Nữ họa sĩ đích thực đầu tiên của Sài Gòn?

PHẠM CÔNG LUẬN 11/03/2020 16:03 GMT+7

TTCT - Cuối năm 2019, tôi đến căn nhà là trụ sở một công ty trà gia đình trong hẻm Khăn Đen Suối Đờn dưới chân cầu Bông. Ở đó, tôi thấy treo mấy bức tranh thủy mặc lớn, nét vẽ cổ kính, giấy đã sẫm màu hòa quyện với hình tượng trong tranh.

 Đến nhìn gần, có bức có dấu triện và ký tên bằng tiếng Việt “Nữ sĩ Lê Thị Ẩn”, bức khác ký là “Việt Nam Nữ sĩ Lê Thị Ẩn”.

Một thoáng ngỡ ngàng, tôi nhớ ngay đến bài báo vừa đọc trên tờ báo xưa - nhật báo Sài Gòn, xuất bản năm 1938, có tường thuật một cuộc triển lãm của nhân vật này tại Nhà hát thành phố Sài Gòn trong năm đó, cách nay hơn 80 năm.

Hình ảnh trong buổi triển lãm của họa sĩ Lê Thị Ẩn đăng trên nhật báo Sài Gòn số 1433, 11 tháng Bảy 1938
Hình ảnh trong buổi triển lãm của họa sĩ Lê Thị Ẩn đăng trên nhật báo Sài Gòn số 1433, 11 tháng Bảy 1938

Qua cuộc triển lãm, báo chí thời đó xem Lê Thị Ẩn là nữ họa sĩ đầu tiên ở thành phố này. Thế nhưng, cái tên đấy lại chìm vào quên lãng, không chỉ với mọi người mà trong giới mỹ thuật đến nay không mấy ai biết.

Chủ nhân ngôi nhà cho biết lai lịch các bức tranh tôi vừa ngắm. Tháng 4-1975, trước giờ phút giải phóng Sài Gòn, khắp đường phố ngổn ngang quần áo lính, nón sắt và cả xe máy, xe hơi và xe quân đội. Một thanh niên trong lúc lộn xộn đã cố tìm cho mình một phương tiện để chạy về nhà, anh thấy một chiếc ôtô ai đó vứt giữa đường. Anh lên xe, chìa khóa còn cắm đó, nên lái vội về.

Về tới nhà, anh phát hiện trên xe có một xấp tranh vẽ trên giấy và một thanh kiếm gỗ. Sau đó, anh đem tặng mấy bức tranh này, để rồi tranh đến tay chủ nhân hiện nay. Cô con gái chủ nhà đã đem tranh đi bồi và làm khung treo trong phòng khách, còn thanh kiếm gỗ đã mất. Không ai để ý đến tên người vẽ và triện đóng trên tranh.

Tranh Lê Thị Ẩn
Tranh Lê Thị Ẩn

Bài báo trên nhật báo Sài Gòn cho biết bà Lê Thị Ẩn sinh năm 1909 tại Mỹ Tho. Khi còn trẻ, bà học Trường trung học Sainte Enfance và tốt nghiệp khoa tâm lý nhi đồng Trường Saint Paul College.

Bà là giám đốc một trường nữ công danh tiếng ở Sài Gòn từ năm 1936 - Trường Nữ công Hưng Đông (còn gọi là Hưng Đông học hiệu) ở số nhà 42-44 đường Aviateur Garros (đường Thủ Khoa Huân ngày nay), ngay trung tâm thành phố, rất gần chợ Bến Thành. Một mình bà đảm đương việc điều hành ngôi trường.

Chuyện học vẽ đến với bà rất tình cờ. Một hôm, bà đến Nhà hát thành phố và có dịp xem một cuộc triển lãm những bức tranh của Hoàng Ảo Ngôn - một họa sĩ Trung Hoa sống ở Việt Nam, gốc gác Quảng Đông. Sau khi ngắm tranh, bà Lê Thị Ẩn khao khát muốn học vẽ. Bà tìm đến nhà họa sĩ Hoàng Ảo Ngôn xin học.

Buổi đầu thật gian nan vì bà không biết nói tiếng Quảng Đông và ông Hoàng không biết tiếng Việt. Rất may, hồi nhỏ bà Ẩn có học chữ Hán nên có thể dùng viết để bút đàm cùng thầy. Sau một thời gian học vẽ, bà biết vẽ và nói được tiếng Quảng Đông. Khi vẽ tranh, bà ký tên thật hoặc có khi là “Việt Nam Nữ Sĩ” hay “Phác Ngọc”. Trong thời gian học, bà vẫn điều hành trường nữ công.

Tranh Lê Thị Ẩn
Tranh Lê Thị Ẩn

Đến khi đã sáng tác được nhiều bức tranh ưng ý, bà tổ chức một cuộc triển lãm tranh vào mùa hè năm 1938 với 70 bức tranh tại Nhà hát thành phố, lúc đó gọi là Nhà hát Tây.

Trong bài viết “Cuộc triển lãm ở nhà hát Tây của nữ họa sĩ Lê Thị Ẩn” đăng trên báo Sài Gòn số 1433, 11-7-1938, tác giả Hoa Đường đã ngạc nhiên vì chỉ biết bà Ẩn là chủ trường nữ công, nay lại xuất hiện như một họa sĩ. Theo Hoa Đường, buổi chiều khai mạc triển lãm có vài vị quan khách quyền cao chức trọng là ông Berland, chủ tỉnh Gia Định; ông Boy Landry, thương gia và đốc lý thành phố từng được Bắc đẩu Bội tinh; ông đốc phủ Lê Quang Liêm cùng các thân hào người Pháp và Việt đến dự rất đông.

Hình ảnh trong buổi triển lãm của cô đăng trên nhật báo Sài Gòn số 1433, 11 tháng bảy 1938
Hình ảnh trong buổi triển lãm của cô đăng trên nhật báo Sài Gòn số 1433, 11 tháng bảy 1938

Các tác phẩm của bà nhận được nhiều lời khen của quan khách, được nhìn nhận là nét bút của họa sĩ thần tình và sinh động. Ông Boy Landry mua bức Thần tiên quyến thuộc vẽ đôi chim trên cành mai giá 100 đồng. Ông Berland bỏ ra 50 đồng để lấy bức Vân Sương yên lộ.

Các bức tranh của HS Lê Thị Ẩn và dấu triện cùng chữ ký.
Các bức tranh của HS Lê Thị Ẩn và dấu triện cùng chữ ký.

Qua ngày hôm sau, báo tiếp tục có bài trong số 1434 tựa đề “Một nữ họa sĩ thứ nhứt của Nam Kỳ, cô Lê Thị Ẩn”. Ký giả Hoa Đường tiếp tục dành những lời tốt đẹp cho tranh của bà. Ông ca ngợi bức Hàn giang độc điếu như phác họa bài thơ Thu điếu của cụ Nguyễn Khuyến với câu thơ “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Ông nhắc lại trước đó, cũng tại nhà hát này, đã có triển lãm tranh của danh họa Trung Hoa Đỗ Kỳ Chương.

Các bức tranh của họa sĩ Lê Thị Ẩn, dấu triện cùng chữ ký.
Tranh của họa sĩ Lê Thị Ẩn

Theo Hoa Đường, tranh của bà Lê Thị Ẩn theo lối vẽ hiện đại của người Trung Hoa lúc ấy (style modern chinois), cùng lối vẽ của họa sĩ Hoàng Ảo Ngôn mà bà là học trò. Ông so với nữ họa sĩ khác là Huê Mỹ vẽ rất cuốn hút, “lộng lạc mê hồn”, trong khi tranh của Lê Thị Ẩn có vẻ đẹp kín đáo mơ mộng. Trong 70 bức, các bức đẹp là Hàn giang độc điếu, Đơn sơ bạch phụng, Thần tiên biến thuật…

Tranh Lê Thị Ẩn
Tranh Lê Thị Ẩn

Theo cuốn Nhân vật Việt Nam do Việt Nam Thông Tấn Xã xuất bản tại Sài Gòn năm 1973, bà Lê Thị Ẩn có một cuộc đời hoạt động xã hội khá phong phú. Ngoài việc giảng dạy nữ công và vẽ tranh, bà còn tham gia sáng lập và làm hội trưởng Hội Dục Anh, phó chủ tịch Hội Hồng thập tự Việt Nam năm 1952, là người mở trường mẫu giáo tư nhân đầu tiên tại Sài Gòn năm 1953, là trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị phụ nữ quốc tế tại Manila năm 1953…

Tuy vậy, sự nghiệp sáng tác tranh của bà không hề nhạt nhòa. Ngoài các cuộc triển lãm tại Sài Gòn năm 1938 và 1949, bà còn tham gia triển lãm tranh lụa ở Hong Kong, Thượng Hải, Manila năm 1941-1942; các cuộc triển lãm tại Pháp 1950-1951, tại Rio de Janeiro tháng 4-1970, tại Washington D.C. tháng 10-1970, tại Nhật năm 1971.

Tranh Lê Thị Ẩn
Dấu triện trên tranh Lê Thị Ẩn

Trong khoảng thời gian này, Nam Kỳ đã có một nữ họa sĩ tài danh là họa sĩ Lê Thị Lựu từ miền Bắc vào dạy học tại Sài Gòn năm 1933 tại Trường Mỹ thuật Gia Ðịnh. Họa sĩ Lê Thị Lựu học Trường Mỹ thuật Đông Dương, theo trường phái hội họa phương Tây.

So với họa sĩ Lê Thị Lựu được đào tạo trường quy trong thời gian dài và đi trọn con đường hội họa chuyên nghiệp khá thành công, bà Lê Thị Ẩn vẽ theo trường phái Trung Hoa và là người rẽ ngang đi vào con đường nghệ thuật như một niềm vui riêng.

Họa sĩ Lê Thị Ẩn
Chân dung họa sĩ Lê Thị Ẩn

Tuy vậy, ở xã hội thời đó, với quan niệm về vai trò hạn hẹp của nữ giới, những khao khát của bà đi theo con đường này mở ra rất nhiều suy nghĩ và tìm tòi cho các thế hệ sau. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận