Sông Mekong: Vùng nước chưa biết

CHIÊU VĂN (TỔNG HỢP) 04/03/2020 23:03 GMT+7

TTCT - Dòng sông mẹ của Đông Nam Á lục địa đã nuôi dưỡng những nền văn minh lớn nhất khu vực trong nhiều thiên niên kỷ. Nhưng giờ nó đang khô cạn, bị bủa vây tứ bề bởi các đập thủy điện, thủy lợi, tình trạng đánh bắt cá quá mức, những điểm khai thác cát bất hợp pháp quy mô lớn và cả dự tính đào sông nắn dòng phục vụ vận tải.

Mỗi chấm màu vàng là một đập thủy điện trên sông Mekong hoặc trên các chi lưu của nó. Ảnh: National Geographic
Mỗi chấm màu vàng là một đập thủy điện trên sông Mekong hoặc trên các chi lưu của nó. Ảnh: National Geographic

Mới nhất, hôm 21-2, nhiều hãng tin trong khu vực, như kênh truyền hình Singapore Channel News Asia hay nhật báo Hong Kong South China Morning Post, đồng loạt đưa tin chính quyền Thái Lan đã bác một dự án của Trung Quốc đề nghị nạo vét và đào sâu thêm lòng sông Mekong để tàu thuyền thương mại có thể đi lại. 

Kế hoạch này đã được Trung Quốc dấm dứ 20 năm qua. Trong khi South China Morning Post bình luận “quyết định này có thể đánh dấu sự thay đổi trong cách thức các nước ở hạ lưu đối phó với tham vọng của Bắc Kinh”, sự thật là cho tới giờ những gì Trung Quốc muốn ở sông Mekong thì họ gần như luôn làm được.

“Các nhà quan sát nói không có sự cộng tác của các nước ở vùng hạ lưu, ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng sẽ tiếp tục và không bị thách thức” - tờ báo viết, dù nhận định quyết định của Chính phủ Thái Lan là “một chiến thắng” tạm thời cho dân địa phương và giới tranh đấu vì môi trường.

Dự án cải tạo đường thủy Lan Thương - Mekong, được Trung Quốc đề xuất năm 2000, gồm việc nạo vét lòng sông, dùng thuốc nổ san phẳng những thác nước và nắn dòng cho tàu bè thương mại, tạo ra tuyến đường thủy nối tây nam Vân Nam với các cảng ven sông của Thái Lan, Lào và cả phần còn lại của Đông Nam Á lục địa.

Giống như các đập thủy điện, nó đã vấp phải sự chống đối quyết liệt suốt một thời gian dài của các cộng đồng ven sông và giới bảo vệ môi trường, những người lo sợ nó sẽ hủy diệt hệ sinh thái vốn đã mong manh của dòng sông, làm trầm trọng thêm vấn đề ở các nước hạ lưu và chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Dòng sông mẹ

Sông Mekong, dài khoảng 4.800km, là con sông dài thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua sáu nước ra Biển Đông. Hệ sinh thái cực kỳ đa dạng của nó là môi trường sống và nguồn cung cấp thực phẩm chủ lực cho khoảng 70 triệu người thuộc các cộng đồng sinh sống ven sông ở các nước Đông Nam Á.

Về mặt lịch sử, mọi nền văn minh lớn của khu vực gần như đều xoay quanh con sông này. Từ những xã hội định cư đầu tiên ở vùng Điền (nay là Vân Nam) tới vương quốc Phù Nam ở vùng nay là Campuchia và Nam Bộ Việt Nam của những thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên, từ đế triều Khmer hùng mạnh những năm chuyển giao thiên niên kỷ một và hai tới vương quốc Ayutthaya của người Thái hay đế quốc Toungoo của người Miến Điện tiền hiện đại, mọi dấu vết văn minh của vùng Đông Nam Á lục địa trong lịch sử đều bám chặt vào dòng sông mẹ.

Sự đa dạng của địa hình và hệ sinh thái Mekong được thể hiện ngay từ cái tên. Với người Tây Tạng ở đầu nguồn, nó là Dza Chu, dòng sông Đá; với người Vân Nam, nó là sông Lan Thương (“Lan” là “sóng dữ”, “Thương” là “nước lạnh”), người Lào và Thái gọi nó là sông Mẹ, người Campuchia là dòng nước Vĩ Đại và với Việt Nam là Cửu Long. Chỉ kém lưu vực Amazon về độ đa dạng sinh học, sông Mekong còn được gọi là “Danube của phương Đông” với rất nhiều đô thị lớn nằm dọc dòng sông hoặc các chi lưu của nó.

Thành phố Cảnh Hồng (Vân Nam), kinh đô xa xưa của vương quốc Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna) của người Thái chẳng hạn, ngày nay vẫn là nơi sinh sống của 13 nhóm chủng tộc (và hàng mấy chục ngôn ngữ) khác nhau.

Còn Luang Prabang thuộc Lào là một đô thành pha trộn những nét Phật giáo huyền ảo với các di sản thuộc địa Pháp. Rồi còn có thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Biển Hồ Tonle Sap (hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và vùng đánh cá nội thủy lớn nhất thế giới) trước khi chảy qua vựa lúa của Việt Nam - Đồng bằng sông Cửu Long.

Một nông dân tại tỉnh Bến Tre cắt lúa về cho bò ăn vì đã bị nhiễm mặn. Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một nông dân tại tỉnh Bến Tre cắt lúa về cho bò ăn vì đã bị nhiễm mặn. Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Những lợi ích mới

Từ khi Trung Quốc nổi lên với tư cách một siêu cường khu vực rồi thế giới, dòng sông vốn hiền hòa bỗng được gán cho một ý nghĩa trọng đại khác thường: Bắc Kinh coi sông Mekong là cửa ngõ mở ra Ấn Độ Dương và xa hơn nữa, không chỉ cho dự án Vành đai - con đường khét tiếng, mà còn để giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào tuyến thương mại qua eo biển Malacca vốn nhiều bất trắc do những rắc rối (phần nhiều cũng do Trung Quốc gây ra) ở Biển Đông.

Trong nhiều động thái của Trung Quốc ở thượng lưu, các đập thủy điện gây nhiều tranh cãi và bị chỉ trích nhiều nhất, nhưng cho tới giờ các đập thủy điện đã xây xong hết và Bắc Kinh chưa bao giờ thực sự cân nhắc nghiêm túc việc dừng các hoạt động này.

Phát biểu tại Diễn đàn hợp tác Lan Thương - Mekong (do chính Trung Quốc khởi xướng năm 2015), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vẫn khăng khăng tình trạng hạn hán trầm trọng ở vùng hạ lưu vừa qua là do thiếu mưa, chứ không phải do các đập nước ở thượng nguồn.

Nhưng một số chuyên gia không nghĩ vậy. “Hệ sinh thái của sông Mekong quả là đã rất kiên cường và quen với các vụ hạn hán… nhưng những đợt hạn cực đoan trước kia không trở nên trầm trọng thêm vì tác động của hàng trăm đập nước chặn dòng chảy, các loài cá và phù sa ở thượng nguồn và nhiều nhánh sông như bây giờ - Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, tổ chức an ninh và hòa bình phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Washington, Mỹ, nói - Tôi không hề thấy Bắc Kinh hay bất kỳ ai có quyền lực ở Trung Quốc đối xử với sông Mekong như sông Mekong lẽ ra phải được đối xử”.

Công bằng mà nói, nhiệt tình xây đập thủy điện của Trung Quốc được một số nước khu vực chia sẻ. Lào, quốc gia không có bờ biển và là nước vào loại nghèo nhất Đông Nam Á, dự tính trở thành “nơi sản xuất năng lượng cho khu vực” với kế hoạch xây 72 đập thủy điện lớn trên cả nước, bao gồm 2 đập đã hoàn thành trong bốn tháng qua.

“Không giống những tranh chấp ở Biển Đông với ngụ ý an ninh rộng lớn, liên quan tới tự do hàng hải và quyền đánh bắt cá, sông Mekong chỉ có vài nước quan tâm và một số nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc - Pichamon Yeophantong, chuyên gia ở Đại học New South Wales, Úc, bình luận - Vì thế trong khi chúng ta có thể nghe được những tiếng nói quan ngại từ các nước ở hạ lưu, rồi mọi chuyện sẽ lại lắng xuống cho tới kỳ hạn hán hay ngập lụt trầm trọng tiếp theo”.

Quá muộn, quá ít ỏi

“Trong những tháng gần đây, những điều kỳ lạ [trên sông Mekong] bắt đầu xảy ra - tạp chí khoa học và khám phá National Georgraphic viết trong một bài dài đăng ngày 31-1-2020 tựa đề “Dòng sông quan trọng nhất ở Đông Nam Á đang bước vào vùng nước chưa biết” - Ở một số khu vực miền bắc, dòng Mekong vốn vẫn chảy cuồn cuộn giờ lờ lững lặng câm.

Nước đổi màu đáng sợ và ngập các loại tảo. Sản lượng cá đánh bắt giảm mạnh, và các con cá bắt được gầy yếu tới mức chỉ có thể lấy chúng làm thức ăn nuôi những con cá khác”.

“Khi mùa hạn bắt đầu, trên thực tế là Trung Quốc kiểm soát dòng chảy” - Eyler giải thích. Giống như ở Việt Nam, tình hình tại Thái Lan và Campuchia thời gian qua trở nên trầm trọng hơn. Sau khi Trung Quốc giảm một nửa lượng nước xả ra từ đập Cảnh Hồng trong vài ngày hạ tuần tháng 1, mực nước ở một số khu vực sông Mekong xuống thấp tới mức “gần như không thể nhận ra, làm trơ ra những bãi đá và cát ngay giữa lòng sông”, theo National Geographic. “Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như vậy” - Chainarong Setthachau, nhà môi trường ở Đại học Mahasarakham, Thái Lan, người đã nghiên cứu dòng sông nhiều thập kỷ, xác nhận.

Việc chờ đợi một phép lạ từ tự nhiên ngày càng trở nên vô vọng, khi các nghiên cứu cho thấy hạn hán năm nay có thể sẽ kéo dài và nghiêm trọng do El Niño. Năm ngoái, ở vùng Biển Hồ, nước sông Mekong lên quá muộn và rút quá sớm tới mức nhiều vùng vẫn ngập của hồ giờ trơ ra trên cạn và sản lượng cá bắt được có thể giảm tới 90%.

Năm nay, tình hình cũng không khác. Lẽ ra vào thời điểm này của năm phải diễn ra cuộc di cư động vật lớn nhất thế giới: hàng tỉ con cá bơi từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Nhưng cho tới giữa tháng 2, ở Tonle Sap vẫn chưa thể bắt đầu mùa đánh cá.

Eyler tin rằng giới cầm quyền trong vùng vẫn chưa nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình. “Các chính quyền ở vùng Mekong không phản ứng đủ nhanh để hiểu rõ cuộc khủng hoảng sắp tới và không hợp tác đủ để giảm bớt rủi ro” - ông nói.

Bởi thế, Carla Freeman, giám đốc Viện chính sách đối ngoại của Trường John Hopkins về nghiên cứu quốc tế, sợ rằng mọi chuyện đã quá muộn: “Tôi sợ rằng công cuộc xây dựng ồ ạt hiện nay trên dòng sông khiến tất cả những gì chúng ta còn làm được đều sẽ quá muộn, quá ít ỏi”. ■

Ở khắp mọi nơi, ta đang thấy những chỉ dấu rằng dòng sông từng là nguồn sống cho biết bao người trong biết bao lâu sắp tới điểm đổ vỡ.

Zeb Hogan

(nhà sinh thái học về cá ở Đại học Nevada, Reno, Mỹ)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận