Tát ao

THỤY QUÂN 10/05/2011 22:05 GMT+7

TTCT - Cuối tuần, gia đình mấy anh chị rủ nhau về nhà cậu em thứ sáu lấy vợ ở quê, xem cậu tát ao bắt cá đón mùa mưa tới.

Phóng to
Ảnh: Minh Đức

Bọn trẻ thành phố, những “chú gà công nghiệp”, vừa về tới nhà cậu đã chạy ào ra ruộng để đá banh. Thành phố chật chội, toàn nhà ống, lại phải “học ngày học đêm học thêm chủ nhật”, dễ gì có nơi có lúc cho bọn trẻ tung hoành.

Đá banh xong, chưa ráo mồ hôi thì ao đã được hút hết nước, nhưng bọn trẻ thành phố chê bùn không lội xuống bắt cá như mấy đứa con nít dưới quê. Bù lại, chúng nhào xuống chiếc hào cạn hơn kế bên, lội bì bõm, tạt nước lẫn nhau hò reo inh ỏi. Bên ao cá, cậu Sáu cùng em vợ và mấy đứa con đội nắng vọc bùn bắt cá. Trên bờ là mấy anh chị cổ vũ, kìa con cá lóc, coi chừng nó chui bùn, bên kia mấy con cá rô phi đang nhảy lên bờ kìa...

Cá đồng mùa khô, chẳng con nào to. Cá lóc bự lắm cũng chỉ bằng cườm tay, còn cá rô phi cỡ bàn tay; còn lại toàn cá sặc, cá rô nhỏ xíu. Bỏ lại mấy người còn tiếp tục mò cá, vợ chồng cậu Sáu tất bật chuẩn bị cơm khách. Mớ cá sặc được chiên giòn cùng mấy con cá phi; cá lóc con thì nướng, con thì nấu canh chua; thêm con gà cho ra mâm cơm đãi khách. Nhưng bọn nhỏ chẳng đứa nào mê cá. Chúng nhanh chóng xơi sạch đĩa gà rôti rồi bỏ ra hè đánh bài, chờ trời bớt nắng để lại đá banh.

Chỉ ba má chúng ngồi nhẩn nha ăn, nhớ lại tuổi thơ của mình. Là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng tuổi thơ của họ gắn với quê ngoại nhờ mỗi năm ba tháng hè được “tống” về quê. Thời đó còn chiến tranh, nhưng là con nít họ nào biết sợ là gì. Ban ngày họ theo các cậu, dì ra đồng bắt ốc, buổi tối ngủ trong “chảng xê” (*) lại thích vì có không khí của... chuyện ma.

Quê hương với họ còn là sự hào phóng, đâu khô khan cằn cỗi như bây giờ. Mãng cầu chín ngoại bán không kịp, chim ăn rụng đầy vườn. Dì Tư thì ”khẩu xà tâm Phật”, lúc nào cũng xách chổi rượt tụi nhóc phá phách nhưng mỗi sáng lại nấu một món khoái khẩu: nào xôi nếp, nào bánh ít trần, buổi tối thì chè đậu, chè chuối. Buổi trưa có khi còn có sương sâm mà dì hái trong vườn rồi vò lá từ sớm tinh mơ, để đông lại ăn cho mát.

Mà hồi đó tát ao cũng vui hơn bây giờ, đâu phải dùng máy hút nước lên như hiện nay. Phải có mấy nhóm, mỗi nhóm hai người cầm gàu đứng dưới múc nước quăng lên, mệt thì lên cho đội khác xuống thay. Năm nào cũng vậy, cứ tát ao hay tát đìa xong thì bà ngoại lại lễ mễ mang từ quê lên bao nhiêu cá to cá nhỏ. Má họ vừa chiên vừa kho vừa nấu canh, anh chị em họ ăn mấy ngày vẫn thấy ngon.

Giờ đây đám con nít chẳng thèm cá đồng nữa, bởi “văn hóa gà rán” đã theo chúng về tận quê rồi. Chúng cũng không thích ở dưới quê lâu vì nóng, vì muỗi, vì không có máy tính để chơi điện tử. Những mảnh vườn cằn khô hơn bởi những vườn cây ăn trái lâu năm đã bị hạ để lấy đất trồng hoa màu ngắn hạn. Những con sông nước đã cạn nguồn, đâu còn xanh cho bọn trẻ thỏa thuê phơi mình. Nắng dường như cũng nóng hơn, mùa khô cây xanh héo rủ. Quê ngoại của ba mẹ, với chúng, dường như chỉ còn là một điểm dã ngoại mà thôi.

Buổi chiều về, cậu Sáu bắt từ trong cái thạp rộng cá cho mỗi nhà một mớ cá, nhưng không ai muốn lấy. Người anh nói ôsin về quê còn vợ mình không biết làm cá, người chị bảo không muốn “sát sanh”, làm vợ chồng người em ngượng ngùng. Rốt cuộc mỗi nhà cũng nhận vài con cá cho người em vui, nhưng ai cũng tự hỏi sẽ làm gì với mấy con cá lóc ốm tội nghiệp này.

Trên đường về nhà, bọn trẻ gần như quên trận đá banh trên cánh đồng trơ mòn gốc rạ bởi đang hào hứng bàn nhau đi chơi đâu hè sắp tới. Chỉ ba mẹ chúng ngồi nhớ lại ngôi nhà tôn xiêu vẹo, cậu em nông dân ốm đen và những con cá lóc nhỏ bằng cườm tay đang quẫy ngợp trong mấy cái bọc sau xe...

__________

(*): gọi trại từ chữ “tranchee”, trong tiếng Pháp có nghĩa là hào núp tránh bom. Người dân Đông Nam bộ dùng để gọi hầm tránh đạn pháo trong nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận