Tìm thấy bản Kiều cổ nhất

VŨ TOÀN 03/11/2007 00:11 GMT+7

TTCT - Gần 100 pho sách cổ về gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vừa được phát hiện trong gia đình một công chức ở TP Vinh (Nghệ An).

Phóng to
Bản Kiều cổ nhất - 1852

Điều thú vị nhất trong 100 pho sách này là lần đầu tiên độc giả của Truyện Kiều và giới Kiều học được nhìn thấy dòng chữ viết tay của học giả Lê Thước về giờ, ngày, năm sinh, nơi sinh của đại thi hào Nguyễn Du và một bản Kiều cổ nhất.

Không khỏi ngạc nhiên về giá trị văn học, lịch sử, địa lý... đang tiềm ẩn trong gần 100 pho sách rất cổ. Đặc biệt, nhiều cuốn sách chữ Hán Nôm được những tên tuổi dòng họ nổi tiếng này viết tay. Đặc biệt hơn, cuối một số cuốn còn nguyên lưu bút những suy ngẫm về thời thế, văn chương của họ.

Phóng to
Bộ sưu tập sách cổ

Khởi thảo cuốn bản thảo gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền do cụ Nguyễn Nghiễm viết. Sau đó cụ nghè tiến sĩ Nguyễn Mai tục biên (chép lại) thành bản gốc. Đây là cuốn gia phả gốc, rất chi tiết về dòng họ Nguyễn Tiên Điền lần đầu tiên được phát hiện.

Tiếp theo là cuốn gia phả lược trích tên, chức vụ phần đại tôn của dòng họ, tóm tắt những nét cơ bản và những biến đổi trong xã hội gây tác động lớn lao tới dòng họ từ đời thứ nhất đến đời thứ mười.

Cuốn này do con trai và con rể cụ Nguyễn Trọng (cháu cụ Nguyễn Mai) là Nguyễn Hiệu và Lê Văn Diễn viết vào đời Minh Mạng thứ 9 năm 1828. Cũng tại cuốn gia phả gốc, học giả Lê Thước (1891-1976) đã viết thêm vào phần cuối về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du. Có thể đọc thấy những dòng chữ: “Cụ Nguyễn Du sinh giờ Dần ngày 23-11 năm Ất Dậu (năm 1765 âm lịch - NV), hiệu Cảnh Hưng thứ 26, triều vua Hiến Tôn, nhà Lê (tức ngày 3-1-1766 dương lịch). Nơi sinh, ở biệt thự Trung cần công Nguyễn Nghiễm, tại phường Bích Câu, thành Thăng Long”.

Kế bên là Truyện Kiều chép tay (do mất bìa và một số trang nên chưa rõ năm ra đời) và cuốn Kim Vân Kiều lục, gồm 64 hồi (biến thể Truyện Kiều dùng cho hát trò Kiều) được chép tay năm 1852. Đây là bản Kiều được xem là cổ nhất hiện nay sau bản Kim Vân Kiều tân truyện của nhà tàng bản (khắc in) Liễu Văn Đường, in năm Tự Đức thứ 19 (1866) được phát hiện năm 2004 trong một gia đình giáo viên ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Phần sau cuốn Kim Vân Kiều lục là toàn bộ Hịch Văn Thân Nghệ Tĩnh cũng được viết tay bằng những nét chữ khá đẹp.

Phóng to
Bản Kiều chưa rõ năm ra đời

Ngoài ra, còn có rất nhiều cuốn sách quí khác, ví như cuốn Hát trò Kiều (ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân); Ngọc Hoa cổ tích truyện của vua Khải Định; tập thơ Nam Sơn Thám hoa của Nguyễn Đức Đạt viết tặng; một số bài thơ, câu đối đặc sắc của Nguyễn Hành; Huấn tự quốc ngữ ca (sách dạy con); bộ sách thuốc, châm cứu - 50 cuốn; bộ sách địa lý, thiên văn - 10 cuốn và cuốn Địa lý gia truyền bí quyết (gồm bản thảo, bản gốc) do cụ Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du) viết tay.

Cuối cuốn sách này, cụ Nguyễn Quỳnh viết: “Nếu đọc được sách hay và viết được sách hay có ý nghĩa như thế này thì cuộc đời tôi sẽ không làm gì hơn là chỉ đọc sách và viết sách. Vì những việc làm từ câu chữ trong sách sẽ giúp ích lớn cho đời”.

Ông Nguyễn Hải Nam, giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin - thể thao huyện Nghi Xuân, người phát hiện, sưu tầm 100 pho sách cổ này, cho biết: “Chủ nhân số sách quí là một cán bộ công chức ở TP Vinh, thuộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Khi tôi đến tìm, ông cho biết sách được cất giữ trong các thùng cactông, gác cẩn thận trên xà nhà.

Ông bảo: “Trước khi mất, cha tôi dặn tất cả sách này đều rất quí nhưng quí nhất là hai cuốn Truyện Kiều, cuốn gia phả và bộ sách thuốc nên được cất riêng trong một tráp gỗ sơn son”. Nhưng từ đó cho đến khi mang được toàn bộ số sách về trung tâm văn hóa huyện phải mất hai ngày thuyết phục, vì ông tưởng tôi đi buôn sách cổ thì hỏng hết. Rất may, tôi cũng là con cháu họ Nguyễn Tiên Điền, lại làm ở Trung tâm Văn hóa Nghi Xuân nên ông tin và cả quyết giao cho”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận