Dân biểu và nhóm lợi ích, hay đạo đức nào cho chuyện vận động hành lang

LÊ QUANG 03/06/2019 19:06 GMT+7

Một trong những lý do để ông Donald Trump đặt chân được vào tòa Bạch Ốc một cách bất ngờ là lời hứa xây tường biên giới ngăn chặn người Mexico thâm nhập trái phép vào Mỹ, đánh trúng tâm lý bài ngoại của một số đông dân Mỹ nghèo.

 

Nhưng điều mà ông và tất cả những người tiền nhiệm của ông đều biết mà không dám nói trắng ra là: bản thân chính sách đối ngoại của Mỹ đã gây ra làn sóng nhập cư lậu ấy, chẳng khác gì biển người Trung Đông, Bắc Phi… tràn vào châu Âu hôm nay, khi chính một số cường quốc Liên minh châu Âu (EU) lại cũng là cường quốc xuất khẩu vũ khí, không châm ngòi thì cũng dung dưỡng các lò lửa chiến tranh toàn cầu, đẩy dân lành vào cảnh tha phương cầu thực.

Cứ tưởng không có sự liên quan gì: đằng sau nhiều quyết định của quốc gia là nhóm lợi ích và sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích thường là kết quả của các vận động hành lang nghị viện, mà ta quen gọi là lobby, tức là khi các vị dân biểu lại đi “biểu dân”… làm bậy.

Cao bồi Viễn Tây trong trường học

Nước Mỹ có một lịch sử rất đáng chú ý. Tôi chủ ý không dùng chữ “hào hùng” vì thực ra ở Mỹ chẳng có gì là Mỹ cả: đất đai thì cướp của người da đỏ, khoáng sản đào lên từ mảnh đất mà Christopher Columbus nhầm là Ấn Độ, bản thân lá quốc kỳ Cờ Hoa cũng sặc sỡ như đám dân tứ chiếng từ vài chục quốc gia đổ qua đó đãi vàng và đến thế kỷ 21 vẫn chưa xóa nổi điều khoản trong hiến pháp cho phép vác súng đi nhông nhông ngoài đường như thời cưỡi ngựa đi khai phá miền Tây hoang dã.

Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ từ 15-12-1791 là cơ sở cho tình trạng hiện tại: 43% dân Mỹ sống trong một gia đình có ít nhất một khẩu súng; 300 triệu khẩu súng, từ súng lục đến súng máy, đang lưu hành ở xứ này và mỗi năm có 30.000 người ở Mỹ chết vì súng đạn, bằng nửa số lính Mỹ bỏ mạng ở Việt Nam ngày nào.

Tôi còn định nhắc sơ sơ một ví dụ gần đây, nhưng ngại là những sự kiện kiểu đó xảy ra quá nhiều khiến người đọc sinh ra lãnh đạm. Cụ thể: David Hogg, Lauren Hogg và Emma González là 3 học sinh Trường Marjory Stoneman Douglas ở Parkland (Florida). Sau vụ nổ súng ở đó hồi tháng 2-2018 làm 17 người chết, 3 học sinh trên tổ chức “March for Our Lives” (Tuần hành vì mạng sống của chúng tôi), cuộc biểu tình lớn nhất trong năm tại Washington, đòi sửa luật vũ khí. Một thời gian dài, dường như 3 cô cậu học trò giành được thế thượng phong và đẩy Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) vào thế bí.

Tiếc rằng ông chủ mới ở Nhà Trắng đã hùa về phe súng ống và thậm chí khuyên nên cho giáo viên đem súng theo người khi dạy học “để có thể can thiệp trước khi cảnh sát kịp đến hiện trường!”.

Ông còn nhấn mạnh: “Tám năm công kích quyền hiến định đã chấm dứt” để ám chỉ nỗ lực của người tiền nhiệm Obama cấm người bị bệnh tâm thần mua và sở hữu súng! Tòa án Tối cao Mỹ cũng chỉ đợi tân tổng thống nhậm chức để tức khắc thu hồi quy định bắt người mua vũ khí phải đợi 5 ngày kiểm tra, rồi mới được nhận súng và không được mua băng đạn trên 10 viên.

Chưa bao giờ tổ chức lobby súng đạn NRA in tiền đàng hoàng như dưới thời Trump. Sẽ quá ngây thơ nếu tin là NRA không hỗ trợ vận động tranh cử để giành một chỗ ngồi ấm áp chốn nghị trường, đặng biểu quyết cho các đạo luật “dễ thở” hơn ở từng bang riêng lẻ…

Nhân thể cũng xin kể là Hoa Kỳ có chừng 20.000 luật vũ khí khác nhau! NRA công khai quyên góp cho Trump 30 triệu USD để vận động tranh cử và khi lên ngôi, Trump cũng là tổng thống đầu tiên từ 30 năm nay đến dự cuộc họp thường niên của NRA. Trong khi đa số áp đảo người dân Mỹ (57% theo thăm dò của Pew tháng 12-2018) muốn luật súng ống chặt hơn, các vị dân biểu của họ đã không nghe thấy điều đó.

Những tay vận động hành lang đứng sau Luật ủng hộ súng đạn của bang Florida (Mỹ) (Ảnh: The New Yorker)

Quy luật đồng tiền

Cái thời mà thổ dân da đỏ bị cao bồi Mỹ mua chuộc và dần dần đầu độc bằng whiskey đã qua lâu rồi, hôm nay bia rượu đã là một cấu phần không thể thiếu trong cuộc sống, bất kể chỉ là ly rượu “thuốc” mỗi bữa cơm tối hay trong các dịp cưới xin, ma chay, sinh nhật… Và dường như ta không còn lựa chọn nào khác ngoài chung sống với dàn hợp xướng zô zô zô xung quanh?

Chẳng hạn nói đến người Đức là người ta nghĩ ngay đến bia. Nghe chừng vô hại, song bia mới chỉ là một khởi đầu khá nhẹ nhàng của tật lạm dụng chất cồn. Mỗi năm có chừng 74.000 người Đức chết trực tiếp hay gián tiếp vì bia rượu (để so sánh: chỉ 1.300 người chết do ma túy!), vậy mà nhà nước không hề nâng thuế tiêu thụ đặc biệt trong 4 thập kỷ qua, thậm chí còn miễn thuế cho rượu vang!

Cùng thời gian, giá rượu vang hạ 38%, rượu mạnh 33% và bia 26% - quả là những con số đáng nâng ly chúc mừng! Quốc hội và Chính phủ Đức liệu có biết là tổn hại từ rượu mỗi năm gây ra thiệt hại chừng 40 tỉ euro (theo thống kê mới nhất của Tuần hành động chống chất cồn vừa chấm dứt hôm 27-5-2019)?

Đằng sau các quy định lỏng lẻo và dường như “thân thiện” ấy là cả một guồng máy lobby vô cùng hùng mạnh của các nhà sản xuất rượu bia.

Đừng nghĩ ngay đến mấy phong bì luồn vào túi các chính trị gia, ảnh hưởng của các tập đoàn bia rượu và thuốc lá bắt đầu từ việc nghị viện Đức tranh cãi lê thê không dứt về lệnh cấm quảng cáo các chất gây nghiện. “Ở Đức, giới công nghiệp luôn thắng thế với những lợi ích của mình - theo Mariann Skar, chủ tịch Eurocare, một tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực chính sách bia rượu - Nước Đức luôn chống lại các điều cấm cụ thể”.

Bởi chẳng chính đảng nào thắng nổi lý lẽ của nhà sản xuất: chẳng lẽ sa thải công nhân ngành bia rượu vì bán được ít sản phẩm đi, chẳng lẽ triệt phá chỗ làm việc trong lĩnh vực quảng cáo vì ít hợp đồng đi và tại sao không cấm các sản phẩm nhiều mỡ, nhiều đường, nhiều bột ngọt… vốn cũng gây chết người không kém? Chính những người bị ra đường nếu tăng thuế cũng là cử tri trong kỳ bầu cử sắp tới đó! Và cứ thế, quảng cáo bia rượu được phát vào giờ vàng, khi cả gia đình quây quần quanh bàn ăn tối.

Ở đây càng thấy rõ quy luật đồng tiền: như không quả phạt góc nào ở sân bóng đá không diễn ra trước quảng cáo Coca-Cola, mọi bữa tiệc lớn với thủ tướng hay tổng thống không thể thiếu tên hãng bia in to tướng trên ly và được khéo léo xoay về phía ống kính. Doanh số của các hãng bia Đức mỗi năm chừng 7 tỉ euro, rượu cũng chừng ấy, không có má phanh chính sách áp vào thì sẽ không có gì thay đổi.

Chỉ cần ngó qua hàng xóm Bắc Âu để thấy việc hạn chế khả năng kiếm chất cồn và tăng thuế có tác động ra sao: một chai Vodka Absolut ở Thụy Điển giá 239 kroner hay 27 euro, trong khi ở Đức chỉ 12 euro; muốn mua một lon bia 0,33 lít Koenig Pilsener ở Stockholm phải trả khoảng 1,20 euro, số tiền đủ để uống cả lít bên Đức.

Kiểm soát lobby, được không?

Trước tiên phải nói vận động hành lang ở cơ quan lập pháp không phải là điều cấm. Công việc lobby thoạt tiên là cách tiếp cận các thế lực cầm cân nảy mực với ý nghĩa giải trình, hỗ trợ và song hành về chuyên môn hẹp với công tác lập pháp. Vấn đề chỉ xảy ra, như mọi bệnh tật trên đời này, khi nó biến thái và đặc biệt khi thành viên của nhà lập pháp hòa theo sự biến thái đó.

Cuộc bầu cử Nghị viện EU vừa qua không thể thiếu một chương trình được đem ra bàn cãi gay gắt. Ở tầng đầu não của EU, Bruxelles, hiện có chừng 25.000 người làm lobby, chuyên tìm cách gây ảnh hưởng đến các cơ quan EU. Họ có quỹ hoạt động khoảng 1,5 tỉ euro/năm và không ngạc nhiên khi 70% số đó là lực lượng cơ hữu của các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn nhỏ (theo tài liệu của LobbyControl, một tổ chức xã hội dân sự độc lập).

Các chuyên gia lobby ấy có kênh liên lạc ưu ái với các cao ủy EU và thường xuyên “cung cấp” cho các nghị sĩ mọi đề nghị về sửa đổi luật và dự luật. Theo LobbyControl, nền dân chủ châu Âu đang có nguy cơ bị thao túng bởi “con bạch tuộc” lobby hiện tại.

Như đã nói, khởi thủy lobby là một công tác công khai và minh bạch, cũng không thể cấm một doanh nghiệp hay tập đoàn nào đó quảng cáo cho mình và ngành mình. Song ví dụ Bruxelles cho thấy đã đến lúc phải tạo ra một cơ chế kiểm tra dưới dạng danh mục đăng ký các chuyên gia lobby, thường xuyên soi chiếu các nguy cơ tiềm năng của lợi ích nhóm.

Và sau cùng, thật khó đòi hỏi luật pháp phải đi nhanh hơn cuộc sống, vì thực tế nó luôn bị chậm chân và chỉ phản ứng đối với cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Khi đó cần một cơ chế minh bạch và cái gọi là kim chỉ nam đạo đức đối với người đại biểu dân cử. Vì họ là người đại diện cho cử tri, phát ngôn và cách hành xử của họ thường mang tính định hướng hay ít nhất là gương mẫu đối với quần chúng.

Suy ngược lại, mỗi sai lầm của họ có trọng lượng hay tác hại trực tiếp và sâu sắc hơn. Một câu buông thả bên bàn bia không có tác động gì mấy, nhưng một lời với truyền thông của các vị dân biểu thì phải đặt lên cân tiểu ly.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận