Vì sao 5G là cơn cớ xung đột thương mại

NGUYỄN VẠN PHÚ 04/06/2019 22:06 GMT+7

Tiềm năng cũng như kỳ vọng to lớn đặt vào mạng 5G là nguồn cơn, đồng thời là đích ngắm của cuộc xung đột Mỹ - Trung hiện nay.

Ảnh: CPA Canada
Ảnh: CPA Canada

Có thể chúng ta đã quên, nhưng khi chiếc điện thoại iPhone đầu tiên được Steve Jobs giới thiệu vào năm 2007, nó thậm chí chưa hỗ trợ mạng 3G - dù mạng 3G đã ra đời từ năm 2000. 

Nước Mỹ lúc đó triển khai 3G rất chậm chạp so với các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Lúc đó, điện thoại của Nokia thống trị thị trường nhờ trước đó châu Âu đã ứng dụng rộng rãi mạng 2G, kích thích hàng loạt đột phá trong các thế hệ điện thoại Nokia liên tục ra đời.

Thế nhưng lúc thế hệ iPhone chạy được 3G ra mắt vào tháng 7-2008, nền kinh tế dựa vào ứng dụng di động (app) của Mỹ nhanh chóng khởi động và cất cánh. Apple giới thiệu App Store; Google chào hàng hệ điều hành Android, cũng làm kho chứa app trên mây.

Ngẫu nhiên Facebook khiến mọi người chuyển dần từ máy tính để bàn, laptop qua điện thoại thông minh cầm tay; cả ba giúp doanh nghiệp Mỹ lan tỏa ra và dần thống trị cả thế giới. Lần này Mỹ xây dựng mạng 4G rất nhanh và hiệu quả thấy rõ: Nokia lụi tàn, các hãng làm điện thoại của Nhật cũng dần đầu hàng rút lui.

Đến đây chúng ta bắt đầu thấy các nước nhảy vào cuộc đua 5G. Ở Việt Nam, chúng ta thường nghe nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0; các nước thì không còn nói chuyện đó nhiều nữa, mà lại thích nói về “Internet of things” - Internet vạn vật. Họ hình dung trong tương lai gần, mọi đồ vật xung quanh ta sẽ được kết nối, trở thành thông minh, tự động hóa mọi hoạt động của con người; từ xe tự lái đến bản đồ chỉ đường 3D theo thời gian thật, từ khám chữa bệnh từ xa đến ngôi nhà thông minh, mọi thứ được điều khiển bằng giọng nói.

Thực tế hiện nay càng củng cố kỳ vọng đó. Thử nghĩ mà xem, nếu không có 3G hay 4G mạnh, làm sao Uber hay Grab hoạt động, làm sao Netflix hay Spotify thỏa mãn người dùng, làm sao sử dụng Google Maps để lái xe ở thành phố lạ...

Kết nối là chìa khóa cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng để khi ta bước vào siêu thị, màn hình điện thoại có thể báo ngay đang có những chương trình giảm giá nào chào mời. Để làm được điều đó, cần có mạng 5G được cho là mạnh gấp 600 lần mạng 4G, gấp 10 so với cáp quang, để một phim độ phân giải cao 4K tải về chỉ mất 25 giây...

Nhưng sự đời không đơn giản như thời 4G nữa. Trung Quốc, ý thức rất rõ không thể suốt đời làm gia công cho các nước phương Tây theo kiểu phân công toàn cầu hóa, đã đầu tư rất sớm vào những công nghệ đột phá của thế kỷ 21 như trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện gương mặt và đặc biệt là xây dựng cả phần cứng lẫn phần mềm cho mạng 5G - đi đầu là Huawei.

Ảnh: Washington Post
Ảnh: Washington Post

Phải sòng phẳng mà nói trong lĩnh vực này, Mỹ thua sút rõ rệt và các hãng còn lại của châu Âu như Nokia, Ericsson chưa bắt kịp Huawei trong nhiều lĩnh vực, chưa kể Huawei có một lợi thế to lớn là giá bán, rẻ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.

Theo điều tra của Hãng tin Reuters, chính Úc là nước đầu tiên cảnh báo mối nguy khi thế giới dựa vào Huawei để xây dựng mạng 5G. Theo kịch bản mô phỏng các cuộc tấn công mạng trong tương lai, nếu thiết bị Huawei trên mạng 5G có những “cửa hậu” để tin tặc dễ dàng đột nhập thì an ninh của các nước sẽ bị đe dọa trực tiếp. 

Thử tưởng tượng cảnh tin tặc đột nhập chiếm quyền kiểm soát hệ thống điện, nước, giao thông công cộng, điều khiển không lưu, rối loạn ắt sẽ xảy ra trên diện rộng. Thử tưởng tượng đường phố toàn xe tự lái chạy bon bon bỗng tin tặc điều khiển cho chúng tông vào nhau! Hay một ngày đẹp trời các mạng viễn thông bị ngắt, điện thoại thành cục gạch, thử hỏi ai mà không lo sợ.

Nỗi lo càng được củng cố bởi các cáo buộc rằng Huawei nhận trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc để nhanh chóng phát triển mạng 5G, thậm chí Huawei đánh cắp công nghệ của các nước, ép chuyển giao công nghệ...

Chính vì thế, Úc là nước đầu tiên cấm cửa Huawei, sau đó đến Mỹ. Châu Âu, đặc biệt là Anh, vẫn còn lưỡng lự giữa quan ngại về an ninh và mức giá rẻ Huawei chào mời. Những động thái gần đây của Mỹ như cấm mạng 5G của Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei, cấm doanh nghiệp Mỹ bán công nghệ cho Huawei... chỉ là những bước đi chiến thuật của cả một chiến lược được suy tính kỹ càng.

Các cáo buộc qua lại chỉ là cái cớ bên ngoài, mong muốn sâu xa của Mỹ là cùng các nước đồng minh loại Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi 5G mà ai thắng thì người đó sẽ chế ngự thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc muốn thoát khỏi vòng kim cô “toàn cầu hóa”, thoát phận cứ mãi làm gia công, để vươn lên thành cường quốc công nghệ. Tham vọng của hai bên không thể điều hòa, nên xung đột xảy ra là điều khó tránh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận