Sự lãng quên ngoài biên giới đô thị

ĐỨC HOÀNG 04/02/2016 03:02 GMT+7

TTCT - Một người cán bộ xã buồn trong bất lực, một người nông dân tha hương 10 năm ngủ nơi hành lang bệnh viện, một giống cây có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền nông nghiệp nước nhà... Những câu chuyện không phù hợp “nhãn quan thành thị” ấy có thể sẽ bị vùi trong những chủ đề phù phiếm kiểu thành phố. Chúng để lại những di chứng lớn hơn ta tưởng.

colourandform.files.wordpress.com
colourandform.files.wordpress.com


Tuần thứ 3 của tháng 8-2014, một thông tin xuất hiện từ hư không: Việt Nam đã không còn nhập khẩu trái cây Úc và New Zealand từ đầu năm. Nhiều người lập tức bày tỏ nỗi “hoang mang” của họ.

Thế rốt cục thì những thứ họ đã mua, hoặc vẫn đang bày ở các siêu thị dưới mác “nhập khẩu từ Úc và New Zealand” thật ra là thứ gì, hay lại trái cây Trung Quốc? Một nhóm thiểu số - những cư dân thành thị vốn là khách hàng tiềm năng của trái cây Úc và New Zealand - đã khiến các cơ quan hữu trách tập trung làm việc vì lợi ích của họ, thay vì hàng triệu người không ăn trái cây nhập khẩu khác và những nông dân.

Những ngày tiếp sau đó, đại diện của Bộ NN&PTNT liên tục xuất hiện trên mặt báo. Trang chủ của những website lớn nhất dành chỗ cho lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật phủ nhận thông tin này, rằng Việt Nam vẫn nhập hoa quả từ Úc, cộng đồng “không nên gây hoang mang” nữa.

Tuần thứ 3 của tháng 8-2014, Bộ NN&PTNT chính thức cấp phép cho bốn giống bắp biến đổi gen được trồng tại nước ta. Đó tất nhiên là một vấn đề mà lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật có thể cho ý kiến.

Cũng trong thời điểm này, Cục Trồng trọt đưa ra một con số giật mình: mỗi năm Việt Nam chi ra nửa tỉ USD để nhập giống cây củ quả. Giật mình là bởi nửa tỉ USD là con số quá lớn, và bởi trong khi nhiều nguồn gen cây trồng quý hiếm ở nước ta đang biến mất trên cánh đồng, thì ta phải nhập ngoại. Số các bài viết về hai chủ đề sau có thể đếm trên đầu ngón tay, còn chủ đề đầu tiên thì có hàng trăm bài, đều nằm ở trang chủ.

Một ngày ở Bộ NN&PTNT nói chung hay ở Cục Bảo vệ thực vật nói riêng cũng chỉ có 24 tiếng. Nó được tập trung trả lời cho một vấn đề. Thời gian của toàn bộ các thành viên xã hội khác cũng chỉ có 24 tiếng một ngày, và nhận thức của họ sẽ dồn vào chủ đề được nói đến nhiều nhất. Câu hỏi đặt ra là nếu có một thứ tự ưu tiên nào đó dành cho các chủ đề này thì nó được xây dựng dựa trên thứ gì?

Những khoảng cách tân thời

Một cán bộ thi hành án của tỉnh Quảng Ngãi từng chống tay vào tường rào mà thở hắt ra: “Nếu được chọn lựa lại, chẳng ai muốn làm thi hành án”. Anh nói đến những ngôi nhà mà không cơ quan chức năng nào xẻ ra làm đôi được để chia cho người phụ nữ nông thôn nuôi con sau khi ly hôn.

Trong thời điểm mà ở đô thị, vấn đề “nữ quyền” liên tục được nêu ra với các chủ đề như “đàn ông vào bếp”, “áo ngực hay thả rông” thì ở nông thôn, phụ nữ lấy chồng, xây nhà trên đất của họ nội, rồi ra đi tay trắng sau những cuộc bạo hành. Tồi tệ hơn, họ có thể không dám ra đi: họ phải quay lại để tiếp tục chịu đựng sự sợ hãi cực cùng.

Mối quan tâm của các tầng lớp cư dân khác nhau cũng khác nhau. Nếu để một người nông dân sắp xếp chủ đề: trái cây nhập, giống bắp, giống rau trên mặt báo thì thứ tự sẽ khác một người thành phố.

Thứ tự ưu tiên “kiểu thành phố” đáng ngờ vì ảnh hưởng của nó đến cá nhân thật ra khá mờ nhạt. Nhưng đây là một trong những ví dụ gợi ra cái gọi là “thành kiến đô thị”. Người thành phố với các lợi ích khác, điều kiện sống khác, có mối quan tâm khác so với phần còn lại của dân số, nhưng họ lại có nhiều ảnh hưởng hơn đến truyền thông và các cơ quan hữu trách.

Họ dễ tạo ra những điều chỉnh xã hội hơn. Nên ta thấy trước một vấn đề được nêu ra, rất khó nói rằng nó có thật sự quan trọng không, hay chỉ bởi vì đang có nhiều cư dân đô thị trung lưu quan tâm đến nó hơn.

Trong thời điểm mà ở đô thị, một năng lượng rất lớn được dùng để bàn về vấn đề “y đức”, đưa và nhận phong bì trong bệnh viện, thì ở nhiều địa phương phần lớn bệnh nhân điều trị hoàn toàn nhờ vào bảo hiểm y tế, các cán bộ y tế cấp xã, huyện nhiều nơi vẫn chỉ sống hoàn toàn nhờ đồng lương.

Ở bệnh viện một tỉnh Tây Nguyên, đến tận năm 2015 các bác sĩ vẫn còn phải van xin người nhà cho bệnh nhân ở lại điều trị: họ không tin tưởng vào y học, muốn đem con về cúng. Rất nhiều cán bộ y tế vẫn phải gùi văcxin vào vùng sâu vì bà con không tự đến cơ sở để tiêm. Số lượng bên nào nhiều hơn, không thể đo được.

Chị H’Bình Niê, phó trạm y tế xã Đắc Phơi, huyện Lắk (Đắk Lắk), nhớ được số tiền trợ cấp cho một ngày trực 24 tiếng ở đây là 18.750 đồng. Đó là nguồn hỗ trợ duy nhất. Không có phong bì, vì bà con “một viên paracetamol cũng không có tiền mà mua” - như chị kể.

Và cũng trong thời điểm mà ở đô thị chuyện ai có quyền đi thi hoa hậu được đem ra mổ xẻ quyết liệt thì ở nhiều nơi khác, để người ta nói chuyện với nhau thôi còn không thể làm được. Những vùng biên giới, cán bộ xã, huyện không thể giao tiếp với người dân vì không có phiên dịch.

Ở đô thị, các cuộc luận chiến về những show truyền hình thực tế, cách hành xử của những ngôi sao tốn hết thời lượng của truyền thông, thì ở một xã miền núi Cao Bằng có đến 70% số vụ tử vong trong một năm vẫn là bởi ăn lá ngón. “Đời sống tinh thần của đồng bào nghèo nàn lắm. Điện không có, thú vui không” - một cán bộ dự án buồn rầu lý giải.

Ra khỏi bức tường thành phố 

Trên một tờ báo mạng hàng đầu, dưới một bài viết về điều kiện sống của những lao động di cư, một độc giả bình luận: “Nghèo, nghèo... đó là thực tế rồi. Những người ở đấy tiền không có nhưng sức khỏe vẫn có, sao không cùng nhau một lần trong tháng dọn dẹp khu nhà trọ đó đi. Không ai giúp mình bằng chính mình cả!”.

Đó là dạng quan điểm có thể được bắt gặp rất nhiều: cái nghèo là do lỗi của những người này không tự phấn đấu. Bên cạnh là nhiều ý kiến bài xích di cư, kỳ thị “lao động ngoại tỉnh” làm nhem nhuốc bộ mặt đô thị.

Khi ngồi viết các dòng bình luận ấy, bằng máy tính, với Internet tốc độ cao, những người bình luận ấy có thể chưa bao giờ phải đối mặt với môi trường sống của những cư dân nông thôn di cư kia. Họ không hình dung được những người sinh ra trên những cánh đồng trũng mỗi năm có đến sáu tháng chìm trong biển nước, không thể canh tác.

Nghề phụ không có, trình độ cũng không để có thể tạo ra những “phát kiến” thay đổi kinh tế vùng (thứ đáng ra phải thuộc trách nhiệm của những người có khả năng vào Internet), họ buộc phải tha hương. Tha hương trong những điều kiện kỳ dị: có người sống ở Hà Nội 10 năm chỉ ngủ trên hành lang bệnh viện, có người chấp nhận để con cái sống trong những túp lều đầy muỗi bên kênh. Họ không có lựa chọn.

Những “thành kiến đô thị” như vậy có thể trở nên đặc biệt nguy hại trong định hướng xã hội. Khi những người có tiếng nói nhất, được lắng nghe nhất lại quan niệm rằng “nghèo là do không biết phấn đấu”, “bác sĩ chỉ sống bằng phong bì” hoặc “nữ quyền là đàn ông vào bếp” thì rất nhiều vấn đề thật sự nghiêm trọng và ảnh hưởng rộng lớn hơn bị lãng quên.

Trong quá khứ, khi nhắc tới “thành kiến đô thị”, người ta trỏ ngón tay về truyền thông như những người chịu trách nhiệm chính. Đài BBC của Anh từng bị khiếu nại vì đăng quá nhiều thông tin đô thị mà bỏ qua bộ phận dân cư sống ở nông thôn.

Nhưng trong gần một thập kỷ qua, truyền thông đã biến đổi: mỗi người dân đô thị sở hữu một kênh xuất bản riêng với Internet. Vấn đề còn lại là khả năng tự nhận thức các chủ đề, ứng xử công bằng và thích đáng với thông tin trong sự hiểu biết. Bản thân người dân đô thị nên hiểu rằng các vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất tới tương lai của họ không chỉ nằm trong những bức tường thành phố.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận