Sử gia Nguyễn Thế Anh - Người truyền cảm hứng

NGUYỄN QUANG DIỆU 27/03/2023 06:57 GMT+7

TTCT -Những đóng góp cho học thuật của sử gia Nguyễn Thế Anh xứng đáng là nguồn cảm hứng để hậu thế tiếp tục duy trì, nghiên cứu và học hỏi.

Giáo sư Nguyễn Thế Anh thời trẻ. (Ảnh tư liệu của Cao Việt Anh)

Giáo sư Nguyễn Thế Anh thời trẻ. (Ảnh tư liệu của Cao Việt Anh)

Tôi liên lạc với ông lần đầu vào tháng 9-2015, với đề xuất tái bản tác phẩm Việt Nam thời Pháp đô hộ nổi tiếng của ông. Dù đồng ý cho tái bản cuốn sách nhưng ông cũng lo lắng cho hiệu quả kinh doanh vì cuốn sách mới "được NXB Văn Học tái bản năm 2008, vậy thì có nên in lại nữa không?", đồng thời lưu ý "trong ấn bản đầu (Lửa Thiêng, 1970) có vài lỗi ấn loát cần phải sửa".

Ảnh: Nguyễn Quang Diệu

Ảnh: Nguyễn Quang Diệu

Cả ông và tôi đều hiểu rằng, với độ lùi lịch sử sau gần 50 năm kể từ lần in đầu tiên, tác phẩm cần có một số hiệu chỉnh. Một số đề xuất của tôi bị ông từ chối với lời giải thích kỹ càng và thấu rõ. 

Trong quá trình làm việc, xử lý bản thảo, ông luôn thể hiện sự cầu thị, lắng nghe và phản biện. Mọi thắc mắc của tôi đều được ông giải đáp, như khi tôi hỏi thông tin để bổ khuyết cho hồ sơ về hành trạng của ông.

Sau khi hồi hưu năm 2005, ông vẫn giữ thói quen đọc tài liệu, tin tức, trước hết là cho bản thân ông, sau đó chia sẻ cho một nhóm nhỏ nhiều thành phần, đa quốc gia, khi là một bài báo, khi là một đề tài nghiên cứu quan trọng. Ông rất nhiệt tình trả lời email dù là vấn đề nghiên cứu hay việc riêng, tận tình kết nối với các học giả khác, những người mà ông cho rằng có thể giúp tôi giải đáp thắc mắc.

Nguyễn Thế Anh là một sử gia đứng ngoài chính trị. Trong học thuật, bút sử trung chính của ông thể hiện tính quan phương, tính khách quan trong sử học. 

Theo ông, lịch sử được viết ra không nên tồn tại như một tòa án, dẫu biết rất khó đặt chính trị sang một bên trong công việc của một nhà sử học. "Để có một cái nhìn chân thật của sử gia, tức là một cái nhìn tách rời với lập trường, chúng ta sẽ phải đợi rất lâu" ông nói.

Tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (Centre National de la Recherche Scientifique, CNRS), Nguyễn Thế Anh làm việc và nghiên cứu với chức danh giám đốc nghiên cứu. 

Đến năm 1987, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp nhà nước tại Đại học Sorbonne (Pháp) với đề tài La monarchie des Nguyễn de la mort de Tự Đức à 1925 (Chế độ quân chủ nhà Nguyễn từ khi Tự Đức tạ thế đến năm 1925). 

Luận án này sau đó được phát triển và in thành sách dưới nhan đề Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam (1875-1925): Le crépuscule d'un ordre traditionnel (Chế độ quân chủ và yếu tố thuộc địa tại Việt Nam (1875-1925): Buổi hoàng hôn của một trật tự truyền thống).

Năm 1991, Nguyễn Thế Anh được đề cử làm giáo sư Trường Cao học Thực hành (École Pratique des Hautes Etudes - EPHE), tại đây ông đảm nhiệm vai trò giám đốc Trung tâm Lịch sử và Văn minh bán đảo Đông Dương (Centre d'Histoire et Civilisations de la Peninsule Indochinoise). Ông hồi hưu năm 2005 với danh hiệu giáo sư ưu tú (Directeur d'études émérite).

"Mỗi một nghiên cứu là một đột phá... Và mỗi một đột phá đó vẫn còn tạo nên sự cố kết cho một bức tranh mà, từ nét cọ này qua nét cọ khác, mở ra cho chúng ta một tầm nhìn hấp dẫn về lịch sử lâu đời của Việt Nam và các nước láng giềng".

(Đánh giá của Philippe Papin về mỗi bài viết của Nguyễn Thế Anh)

Cuộc đời học thuật thăng trầm của Nguyễn Thế Anh kéo dài hơn nửa thế kỷ. Để tôn vinh những đóng góp của Nguyễn Thế Anh cho học giới sau khi ông hồi hưu, GS.TS Philippe Papin (EPHE) đã sưu tầm và tuyển chọn 99 bài viết của ông, đa phần bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cấu trúc thành một cuốn sách dày 1.026 trang với nhan đề Parcours d'un historien du Viêt Nam: Recueil des articles écrits par Nguyễn Thế Anh (Hành trình của một sử gia Việt Nam: Tuyển tập các bài viết của Nguyễn Thế Anh).

Sử gia Nguyễn Thế Anh - Người truyền cảm hứng - Ảnh 4.

Các đề mục chính của Parcours d'un historien du Viêt Nam cho thấy Nguyễn Thế Anh đã nghiên cứu về Việt Nam bao trùm nhiều phương diện: lịch sử kinh tế và chính trị; lịch sử ngoại giao và bang giao quốc tế; giáo dục, Nho giáo và các trào lưu tư tưởng; mỹ thuật, văn hóa và văn học; tín ngưỡng, hội kín và thực hành tôn giáo; lịch sử chính trị và ý thức hệ; nguồn, lưu trữ và tài liệu…

Có thể nói, Nguyễn Thế Anh là sử gia tiên phong nghiên cứu về triều Nguyễn, nói rộng hơn ông là sử gia hàng đầu về Việt Nam và Đông Á. Cuốn sách Monarchie et fait colonial au Viêt-Nam (1875-1925) phát triển từ luận án tiến sĩ của ông được sử gia Alexander Woodside đánh giá là công trình "nghiên cứu xuất sắc về triều đại nhà Nguyễn ở Việt Nam". 

Giáo sư Bruce M. Lockhart cho rằng luận án của Nguyễn Thế Anh "đã đưa triều Nguyễn vào lịch sử sử học". Bao quát hơn, sử gia Keith W. Taylor nhận định Nguyễn Thế Anh "đã tiên phong nghiên cứu về triều Nguyễn từ rất lâu trước khi nó trở thành trào lưu".

Đáng tiếc là cho đến nay, đa phần các nghiên cứu của Nguyễn Thế Anh, được viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, chưa được dịch và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Trong khi đó, giá trị và thành tựu của những công trình này đã được giới Việt học quốc tế tiếp nhận, nghiên cứu, trích dẫn và vinh danh.

Những đóng góp cho học thuật của Nguyễn Thế Anh, từ vai trò cầu nối các thế hệ Việt học quốc tế cho đến các công trình nghiên cứu (giá trị học thuật, tư duy sử học, phương pháp), xứng đáng là nguồn cảm hứng để hậu thế tiếp tục duy trì, nghiên cứu, học hỏi và phê bình.■




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận