Đầu năm 2025: 'Sát thủ vô hình' vẫn lảng vảng

YÊN LAM 17/02/2025 10:01 GMT+7

TTCT - Năm 2025 mới qua hơn một tháng mà không khí đã mờ mịt khắp nơi, cộng thêm các nghiên cứu mới về tác động của không khí bẩn đến sức khỏe càng khiến người ta "khó thở".

'Sát thủ vô hình' vẫn lảng vảng - Ảnh 1.

Một góc quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy trong ngày ô nhiễm không khí. Ảnh: Danh Khang - Quang Thế

Đầu tháng 1, Hà Nội hai lần đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí (3 và 7-1), TP.HCM cũng có lúc đứng ở vị trí thứ 2 (24-1). Thái Lan hồi hạ tuần tháng 1 phải buộc hơn 350 trường học tạm nghỉ, khuyến khích người dân làm việc tại nhà vì không khí ô nhiễm trầm trọng.

Theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) do IQAir - đối tác của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) - đo đạc và công bố, chỉ số trên 100 là không tốt cho sức khỏe, và trên 200 là cực kỳ nguy hiểm. 

AQI ở Hà Nội sáng 3-1 là 284, còn 7-1 là 264. Thái Lan đóng cửa trường học vào các ngày mà AQI ở mức 159-185, song nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Bangkok trong tuần cuối tháng 1 luôn ở mức cao, lên tới 108 microgram/m3 không khí vào ngày 24-1, cao 21,6 lần so với hướng dẫn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Giữa những chỉ số ngất ngưởng này, các báo cáo mới về tác động của ô nhiễm không khí khiến người ta thêm ngộp thở theo mọi nghĩa.

Nghiên cứu đăng trên tập san Nature Communications ngày 6-2 cho biết tiếp xúc ngắn hạn với ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng tới khả năng tập trung vào các việc làm thường nhật. 26 người tham gia thực hiện các bài kiểm tra nhận thức trước và sau khi tiếp xúc với nồng độ bụi mịn cao thông qua khói nến hoặc không khí sạch trong vòng một giờ. 

Kết quả cho thấy dù thời gian tiếp xúc ngắn, không khí có nồng độ bụi mịn cao cũng ảnh hưởng đến khả năng chú ý có chọn lọc và nhận diện cảm xúc. Theo tiến sĩ Thomas Faherty ở Đại học Birmingham, đồng tác giả của nghiên cứu, điều này có nghĩa ta sẽ dễ phân tâm khi thực hiện các việc bình thường trong đời sống như đi siêu thị, giao tiếp với người khác cũng ảnh hưởng vì khả năng nhận diện các chỉ dấu cảm xúc từ người đối diện kém hơn.

Cũng trong ngày 6-2, một phân tích mới của UNICEF cho thấy tất cả trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương (tổng cộng 500 triệu trẻ) đang sống tại các quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí không an toàn. 

325 triệu trẻ sống ở các quốc gia có mức PM2.5 trung bình hằng năm vượt quá hướng dẫn của WHO hơn 5 lần; 373 triệu trẻ khác sống ở các quốc gia có nồng độ nitrogen dioxide (NO₂) không an toàn, và 91% trẻ em trong khu vực (tương đương 453 triệu em) sống ở các quốc gia có mức ô nhiễm ozone vượt quá tiêu chuẩn của WHO. 

Gần một nửa lượng PM2.5 ở các quốc gia có mức ô nhiễm cao nhất đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu sinh khối và chất thải nông nghiệp, cũng là các nguồn phát thải khí nhà kính thúc đẩy biến đổi khí hậu.

Theo UNICEF, ô nhiễm không khí liên quan đến gần 1/4 số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Đông Á và Thái Bình Dương và có thể tác động đến mọi giai đoạn trong cuộc đời trẻ. Tác hại bắt đầu ngay từ trong bụng mẹ, làm tăng nguy cơ sinh non và thiếu cân. 

Khi trẻ nhỏ hơn, các em thở nhanh hơn và gần với các nguồn ô nhiễm ở tầm thấp như khí thải xe cộ, khiến các em dễ bị mắc hen suyễn, tổn thương phổi và chậm phát triển. Về lâu dài, ô nhiễm không khí âm thầm làm gia tăng các bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh tim mạch, đe dọa tương lai của trẻ em. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận