần chỉ là đá mà thôi/ Nhưng chẳng lẽ quay về nơi đứng cũ/ Buồn nào hơn hóa đá mọi chân trời (*).

__________

(*) Bài thơ Chân trời mở của nhà thơ Phạm Quốc Ca.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận