TTCN - Mùa hè năm 2002, trong khi tôi phải khăn gói về Huế trước khai mạc festival vài ngày để thu thập thông tin ban đầu thì gặp Bửu Chỉ ở cà phê Thiên Đàng bên bờ sông Hương, cạnh chân cầu Trường Tiền. Phóng toTTCN - Mùa hè năm 2002, trong khi tôi phải khăn gói về Huế trước khai mạc festival vài ngày để thu thập thông tin ban đầu thì gặp Bửu Chỉ ở cà phê Thiên Đàng bên bờ sông Hương, cạnh chân cầu Trường Tiền. Thấy một phần chiếc vé máy bay nhú ra khỏi túi áo họa sĩ, tôi hỏi hai tiếng: “Đi đâu?”. Bửu Chỉ trả lời sau làn khói xanh, cũng hai tiếng: “Đi trốn!”. Nghe anh kêu rêu “đi trốn” tôi không khỏi mỉm cười vì hiểu ngay rằng đây là “đi trốn” cái festival sắp diễn ra! “Moa có thừa kinh nghiệm cực khổ với festival năm 2000 rồi. Kinh thiên động địa! Huế mình không phải rứa!”. Và hôm sau Bửu Chỉ bay vào Sài Gòn thật. Festival Huế 2004 này và mãi mãi sau này sẽ không có Bửu Chỉ. Cuộc chơi trốn tìm nhân thế không bao giờ có kết thúc. Anh trốn xa quá, quên đường về thế thôi, Bửu Chỉ ơi! Nhưng tôi ngờ rằng festival gây được “xung động” trong trái tim những đứa con của Huế đi xa, trước khi nó thu hút khách thập phương tứ hải. Cuối Festival Huế đầu tiên, năm 2000, Bửu Chỉ dúi vào tay tôi bản sao một “bài viết không đăng báo” của Trịnh Công Sơn. Nó như một minh chứng cho suy nghĩ của tôi: Festival Huế đã “lôi” được Trịnh về “mái nhà xưa”, ôm đàn ghita hát bên dòng Hương. Đúng hơn, chính là Huế mới làm được chuyện nhỏ mà lớn đó, festival chỉ là cái cớ, là chất xúc tác đẩy mạnh quá trình biến cảm xúc thành hành động mà thôi. Festival Huế 2004 này và mãi mãi sau này sẽ không có Trịnh, không có tiếng đàn ghita lẻ loi không lẫn giữa một trời ca xướng. Tôi thầm đoán, đọc đến đây nhiều bạn khao khát muốn biết Trịnh, có lẽ là lần cuối cùng, đã viết về Huế như thế nào, phải không? Tôi xin phục vụ: Đã lâu lắm tôi không ra khỏi nhà để thực hiện những chuyến đi xa. Thế rồi nó trở thành một thói quen. Một thói quen không hiểu là tốt hay xấu. Tháng tư năm nay ở Huế có tổ chức festival 2000. Tôi không được mời, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Bởi vì rất nhiều người khác cần được mời hơn tôi cũng không được mời. Đã hiểu lý do làm sao mà có một sự thiếu sót như thế thì cần phải viện đến những cơ sự rất phức tạp, thậm chí lạ lùng khó hiểu. Thành phố Huế là thành phố của những đứa con thân yêu của Huế, chứ không phải chỉ để dành riêng cho một số người. Càng không phải chỉ để dành cho một thế lực nào đó. Quê hương là quê hương chung, chứ không phải quê hương của riêng ai. Vì thế cho nên muốn làm đẹp cho quê hương cũng phải được chia đều. Thế mà cuối cùng tôi cũng đến Huế trong những ngày nằm giữa bề dài của cuộc festival. Tôi đã sẵn sàng tham dự một vài buổi trình diễn không lấy gì làm hứng thú. Những bữa ăn không mùi vị, thậm chí là nhạt nhẽo. Nhưng tôi không mất nụ cười và sự vui tươi hồn nhiên, vì tôi là thằng con của Huế. Tôi an ủi đám bạn bè cùng đi là hãy vui đi, vì đây là xứ sở của tôi. Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu. Bạn sẽ gặp một cô gái Huế bất chợt trên đường và hỏi rằng: Huế bây giờ có gì lạ không em, thì lập tức, hoặc tình cờ cô gái ấy sẽ đọc lại hai câu thơ của Bùi Giáng: Dạ thưa phố Huế bây giờNgự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương. Huế trăm năm trước và trăm năm sau không có gì thay đổi. Nó hình như muốn giữ trọn một lời thề sắt son, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Đó là nét đáng yêu của một thành phố, nhất là một thành phố rất cổ kính. Tuy nhiên thời đại này người ta không cho phép một thành phố với những con người cứ mải mê ngủ hoài trên những vàng son của quá khứ hoặc ôm mãi những giấc mộng huyễn hoặc trên những tàng kinh các. Huế lần này đã kéo tôi ra khỏi cái góc nhà nhỏ hẹp của tôi. Nếu không có Huế trong dịp festival này, chưa chắc tôi đã rời được nơi ẩn trú của mình. Tuy vậy, xét cho cùng, không phải vì festival lôi cuốn sự tò mò của tôi, mà chỉ đơn giản chính là Huế. Tôi về Huế chính vì Huế chứ không phải vì Festival Huế 2000. Nếu nói một cách chính danh, thì đấy không phải là một festival trong đúng nghĩa của nó. Tổ chức luộm thuộm, không có một không khí hội hè đúng như yêu cầu, và thật sự nhìn chung, người dân của Huế không tích cực lắm trong việc chia sẻ một niềm vui chung. Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài Gòn và Hà Nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà. Ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi thì tôi vẫn là đứa con không bị từ chối của Huế. Cũng may festival Huế không chỉ có... người Huế. Tâm trạng tôi được tươi vui hồn nhiên trở lại với hai chàng cao bồi trung niên đến từ Hoa Kỳ mà tôi tình cờ ngồi chung thuyền rồng trên sông Hương. Khi còn ở quê nhà, trong câu chuyện về VN, một chàng theo sách vở bảo Ngọ Môn có năm cửa. Chàng kia, một cựu binh VN, cãi lại Ngọ Môn chỉ có ba cửa. Nhất định tin rằng Ngọ Môn có ba cửa bởi năm 1968 chàng tham chiến tại Huế, đã từ Kỳ đài đấu súng với “Vi-xi” ẩn trong Ngọ Môn và bị thương tại đấy. Không ai chịu ai. Nhân đọc thấy quảng cáo tour du lịch Festival Huế 2000, hai chàng nảy ra trò đánh cuộc: mua tour du lịch festival, kiểm chứng Ngọ Môn năm cửa hay ba cửa, ai thua phải “bao” hết! Ai thua thì bạn biết rồi. Có điều anh chàng thua cuộc vẫn vui vì biết thêm một kiến trúc lạ. Không mô phỏng theo nền đài Thiên An Môn của Trung Quốc, nhà kiến trúc VN khi xây dựng phần đài Ngọ Môn đã tránh bề dày uy nghi nhưng thô nặng bằng một hình thể chữ U. Nền đài chính nằm ngang là đáy chữ U trổ ba cửa thẳng: Ngọ Môn dành riêng một mình nhà vua ra vào, Tả Giáp Môn cho quan văn, Hữu Giáp Môn cho quan võ. Phần hai càng chữ U trổ hai cửa chạy xuyên suốt từ trong ra rồi bẻ thẳng góc, đối diện nhau. Hai cửa này có tên Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho binh lính, voi ngựa, xa giá trong đoàn ngự đạo. Chính hai cửa quanh này đã đánh lừa những ai nhìn Ngọ Môn từ xa và ở vị trí đối mặt. Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Một lầu vàng tám lầu xanh/ Ba cửa thẳng hai cửa quanh... là thế. Sau hôm khai mạc festival, hai chàng cao bồi tình cờ gặp tôi, họ nhờ cô thông dịch “phỏng vấn” nhà báo VN: Ý nghĩa kiến trúc Ngọ Môn hay như thế sao không được tôn trọng và tái hiện trong một lễ hội mang tính đề cao truyền thống như festival? Đêm qua họ tận mắt trông thấy hơn hai chục xe chở quan chức vượt Ngọ Môn vào tận sân sau điện Thái Hòa để dự đại dạ tiệc. Đèn pha lóa mắt và còi inh tai! Tôi đùa: đoàn ngự đạo tân thời đó mà! Và cười thầm: mới chân ướt chân ráo trên đất Huế có một ngày một đêm mà hai gã cao bồi Mỹ đã lây tính “thắc mắc” của Huế rồi! Mất cả vui!
TP.HCM chuyển xe xăng sang xe điện: Bắt đầu từ 400.000 shipper THU DUNG 21/07/2025 Trong khi Hà Nội cấm xe máy chạy nhiên liệu hóa thạch vào vành đai 1 (từ tháng 7-2026), TP.HCM cũng "chuyển đổi xanh" từ xe xăng sang xe điện, bắt đầu với xe buýt và shipper, tài xế công nghệ.
Bão số 3: Hải Phòng bắt đầu mưa, gió cấp 6, sóng biển cấp 8 TIẾN NGUYỄN 21/07/2025 Đặc khu Bạch Long Vĩ và một số khu vực của Hải Phòng bắt đầu mưa, gió tây bắc cấp 6, sóng biển cấp 8.
Hà Nội nói ô nhiễm không khí 60% do giao thông, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói chỉ 12% PHẠM TUẤN 21/07/2025 Sáng 21-7, tại Hà Nội, báo Tiền Phong đã tổ chức buổi tọa đàm Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau.
Bất chấp lệnh cấm, nhiều du khách vẫn tắm biển Cửa Lò trước bão số 3 DOÃN HÒA 21/07/2025 Dù chính quyền địa phương đã có thông báo cấm tắm biển nhưng nhiều du khách vẫn xuống tắm biển Cửa Lò, Nghệ An trước bão số 3 (bão Wipha) sáng 21-7.