TTCT - Vở kịch về Vy, một cô bé có cha người Việt, mẹ người Bỉ và sinh ra ở Algérie, đã mang lại cho người kể chuyện - hình bóng đời thực của Vy - giải Molière khán giả trẻ 2011 trong khuôn khổ giải Molière, giải thưởng danh giá nhất của sân khấu kịch Pháp.

Michèle Nguyễn biểu diễn trong vở Cách cô ấy vài bước chân - Ảnh: Nicolas Joubard

Michèle Nguyễn, nữ nghệ sĩ kể chuyện có một phần máu Việt ấy, tiếp tục đi khắp festival sân khấu để kể cho khán giả bốn phương chuyến du hành trong tâm tưởng về cội nguồn của mình.

Quý bà trên sân khấu chuyện kể

Trên sân khấu cùng con rối - như một phần kéo dài của hiện thân mình, với giọng nói đầy ma lực, Michèle Nguyễn kể về những năm tháng tuổi thơ bên người bà khó tính, luôn ngăn cản cháu thực hiện ước mơ trở thành diễn viên múa. Rồi cô gặp những người bạn đã mở ra cho cô một chân trời mới của cái đẹp và sự sẻ chia. Chuyến du hành của Michèle Nguyễn với Vy bắt đầu như thế.

Cha Michèle là người Việt. Nhưng cô chưa hề được lớn lên bên ông, cũng chưa bao giờ sống ở Việt Nam, chưa bao giờ học tiếng Việt. Nếu không có họ Nguyễn sau tên gọi, vẻ ngoài của Michèle không khác gì vô vàn cô gái châu Âu. Thế nhưng nguồn gốc từ người cha đã bỏ mẹ con cô từ rất lâu ấy lại trở thành một nỗi trăn trở suốt thời thơ ấu và cả sau này, trong những câu chuyện kể của Michèle, người từng được festival La Vallée des contes của Pháp giới thiệu là “quý bà của chuyện kể”.

Kỹ thuật viên Morane Asloun đã đồng hành cùng Michèle trong những vở diễn của cô tại Pháp, Bỉ và các festival quốc tế hơn mười năm nay. Anh kể lại: “Trong các sân khấu biểu diễn, hiếm khi thấy khán giả nào có tâm trạng xáo động khi xem kịch như khán giả của Michèle. Làm việc với Michèle đúng là hạnh phúc”.

Buổi biểu diễn trong mưa của Michèle Nguyễn tại festival Huế năm 2010 là lần biểu diễn đầu tiên của cô tại Việt Nam, với cô, là một “trải nghiệm kỳ lạ chưa từng biết đến bao giờ”. Sân khấu ngoài trời, mưa lớn khi vở diễn bắt đầu, những sân khấu khác ở gần kề đó với đủ âm thanh, micro hỏng nốt vì nước mưa và đành dừng lại khi vở diễn được nửa chừng. Ít người biết được đây chính là vở diễn A quelques pas d’elle (Cách cô ấy vài bước chân) - một trong những vở kịch đã làm nên tên tuổi của Michèle.

Vở kịch có dính dáng cội nguồn Việt Nam này là dòng tự sự của một người con gái với người cha đã rời bỏ đời sống thực của con, những tưởng tượng, những đối thoại, những hồi ức của một đứa con luôn đung đưa giữa hai thế giới khác biệt: đây hay nơi ấy là cội rễ, là chốn tìm về…

Và Vy chính là bước tiếp nối của vở kịch ấy. Được thai nghén và ra đời tiếp sau lần về Việt Nam biểu diễn, Vy đánh dấu một bước chuyển mới của Michèle Nguyễn trong kịch kể chuyện, với sự thể hiện kết hợp cùng con rối.

Trang giới thiệu tác phẩm được giải Molière jeune public 2011 của Hiệp hội Các tác giả và nhạc sĩ sân khấu đã trích lời Michèle viết về Vy: “Ngôn từ của vở kịch này như một bản tổng phổ của một giai đoạn cuộc đời là tuổi thơ tôi. Thời thơ ấu của tôi vừa là nét nhạc chủ đề mà tôi cùng vui đùa, vừa là nhạc cụ mà tôi chơi, vừa là sự yên lặng mà tôi buộc phải chấp nhận, vừa là sợi dây đàn rung lên mà tai mình dành thời gian lắng nghe”.

Michèle Nguyễn nhận giải Molière (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Họ Nguyễn vần với cùi dìa”

Tốt nghiệp Lassaad - trường quốc tế về nghệ thuật sân khấu dựa vào chuyển động cơ thể - ở Bruxelles (Bỉ), Michèle bắt đầu sự nghiệp nghệ sĩ kể chuyện. Cô chọn cho mình một lối đi riêng: “Có những người chuyên kể chuyện cổ để truyền thống mãi mãi được tiếp tục. Phần tôi thì không kể các câu chuyện truyền thống vì không được sống trong một gia đình có cha mẹ kể chuyện cho con ngủ. Bù lại, tôi đọc rất nhiều. Chắc vì thế nên những điều tôi viết và kể ra làm mọi người nhớ lại những cảm xúc từng trải qua.

Khi tôi diễn vở Cách cô ấy vài bước chân tại festival Avignon ở Pháp, trong số khán giả đến gặp tôi có nhiều cô gái lai, họ nói rất xúc động vì như thấy tôi kể về mối liên hệ giữa họ với người cha của mình. Họ cảm động vì tôi đã tìm ra những từ để gọi tên các cảm xúc mà họ từng có”.

Rất nổi tiếng trong giới sân khấu Pháp và Bỉ với tư cách nghệ sĩ kể chuyện, Michèle Nguyễn được mời đến nhiều festival quốc tế, mà như cô giải thích trong lần gặp chúng tôi sau chuyến biểu diễn tại festival Huế: “Chính vì tôi là người gốc Á. Người ta thích giới thiệu tôi là Michèle Nguyễn, có cha là người Việt, mẹ là người Bỉ, sinh ra ở Algérie. Cái đó như là tấm danh thiếp của tôi, giúp tôi được gặp nhiều người thú vị và có được chỗ đứng trong nghề này”.

Nhưng đó là lời nói khiêm tốn và sự trải lòng nhẹ nhàng của một người đã hàn gắn nhiều vết thương nội tâm, chính vì cảm giác lạc loài giữa hai thế giới suốt một thời con trẻ.

“Khi tôi mới đến Bỉ, bạn bè ở trường cứ đem họ tôi ra trêu, Nguyễn (tiếng Pháp đọc thành /n'kuien/ vần với “cùi dìa” (cuillère)… Tự bản thân tôi soi gương chẳng thấy mình có tí châu Á nào. Tôi thấy mình là người Bỉ thứ thiệt như mẹ tôi vậy vì tôi đã lớn lên bên bà. Điều đó đã là nỗi day dứt suốt thời thơ ấu - Michèle kể lại - Có thể nói tôi có một người cha bằng giấy.

Những bức thư ông vẫn thường gửi cho tôi chứa đầy lời khuyên răn của một người cha Việt Nam dành cho con, như kiểu làm sao để thành người vợ tốt kiểu truyền thống Việt Nam, dù ông không hề ở bên chúng tôi”.

Nghĩa là trước khi đến Việt Nam lần thứ hai, Michèle chưa chấp nhận hình ảnh người cha của mình, không chấp nhận cả việc mình là con lai, cả họ của cha và những lời khuyên của ông. Tại Bỉ, cô không có liên hệ gì với cộng đồng người Việt. Nơi cô hay gặp người gốc Việt nhất là ở nhà hát, sau các buổi diễn vở Cách cô ấy vài bước chân.

Michèle Nguyễn kể chuyện trên sân khấu cùng con rối trong vở Vy - Ảnh nhân vật cung cấp

 “Vy là cuộc gặp gỡ với sức mạnh của ngôn từ, sự kỳ diệu của ngòi bút”.

(trích nhận xét về vở Vy trên www.sacd.be của Hiệp hội Các tác giả và nhạc sĩ sân khấu, có trụ sở ở 40 nước trên thế giới)

Sự bình yên từ “âm nhạc” đường phố

Năm 1998, Michèle tham gia một cuộc thi viết kịch và tự nhủ nếu thắng sẽ đến Việt Nam, xứ sở cô chưa từng được biết nhưng đã cho cô rất nhiều ám ảnh. Và kịch bản của cô đoạt giải thưởng 100.000 franc Bỉ. Chuyến đi lần đầu tiên thành sự thật. Nhưng là một chuyến đi không toại nguyện. Người bạn trai cùng đi hay phê phán, còn Michèle không chịu đựng được ai đó nói gì về quê cha - dù gì nơi đó đã là một phần trong cô.

Lần thứ hai, năm 2000, qua một hợp đồng với nhà hát quốc gia thành phố Poitiers thuộc vùng Poitou-Charente là nơi có hiệp định hợp tác với Việt Nam, cô có chuyến đi tìm chất liệu kịch tại Hà Nội. Nhờ sự tận tình của phái đoàn Wallonie - Bruxelles, Michèle gặp Hương - một diễn viên múa, người đã dạy cho cô một vài điệu múa Việt Nam, trong một “cuộc gặp gỡ thú vị nhất mà tôi có thể có trên đời” - như Michèle nói và gặp Vy hướng dẫn du lịch ở Huế, người kể cho cô nhiều chuyện thú vị.

Tên của cô ấy gợi mở nhiều cho Michèle sau này. Còn một ấn tượng sâu đậm nữa là những âm thanh ồn ã không ngừng nghỉ của đường phố Hà Nội.

Đến khi gặp chúng tôi ngay giữa ồn ào của Hà Nội mười năm sau, những âm thanh này vẫn sống động trong lời kể của Michèle: “Ngay cả khi về Bỉ rồi tôi cũng chưa biết sẽ kể câu chuyện của mình như thế nào. Chỉ đến khi tôi cảm thấy trống vắng ở Bruxelles vì nhớ những âm thanh đường phố của Việt Nam, tôi mới bắt đầu viết về loại “âm nhạc” đặc biệt tôi đã được nghe ở Việt Nam”. Đó là nguyên cớ cho việc ra đời vở Cách cô ấy vài bước chân. Michèle đã tìm cách hòa giải với quá khứ của chính mình.

Trong vở này, Michèle nói đến loại “âm nhạc” cô được nghe ở Việt Nam: chính là trong những âm thanh ồn ào ấy của đường phố mà cô đã tìm thấy sự yên bình đối với cha mình, với quá khứ, với hiện tại.

“Khi bạn không chấp nhận một âm thanh nào đó thì nó chỉ là tiếng ồn, nhưng khi bạn đã học cách yêu mến nó thì nó trở thành âm nhạc. Cũng giống như nếu quá khứ của bạn có gì đó mà bạn cảm thấy không thể chấp nhận thì nó mãi mãi là một thứ hỗn độn làm mình khó chịu, nhưng khi đã chấp nhận quá khứ của mình rồi thì coi như bạn đã có chìa khóa để đi đến với sự hài hòa của thế giới. Đó chính là cách tiếp cận nghệ thuật của tôi” - Michèle Nguyễn tâm sự.

Với vở mới Vy, một lần nữa Michèle Nguyễn chứng tỏ được sự tinh tế của cô trong sử dụng ngôn từ. Vy vừa là tên của nhân vật, vừa là từ đồng âm với vie trong tiếng Pháp, nghĩa là cuộc sống. Gọi lại tên những cảm xúc từng trải qua, bắc nhịp cầu thương nhớ giữa hai bờ quá khứ và hiện tại, những câu chuyện kể của Michèle khiến người xem phải rưng rưng với cuộc đời này.

Kỹ thuật viên Morane Asloun nói anh nhớ nhất một tờ báo đã bình luận về những câu chuyện kể trên sàn diễn của Michèle Nguyễn như thế này: “Michèle là phút giây ân huệ trong thế giới đảo điên”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận