Thâu tóm và sáp nhập: Rủi ro rình rập

TRUNG TRầN 31/10/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Những thời kỳ khủng hoảng và đảo lộn lớn, như đại dịch COVID-19 đang diễn ra, cũng thường chứng kiến sự đứt gãy trong thế giới kinh doanh, khi tình trạng cá lớn nuốt cá bé không chỉ là mong muốn của “cá lớn”, mà có khi chính “cá bé” cũng cần được nuốt.

Ví dụ kinh điển ở Việt Nam về câu chuyện thâu tóm thời kỳ sơ khai là đầu những năm 2000, khi liên doanh Coca-Cola Chương Dương bỏ chữ Chương Dương trong tên chính thức, trở thành Coca-Cola Việt Nam, với chiến thuật cổ điển mà hiệu dụng là tăng chi phí bán hàng, báo lỗ và yêu cầu góp thêm vốn. 

Nước ngọt Chương Dương - niềm tự hào một thời của ngành giải khát Sài Gòn - sau đấy chỉ còn sống bằng mỗi một sản phẩm của thứ mùi vị đã ăn sâu vào đầu lưỡi người Sài Gòn: xá xị Chương Dương.

Ảnh: Tech Crunch

 

Thâu tóm và sáp nhập (Merge & Acquisition: M&A) là cả một thế giới những câu chuyện truyền kỳ. Từ việc các hãng nước ngoài mua lại các thương hiệu Việt Nam như Coca-Cola và Chương Dương, Colgate và Dạ Lan, cho đến cuộc tranh giành thương hiệu Sữa Ông Thọ giữa Vinamilk và Friesland Campina, để rồi cuối cùng Vinamilk giành được cái tên Ông Thọ còn công ty sữa của Hà Lan chấp nhận hình ông già có râu và gắn thêm cái tên Longevity. 

Đã chuyên nghiệp hơn nhiều

Nhưng sau 20 năm, bây giờ các thương vụ mua bán, thôn tính doanh nghiệp đã là một chiến trường chuyên nghiệp hơn nhiều, đôi khi khốc hại, mà kẻ thắng người thua chia đều cho cả nhà đầu tư ngoại lẫn tư sản dân tộc. Có những cú “deal” mà ở đó nhiều người tiếc nuối vì thị trường quốc nội mất đi một thương hiệu đáng giá, như vụ bia Sài Gòn Sabeco được Công ty Thai Bev của Thái Lan mua lại.

Song cũng có những thương vụ mà ở đó doanh nghiệp nội địa là người thâu tóm. Thực chất và điển hình nhất là Vinamilk mua lại Hãng sữa Driffwood của Mỹ cách đây 10 năm; hay một chuyện lãng mạn khác khi doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua lại thị trấn Buford ở Mỹ và lấy tên thương hiệu cà phê đặt tên cho thị trấn một người ở này: Phin Deli.

Ở lĩnh vực sản xuất, các thương vụ thâu tóm chủ yếu xảy ra theo chiều dọc, nghĩa là một doanh nghiệp đủ mạnh ở một đoạn của chuỗi cung ứng sẽ tìm cách mua lại hay sở hữu một công ty sản xuất các sản phẩm nằm ở chuỗi dưới để gia tăng độ rộng chuỗi cung ứng của mình.

Ví dụ một công ty gia công và lắp ráp cụm chi tiết lớn, mà đóng gói luôn là vấn đề, sẽ tìm cách mua lại một xưởng làm thùng carton để chủ động khâu thiết kế và cung ứng bao bì. Sẵn đấy công ty sẽ tận dụng các mối quan hệ để cung cấp luôn bao bì đóng gói cho các khách hàng của mình.

Với loại hình này, công ty hướng đến mục tiêu “one stop solution”: nơi cung cấp giải pháp đồng bộ. Khách hàng chỉ cần tìm đến, chúng tôi sẽ làm được hết. Những công ty bị thôn tính thường là công ty vừa và nhỏ, có nền tảng kỹ thuật, nhưng yếu thế về tài chính và nghiệp vụ tìm kiếm khách hàng.

M&A hậu dịch

Bức tranh toàn cảnh nhiều sắc thái đó dẫn tới một điều là hậu đại dịch, nhiều thương hiệu hoặc các hãng sản xuất hiệu quả quốc nội dễ rơi vào tình trạng tổn thương, trở thành mục tiêu thâu tóm. 

Việc chỉ có một vài khách hàng chính là điểm yếu chí mạng của các công ty này. Ví dụ như các công ty cơ khí chuyên gia công chi tiết kim loại cho Nhật, hay khách hàng châu Âu, chỉ vài tháng không có đơn hàng là gần như tê liệt và phải đồng ý cho một đại gia cùng ngành hay chuỗi trên tham gia cổ phần để duy trì hoạt động và nuôi nhân công chủ chốt.

Đến thời điểm đó, ai trong các cổ đông chính đem đơn hàng về, người đấy sẽ là chủ công ty. Lúc đó, điểm yếu của các ông chủ không quen với việc tìm kiếm khách hàng mới sẽ dẫn đến kết cục họ trở thành người làm thuê trong chính công ty mà bao nhiêu năm mình đã nỗ lực gầy dựng.

Thời điểm hậu dịch, các công ty sản xuất vừa và nhỏ trong các ngành phụ trợ, nếu không muốn phá sản và không đủ sức cầm cự trong thời gian chờ đơn hàng mới, bị thâu tóm hay tự nguyện được thâu tóm là một cách để tồn tại. 

Danh sách các loại công ty dễ bị thâu tóm là các cơ sở, công ty in ấn, bao bì, gia công chi tiết đơn lẻ, chế tạo sản phẩm phụ trợ... Tiếc là ở Việt Nam khó tìm được những thống kê chi tiết để hình dung cụ thể về chuyển động của thị trường trong giai đoạn đầy biến động vừa qua.

Hiểu được điều đó cũng có nghĩa là hiểu rõ hơn rủi ro do cơ cấu quy mô doanh nghiệp của nền sản xuất nước ta: trên 90% số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đại dịch, vì vậy, vừa là thách thức cho các công ty quy mô nhỏ, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc, nói theo dân gian: “Cá lớn nuốt cá bé”.

Ở tầm mức cao hơn, các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, kinh doanh bán lẻ với giá trị lớn lại bị trì hoãn đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch. 

Các bước thẩm định và định giá doanh nghiệp bị rao bán kéo dài do quy định giãn cách, thậm chí xuất hiện khả năng tái thẩm định bởi thời gian dịch làm nảy sinh các vấn đề mới.

Các nghiệp vụ về định giá, trách nhiệm rủi ro và kiểm toán của bên thứ ba đều phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với trước khi dịch xảy ra. Điều này dẫn đến hệ quả là các kênh đầu tư thông qua các hoạt động M&A giảm sút. 

4 lĩnh vực tiềm năng nhất cho các hoạt động M&A ở Việt Nam là sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, và logistics - những ngành làm nên sức bật cho một nền kinh tế mới nổi. 

Tổng giá trị M&A mỗi năm ở Việt Nam rơi vào khoảng từ 7 - 10 tỉ USD, tức khoảng 30 - 40% giá trị vốn đầu tư nước ngoài thực giải ngân - một con số không nhỏ. Đại dịch do đó đã làm một nguồn vốn đầu tư cực lớn đang bị tắc nghẽn.

Nếu không có đại dịch, bộ mặt ngành bán lẻ Việt Nam có lẽ đã thay đổi sâu sắc với nhiều kế hoạch thâu tóm quy mô lớn khựng lại, như nỗ lực vươn tới tận từng tiệm tạp hóa của Vingroup và Techcombank qua sự ra đời của hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ nguồn cung ứng và tài chính One Mount Group. 

Đấy không hẳn là M&A, nhưng bản chất thì không khác bao nhiêu: thâu tóm các cửa tiệm bán lẻ, bằng sức mạnh công nghệ và vốn.

Dòng M&A ngầm

Trong khi đó, một dòng M&A ngầm khác lại đang chảy mà tính minh bạch và lợi ích công là đáng ngờ. Đấy là các doanh nghiệp ngoại quốc trá hình ở Việt Nam, điển hình là các công ty Trung Quốc rót tiền vào bằng nhiều cách khác nhau để đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của cuộc thương chiến Trung - Mỹ. 

Hàng Trung Quốc mang lốt “Made in Việt Nam” và toàn bộ quá trình sản xuất đều do người Trung Quốc kiểm soát.

Hoạt động kiểu này chủ yếu tập trung ở các ngành sản xuất sử dụng nguyên vật liệu có xuất xứ từ Trung Quốc như phôi sắt thép, nguyên liệu hạt nhựa, hóa chất, dệt nhuộm, những ngành mà chi phí môi trường rất cao nhưng chưa được chú ý đúng mức ở Việt Nam. Nhiều nhà máy như thế đang tồn tại ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước...

Lợi nhuận thu về lại được họ tiếp tục tìm cách đội lốt người Việt để đầu tư tại chỗ, lời nhất, không gì khác là bất động sản. Quá trình thâu tóm ngầm này đương nhiên có sự đồng thuận của người Việt, và khó mà xử lý. Đấy là mặt trái của cái gọi là hiện tượng “Chạy trốn khỏi Trung Quốc”.

Hậu đại dịch, các hoạt động thâu tóm, sáp nhập do đó, có nhiều điều phức tạp cần phải được nhìn nhận đúng thực trạng để các giải pháp đưa ra, là hợp lý. Nó đòi hỏi những người trong cuộc phải là người có nghề. 

Thị trường M&A Việt Nam trong năm 2020 ước tính đã suy giảm 49% về giá trị giao dịch, xuống còn 3,5 tỉ USD. Hầu hết các thương vụ diễn ra trong những lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu mua bán đầu tư và sáp nhập doanh nghiệp (CMAC). 

Hoạt động M&A được dự báo chỉ hồi phục từ giữa năm 2021 để lên mức khoảng 4,5 - 5 tỉ USD trong năm nay và trở lại mức trước dịch khoảng 7 tỉ USD vào năm 2022. Tỉ lệ các công ty Việt Nam với tư cách bên mua trong những thương vụ cũng đã tăng từ 11,8% vào năm 2018 lên 33% năm 2020, tuy nhiên, tỉ lệ này cho thấy các công ty nội về cơ bản vẫn chỉ là mục tiêu mua lại của những hãng nước ngoài. 

Hầu hết đối tác của các công ty Việt Nam trong những thương vụ M&A này là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận