Người dân sẽ được gì từ kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc?

DANH ĐỨC 27/09/2019 18:09 GMT+7

Ngay trước hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc, các nhà khoa học hàng đầu đã cảnh báo biến đổi khí hậu tấn công mạnh hơn và sớm hơn dự báo. Trong ảnh là con sông băng lớn nhất ở dãy Alps của Thụy Sĩ, Aletschgletscher, đang tan chảy nhanh chóng và có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100. Ảnh: UN/ Geir Braathen
Ngay trước hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc, các nhà khoa học hàng đầu đã cảnh báo biến đổi khí hậu tấn công mạnh hơn và sớm hơn dự báo. Trong ảnh là con sông băng lớn nhất ở dãy Alps của Thụy Sĩ, Aletschgletscher, đang tan chảy nhanh chóng và có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100. Ảnh: UN/ Geir Braathen

TTCT - Trong kỳ họp năm nay, cùng lúc đã diễn ra nhiều hội nghị cấp cao. Trong số đó, gắn với lợi ích thiết thân của dân chúng nhất, hẳn phải nói tới Hội nghị cấp cao về phổ cập y tế cho mọi người, diễn ra hôm thứ hai 23-9.

Bản Tuyên bố chính trị của hội nghị này nêu rõ quyết tâm chung: “Chúng tôi, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ và đại diện các quốc gia và chính phủ...

1. Khẳng định lại quyền của mỗi con người đối với việc thụ hưởng các tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần, không phân biệt bất kỳ ai;

...6. Thừa nhận rằng bảo hiểm y tế toàn cầu có nghĩa là tất cả mọi người và cộng đồng đều có thể sử dụng các dịch vụ y tế tiên tiến, phòng ngừa, chữa bệnh, phục hồi chức năng và giảm nhẹ mà họ cần, đủ chất lượng để có hiệu quả, đồng thời đảm bảo rằng việc sử dụng các dịch vụ này không khiến cá nhân và gia đình gặp khó khăn về tài chính”.

Các lãnh đạo thế giới cũng thừa nhận thực trạng sau:

“...d. Với tốc độ hiện tại, đến năm 2030 sẽ có đến 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được phục vụ, không tiếp cận được các dịch vụ y tế...

e. Tiến bộ đạt được ở cấp độ toàn cầu là không đồng đều do sự bất bình đẳng cả giữa các quốc gia và bên trong các quốc gia...”.

Làm sao để công bằng trong chăm sóc sức khỏe ?

Từ đó, các lãnh đạo thế giới thừa nhận tầm quan trọng cơ bản của sự công bằng, sự gắn kết xã hội và các cơ chế bảo vệ xã hội đảm bảo tiếp cận chăm sóc sức khỏe mà không gặp khó khăn về tài chính cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương hoặc thiệt thòi (điều 12).

Để điều chỉnh lại xu hướng “kinh tế thị trường hóa” các dịch vụ chăm sóc y tế và giảm chi ngân sách cho y tế công cộng, các lãnh đạo cam kết tăng chi tiêu công trong nước, mở rộng các nguồn lực được phân bổ cho y tế, tối đa hóa hiệu quả và công bằng của các chi tiêu y tế, để mang lại hiệu quả cho các dịch vụ sức khỏe thiết yếu, cải thiện phạm vi chăm sóc bảo hiểm, giảm nguy cơ nghèo đi (vì chữa trị) và bảo vệ khỏi các rủi ro tài chính (điều 32).

Để làm được điều trên, các lãnh đạo cam kết sẽ tăng phân bổ ngân sách cho y tế dựa trên kiến trúc của hệ thống y tế quốc gia, mở rộng không gian tài khóa và ưu tiên chi tiêu trong ngành y tế, tập trung vào bảo hiểm y tế cho mọi người.

Trong vấn đề này, khuyến khích các nước, đặc biệt là những nước chưa đạt được mức tối thiểu 5% GDP cho chi tiêu công cho y tế, tăng chi tiêu công từ 1 - 2% GDP để mở rộng quyền tiếp cận tất cả các dịch vụ y tế thiết yếu được xác định trên toàn quốc, nhằm đạt được mục tiêu đó hoặc cao hơn vào năm 2030 (điều 34).

Đây là một tuyên bố chính trị rất rõ ràng của các lãnh đạo tham dự hội nghị, sau khi một số quốc gia đã bước ra khỏi cái khuôn khổ “duy xã hội” là phổ cập chăm sóc sức khỏe cho mọi người để nhảy vào cái khuôn khổ “duy thị trường” để rồi cắt giảm ngân sách y tế.

Trang web của chương trình UHC 2030 (Phổ cập chăm sóc sức khỏe cho mọi người của Liên Hiệp Quốc tiến tới năm 2030) giải thích rất rõ cho phái “duy thị trường”: “Đầu tư vào y tế chính là một thành phần then chốt của các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn con người và sự tham gia của lực lượng lao động, đặc biệt là đối với phụ nữ”.

Trên một bình diện khác, cho tới nay giá thuốc cũng như các kỹ thuật y tế vẫn luôn là gánh nặng đối với ngân sách quốc gia cũng như các cá nhân do sự khống chế của một số tập đoàn qua những luật lệ bảo vệ lợi ích các tập đoàn này.

Nay, các lãnh đạo thế giới nhất định sẽ cải thiện nguồn cung, giá cả phải chăng và hiệu quả của các sản phẩm y tế thiết yếu bằng cách tăng tính minh bạch trong việc định giá thuốc và các kỹ thuật y tế thông qua việc cải thiện các quy định và xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các ngành công nghiệp để giải quyết mối quan tâm toàn cầu về giá cả cao của các sản phẩm y tế thiết yếu (điều 40).

Đây chính là một hồi chuông cảnh tỉnh những xã hội nào đã và đang để cho các nhóm lợi ích thao túng thị trường thuốc, kể cả bằng sự sống còn của các công dân - bệnh nhân bằng cách toa rập đưa giá thuốc, đặc biệt là các thuốc đặc hiệu, lên tận mây xanh...

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tán thưởng sự thông qua này. “Chăm sóc y tế phổ cập là một lựa chọn chính trị: Hôm nay các nhà lãnh đạo thế giới đã báo hiệu sự sẵn sàng của họ để đưa ra lựa chọn đó” - ông nói.

Trang web của chương trình UHC 2030 còn đi xa hơn thế khi tuyên bố “hậu thuẫn các quy định quốc tế và quốc gia đồng thời chống trốn thuế và tham nhũng thông qua hợp tác với các bộ tài chính, kho bạc quốc gia và các cơ quan chống tham nhũng các quốc gia để đảm bảo rằng những người và các thực thể có thế lực phải trả giá sòng phẳng”.

Ít nhất cũng có một chút ánh nắng trong khóa họp năm nay. Và các chính phủ có 11 năm để hoàn thành những cải cách này, theo tổng giám đốc WHO.

Làm gì trước khí hậu đe dọa ?

Cũng trong ngày thứ hai 23-8, Thượng đỉnh Hành động khí hậu đã diễn ra dưới sự chủ tọa của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Ông giải thích rất rõ về tên của thượng đỉnh này: “Đây không phải là một hội nghị thượng đỉnh bàn về khí hậu. Chúng tôi đã bàn đủ rồi. Cũng không phải là để đàm phán. Bạn không thể đàm phán với thiên nhiên. Đây là một thượng đỉnh hành động vì khí hậu”.

Đúng là thiên nhiên đâu cho phép đàm phán. Thượng đỉnh năm nay diễn ra trong bầu trời xám xịt ở một phần Đông Nam Á, từ Indonesia, Malaysia, Singapore sang tận Việt Nam. Trong khi báo chí Việt Nam đầu tuần chạy những tít “Trời mù mịt do đâu chẳng biết”, báo chí Malaysia cũng chạy những tựa lo lắng y vậy: “Khói mù phủ kín phần lớn bán đảo Malaysia” (The Malaysian Reserve 23-9-2019).

Nhật báo New Strait Times của Malaysia 23-9 đăng trong mục Ý kiến một bài của Vinod Thomas, nguyên phó chủ tịch cao cấp Nhóm lượng giá độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB), kêu gọi “Liên Hiệp Quốc cần hành động, hiện các nước đang ngạt thở” trước tình hình các đám cháy diễn ra ở nhiều nơi và gây khói bụi khủng khiếp.

Tác giả mạnh mẽ yêu cầu: “Liên Hiệp Quốc nên coi đó là một tội ác chống lại loài người, nêu tên thủ phạm, yêu cầu các nhà lãnh đạo quốc gia phải có hành động và các biện pháp hỗ trợ tài chính để chống lại các đám cháy này”.

Đề xuất này, trong lúc này, có thể là cực đoan, song biết đâu với “đà tiến hóa” của loài người, các hành vi phá hoại thiên nhiên sẽ có lúc bị khép vào tội ác chống lại loài người.

Vấn đề là làm gì để cho nhân loại “tiến hóa” trong chiều hướng bảo vệ thiên nhiên như con ngươi của mình?

Liên Hiệp Quốc đã ưu tiên các danh mục hành động sau đây, được công nhận là có tiềm năng cao trong việc hạn chế khí thải nhà kính và tăng hành động toàn cầu về thích ứng và khả năng phục hồi:

1/ Chuyển đổi năng lượng: nhanh chóng ra khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng tái tạo, tăng hiệu quả năng lượng;

2/ Chuyển đổi công nghiệp: chuyển đổi các ngành như dầu khí, thép, ximăng, hóa chất...

3/ Giảm khí thải, tăng khả năng hấp thu và khả năng phục hồi trong và giữa các hệ thống lâm nghiệp, nông nghiệp, đại dương và thực phẩm, bao gồm thông qua bảo tồn đa dạng sinh học, tận dụng chuỗi cung ứng và công nghệ;

4/ Thúc đẩy giảm thiểu và khả năng phục hồi ở các đô thị và các địa phương, tập trung vào các cam kết mới về các tòa nhà ít phát khí thải, giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng đô thị; và khả năng phục hồi cho người nghèo đô thị;

Để thực hiện các mục tiêu trên, mỗi quốc gia đề ra những kế hoạch “Đóng góp do quốc gia tự xác định” (NDC) theo Thỏa thuận Paris cùng các chiến lược dài hạn để đạt được các mục tiêu là giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 2°C so với mức trước thời tiền-công nghiệp, và nếu có thể đến 1,5°C. Trong đó, Việt Nam đã cam kết giảm lượng phát thải hằng năm với nguồn lực trong nước ở mức 8% tới năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, Việt Nam có thể đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính ở tất cả các lĩnh vực phát thải, bao gồm sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), nông nghiệp, chất thải và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng.

Nôm na mà hiểu: sẽ thôi không cho xây các nhà máy nhiệt điện và các khu công nghiệp luyện thép lò cao kiểu cổ như đã thấy, thôi sản xuất xe hơi và xe gắn máy theo tiêu chuẩn khí thải thấp tè như hiện nay để có lợi cho các nhà sản xuất, thôi sử dụng phân bón như hiện nay...

Ông Macron, tổng thống nước chủ trì Thỏa thuận Paris, nói rằng hãy để cho giới trẻ xắn tay làm công việc chống lại biển đổi khí hậu.

Thử nghe lại thông điệp của cô bé 16 tuổi Greta Thunberg tại hội nghị này: “Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang bắt đầu một cuộc tuyệt chủng hàng loạt, và tất cả những gì quý vị có thể nói là tiền và những câu chuyện cổ tích về sự tăng trưởng kinh tế vĩnh cửu. Làm thế nào quý vị dám ngoảnh mặt nhìn đi chỗ khác và đến đây nói rằng quý vị đã làm đủ rồi?”.

Chúng ta đã “làm đủ rồi” hay chưa?■

Một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu (là Đông Nam Á) đang chứng kiến sự phát khí thải nhà kính tăng vọt nhất thế giới.

Từ 1990 - 2017, tổng phát thải khí CO2 ở Việt Nam tăng 10,8 lần (từ 20.182,30 năm 1990 lên 218.728,54 kiloton năm 2017), Malaysia là 4,3 lần (từ 59.225,41 lên 258.782,97), Thái Lan tăng 3 lần (từ 93.008,72 lên 279.296,23).

Tất nhiên, xuất phát điểm của công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Việt Nam mới từ thập niên 1990 trong khi các nước kia đã xuất phát trước từ lâu, nên mức độ tăng thải khí CO2 ở Việt Nam mới dữ dội như giờ đây đang thấy qua những mù mịt ở Hà Nội và TP.HCM...

Vấn đề là phải chọn lựa giữa (1) cứ tiếp tục đà “phát triển” này, mà trong các văn kiện về biến đổi khí hậu gọi là BAU (business as usual), diễn nôm là cứ xả thải như cũ, hay (2) dứt khoát thay đổi tận gốc theo các chương trình của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã cam kết để sống còn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận