Quảng Lưu: Rừng dẻ tái sinh

ÔNG NGUYỄN VĂN HỢP 07/09/2011 19:09 GMT+7

TTCT - Hơn 1.900ha đất rừng ở xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trước đây trơ trụi vì bị chặt phá giờ đã xanh tươi bạt ngàn cây dẻ. Rừng dẻ tái sinh là nhờ quyết sách của chính quyền và sự ủng hộ hết lòng của người dân.

Họ giữ rừng như giữ chính túi tiền, hũ gạo của mình. Và rừng đã không phụ lòng người...

Phóng to

Một góc rừng dẻ ở xã Quảng Lưu - Ảnh: Lam Giang

Con đường 22B có từ thời kháng chiến chống Mỹ, thêm đường mới mở từ trung tâm xã lên vùng chiến khu xưa Trung Thuần đều chạy ven chân những dãy đồi trồng dẻ xanh đến ngút mắt. Đồi ở đây mọc toàn cây dẻ, thứ cây bám vững chãi và sống tươi tốt trên đất sỏi đá khô cằn.

Quyết sách giữ rừng

“Lắm lúc bắt được người phá rừng bọn tui còn phải... thủ thỉ hầu chuyện với họ cả buổi rồi cho họ về. Cứ thế, người dân nào ở xã Quảng Lưu này cũng được bọn tui tuyên truyền về ích lợi của rừng. Làm ngày làm đêm trên rừng nhưng bọn tui chỉ được xã trả lương 200.000 đồng/tháng, thế mà vẫn làm tròn công việc”.

20 năm trước, những dãy đồi ở Quảng Lưu đều trọc lóc bởi hằng ngày có vài trăm lượt người tại chỗ và từ các xã lân cận như Quảng Tiến, Quảng Thạch, Quảng Châu... vào chặt phá cây không thương tiếc. Những gốc cây còn lại phải vất vả nảy mầm, mầm chưa kịp lớn cây đã bị đốt sạch lấy đất làm nương rẫy trồng sắn, ngô. Không còn rừng, chỉ thấy những mảng đất loang lổ, xác xơ.

Ông Biền Ngân, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, vẫn chưa quên được thời kỳ đó: “Mỗi mùa mưa đến nước từ những ngọn đồi tuôn như thác xuống làng vì không còn cây để hút nước, cản nước. Mùa nắng mặt đất như chực chờ phực lửa. Chưa đến giữa mùa khô hạn mà nước trong vùng đã cạn kiệt, ảnh hưởng môi trường sống và sản xuất ghê lắm...”.

Mất rừng nên năm nào Quảng Lưu cũng mất mùa do lũ quét và khô hạn. Các hồ chứa nước chủ lực trên địa bàn xã là Vân Tiền, Trung Thuần, Nước Sốt và Khe Dẻ gặp nhiều sự cố hơn trước. Mùa mưa nước dâng nhanh, cao, tràn bờ gây lũ quét, ngập úng làng mạc, ruộng vườn. Mùa nắng hồ thường xuyên khô cạn. Mất rừng nên người dân vùng bán sơn địa Quảng Lưu vốn đã nghèo đói càng đói nghèo hơn do thiếu ăn, lại chẳng còn củi đốt. Họ vất vả tìm kế sinh nhai.

Trước tình hình đó, chính quyền xã hết sức đau đầu, lo lắng cho cuộc sống của người dân. Sau nhiều lần bàn định, cuối cùng chỉ có phương sách đúng đắn nhất là tìm cách hồi sinh rừng dẻ. Năm 1990, xã ra quyết sách đóng cửa rừng, không cho người dân nào vào làm nương rẫy nữa. Cấm đào phá cả những gốc cây dẻ còn sót lại. Dân Quảng Lưu không khỏi bức bối vì toàn xã chỉ có 541ha đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đất rừng và rừng lâu nay vẫn là một nguồn nuôi sống hơn 6.200 người. Đã vậy thì kỳ bầu cử tới sẽ không bỏ phiếu bầu tiếp các cán bộ xã nữa - có lời “hăm” như thế.

Ông Biền Ngân kể: “Ban đầu, do dân quá đói kém nên có nhiều vị là đảng viên vẫn phá rừng làm rẫy. Đảng ủy xã phải ra lệnh cấm, “dọa” sẽ kỷ luật nặng đảng viên nào vi phạm, thậm chí kiên quyết khai trừ khỏi Đảng”. Do xã cấm ráo riết quá, lại cho dân quân chốt chặn, truy đuổi những người phá rừng nên dân xã cũng... chờn.

Ông Nguyễn Văn Hợp, một trong những người bảo vệ rừng ngày ấy, cho biết: “Lắm lúc bắt được người phá rừng bọn tui còn phải... thủ thỉ hầu chuyện với họ cả buổi rồi cho họ về. Cứ thế, người dân nào ở xã Quảng Lưu này cũng được bọn tui tuyên truyền về ích lợi của rừng. Làm ngày làm đêm trên rừng nhưng bọn tui chỉ được xã trả lương 200.000 đồng/tháng, thế mà vẫn làm tròn công việc”.

Cây dẻ và đất rừng Quảng Lưu nhờ vậy thoát cảnh bị chặt phá, đốt làm rẫy.

Phóng to

Cơ ngơi của gia đình anh Phan Văn Nam bên rừng dẻ tươi tốt suốt bốn mùa - Ảnh: Lam Giang

Thu tiền tỉ từ rừng

Rừng dẻ trở lại xanh tươi bạt ngàn. Cuộc sống của hơn 7.000 người dân trong xã hôm nay đã thay đổi nhờ quyết sách cấm phá rừng của xã ngày nào.

Không ai thấm thía hơn anh Phan Văn Nam (ở thôn Vân Tiền) về những lợi ích mà rừng dẻ đã đem lại cho gia đình anh. Ngày ấy, bởi nhà nghèo quá nên anh Nam dù chưa lấy vợ vẫn một mình lặn lội lên vỡ đất dưới khe cạnh rừng dẻ để làm nương rẫy. Khi xã đóng cửa rừng, anh xung phong tự nguyện làm người giữ đất rừng.

Thời gian đầu, anh còn khoai, lúa trồng được làm cái ăn. Khi rừng dẻ bắt đầu hồi sinh, phát triển và cho hạt, công việc nhặt hạt dẻ trở thành kế mưu sinh của anh. Đến nay, mỗi năm vào mùa dẻ cho hạt, anh và vợ con thu hoạch được gần nửa tấn hạt, thu vào gần chục triệu đồng. Chỉ nhờ hạt dẻ mà dần dà anh xây dựng được nhà ở khang trang, mua xe máy và tạo lập chuồng trại chăn nuôi bò, dê, đào hai ao cá rộng hơn 500m2, lập vườn cây ăn quả ở khe cạn giữa hai dãy đồi bạt ngàn cây dẻ.

Bây giờ người dân Quảng Lưu và cả ở các xã lân cận coi nguồn thu từ hạt dẻ là quan trọng. Một người trung bình nhặt được vài tạ hạt/năm, kiếm khoảng năm, bảy triệu đồng - một nguồn thu khá lớn so với làm nông nghiệp ở một xã ít ruộng đất. Mùa dẻ rụng hạt, trong rừng ngày nào cũng có trên dưới 2.000 người vào nhặt.

Theo thống kê của xã, mỗi năm người dân trong xã thu nhặt được trên 100 tấn hạt, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, toàn xã đã có khoản tiền hơn 2 tỉ đồng. Con số này chắc chắn còn thấp hơn nhiều so với thực tế, đó là chưa kể khoản thu từ hạt dẻ của người dân ở các xã khác, “cũng không thấp hơn của người dân Quảng Lưu” như ông Biền Ngân khẳng định. Hạt dẻ Quảng Lưu đã đi tận Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An...

Không chỉ bảo vệ rừng dẻ, mỗi năm người dân Quảng Lưu còn trồng giặm trên 4 vạn cây khác vào rừng. Rừng đã xanh, hồ thủy lợi có nước, năng suất và sản lượng cây trồng ở Quảng Lưu tăng lên hằng năm. Không còn cảnh người người vác can, mang bình đi cõng nước uống giữa mùa hè nắng nóng.

“Xã bảo vệ được rừng thì xã có được môi trường sống tốt. Người dân bảo vệ được rừng thì có lợi từ rừng, đó cũng là lợi của xã vậy” - người lãnh đạo cao nhất của xã Quảng Lưu nói vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận